Hàn Quốc bắt giữ 16 tàu Trung Quốc đánh cá trái phép
Ngày 21/11, Bộ An toàn Công cộng và An ninh Hàn Quốc cho biết, họ đã bắt giữ 16 tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển của Hàn Quốc.
Số tàu kể trên bị bắt trong một chiến dịch truy quét đặc biệt của Bộ An toàn Công cộng và An ninh Hàn Quốc. Chiến dịch này được tiến hành đồng thời ở 4 khu vực ngoài khơi phía Tây và phía Nam Hàn Quốc, với sự tham gia của 22 tàu cỡ vừa và cỡ lớn.
Một số tàu cá Trung Quốc bị bắt được trang bị cả vỉ sắt và lưới dây điện ở cả hai bên mạn tàu để ngăn chặn lực lượng chắc năng của Hàn Quốc tiếp cận. Tuy nhiên, không có báo cáo về việc xảy ra xung đột.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won tuyên bố, chính phủ nước này sẽ tiến hành đợt truy quét đối với ngư dân quốc gia khác đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Hàn Quốc.
Lực lượng tham gia chiến dịch này được tăng cường các tàu trọng tải 3.000 tấn, một máy bay trực thăng và lính đặc nhiệm.
Kể từ giữa tháng 10 tới nay, lực lượng chức năng Hàn Quốc đã tiến hành truy quét quyết liệt các hoạt động đánh bắt cá trái phép, bắt giữ 42 tàu cá Trung Quốc.
-------------------------
Thảm sát kinh hoàng hàng loạt ở Kenya, Nigeria, Congo
Các tay súng nghi của nhóm vũ trang Somalia al-Shabab ngày 22-11 đã thảm sát ít nhất 28 người trong một cuộc tấn công vào chiếc xe buýt ở miền Bắc Kenya.
Các quan chức Kenya cho biết sau khi ép chiếc xe buýt ra khỏi đường lớn, các tay súng tách những người mà họ cho là không theo đạo Hồi sang một bên rồi xả súng bắn chết.
Một quan chức nói với báo Daily Nation của Kenya rằng những kẻ tấn công yêu cầu 28 hành khách đọc kinh Koran trước khi giết chết họ. Theo Bộ nội vụ Kenya, có khoảng 60 hành khách trên xe buýt. Thời điểm đó, xe đang hướng tới thủ đô Nairobi và bị chặn lại ở quận Mandera, gần biên giới Somalia.
Kể từ năm 2011, nhóm chiến binh Al-Shabab đã thực hiện nhiều vụ tấn công trong lãnh thổ Kenya nhằm đáp trả việc chính phủ nước này triển khai quân đội tới Somalia, giúp chống lại các lực lượng vũ trang Hồi giáo.
Ngoài Al-Shabab, phong trào vũ trang Mặt trận Giải phóng Oromo cũng xâm nhập qua biên giới vào Kenya để thực hiện các vụ gây rối.
Trong một diễn biến khác, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã tấn công vào ngôi làng Azaya Kura ở bang Borno – Nigeria hôm 19-11, giết chết ít nhất 45 người. Hầu hết các nạn nhân bị trói tay và bị cắt cổ họng.
Một nguồn tin quân sự Nigeria cho biết các tay súng Boko Haram xông vào làng để trả thù cho 4 thành viên của nhóm bị quân chính phủ bắn chết tại một khu chợ.
Vụ tàn sát diễn ra trong lúc Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đang tăng cường chiến dịch quân sự để cải thiện an ninh. Kể từ năm 2009, khoảng 13.000 người đã thiệt mạng tại bang Borno và 2 tiểu bang Đông Bắc khác.
Trong khi đó, nhóm phiến quân Uganda ADF-Nalu bị tình nghi giết chết ít nhất 50 người gần thị trấn Beni, phía Đông Congo tối 20-11. Vụ tấn công xảy ra cách sân bay Beni khoảng 10 km về phía Đông, nơi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc MONUSCO đang đồn trú.
Một linh mục có mặt tại hiện trường nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã nhìn thấy 70 thi thể. Nhà chức trách đang tìm kiếm những thi thể khác”. Vị linh mục cho biết thêm những kẻ tấn công mặc quần áo giả làm binh lính Congo và cắt cổ họng các nạn nhân.
Chính phủ Cộng hòa Congo sau đó đổ lỗi cho ADF - một tổ chức bí mật được thành lập vào những năm 1990 để chống lại nhà nước Uganda - đứng sau hàng loạt vụ thảm sát gần đây ở phía Đông nước này.
-------------------------
Tổng thống Obama "bí mật" mở rộng quân sự ở Afghanistan
Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã bí mật ký lệnh cho phép mở rộng sứ mệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan vào năm 2015 so với kế hoạch ban đầu.
Đây là một động thái nhằm đảm bảo quân đội Mỹ sẽ có vai trò trực tiếp trong cuộc chiến tại quốc gia đang bị tàn phá bởi chiến tranh này ít nhất một năm.
Theo báo The New York Times, mật lệnh này khiến các binh sĩ Mỹ có thêm nhiệm vụ tiêu diệt tổ chức khủng bố Taliban. Theo lời các chỉ huy quân sự và quan chức quốc hội, quyết định này được đưa ra vài tuần trước, nó còn cho phép lính Mỹ thực hiện các đợt không kích nhằm hỗ trợ lực lượng Afghanistan đánh Taliban.
Điều này ngược với tuyên bố hồi tháng 5-2014 của Tổng thống Obama rằng quân đội Mỹ sẽ không còn đóng vai trò chiến đấu tại Afghanistan, chỉ giữ lại 9.800 binh lính để huấn luyện quân đội Afghanistan chống Taliban và truy quét “những tàn dư của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda”.
Quyết định thay đổi nhiệm vụ này là kết quả của một cuộc tranh cãi kéo dài và gay gắt đến mức phơi bày sự căng thẳng bên trong chính quyền Obama giữa hai vấn đề thường xuyên mâu thuẫn nhau đó là: Lời hứa của tổng thống về việc chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan đối nghịch với sự đòi hỏi của Lầu Năm Góc với quân đội Mỹ.
Theo The New York Times, các tướng lĩnh tại Lầu Năm Góc và Afghanistan đề xuất mở rộng hoạt động quân sự nếu tin tình báo cho thấy những tổ chức cực đoan khác đe dọa lính Mỹ. Trước đó, một vụ đánh bom của Taliban gần đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan đã làm 3 nhân viên NATO thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Quyết định của Tổng thống Obama được cho rằng có liên quan đến việc nước Mỹ đã bị chỉ trích rất nhiều khi rút quân khỏi Iraq trong lúc lực lượng quân sự Iraq chưa sẵn sàng, tạo cơ hội cho tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) phát triển mạnh.
-------------------------
Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga có thể bị cô lập hơn
Trong chuyến thăm Kiev hôm 21-11, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Nga có thể bị cô lập hơn nữa nếu không tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã ký kết ở Ukraine hồi tháng 9.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Porosshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk., ông Joe Biden đã kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine để tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã ký kết hồi tháng 9. Ông Biden còn lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhấn mạnh: “Hãy làm những gì ông đã đồng ý thực hiện đi, ngài Putin”.
Phó Tổng thống Mỹ đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với một nước Ukraine dân chủ nhưng lại không đề cập cụ thể đến bất cứ gói viện trợ mới nào, cũng không đả động gì đến việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Cuộc gặp cấp cao diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm khởi động lại thỏa thuận hòa bình đã ký giữa Nga và Ukraine đang bị đình trệ. Đến nay, Nga vẫn phủ nhận những cáo buộc của Nga và phương Tây về việc đưa quân đội của mình đến hỗ trợ phe ly khai. Cả Ukraine và Nga cũng đã cáo cuộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Hôm 21-11, quân đội Ukraine còn cho biết lãnh thổ của họ đã bị phía Nga nã pháo kích qua biên giới lần đầu tiên kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cáo buộc Mỹ và phương Tây kích động, gây bất ổn ở nước láng giềng với mưu đồ đưa đường biên giới NATO đến sát nước Nga bằng cách thúc đẩy Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này.
Ông Biden, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Barack Obama và các vấn đề chính sách ngoại giao, là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Ukraine kể khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Trước đó hồi đầu tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng từng tới thăm Ukraine để thể hiện sự ủng hộ đối với các lãnh đạo mới ở Kiev sau khi Moscow thông qua quyết định sáp nhập bán đảo Crimea.
-------------------------