60% người Nhật được hỏi trong cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 1 nói Trung Quốc khiến họ cảm thấy lo ngại...
Người dân Nhật Bản đang lo ngại về sức mạnh quân sự và sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á hơn bất kỳ vấn đề an ninh nào khác. Đây là kết quả một cuộc khảo sát ý kiến vừa được Chính phủ Nhật công bố.
Theo tin từ Bloomberg, 60% người Nhật được hỏi trong cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 1 nói Trung Quốc khiến họ cảm thấy lo ngại, tăng so với tỷ lệ 46% đưa ra câu trả lời tương tự trong cuộc khảo sát cách đây 3 năm.
Trái lại, tỷ lệ người dân Nhật đưa ra câu trả lời lo ngại Triều Tiên đã giảm xuống còn khoảng 53% từ mức khoảng 65%.
Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đang tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Tàu và máy bay của hai nước thường xuyên “chạm mặt” ở khu vực tranh chấp này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện đang tìm cách tăng cường sức mạnh cho lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), một phần nhằm đáp trả lại chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
“Chính sách quân sự và an ninh của Trung Quốc thiếu minh bạch, bao gồm minh bạch về ngân sách”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu trước báo giới vào hôm thứ Sáu tuần trước. “Chúng tôi muốn tiếp tục tìm kiếm sự minh bạch từ Trung Quốc”.
Theo dự kiến, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có cuộc đàm phán về an ninh tại Tokyo vào ngày 19/3 tới. Đây sẽ là lần đầu tiên hai nước đàm phán an ninh trong vòng 4 năm trở lại đây.
Cuộc đàm phán dự định được tổ chức sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, đánh dấu cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần đầu tiên giữa hai nước kể từ tháng 5/2012.
Trong cuộc khảo sát ý kiến người dân Nhật, ở câu hỏi về hợp tác với quốc phòng với các quốc gia khác không phải là Mỹ, tỷ lệ người Nhật nhận thấy lợi ích từ trao đổi quân sự với Trung Quốc và Triều Tiên giảm khoảng 1/3 so với cách đây 3 năm. Trong khi đó, Đông Nam Á nổi lên thành đối tác quân sự hữu ích nhất đối với Nhật - theo kết quả khảo sát.
59% người Nhật cho rằng, quy mô hiện tại củ lực lượng vũ trang Nhật là phù hợp. Tuy vậy, một tỷ lệ ngày càng tăng người dân nước này ủng hộ việc tăng cường quy mô quân đội. Khoảng 30% người Nhật muốn mở rộng lực lượng vũ trang, tăng từ mức 25% trong cuộc khảo sát trước và 14% trong cuộc khảo sát cách đây 6 năm.
Một tỷ lệ lớn chưa từng có 71,5% người Nhật nói quan tâm tới SDF, và hơn 92% có ấn tượng tốt với lực lượng vũ trang của đất nước.
Trong cuộc khảo sát năm nay, Văn phòng Nội các Nhật đã hỏi ý kiến của 1.680 người trong thời gian từ ngày 8-18/1. Cuộc khảo sát được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1969.
----------------------
Putin tiết lộ cuộc họp bí mật “xuyên màn đêm” bàn sáp nhập Crimea
Tổng thống Vladimir Putin đã tiết lộ về cuộc họp “xuyên màn đêm” hồi tháng 2 năm ngoái, khi ông bí mật ra lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga và yêu cầu quân đội sẵn sàng giải cứu Tổng thống Ukraine sắp bị hạ bệ lúc đó.
Hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1 hôm qua đã đưa ra một đoạn video giới thiệu về bộ phim tài liệu mang tên “Homeward bound” sắp được công chiếu. Trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thắn trao đổi về sự kiện một năm trước.
Tổng thống Nga đã kể lại cuộc họp thâu đêm với các quan chức an ninh cấp cao của Nga hồi tháng 2 năm ngoái để thảo luận về cách giải cứu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người lúc đó bị làn sóng biểu tình trong nước đòi lật đổ và sau đó đã phải chạy trốn sang Nga.
"Chúng tôi kết thúc cuộc họp vào khoảng 7h sáng", ông Putin kể lại. “Khi giải tán, tôi đã nói với các cấp dưới rằng chúng ta cần phải bắt tay vào hành động đưa bán đảo Crimea về với nước Nga".
4 ngày sau cuộc họp xuyên đêm trên, các binh sĩ không rõ danh tính đã chiếm nghị viện Crimea, sau đó, các đại biểu khẩn trương bỏ phiếu bầu ra nghị viện mới. Đến ngày 18/3, bán đảo nam Ukraine đã chính thức được sáp nhập vào lãnh thổ Nga vào ngày 18/3, gây ra một làn sóng phương Tây lên án gay gắt.
Chiến dịch quân sự trên ban đầu được giữ kín và bất chấp những hành động tại địa phương của lực lượng được cho là do Nga triển khai, Mátxcơva khẳng định rằng chỉ có người dân địa phương tham gia vào cuộc chính biến này. Mãi đến sau này, điện Kremlin mới thừa nhận đứng đằng sau “cuộc đổi thay” tại Crimea.
Trong đoạn video giới thiệu công bố hôm qua, ông Putin cũng tuyên bố rằng quân đội Nga đã sẵn sàng tiến vào thành phố Donetsk tại miền đông Ukraine để cứu ông Yanukovych, một nhân vật dù tham nhũng nặng nề nhưng luôn giữ tư tưởng thân Nga.
Tổng thống Nga Putin cho rằng lúc đó, ông Yanukovych có thể bị giết và cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng đưa ông ấy ra khỏi Donetsk bằng đường bộ, đường biển hoặc đường không”. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho hay các súng máy hạng nặng đã được triển khai ở thành phố này để “tránh phải nói quá nhiều”.
Ông Yanukovych sau chính biến tại Ukraine đã xuất hiện ở thành phố Rostov thuộc miền nam Nga và cho đến nay vẫn chưa quay lại Ukraine.
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc, hơn 6.000 người đã thiệt mạng trong xung đột giữa lực lượng chính phủ Ukraine và các phiến quân ly khai được vũ trang hạng nặng ở miền đông Ukraine, kể từ sau sự kiện Crimea được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái. Kiev và phương Tây cáo buộc Moscow hậu thuẫn vũ khí và nhân lực cho phe nổi dậy nhưng Mátxcơ va kiên quyết bác bỏ điều này.
Bộ phim tài liệu “Homeward bound” đang được nhiều chính trị gia và nhân dân nhiều nước đón đợi theo dõi. Tuy nhiên, kênh truyền hình Rossiya-1 chưa thông báo thời điểm bộ phim chính thức được phát sóng.
---------------------
Boris Nemtsov bị sát hại vì báng bổ đạo Hồi?
Chính trị gia Boris Nemtsov bị giết vì những hành động đi ngược lại tiêu chí của tín đồ Hồi giáo nói riêng và giới Hồi giáo nói chung, đó là lời khai của nghi phạm Zaur Dadaev vừa bị cơ quan điều tra Nga bắt giữ hôm 8-3.
Hãng tin Nga Rosbalt dẫn nguồn tin từ cơ quan chức năng cho hay, nghi phạm Z. Dadaev xác nhận, với nghĩa vụ của một tín đồ đạo Hồi sùng đạo, anh ta không thể chấp nhận được các hành động của B. Nemtsov đối với đạo Hồi từ tháng 1-2015.
Ngày 7-3, lãnh đạo Cơ quan tình báo đối ngoại Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov tuyên bố Anzor Gubashev và Zaur Dadaev là nghi phạm chính trong vụ sát hại ông B. Nemtsov. Z. Dadaev trước đây từng phục vụ trong Tiểu đoàn Bộ Nội vụ Cộng hòa Chesnya, còn A. Gubashev hiện là bảo vệ một siêu thị ở ngoại ô Moscow.
Sau đó, cơ quan điều tra đã nắm được chứng cứ việc em trai của A. Gubashev là Shagit có mặt tại hiện trường vụ sát hại ông B. Nemtsov. Một nghi can khác có liên quan tới vụ việc đã tự sát bằng lựu đạn trong ngày 8-3 tại Grozny (Chesnya).
Liên quan tới vụ sát hại ông Nemtsov, phát ngôn Ủy ban Điều tra đặc biệt, Vladimir Markin tuyên bố, đã bắt giữ 5 nghi phạm có liên quan, trong đó Z. Dadaev đã thừa nhận có tham gia vụ việc.
----------------------
Ông Kim Jong Un: Không quân phải đi đầu trong bảo vệ đất nước
Theo KCNA, ông Kim đã dùng chuyên cơ mà phương Tây gọi là “Air Force Un” để tới thăm đơn vị Phòng không Không quân 1016. Tuy nhiên, KCNA không cho biết ngày giờ và địa điểm diễn ra chuyến thăm.
Sau khi thăm các cơ sở của đơn vị, ông Kim nhấn mạnh rằng không quân phải đi đầu trong việc bảo vệ đất nước. Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của năng lượng tái tạo.
Trước khi chỉ ra các nhiệm vụ và phương pháp thực hiện, nhà lãnh đạo Triều Tiên nêu rõ: “Điều quan trọng là phải tiến hành một cuộc vận động sôi nổi nhằm sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng tự nhiên bao gồm sức gió, năng lượng Mặt Trời và địa nhiệt để giải quyết vấn đề điện năng của đất nước.”
Ông Kim từng tới thăm đơn vị này cùng cha mình là Kim Jong Il hồi tháng 11/2011 - một tháng trước khi cha ông qua đời.
Đi cùng ông Kim trong chuyến thăm lần này có Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so và Tư lệnh Bộ Tư lệnh An ninh Quân đội Jo Kyong-chol./.
-------------------