Đài Loan hạ thủy tàu tên lửa lớn nhất
Đài Loan hôm nay hạ thủy Tuo Chiang, tàu tên lửa lớn nhất của hòn đảo, trong bối cảnh Đài Bắc đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm đối phó với sự đe dọa từ Bắc Kinh.
Tàu hộ tống Tuo Chiang, nặng 500 tấn, là mẫu đầu tiên được Đài Loan sản xuất. Yen Ming, người đứng đầu cơ quan phòng vệ của hòn đảo mô tả con tàu là "nhanh nhất và mạnh nhất" châu Á, AFP cho hay.
Tuo Chiang được trang bị 16 tên lửa, trong đó có 8 tên lửa siêu thanh chống hạm Hsiung-feng III. Con tàu sẽ giúp Đài Loan cải thiện khả năng phòng vệ trước Trung Quốc đại lục. Bắc Kinh vốn xem hòn đảo là một phần lãnh thổ đang chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết.
"Kể từ lúc này, năng lực chiến đấu của hải quân sẽ đạt một mốc quan trọng", ông Yen phát biểu trong buổi lễ hạ thủy ở cảng Tô Áo, đông bắc huyện Nghi Lan. "Việc hoàn thiện thế hệ tàu hải quân mới được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo an ninh trên eo biển Đài Loan và bảo vệ các tuyến đường biển".
Phó đô đốc Wen Chen-kuo cho biết "tên lửa siêu thanh rất khó đánh chặn".
Con tàu chiến hai thân vỏ trơn này sử dụng công nghệ tàng hình để giảm sự phản xạ của sóng radar, khiến nó khó bị phát hiện hơn. Tuo Chiang có tốc độ tối đa 70 km/h và phạm vi hoạt động hơn 3.700 km. Con tàu hôm nay chạy thử trong thời gian ngắn để phóng viên chứng kiến các khả năng của nó rồi quay trở lại cảng.
Tuo Chiang dự kiến được triển khai trên vùng biển của Đài Loan sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm tiếp theo và trở thành nguyên mẫu để đóng 11 chiếc khác cho hải quân hòn đảo.
Việc hạ thủy tàu Tuo Chiang diễn ra su khi quốc hội Mỹ tuần trước thông qua dự luật cho phép Tổng thống Barack Obama bàn giao 4 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Perry cho Đài Loan. Trung Quốc giận dữ trước thỏa thuận này và đã trao công hàm ngoại giao phản đối.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan", Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Đài Loan tách khỏi Trung Quốc vào năm 1949 sau cuộc nội chiến. Quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đã cải thiện đáng kể sau khi ông Mã Anh Cửu, thuộc Quốc dân đảng, lên nắm quyền lãnh đạo năm 2008, giúp tăng cường giao thương và du lịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để thống nhất, buộc hòn đảo phải tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
-------------------------
Nga lập liên minh kinh tế với 4 nước Liên Xô cũ
Lãnh đạo Nga và 4 quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ hôm qua hoàn tất quá trình thiết lập một liên minh đầy tham vọng để thúc đẩy hội nhập kinh tế.
Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, sẽ được thiết lập từ ngày 1/1, hãng tin AP cho hay. Ngoài tự do thương mại, liên minh này còn phối hợp hệ thống tài chính của các nước thành viên, điều chỉnh chính sách công nghiệp, nông nghiệp cùng thị trường lao động và mạng lưới giao thông vận tải.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho biết liên minh mới sẽ có tổng sản lượng kinh tế 4,5 nghìn tỷ USD và đưa 170 triệu người lại gần với nhau. "Sự kết hợp Á - Âu dựa trên cơ sở lợi ích chung và có xét đến những lợi ích qua lại", ông Putin phát biểu sau các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko lại cáo buộc Moscow đang gây tổn hại đến kinh tế nước này bằng quyết định hạn chế Belarus xuất khẩu sang Nga.
Belarus nằm giữa Nga với Ba Lan và Litva, hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Minsk hưởng lợi đáng kể từ việc Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU, trả đũa lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga. Theo đó, Belarus nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia thuộc EU rồi bán lại cho Nga.
Nhà chức trách Nga sau đó trả đũa bằng cách ngừng nhập khẩu sữa và thịt của Belarus với lý do vệ sinh, đồng thời cấm vận chuyển thực phẩm từ Belarus sang Kazakhstan thông qua lãnh thổ Nga do nghi ngờ hàng hóa sẽ tuồn vào Nga.
Moscow còn từng khuyến khích Kiev gia nhập liên minh EEU nhưng tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hồi tháng hai bị phế truất sau nhiều tháng biểu tình.
-------------------------
Bangladesh quyết định mua tàu chiến của Trung Quốc
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết chính phủ đã quyết định mua 2 tàu hộ tống nhỏ và 2 tàu ngầm của Trung Quốc, trang Dhaka Tribune (Bangladesh) đưa tin.
Hiện 2 tàu hộ tống Type 056 mà Bangladesh đặt mua đang được đóng tại Trung Quốc và nhiều khả năng cả 2 sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2015, bà Hasina cho biết.
Hồi năm 2013, Hải quân Bangladesh đã thông báo sẽ mua 2 tàu ngầm lớp Ming của Trung Quốc. Nữ Thủ tướng Bangladesh cho biết 2 tàu ngầm này sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2016.
Bà cũng nói thêm rằng lực lượng hải quân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên quốc gia, chẳng hạn như dầu mỏ và khí đốt ở Vịnh Bangal.
Giới quan sát nhận định thương vụ mua chiến hạm Trung Quốc của Bangladesh sẽ khiến Ấn Độ lo lắng về việc Bắc Kinh hướng sức mạnh hải quân sang Ấn Độ Dương. Trang tin Want China Times (Đài Loan) cho biết từng có thông tin cho rằng Bangladesh đã phải từ bỏ ý định mua tàu ngầm Trung Quốc vì New Delhi gây áp lực.
Tuy nhiên, tuyên bố của bà Hasina cho thấy Bangladesh vẫn kiên định với kế hoạch mua tàu chiến của Trung Quốc.
Tờ Times of India dẫn lời một quan chức hải quân cấp cao giấu tên của Ấn Độ thắc mắc: “Vì sao Bangladesh phải cần đến tàu ngầm? Quyết định này của chính phủ Bangladesh và các xung đột đang diễn ra tại đó khiến chúng tôi quan ngại”.
“Chúng tôi cũng nghi ngờ tàu ngầm Trung Quốc sẽ lẻn vào hải phận Ấn Độ ở Vịnh Bengal, mặc dù hiện vẫn chưa có tàu ngầm nào bị phát hiện tại đó”, vị này cho hay.
Nhiều chuyên gia cho biết Pakistan hiện đã là đồng minh thân cận của Trung Quốc và đang có thông tin cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo Sri Lanka thành đối tác để đặt các căn cứ hải quân khi tàu ngầm của hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ghé thăm Colombo, thủ đô Sri Lanka, ít nhất 2 lần trong năm nay, theo Want China Times.
Bangladesh, với 1/3 trong tổng dân số 153 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, đã nỗ lực mở rộng năng lực quốc phòng trong những năm gần đây. Nước này đã xây dựng một căn cứ không quân mới gần nước láng giềng Myanmar và bổ sung các tàu chiến.
Một tòa án quốc tế đã chấm dứt một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bangladesh và Myanmar hồi tháng 3.2012, nhưng cuộc tranh cãi đã đẩy hai nước đến bờ xung đột quân sự vào năm 2008, khi Myanmar điều các tàu hải quân đến hỗ trợ việc khoan thăm dò khí đốt. Bangladesh còn có một cuộc tranh cãi với nước láng giềng Ấn Độ về biên giới biển tại vịnh Bengal vốn nhiều tài nguyên
-------------------------
Ý phá âm mưu ám sát hàng loạt dịp Giáng sinh
Cảnh sát Ý đã bắt giữ 14 phần tử tân phát xít có ý định thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào cảnh sát và các chính khách hàng đầu như Tổng thống Giorgio Napolitano, Thủ tướng Matteo Renzi, Chủ tịch Hạ viện Laura Boldrini và các cựu thủ tướng Mario Monti, Enrico Letta, theo AFP.
Cuộc điều tra cho thấy một băng nhóm thuộc tổ chức cực hữu Ordine Nuovo (Trật tự mới) đã bắt đầu trữ vũ khí và lên kế hoạch tấn công ở Ý trong dịp Giáng sinh.
Theo nhật báo Ý La Repubblica, các nghi can cũng đã thảo luận việc đánh bom cơ quan thu thuế Equitalia và mở cuộc tấn công nhắm vào đồn cảnh sát, các tuyến đường sắt quốc gia.
Nhà chức trách Ý tiết lộ vụ việc bại lộ nhờ một cảnh sát chìm đã thâm nhập nhóm trong suốt 2 năm qua.
-------------------------