Cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ 3 người đàn ông tình nghi có âm mưu tấn công khủng bố và tài trợ cho các chiến binh ở Syria.
Văn phòng tổng công tố của Hà Lan cho biết trong 3 tên bị bắt giữ có một đối tượng từng là phần tử thánh chiến.
Hai kẻ còn lại, 26 tuổi và 30 tuổi, bị bắt giữ tại 2 thành phố Eindhoven và Arnhem, miền Nam Hà Lan.
“Các đối tượng bị tình nghi chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công khủng bố và muốn gia nhập mặt trận al-Nursa”, tuyên bố của văn phòng trên nói rõ.
Al-Nursa là một trong những chi nhánh chính của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Tổ chức này chủ yếu hoạt động tại Syria và trước đây từng đỡ đầu cho tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) khi lực lượng này mới manh nha thành lập.
Theo số liệu tình báo mới nhất của Hà Lan, khoảng 130 phần tử thánh chiến Hà Lan đã tới Syria tham chiến, trong đó có 30 đối tượng đã trở về nước và 14 tên bỏ mạng trong giao tranh.
Việc ngày càng có nhiều công dân các nước đầu quân cho các tổ chức thánh chiến ở Trung Đông, đặc biệt là IS, đang trở thành vấn đề gây quan ngại lớn cho cộng đồng thế giới. Liên hợp quốc ước tính IS hiện có khoảng 15.000 tay súng nước ngoài đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS, chiếm một nửa tổng quân số của lực lượng này.
Các tay súng nước ngoài sẽ trở thành những mối nguy lớn đối với chính phủ các nước nếu như được IS cử về tiến hành các cuộc tấn công ngay tại quê hương mình.
Với việc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chính thức ra đi, “ghế nóng” tại Lầu Năm Góc, cơ quan quyền lực bậc nhất nước Mỹ với ngân sách hoạt động hơn 600 tỷ USD/năm đang bị bỏ trống. Liệu ai có thể tiếp quản vị trí này?
Ngày 25/11, trước sự chứng kiến của phóng viên báo giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức công bố chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, khép lại chỉ 21 tháng tại vị ngắn ngủi của vị cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam.
Mặc dù ông Hagel sẽ còn tiếp tục ngồi lại Lầu Năm Góc cho đến khi ông Obama tìm được ứng viên thay thế và được Thượng viện thông qua, ngay từ giờ, những đồn đoán trên báo giới Mỹ đã tập trung vào một số gương mặt được xem như triển vọng hơn cả, trong đó có bà Michèle Flournoy và ông Ashton Carter, những cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc.
Theo tờ Politico, bà Flournoy từ lâu đã được xem là ứng viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc trong chính phủ nhiệm kỳ tới, nếu phe Dân chủ tiếp tục chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 2016, đặc biệt nếu Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ là bà Hillary Clinton.
Flournoy được nhìn nhận là người có tư tưởng hiếu chiến đối với các vấn đề quốc phòng, một yếu tố có thể giúp bà dễ dàng được Thượng viện phê chuẩn, vốn hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Bà từng là thứ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách giai đoạn 2009 – 2012 và đứng đầu đội chuyển giao Bộ quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama.
Tốt nghiệp đại học Harvard, bà là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Trung tâm an ninh Mỹ mới, một cơ quan nghiên cứu độc lập, được tài trợ chủ yếu bởi các công ty quốc phòng. Nếu được bổ nhiệm, bà Flournoy sẽ trở thành nữ Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của nước Mỹ.
Được xem là sáng giá không kém bà Flournoy là ông Ashton Carter, người cũng từng là thứ trưởng Bộ quốc phòng dưới thời Bộ trưởng Leon Panetta. Trên thực tế, cách đây gần 2 năm, ông Carter mới chính là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc “ghế” ông chủ Lầu Năm Góc trước khi ông Hagel được bổ nhiệm.
Sở hữu học vị tiến sỹ vật lý, ông Carter đã nhiều lần phục vụ tại Lầu Năm Góc, trong đó có những năm là trợ lý Bộ trưởng về các chính sách an ninh quốc tế dưới thời chính quyền Tổng thống Clinton. Ông Carter cũng là người chịu trách nhiệm phê duyệt mua sắm vũ khí cho quân đội Mỹ cho đến năm 2009, và được cất nhắc làm thứ trưởng năm 2011.
Một gương mặt tiềm năng có thể kế nhiệm ông Hagel là cấp phó hiện tại của ông Bob Work, người từng là thứ trưởng Hải quân trước khi được chọn là thứ trưởng quốc phòng hồi năm nay. Ông Work vừa vượt qua tiến trình phê chuẩn của Thượng viện, và nếu được bổ nhiệm, quá trình chuyển giao tại Lầu Năm Góc sẽ ít xáo trộn hơn cả.
Loren Thompson, một nhà tư vấn ngành quốc phòng kiêm nhà phân tích tại Viện Lexington nhận định, bà Flournoy có vẻ là phù hợp hơn cả bởi ông Carter có điểm giống ông Hagel đó là xu hướng “trở nên quá sáng tạo tại các diễn đàn công luận”.
“Tôi không cho rằng Ash Carter có thể là một ứng viên hợp lý bởi ông ta cũng có vấn đề với tiếp xúc truyền thông như ông Chuck Hagel từng gặp phải, dù ở một mức độ thấp hơn”, Thompson nói.
Ghế chủ nhân Lầu Năm Góc đang “mất giá”?
Các nhà phân tích quân sự và nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết, cả ông Carter và bà Flournoy ít có khả năng gặp khó trong tiến trình phê duyệt của quốc hội, như ông Hagel từng đối mặt. Nhưng hai ứng viên này có thể sẽ không muốn gia nhập nội các chính phủ vào thời điểm này, khi nhiệm kỳ chỉ còn lại 2 năm cuối, trong khi chính sách đối ngoại của Mỹ đang gặp hỗn loạn.
Thay vào đó, họ có thể từ chối cơ hội hiện tại để chờ thời cơ gia nhập chính phủ mới mới sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Một nguyên nhân khác, đó là, theo các nguồn tin nội bộ trong tòa Bạch Ốc, vị trí lãnh đạo Bộ quốc phòng đã ít nhiều mất đi sức hấp dẫn do vai trò giảm sút trong chính phủ Mỹ, khiến cho người kế nhiệm ông Hagel sẽ không còn nhiều quyền chi phối bên trong Lầu Năm Góc.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng ngày 24/11, thượng nghị sỹ Mỹ John McCain khẳng định ông Hagel đã tức giận khi cơ quan do mình quản lý bị chi phối quá nhiều bởi Nhà Trắng
“Chuck đã tức giận với các khía cạnh trong chính sách an ninh quốc gia của chính phủ và quá trình ra quyết định”, thông báo viết. “Những người tiền nhiệm của ông ấy đã lên tiếng về những sự quản lý vi mô họ phải đối mặt từ phía Nhà Trắng, và những khó khăn nó gây ra cho quá trình thực thi công việc của họ. Tình huống của Chuck cũng không hề khác”.
Đội ngũ Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng, vốn được ra đời để điều phối các chính sách giữa các cơ quan liên bang khác nhau, đã tăng mạnh về quy mô dưới thời ông Obama, từ khoảng 200 người lên 270 người.
Chính quy mô của Hội đồng này, cũng như sự gần kề về khoảng cách địa lý với Nhà Trắng đã khiến nó có ảnh hưởng lớn hơn cả các cơ quan chính phủ trong tiến trình xây dựng, và đôi khi là cả quá trình thực thi chính sách, một cựu quan chức quốc phòng tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
-----------------------