Nguyên phó kỹ sư trưởng của Bộ đường sắt Trung Quốc đã bị giải thể vừa bị tuyên án tử hình nhưng được hoãn thi hành, sau khi bị kết luận đã nhận hối lộ hơn 47 triệu nhân dân tệ, tương đương 7,7 triệu USD.
Thông tin được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải. Theo đó, ông Zhang Shuguang đã bị một tòa án tại Bắc Kinh khẳng định phạm tội nhận hối lộ. Trong suốt 11 năm, Zhang đã nhận tổng cộng 47 triệu nhân dân tệ.
Trước tòa, ông này thừa nhận đã lợi dụng vị trí của mình để giúp các công ty thắng thầu hợp đồng đường sắt.
Zhang là một cộng sự thân cận của nguyên Bộ trưởng đường sắt Liu Zhiju, người cũng đã bị tuyên án tử hình được hoãn thi hành năm 2013.
Không lâu sau khi ông Liu bị bắt, Zhang cũng bị sa thải tháng 2/2011.
Án tử hình của vị nguyên phó kỹ sư trưởng được hoãn thi hành 2 năm. Nhưng thường các án tử hình dạng này tại Trung Quốc sẽ được chuyển thành án tù chung thân. Ngoài ra, toàn bộ tài sản của Zhang bị tịch thu và ông này sẽ bị cấm tham gia các hoạt động chính trị suốt đời.
Từng là một cơ quan đầy quyền lực, Bộ đường sắt Trung Quốc bị giải thể hồi tháng 3 năm ngoái, sau một loạt bê bối trong đó có vụ 2 đoàn tàu cao tốc va chạm năm 2011, khiến 40 người thiệt mạng.
Vì sao Senegal chặn đứng Ebola thành công?
Theo số liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 17-10 (giờ địa phương), đã có 4.555 ca tử vong trong 9.216 ca nhiễm Ebola ở bảy nước (Liberia, Sierra Leone, Guinea, Nigeria, Senegal, Tây Ban Nha và Mỹ).
Trong nhóm ba nước có số ca nhiễm nhiều hơn hết, Liberia có 2.484 ca tử vong trên 4.262 ca nhiễm, Sierra Leone có 1.200 ca tử vong trên 3.410 ca nhiễm và Guinea có 862 ca tử vong trên 1.519 ca nhiễm. Cùng ngày, WHO chính thức tuyên bố dịch Ebola đã chấm dứt ở Senegal. Ca nhiễm duy nhất ở Senegal được ghi nhận ngày 29-8. Một nam thanh niên có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Ebola ở Guinea đã đi ô tô từ Guinea về Dakar (Senegal).
Đến ngày 5-9, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không còn mang virus Ebola nữa. Senegal tiếp tục duy trì tình trạng cảnh báo suốt 42 ngày sau đó (hai lần hơn thời gian ủ bệnh tối đa của virus Ebola) để dò xem có ca nào nhiễm nữa hay không rồi mới công bố hết dịch.
WHO đã công bố báo cáo thẩm định trên trang web của WHO với kết luận: Với trường hợp của Senegal, kinh nghiệm quý giá nhất cho thế giới là hành động ngay tức khắc dựa trên nền tảng điều phối tốt thì chắc chắn sẽ chặn được ca nhiễm Ebola từ nước ngoài.
Kinh nghiệm đối phó của Senegal cụ thể như sau:
- WHO cử ngay ba chuyên viên dịch tễ học nhiều kinh nghiệm đến Senegal cùng hợp tác với Bộ Y tế, văn phòng WHO ở Senegal và các đối tác như tổ chức Thầy thuốc không biên giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Thủ đô Dakar đã có sẵn Viện Pasteur có phòng xét nghiệm được WHO công nhận tiêu chuẩn.
- Từ tháng 3 Senegal đã triển khai chương trình hành động chi tiết đối phó Ebola.
Nhiều cơ quan chính phủ tham gia chỉ đạo và điều phối, trong đó tổng thống và thủ tướng cũng tham gia. Ủy ban Chống khủng hoảng quốc gia là trung tâm điều phối. Kinh phí được huy động từ nhiều nguồn. Dù chỉ một ca nhiễm nhưng toàn quốc được đặt ở mức cảnh báo cao.
- Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh. Sau khi điều tra nhận thấy nguy cơ lây nhiễm ở ngoại ô Dakar rất cao vì bệnh nhân đã cư trú với gia đình tại đây, cơ quan chức năng khoanh vùng 74 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, sau đó giám sát hai lần mỗi ngày. Các ca nghi nhiễm đều được xét nghiệm nhanh.
- Chính phủ đã mở hành lang nhân đạo ở Dakar để tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo di chuyển và hoạt động. Từ đó thuốc men, thực phẩm và các trang thiết bị được cung cấp hài hòa. Senegal cũng đã tăng cường kiểm tra ở cửa khẩu và mở chiến dịch tuyên truyền trong nhân dân.
Trong khi đó, ngày 17-10, Mexico không cho tàu du lịch Carnival Magic của Mỹ cập cảng Cozumel. Nguyên do: Trên tàu có một hành khách nữ làm việc trong phòng xét nghiệm của BV Hội thánh Trưởng lão bang Texas bị nghi có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola Thomas Eric Duncan (tử vong hôm 8-10).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tối 16-10, Ngoại trưởng John Kerry đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Dean Barrow ở Belize đề nghị cho tàu du lịch Carnival Magic cập bến Belize để đưa hành khách nữ trên rời tàu. Belize sợ nhiễm Ebola nên không cho tàu vào bờ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hành khách nữ nọ không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Ebola mà chỉ tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân này. Trên tàu hành khách nữ này cũng không có triệu chứng nhiễm.
------------------------
Tình báo Mỹ lỗi thời trước cáo già Nhà nước Hồi giáo
Ngày 17-10 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí ra tuyên bố kêu gọi thế giới tăng cường giúp Iraq đấu tranh chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Đến nay, bất chấp nỗ lực không kích của Mỹ và các đối tác, Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục điều động xe pháo hàng đoàn chở vũ khí và chiến binh hoạt động ở nhiều nơi. Các đoàn xe được chia thành nhiều nhóm nhỏ để đột nhập bí mật hơn.
Song song với chiến dịch vây hãm thị trấn Kobane ở Syria, Nhà nước Hồi giáo đã tăng cường đánh bom khủng bố ở Iraq. Mưu toan của chúng là tấn công trên nhiều mặt trận cùng lúc.
Tạp chí National Review của Mỹ ngày 16-10 (giờ địa phương) đã thẳng thắn chỉ trích Mỹ đã không thể ngăn cản bước tiến của Nhà nước Hồi giáo do thiếu thông tin về chiến lược của phiến quân. Và nguyên nhân thiếu thông tin xuất phát từ công tác tình báo. Lỗ hổng tình báo lớn nhất của Mỹ nằm ở yếu tố con người.
Mỹ có quá ít nhân viên tình báo trên mặt đất làm nhiệm vụ xác định, tuyển mộ và hướng dẫn các đặc vụ chống lại Nhà nước Hồi giáo. Trong khi đó, các đặc vụ giữ vai trò tai mắt chính là những viên ngọc quý trong công tác tình báo.
Mỹ bố trí quá ít nhân viên tình báo mặt đất thì ngược lại, Nhà nước Hồi giáo đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các tổ chức khủng bố lão làng như tổ chức Al Qaeda. Trước đây, Al Qaeda ở Iraq dựa vào điện thoại di động và các công cụ truyền thông khác để liên lạc, do đó lực lượng đặc nhiệm của Mỹ có thể theo dõi nghe lén thông tin và đánh chặn.
Hiện giờ bọn chóp bu của Nhà nước Hồi giáo đủ sức tránh xa mạng lưới theo dõi của Mỹ. Cơ quan tình báo Mỹ dựa dẫm nhiều vào công tác thu thập tín hiệu. Tuy nhiên, nếu kẻ thù không sử dụng điện thoại di động liên lạc, Cục An ninh quốc gia Mỹ xem như bị mù.
Ngoài ra, do thờ ơ trước mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo từ trước, Nhà Trắng đã loại trừ khả năng triển khai lực lượng đặc nhiệm và từ chối điều động tài sản không quân cần thiết, đồng thời phớt lờ hậu quả chính trị nghiêm trọng từ các lựa chọn của Nhà Trắng.
Kết quả cho thấy cuối cùng Nhà nước Hồi giáo đã trở nên man rợ hơn, bộc lộ tham vọng lấn đất lộ liễu hơn.
Tạp chí National Review nhận định công tác tình báo chưa bao giờ được xem là một nghệ thuật hoàn hảo và động thái tính toán kỹ lưỡng luôn cần thiết trước bất kỳ nguy cơ nào. Quân đội Mỹ có khả năng siêu việt trong lĩnh vực này, dù vậy một ngư dân chưa có kinh nghiệm không biết nơi thả lưới thì sẽ không bao giờ bắt được cá.
Một khi Nhà nước Hồi giáo không sử dụng các công cụ và dịch vụ tình báo, Mỹ ngày càng lùi sâu vào bóng tối chiến lược. Đây là lý do giải thích tại sao Nhà nước Hồi giáo vẫn đang nắm thế chủ động về chiến lược. Xét mọi yếu tố, sản phẩm tình báo hiện tại của Mỹ đối với Nhà nước Hồi giáo đã bị tàn lụi và đã lỗi thời. Để phát huy tác dụng trước một kẻ thù nguy hiểm như Nhà nước Hồi giáo, Mỹ cần một sản phẩm tình báo kịp thời, chính xác và đa dạng hơn.
---------------------
Lao đao phận nhập cư tại Pháp
Bản báo cáo cho năm 2013 vừa được tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Thế giới (Médecins du Monde) công bố vào ngày 16-10 vừa qua cho thấy tại Pháp, nhiều người dân nhập cư ít được chăm sóc y tế và thường thiếu đói cho dù nhận được hỗ trợ y tế từ nhà nước.
“Hành trình của những người nghèo nhất”, đó là cụm từ được sử dụng để chỉ quá trình gian lao của các đối tượng nhập cư tại Pháp trên con đường đi tìm… sức khỏe! Bởi đang tồn tại một hiện trạng bất bình đẳng trong chăm sóc y tế dành cho các đối tượng này, cả từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Năm 2013, Bác sĩ Thế giới đã thống kê được tại 20 trung tâm tiếp nhận con số 29.960 người bị hệ thống y tế của nhà nước loại thải, trong đó không ít những trẻ em bơ vơ và phụ nữ đang mang thai bị bỏ rơi, trong khi nam giới thường ở độ tuổi trung bình là 33, xuất thân từ vùng châu Phi hạ Sahara, Bắc Phi và Liên minh châu Âu và 97% đang sống dưới mức nghèo khổ và 27% hoàn toàn không có tài sản riêng nào. Họ thiếu miếng ăn và khoảng 1/3 trong số đó có các biểu hiện bệnh lý từ vấn đề dinh dưỡng.
Tính chung, 36% các đối tượng bệnh nhân nói trên đến với Bác sĩ Thế giới do không có điều kiện để khám sức khỏe định kỳ và 20% đã từ chối khám y tế trong năm nay. Lý do là họ không rành luật lệ tại Pháp mà thủ tục rườm rà, họ lại không có tiền để đi điều trị khi ngã bệnh, chưa kể đến rào cản ngôn ngữ, họ không rành tiếng Pháp và tâm lý lo sợ bị cảnh sát bắt giữ, nhất là đối với những người nhập cư bất hợp pháp. Thế cho nên đối với họ, có bệnh thì nằm đó mà… chịu!
--------------------
Quan chức Hàn Quốc tự sát sau thảm kịch tại buổi hòa nhạc
Chỉ vài giờ sau vụ tai nạn tại buổi hòa nhạc tại Seongnam khiến 16 người thiệt mạng, một quan chức Hàn Quốc chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn của buổi biểu diễn này đã tự sát vì ân hận.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 16 người thiệt mạng tại Seongnam
Vị quan chức địa phương 37 tuổi, có họ được xác định là Oh. Vụ tự sát được thông báo sau khi ông được cảnh sát Hàn Quốc tiến hành thẩm vấn về tai nạn hôm thứ Sáu 17-10 tại một buổi hòa nhạc ngoài trời ở thành phố Seongnam.
Những người chứng kiến cho hay, các nạn nhân đang tìm cách đứng trên lưới thông gió để nhìn rõ hơn thì cấu trúc này bất ngờ đổ sập. Lưới thông gió đã không chịu nổi sức nặng của đám đông. Các nạn nhân rơi từ độ cao 18,7 mét xuống khu vực bãi đậu xe dưới mặt đất.
Đoạn video của kênh tin tức YTN cho thấy khán giả xung quanh khu vực tại nạn cũng như các cô gái của nhóm nhạc 4Minute , dường như không biết gì về vụ tai nạn. Buổi biểu diễn vẫn tiếp tục diễn ra bình thường trên sân khấu.
Ngày 18-10, phát ngôn viên lực lượng cứu trợ thiên tai Kim Nam-Jun đã thông báo về vụ tự sát của ông Oh. Vị quan chức này là người làm việc với nhóm tài trợ cho buổi hòa nhạc. Ông đã nhảy lầu tự tử khỏi một tòa nhà gần nơi thảm kịch xảy ra.
Truyền hình YTN nói rằng, ông Oh được tìm thấy đã chết vào sáng sớm thứ Bảy, vài giờ sau khi bị cảnh sát thẩm vấn. Ông
Kim cũng cho biết các nhà chức trách đã huy động nhân sự đến điều tra hiện trường. "Một nhóm các cảnh sát và chuyên gia pháp y quốc gia đã kiểm tra hiện trường xảy ra tai nạn vào sáng nay, đồng thời kiểm tra kỹ khung lưới thông gió và các cấu trúc liên quan".
An ninh tại buổi hòa nhạc đã bị “bỏ qua”
Hãng thông tấn Yonhap cho biết cảnh sát đã thẩm vấn 15 người, bao gồm các quan chức phụ trách thông tin địa phương, vận động tài trợ và tổ chức các buổi hòa nhạc.
Một quan chức cảnh sát cho hay: “Nếu kết quả điều tra đưa ra bằng chứng cho rằng các quy tắc đảm bảo an toàn đã bị bỏ qua, chúng tôi sẽ cáo buộc hình sự chống lại họ”.
Các nhân chứng nói với truyền thông rằng không có nhân viên bảo vệ hoặc hàng rào an toàn ngăn chặn khán giả leo qua khung chắn ngang lối vào sau khi khoảng 400 ghế đã được lấp đầy hoàn toàn trước khi buổi biểu diễn bắt đầu. Trong khi đó, theo thống kê cho thấy có hơn 700 người đã tham dự buổi hòa nhạc ngoài trời.
Theo tờ Chosun Ilbo, chủ một nhà hàng gần hiện trường cho biết: "Nhiều người đã hát và nhảy múa khi đứng trên lưới thông gió. Tôi đã lo cho sự an toàn của họ, nhưng không có bất kỳ nhân viên bảo vệ nào xung quanh cả".
Tuy nhiên, cũng có nhân chứng khác khẳng định: "Ban tổ chức chương trình đã nhiều lần nhắc nhở khán giả đi ra khỏi nắp lưới hầm thông gió nhưng không ai chịu chú ý đến cảnh báo”.
Chuyên gia về kỹ thuật an toàn, Giáo sư Chung Jae-Hee của Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul, cho biết vụ việc xảy chẳng khác nào một thảm họa "nhân tạo".
Ông cho rằng: "Tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn cơ bản đều bị gạt bỏ sang một bên. Lẽ ra ban tổ chức chương trình ít nhất phải cho thiết lập hàng rào an toàn tạm thời hoặc triển khai nhân viên bảo vệ ở đó".
"Nguy hiểm đang tiềm ẩn ở nhiều nơi trên khắp đất nước này. Trong những thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế luôn luôn được ưu tiên hơn những vấn đề an toàn, dẫn đến việc thiếu ý thức an toàn trong bản thân người dân Hàn Quốc."
Tai nạn xảy ra trong bối cảnh, Hàn Quốc vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của thảm họa phà Sewol vào tháng Tư làm hơn 300 người chết, đa số là học sinh trung học. Thảm họa Sewol nhắc nhở chính phủ xem xét lại các tiêu chuẩn an toàn của quốc gia. Công tác giám sát quản lý nghèo nàn đã góp phần không nhỏ vào quy mô của thảm kịch.
Trong tháng Hai cũng từng xảy ra tai nạn sụp mái nhà hát thính phòng chật ních sinh viên gần thành phố phía nam Gyeongju. Vụ việc làm 10 người tử vong và làm bị thương hơn 100 người. Kết quả cuộc điều tra đã phát hiện ra các bằng chứng liên quan đến sai sót về cấu trúc và kiểm soát quản lý lỏng lẻo.
Vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra tại một buổi hòa nhạc vào năm 2005, 11 người bị đè chết và gần 80 người bị thương do bị giẫm đạp trong lúc hàng ngàn người cố gắng tiến vào bên trong sân vận động ở thành phố đông nam Sangju.
-----------------------