Ấn Độ - Trung Quốc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương
Ấn Độ đang tăng tốc chương trình hiện đại hóa hải quân, đồng thời dựa vào sự yểm hộ của các quốc gia láng giềng nhằm kiềm chế hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương trong khi các quốc gia trong khu vực đang ngày càng lo ngại trước năng lực hoạt động ngầm dưới biển ngày càng tăng của Bắc Kinh.
So sánh về lực lượng, hải quân Ấn Độ hiện có 13 tàu ngầm điện diesel già cỗi và chỉ một nửa trong số đó có thể hoạt động do đã được tu bổ.
Trong khi đó, Trung Quốc ước tính có 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 3 tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân.
Trong khi Ấn Độ xây dựng lực lượng hải quân với 150 tàu chiến, kể cả 2 tàu sân bay, Trung Quốc đang có trong tay khoảng 800 tàu chiến.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã ra lệnh đẩy nhanh tiến trình đóng 6 tàu ngầm điện diesel trị giá ước tính 500 tỉ rupee, ngoài 6 chiếc tàu ngầm tương tự mà Hãng DCNS của Pháp đang lắp ráp tại cảng Mumbai để thay thế cho hạm đội hoạt động gần 30 năm và đã gặp một loạt tai nạn.
Trong khi đó, chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ - được trang bị đầu đạn hạt nhân và chạy thử vào tháng này - sẽ gia nhập hạm đội tàu ngầm nước này vào năm 2016.
Đồng thời, Ấn Độ cũng đàm phán với Nga để có thể thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai.
Thêm vào đó, chính phủ Ấn Độ cũng đã liên hệ với tập đoàn công nghiệp Larsen & Toubro, đơn vị đã đóng thân của chiếc tàu ngầm thứ nhất cho nước này, về việc chế tạo thêm 2 tàu ngầm hạt nhân nữa.
Chỉ mấy tháng sau khi cuộc đối đầu căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo đường biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya, Trung Quốc đã cho tàu ngầm của mình xuất hiện ở Sri Lanka, nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam Ấn Độ.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng củng cố mối quan hệ với Maldives, quần đảo nằm ở Ấn Độ Dương.
Các động thái trên của Trung Quốc phản ánh quyết tâm tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương, tuyến đường thủy vận chuyển 4/5 lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh, cũng như trùng với tình trạng căng thẳng leo thang ở biển Đông, nơi hải quân Trung Quốc thường bắt nạt các nước láng giềng.
Ông David Brewster, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng Ấn Độ đang làm tất cả những gì có thể để khôi phục vị thế vượt trội của mình ở Ấn Độ Dương.
Theo đó, Ấn Độ có thể hợp tác về hải quân với Nhật Bản và Úc, đồng thời mở rộng căn cứ quân sự trên quần đảo Andaman, cách eo biển Malacca khoảng 140 km.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương thì Ấn Độ sẽ cảm thấy cần phải phản ứng lại” – ông Brewster nhận định.
Trong khu vực, Úc đang lên kế hoạch mua đến 12 tàu ngầm của Nhật Bản; Đài Loan đang cố gắng có được công nghệ Mỹ để xây dựng một hạm đội tàu ngầm của riêng mình…
Nhật Bản cũng đang gia tăng số lượng tàu ngầm tấn công điện diesel từ 16 lên 22 chiếc trong thập niên tới.
-------------------------
Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng muốn ném bom Triều Tiên
Ashton Carter, ứng viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ do đích thân Tổng thống Barack Obama đề xuất, từng đề nghị đánh bom Triều Tiên nhằm ngăn kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo của quốc gia châu Á.
Ông Carter cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry từng đề xuất đánh bom Triều Tiên hồi năm 2006 để ngăn Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm tên lửa Taepodong 2, tuần san Time (Mỹ) cho hay.
“Chúng ta sẽ không thể biết được liệu tham vọng của Triều Tiên có bị dập tắt khi bị can thiệp vũ lực hay không, trừ phi Mỹ nghiêm túc xem xét hiểm họa này và can thiệp vào”, Carter và Perry nhận định.
Washington lo ngại loại tên lửa này của Triều Tiên vì sợ rằng Bình Nhưỡng có thể tìm ra cách gắn đầu đạn hạt nhân và bắn vào các vị trí của Mỹ ở Thái Bình Dương, chẳng hạn như Hawaii, hãng tin Business Insider (Mỹ) bình luận. Sau cùng, vụ phóng tên lửa kể trên được tiến hành vào ngày 4.7.2006 nhưng đã thất bại.
Tuy nhiên, bình luận trên Time, hai ông Carter và Perry nhấn mạnh rằng Triều Tiên vẫn có thể rút ra những thông tin quý báu ngay cả khi thử nghiệm thất bại.
Và Mỹ có các khí tài để ngăn cản ngay tại giai đoạn Triều Tiên đang cố phát triển vũ khí có khả năng tấn công tới Mỹ mà không gây ra những tổn thất nặng nề về nhân mạng, hai quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
-------------------------
Nga tập trận quy mô lớn nhiều hơn trong năm 2015
Hàng chục ngàn binh sĩ Nga sẽ tham gia vào các đợt tập trận chiến lược “Trung tâm 2015”, vốn dự kiến sẽ được tiến hành đồng loạt ở nhiều khu vực cả trong và ngoài nước Nga, theo thông báo từ bộ quốc phòng Nga.
“Đợt tập trận sẽ được tổ chức đồng loạt trong thời gian luyện quân mùa hè tại nhiều khu vực khác nhau trong Liên bang Nga và ở nước ngoài”, đài RT (Nga) dẫn thông báo của bộ quốc phòng Nga cho hay. Đây được xem là đợt tập trận lớn nhất của Nga trong năm 2015.
Theo Thượng tướng Vladimir Zarudnitsky, thông qua thao diễn, bộ quốc phòng Nga sẽ đánh giá hệ thống phòng thủ lãnh thổ và khả năng triển khai lực lượng của quân đội.
Tham gia tập trận, các binh sĩ sẽ có cơ hội sử dụng các trang thiết bị mới và sẽ tiến hành đánh giá, rồi báo lại cho các công ty thuộc ngành công nghiệp quốc phòng.
Chỉ huy các tiểu đoàn sẽ có một số nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi họ phải hành động nhanh và linh hoạt; theo đó, họ phải sử dụng toàn bộ nhân lực và trang thiết bị đang có trong một giới hạn thời gian ngắn.
Ngoài ra, trong năm 2015, Bộ quốc phòng Nga còn lên kế hoạch tiến hành nhiều sự kiện khác, chẳng hạn như giải thi đấu Thế vận hội Quân đội và tập trận chung Lá chắn Liên minh với Belarus.
“Việc thực hiện các đợt tập trận theo lịch trình sẽ góp phần tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của binh sĩ”, RT dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhận định.
Trong năm 2014, quân đội Nga đã tổ chức nhiều cuộc tập trận tại một số quân khu ở Nga, gồm 2 cuộc tập trận lớn là Vostok-2014 và Tương tác Hải quân Nga-Trung 2014.
-------------------------
Đánh bom đoàn xe Liên Hiệp Quốc, ít nhất 7 người chết
Ít nhất 3 nhân viên an ninh Somalia thiệt mạng trong vụ tấn công bằng xe bom vào đoàn xe hộ tống của Liên Hiệp Quốc gần sân bay thủ đô Mogadishu ngày 3.12, cảnh sát địa phương cho biết.
Nhóm vũ trang al-Shabaab liên kết với al-Qaeda đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công trên. Trước đó, nhóm này từng thực hiện những vụ tấn công tương tự lên các đoàn hộ tống Liên Hiệp Quốc. Nhóm này tuyên bố muốn lật đổ chính quyền được hậu thuẫn bởi phương Tây tại Somalia, theo Reuters ngày 3.12.
“Đoàn hộ tống của Liên Hiệp Quốc bị tấn công khi đang rời sân bay. 3 người chết bao gồm 1 viên cảnh sát và 2 vệ sĩ người Somalia. 10 người khác bị thương”, Reuters dẫn lời sĩ quan cảnh sát Ahmed Nur.
Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc tại Somalia Aleem Siddique cho biết không có nhân viên nào của tổ chức thiệt mạng trong vụ tấn công.
Sân bay này có một hàng rào an ninh rất chặt chẽ và được sử dụng như một căn cứ cho các hoạt động của Liên Hiệp Quốc tại Somalia. Khu vực sân bay này cũng là nơi ở của đại sứ Anh và Ý, theo Reuters.
Một cố vấn an ninh tại sân bay cho biết 4 thành viên của DUGUF, một công ty an ninh tư nhân, đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Những phái đoàn quốc tế đến thăm thủ đô Mogadishu thường được bảo vệ bởi các công ty an ninh địa phương. Mỗi đoàn hộ tống được bố trí vài xe tải và khoảng 10 nhân viên an ninh có trang bị súng AK-47.
Lực lượng Liên minh châu Phi (AU) đã cùng quân đội Somalia khởi động một đợt tấn công mới nhắm vào nhóm vũ trang al-Shabaab trong năm nay. Nhóm này đang chiến đấu nhằm áp đặt những luật lệ hà khắc của đạo Hồi lên Somalia, theo Reuters.
Sau khi bị đánh bật ra khỏi Mogadishu vào năm 2011, nhóm al-Shabaab mất quyền kiểm soát tại vài thị trấn trong cuộc tấn công gần nhất, tuy nhiên các quan chức cho biết nhóm Hồi giáo này vẫn giữ quyền kiểm soát tại những vùng nông thôn, theo Reuters
-------------------------