Châu Âu rầm rộ truy quét tội phạm
Cảnh sát châu Âu (Europol) ngày 24.9 ra thông cáo cho biết đã bắt giữ hơn 1.000 nghi phạm trong chiến dịch truy quét tội phạm Archimede kéo dài từ ngày 15 - 23.9, theo AFP.
Tại cuộc họp báo ngày 24.9 ở The Hague (Hà Lan), Giám đốc Europol Rob Wainwright nhận định đây là đợt truy quét các tổ chức tội phạm lớn nhất từ trước đến nay ở châu Âu, với sự tham gia của 20.000 cảnh sát và nhân viên an ninh thuộc 28 nước EU cùng các quốc gia đối tác như Mỹ, Úc, Colombia…
Europol đã lên kế hoạch trong vòng nhiều tháng trước khi chính thức mở màn chiến dịch Archimede vào ngày 15.9.
Các nhà điều tra đã tập trung vào 9 dạng tội phạm có tổ chức, bao gồm: buôn người, buôn ma túy, tổ chức nhập cư trái phép, sản xuất hàng giả, tội phạm mạng…
Tổng cộng, cảnh sát đã cứu được 200 nạn nhân của các tổ chức buôn người ở Đông Âu, trong đó có 30 trẻ em. Những người này nếu không được cứu sẽ bị bán cho các đường dây mại dâm, lao động “chui” còn trẻ em có thể bị bắt đi ăn xin, móc túi…
Ngoài ra, Europol đã thu giữ 600 kg cocaine, 200 kg heroine, 1,3 tấn cần sa, 13 siêu xe… Phần lớn số tang vật, cảnh sát thu của các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia với nguồn hàng từ Colombia.
Nước có nhiều nghi phạm bị bắt nhất là Tây Ban Nha (250 người), kế đến là Bulgaria (200 người).
Theo ông Wainwright, nhiều khả năng Europol sẽ tiếp tục bắt giữ thêm nhiều nghi phạm sau khi thu thập thông tin từ những người đã bị bắt.
-----------------------
Thủ tướng Ukraine: 'Còn Putin thì Ukraine không thể đòi lại Crimea'
Ngày 24-9, thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk phát biểu tại trung tâm Council on Foreign Relations ở New York: một khi Vladimir Putin còn là Tổng thống Nga, rất khó để Ukraine kiểm soát bán đảo Crimea.
Crimea là là vùng lãnh thổ từng thuộc Ukraine trước khi được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Cuộc sáp nhập xảy ra sau khi hàng loạt vụ biểu tình, bạo loạn ở Ukraine hồi đầu năm.
Chính quyền Moscow đã nhiều lần khẳng định cuộc trưng cầu dân ý để Crimean ly khai khỏi Ukraine là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, phương Tây và chính quyền Kiev đến nay vẫn không công nhận tính hợp pháp của việc sáp nhập Crimea vào Nga.
Khi được hỏi bởi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lý do Ukraina sử dụng pháo binh và các vũ khí chống lại thường dân ở vùng phía đông, Yatsenyuk cho biết: "Các nhà chức trách Kiev đã không ra lệnh cho lực lượng vũ trang Ukraina sử dụng vũ khí chống lại thường dân ở Crimean".
Theo ông, các “sự cố” có thể là là sự vi phạ của lực lượng tình nguyện quân ở miền Đông ủng hộ chính quyền Kiev, vốn không được kiểm soát chặc chẽ.
Ông cũng cho biết Ukraina sẵn sàng điều tra về các cáo buộc này và đề nghị đại diện HRW gửi các bằng chứng họ cho chính quyền Kiev.
-----------------------
Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết 'chống khủng bố'
Ngày 25.9, The Guardian cho biết phiên họp vừa qua của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là một phiên họp hiếm gặp trong lịch sử 68 năm của hội đồng này.
Tất cả 15 thành viên bỏ phiếu đồng thuận với nghị quyết do Mỹ đề xuất, thúc đẩy cuộc chiến "chống lại các chiến binh khủng bố nước ngoài", theo cách nói của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây chỉ mới là lần thứ 6 trong lịch sử, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đạt được đồng thuận 100% như vậy.
Thỏa thuận đạt được này nhằm chống lại "làn sóng trỗi dậy của những binh sĩ, chủ yếu tại Iraq và Syria, trong những năm gần đây", The Guardian dẫn lời ông Obama.
Theo nghị quyết này, tất cả quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc "cần ngăn chặn và chống lại các hoạt động chiêu mộ, tổ chức, chuyên chở hoặc trang bị cho các cá nhân" - những đối tượng sẽ ra nước ngoài tham gia vào hoạt động khủng bố, theo The Guardian.
Các quốc gia cũng được yêu cầu phải "ngăn chặn hoạt động của các phần tử hoặc tổ chức khủng bố" trên lãnh thổ của họ bằng việc kiểm soát chặt chẽ biên giới cũng như quá trình cấp giấy tờ tùy thân, hộ chiếu du lịch..., the The Guardian.
"Những tên khủng bố này làm trầm trọng thêm mâu thuẫn, đe dọa người dân tại những khu vực trên, nhưng chúng ta đã chứng kiến một vài trường hợp, chúng tìm cách trở về quê nhà và gây ra những cuộc tấn công đẫm máu", theo Tổng thống Mỹ.
Chính phủ các nước phương Tây, các nước Ả Rập vốn lân cận Iraq và Syria gần đây lên tiếng cảnh báo công dân của họ gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tăng nhanh.
Không có con số chính xác được đưa ra, tuy nhiên ông Obama cho rằng con số thật lớn hơn số liệu 15.000 người từ 80 quốc gia được đưa ra trước đó.
Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi các quốc gia phải ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, bao gồm việc nghiêm cấm "thuyết giảng về thù hận" và chiến đấu với các "ý thức hệ độc hại".
Ông Cameron cho rằng những hành động như chặt đầu, móc mắt hoặc hiếp dâm "là những bản tính từ thời trung cổ".
"Tuy nhiên, một trong những khía cạnh ghê tởm nhất của điều này, là chúng ta ngấm vào các công dân trẻ, từ những quốc gia hiện đại và giàu có", theo Thủ tướng Anh.
"Hành động của chúng ta phải nhanh chóng và lâu dài", Tổng thống Pháp François Hollande cho biết. Ông này cũng nói rằng chính phủ Pháp sẽ ngăn chặn những phần tử quá khích xuất cảnh, đồng thời đánh sập các website Hồi giáo cực đoan.
The Guardian dẫn lời Tổng thống Obama cho biết hiện đã có 104 quốc gia trên thế giới ủng hộ nghị quyết trên.
-----------------------
Nhật tăng cấm vận Nga
Ngày 24-9, chính phủ Nhật tuyên bố tăng cường các biện pháp cấm vận Nga vì khủng hoảng Ukraine và chỉ trích việc một quan chức Matxcơva thăm quần đảo tranh chấp Kuril.
Theo Reuters, Tokyo ra lệnh cấm một số ngân hàng Nga phát hành chứng khoán tại Nhật và hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Nga. Đây là lần thứ ba trong năm nay Nhật công bố các biện pháp cấm vận Nga vì khủng hoảng Ukraine.
Chánh văn phòng nội các Nhật cho biết tăng cường cấm vận Nga để phù hợp với chính sách của các nước G-7. Hồi tháng 7, Tokyo đã đóng băng tài sản ở Nhật của hơn 40 cá nhân và tổ chức ủng hộ việc Nga giành lại bán đảo Crimea từ Ukraine.
Đồng thời, chính phủ Nhật cũng lên tiếng phản đối việc ông Sergei Ivanov, chánh văn phòng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đến thăm một trong số các hòn đảo thuộc quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật. Phía Tokyo gọi các đảo này là Lãnh thổ phương Bắc.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “vô cùng thất vọng” với hành động của Nhật. “Chúng tôi xem đây là hành vi thiếu thiện chí của Nhật, cho thấy sự bất lực của Nhật trong việc thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập” - điện Kremlin phê phán.
Dù quan hệ căng thẳng, chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo vẫn sẽ duy trì kênh đối thoại với Matxcơva. Ông Suga cho biết Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề xuất Nhật và Nga hội đàm song phương tại các hội nghị quốc tế như hội nghị APEC vào tháng 11 tới.
-----------------------
Binh sĩ Trung Quốc, Ấn Độ đối đầu tại Himalaya
Vụ đối đầu mới nhất đã cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa hai cường quốc châu Á trong bối cảnh hai nước tìm cách tăng cường quan hệ.
Giới chức quân đội tại New Delhi và Kashmir ngày 23/9 cho hay các binh sĩ Trung Quốc hơn 1 tuần trước đã thiết lập một khu trại sâu 3 km trong vùng lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền tại vùng Chumar, thuộc cao nguyên Ladakh, hãng tin Reuters cho biết.
Các binh sĩ Ấn Độ cũng thiết lập doanh trại của mình gần đó và được lệnh không được rút lui.
Ấn Độ đã triển khai khoảng 1.500 binh sĩ tại khu vực Chumar, trong khi Trung Quốc có khoảng 8.000 binh sĩ, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay. Ông này nói thêm rằng hay bên không đối mặt nhau một cách giận dữ và vẫn ở các vị trí tách biệt nhau.
Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Tướng Dalbir Singh, đã phải hủy chuyến thăm 3 ngày tới quốc gia láng giềng Bhutan để theo dõi tình hình biên giới, một quan chức chính phủ tại New Delhi cho hay.
Khi được hỏi về cuộc đối đầu, Bộ quốc phòng Trung Quốc giải thích rằng nhận thức của hai bên và đường biên giới không giống nhau.
Các quan chức quân đội từ cả hai bên dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp tại khu vực biên giới, cuộc gặp thứ 4 như vậy để cố gắng giải quyết tranh cãi.
Tranh cãi biên giới là chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tuần trước, phủ bóng các cam kết của ông nhằm đầu tư 20 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5 năm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết sẽ có lập trường cứng rắn trong tranh chấp biên giới với Trung Quốc.