Philippines tiếp nhận hàng chục nghìn súng trường M4 mới từ Mỹ
Theo Tân hoa xã, một quan chức quân đội Philippines ngày 4/8 cho biết nước này đã tiếp nhận lô súng trường M4 thứ hai, gồm 27.200 khẩu từ nhà sản xuất Remington có trụ sở ở Mỹ.
Người phát ngôn Lục quân Philippines, Trung tá Noel Detoyato cho biết số súng trường M4 trên đã về tới Manila hôm 31/7 vừa qua.
Dự kiến trong ngày 4/8, một nhóm chuyên gia sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra kỹ thuật đối với số vũ khí này trước khi phiên chế cho binh lính ở chiến trường.
Hồi tháng trước, Remington đã giao 100 khẩu súng trường M4 cho quân đội Philippines.
Dự kiến trước cuối năm nay, Remington sẽ giao nốt số súng trường còn lại theo đơn đặt hàng của Chính phủ Philippines là 63.000 khẩu.
Loại súng trường M4 sẽ thay thế loại súng M16 đã cũ được Lục quân Philippines tồn trữ từ những năm 1960.
Các quan chức quân đội Philippines trước đó cho biết loại súng trường M16 sẽ được thu hồi để tân trang và giao cho dự bị quân sử dụng khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.
--------------------
Ngày 5-8, các biện pháp trừng phạt của Nhật nhằm vào Nga có hiệu lực
Hãng tin Kyodo trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản nhằm vào Nga, được công bố tuần trước sẽ có hiệu lực vào ngày 5-8.
Hãng tin trên cho biết chính phủ Nhật Bản có thể thông qua gói các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong cuộc họp nội các diễn ra ngày 5-8, và các biện pháp này sẽ có hiệu lực cùng ngày.
Ngày 28-7, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một bản danh sách các biện pháp trừng phạt mới nhằm lại Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt được dự đoán gồm việc đóng băng tài sản những cá nhân có liên quan đến việc sát nhập Crimea, và những chịu trách nhiệm gây bất ổn đến tình hình ở Ukraine.
Tokyo cũng có kế hoạch thực hiện các dự án mới ở Nga phù hợp với chính sách của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) được thông qua trước đó, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa của Crimea.
Nhật Bản là thành viên cuối cùng của nhóm G7 áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga. Vào tháng 3, Nhật đã ngừng các cuộc đàm phán với Nga về việc nới lỏng các yêu cầu thị thực, đồng thời ngừng cấp thị thực cho các quan chức Nga vào ngày 23-4, tuy nhiên danh sách cụ thể không được công khai.
Về phía mình, Bộ Ngoại giao Nga xem các biện pháp trừng phạt là một dấu hiệu không thân thiện. Moscow cho rằng Nhật Bản nên nhận ra các biện pháp trừng phạt mới sẽ tạo ra một vài “bước lùi” trong mối quan hệ giữa hai nước.
--------------------
Hơn 600 ngư dân Ấn Độ mất tích trong đêm
Khoảng 40 tàu đánh cá chở 640 ngư dân đã mất tích đêm 3/8 trên vịnh Bengal, ngoài khơi bờ biển bang Tây Bengal phía đông của Ấn Độ, Tân Hoa xã đưa tin.
Tờ Times of India dẫn lời một quan chức thuộc một hiệp hội nghề cá cho hay, 40 tàu trên, mỗi tàu chở 10 ngư dân, đã ra biển để đánh bắt cá từ vài ngày trước. Tuy nhiên, việc kết nối giữa bộ phận liên lạc của hiệp hội tại Kakdwip và ngư dân đã bị gián đoạn sau một cơn bão đêm qua.
"Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với các tàu cá. Tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều vô vọng do thời tiết xấu", mạng tin NDTV dẫn lời ông Bijan Maity, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi ngư dân Ấn Độ.
Theo Tân Hoa xã, Bộ trưởng Phát triển Sunderbans của bang Tây Bengal, ông Manturam Pakhira, đã nói với truyền thông địa phương rằng, các nhà chức trách đang nỗ lực tìm kiếm những ngư dân mất tích. Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng đã nhận được cảnh báo về vụ việc nói trên.
Mỗi năm, những cơn bão ở vịnh Bengal cướp đi sinh mạng hàng trăm người, phá hủy nhiều ngôi nhà cũng như đất trồng trọt canh tác ở Bangladesh và khu vực bờ biển phía đông của Ấn Độ.
-------------
Mỹ sẽ kêu gọi 'đóng băng' ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thúc giục các bên liên quan ngừng mọi hành động gây căng thẳng ở Biển Đông tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cuối tuần này tại Myanmar.
Đề nghị này không phải là mới, không phải sáng kiến kiểu "khoa học tên lửa" mà là lẽ thường trong nhận thức chung giữa các nước, Reuters dẫn lời ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết hôm qua, trước chuyến đi của ông Kerry.
"Là một nước lớn và hùng mạnh, Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc kiềm chế. Việc thể hiện sức mạnh quân sự sẽ để lại dấu chân lớn, hãy đảm bảo việc đặt dấu chân của bạn một cách rất cẩn trọng và bước đi thận trọng khi đang ở trong khu vực nhạy cảm", ông Russel nói.
Ưu tiên của ông Kerry tại ARF lần này là giảm căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và một số thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông. Đây là tuyến đường giao thương quan trọng bậc nhất trên thế giới với giá trị khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
"Nền kinh tế khu vực quá quan trọng và quá mong manh để bất kỳ nước nào hay bất kỳ bên nào liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đe dọa sử dụng vũ lực hoặc bán quân sự trong nỗ lực trả đũa, hăm dọa hay ép buộc", ông Russel phát biểu.
Ông Russel cho rằng các nước có tranh chấp ở Biển Đông có cơ hội thực hiện những bước đi tự nguyện, nhận dạng những hành động gây phiền nhiễu nếu không bên nào đơn phương khiêu khích.
Việc "đóng băng" các hành động khiêu khích có thể bao gồm việc tuân theo thỏa thuận không chiếm giữ các thực thể không có người ở, và quan trọng hơn là tạm ngừng nỗ lực khai hoang trên các đảo, đá, không làm thay đổi nguyên trạng. Washington cũng mong thấy những tiến triển của ASEAN và Trung Quốc trong việc nhất trí về bộ Quy tắc ứng xử COC.
Trung Quốc, nước cũng sẽ tham dự ARF, hôm qua phản đối việc đóng băng các hành động ở Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh có thể xây dựng bất cứ cái gì họ muốn ở các đảo. Trung Quốc yêu sách đến 90% diện tích Biển Đông và điều này bị các nước liên quan kịch liệt phản đối.
Việc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế vào giữa tháng 7 nhưng vẫn để lại "dư âm" trong quan hệ với Việt Nam và có thể nêu lên nghi vấn giữa các nước láng giềng về chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Các nước liên quan, gồm Việt Nam có thể làm nhiều hơn để làm rõ cái mà nước này nói là tuân theo luật pháp quốc tế, ông Russel nói.
Philippines trước đó cho biết sẽ đề xuất đóng băng các hành động gây căng thẳng tại ARF, hoàn tất COC và sử dụng tòa án phân xử để giải quyết các tranh chấp trên biển.
ARF là một cơ chế đối thoại an ninh khu vực quan trọng, ra đời năm 1994, đến nay có 27 nước tham gia gồm ASEAN và các bên đối thoại như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Hội nghị ARF tới đây diễn ra ở Myanmar cuối tuần này.
--------------------
27.000 người Nga mắc kẹt vì hãng du lịch phá sản
Công ty Du lịch Labirint là hãng du lịch thứ 4 của Nga phá sản trong 3 tuần qua, hệ lụy của những căng thẳng chính trị xung quanh vấn đề Ukraine.
Việc này đã khiến hơn 27.000 người Nga bị mắc kẹt tại nước ngoài, như Bulgaria, Ai Cập, Tunisia. Cơ quan trợ giúp khách du lịch - Tourhelp đang giúp họ mua vé về trên các chuyến bay của hãng du lịch khác. "Tất cả du khách đều chưa có vé về Nga", Tourhelp cho biết.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine được cho là nguyên nhân khiến khách Nga giảm đặt tour du lịch nước ngoài. Đồng ruble mất giá cũng có tác động. Tiền tệ này đã giảm giá 11% so với USD từ tháng 9 năm ngoái. Trong một thông báo, Labirint cho biết: "Tình hình chính trị và kinh tế tiêu cực đã ảnh hưởng đến lượng khách hàng của chúng tôi".
Trên kênh Echo of Moscow, người phát ngôn của Cơ quan Du lịch liên bang Nga cho biết: "Chúng tôi e rằng đây chỉ là sự bắt đầu của hiệu ứng domino". Cơ quan điều tra Nga hôm qua cũng cho biết đang xem xét vụ phá sản của Labirint và một hãng điều hành tour khác - Neva vì cáo buộc lừa đảo.
BBC nhận xét đã có nhiều dấu hiệu cho thấy lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga quanh vấn đề Ukraine đã có ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hãng bay giá rẻ Dobrolet thuộc Aeroflot vừa phải ngừng hoạt động do nằm trong danh sách đen của Mỹ. Các hãng cho thuê máy bay, bảo dưỡng, sửa chữa phương Tây đều đã hủy hợp đồng với hãng này.
Tỷ phú Nga - Gennady Timchenko cũng cho biết trong một buổi phỏng vấn trên Itar-Tass rằng Gulfstream Aerospace đã ngừng dịch vụ bảo dưỡng cho máy bay riêng của ông, vì tỷ phú thuộc diện bị trừng phạt. Phi công cũng không được phép dùng thiết bị chuyển hướng của Gulfstream.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tỷ phú, do ông không được dùng thẻ tín dụng Visa hay MasterCard. "Tôi dùng thẻ bảo hiểm y tế của Thụy Sĩ, bằng lái xe quốc tế, chứng minh thư của Phần Lan và thẻ ngân hàng của Chinese Union. Ngay khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, tôi đã chuẩn bị những loại thẻ này rồi. Và nó hoạt động khá tốt", ông nói.
--------------------
Máy bay chiến đấu của không quân Pháp bị rơi khi huấn luyện
Ngày 4/8, một máy bay chiến đấu Mirage của Không quân Pháp đã bị rơi trong khi tham gia huấn luyện tại miền Nam nước này. Rất may, không có thương vong trong vụ tai nạn này.
Nguồn tin quân sự cho biết máy bay Mirage 2000B gặp nạn tại khu vực không có người ở tại vùng giáp ranh giữa Vaucluse và Alpes-de-Haute-Provence, miền Nam nước Pháp.
Hai phi công đã kịp thời nhảy dù và thoát nạn. Công tác điều tra nguyên nhân gây tai nạn đang được tiến hành.
Trong thời gian gần đây, máy bay chiến đấu hiệu Mirage của Pháp thường xuyên gặp trục trặc. Tháng Năm vừa qua, cũng trong khuôn khổ hoạt động huấn luyện, một máy bay loại này đã bị rơi tại khu vực Đông Bắc Pháp. Phi công đã may mắn thoát nạn.
Mirage 2000 là máy bay chiến đấu đa chức năng và được phiên chế nhiều cho Lực lượng Không quân Pháp với hơn 300 chiếc.
Các thế hệ máy bay Mirage 2000 được đưa vào sử dụng vào năm 1982 và được coi là “chim sắt” đắc lực của lực lượng không quân Pháp.
--------------------
Không quân Nga tập trận gần biên giới Ukraine
Hãng tin Interfax (Nga) đưa tin ngày 4-8, không quân Nga đã bắt đầu tập trận ở quân khu miền Trung và quân khu miền Tây giáp biên giới Ukraine.
Hơn 100 máy bay chiến đấu và trực thăng tham gia tập trận, trong đó có các máy bay tiêm kích Su-27, MiG-31 và máy bay ném bom.
Người phát ngôn quân đội Nga cho biết cuộc tập trận do Bộ Quốc phòng chỉ huy và dự kiến kéo dài đến ngày 8-8. Người phát ngôn cho biết cuộc tập trận nằm trong chương trình tăng cường năng lực phối hợp của không quân và trong năm nay sẽ còn nhiều cuộc tập trận nữa.
Hồi tháng 3, các nước phương Tây đã từng chỉ trích Nga tập trận bộ binh gần biên giới Ukraine. Lúc bấy giờ có khoảng 8.500 binh sĩ Nga tham gia tập trận. Đến tháng 5 Nga thông báo rút quân về doanh trại. Tuy nhiên, tuần trước NATO lại tố Nga đưa trên 12.000 quân triển khai dọc biên giới Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày 4-8, hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn nguồn từ Tổng cục An ninh Nga cho biết đêm 3-8, 438 binh sĩ Ukraine đã đề nghị lực lượng biên phòng vùng Rostov mở hành lang nhân đạo để họ đầu hàng và xin tị nạn ở Nga. Phía Ukraine đã phản bác thông tin này và nói số binh sĩ nêu trên định chọc thủng phòng tuyến Nga nhưng thất bại chứ không phải đầu hàng.
--------------------
Kinh doanh của người Việt ở Ukraine gần như tê liệt
Một số người Việt ở đông Ukraine đã về nước trong khi hầu hết vẫn kiên trì ở đây bám trụ dù cuộc sống thiếu thốn do tình hình chiến sự ngày càng ác liệt.
Trao đổi với VnExpress, một người Việt sống lâu năm ở Kharkov đề nghị giấu tên cho biết tình hình buôn bán rất ế ẩm, gần như đóng băng do khách trước đây chủ yếu là đến từ các tỉnh sát điểm nóng chiến sự.
"Hiện những người có điều kiện thì đã về Việt Nam, còn những người khác vẫn phải cố gắng bám trụ và làm việc. Chúng tôi đùm bọc lẫn nhau chờ chiến sự qua đi. Có những ngày không đi chợ được thì ngồi nhà gặm bánh mì", người này nói.
Do thành phố Kharkov cách xa khu vực có giao tranh như Donetsk, Lugansk khoảng 300 km nên một số người Việt di tản đến lánh nạn. Tại Làng Thời đại, nơi sinh sống của khoảng 1.000 người Việt, những người Việt từ Donetsk, Donbass, Golovka, Kramatorsk đến trú tạm tại gia đình bạn bè mình.
Theo Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Kharkov Trần Đức Tựa, những người Việt ở Donetsk và Lugansk đến lánh đến thành phố này ước tính vài chục người. Họ chỉ ở lại vào những ngày căng thẳng ở khu vực có chiến sự, sau đó lại về nhà, hoặc để con cái lại rồi về trông coi coi tài sản, chứ không ở lại Kharkov lâu.
Ông Tựa cũng xác nhận việc làm ăn buôn bán của người Việt đang rất khó khăn, tình hình Ukraine bất ổn nên mọi người cũng chưa biết chuyển hướng sang làm gì khác để đảm bảo cuộc sống. Có một phần lớn khách hàng trước đây đến từ Crimea, giờ do chia cắt nên khách không đến. Bằng giờ này năm ngoái, người Việt rầm rộ chuẩn bị hàng cho mùa hè, nhưng năm nay số lượng giảm rất lớn.
Nguồn quỹ của hội người Việt để hỗ trợ cuộc sống của bà con cần giúp đỡ cũng hạn hẹp vì chủ yếu được các doanh nhân và công ty quyên góp. Quỹ này phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh, ông Tựa cho hay.
Đến nay Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine vẫn duy trì khuyến cáo bà con ở Donetsk và Lugansk di tản để tránh bom rơi đạn lạc và cướp bóc. Tuy nhiên những người còn ở lại chủ yếu ở xa điểm nóng, họ an toàn về tính mạng nhưng điều kiện làm ăn và sinh sống thì khá chật vật. Lugansk còn có tình trạng thiếu thực phẩm. Ước tính ở Lugansk và Donetsk có khoảng 300-400 người Việt.
Hiện có khoảng 10.000 người gốc Việt sống tại Ukraine, trong đó chủ yếu là ở các tỉnh miền đông, họ sống bằng kinh doanh chợ, buôn bán hàng tiêu dùng và các dịch vụ đi kèm.
Chính quyền thành phố Lugansk cuối tuần qua cảnh báo nơi này đang đứng trên bờ vực thảm họa nhân đạo, trong bối cảnh quân đội Ukraine ngày càng siết chặt vòng vây, khiến nguồn cung nước, điện và thực phẩm bị cắt. Lugansk và Donetsk là hai thành trì còn lại của những tay súng ly khai ở miền đông Ukraine. Hiện tại, nguồn nước và điện của thành phố gần biên giới với Nga này đã bị cắt. Nguồn cung nhiên liệu và nhu yếu phẩm đang cạn kiệt.