Ukraina ưu tiên xây dựng quân đội hùng mạnh ứng phó với Nga
Ưu tiên hàng đầu của Ukraina là xây dựng một đội quân đủ mạnh để ngăn chặn sự tăng cường hoạt động quân sự của Nga, Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk hôm 14.11 tuyên bố.
Ông Yatseniuk đang đàm phán về chia sẻ quyền lực với Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko và những người khác để sớm thành lập một liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 26.10, trong đó chiến thắng thuộc về các đảng do Tổng thống và Thủ tướng dẫn đầu. Tuyên bố trên được ông Yatseniuk đưa ra sau khi ông khuyến nghị về các vị trí chủ chốt trong chính phủ liên minh của Ukraina.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Yatseniuk khẳng định: "Xây dựng quân đội có khả năng ngăn chặn sự tăng cường hoạt động quân sự của Nga là nhiệm vụ số 1".
Lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina đã “phản pháo”. “Nếu họ (Ukraina) tiếp tục xây dựng lực lượng như một minh chứng, một mối đe dọa hoặc có một số hành động cụ thể, chúng tôi đã sẵn sàng đối phó”, ông Alexander Khodakovsky, một sĩ quan quân sự cấp cao của lực lượng ly khai nói với Reuters.
Một phát ngôn viên quân sự Ukraina cho hay, các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn ở Donetsk và Lugansk giữa lực lượng ly khai và quân đội chính phủ trong 24 giờ qua, trong đó 1 binh lính và 1 em nhỏ 5 tuổi đã thiệt mạng.
Tổng thống Ukraina Poroshenko nói với các quan chức an ninh rằng, "không có lý do gì để hoảng loạn" về tình hình ở phía đông.
“Nếu những sự việc này xảy ra bất chấp kế hoạch hòa bình thì lực lượng vũ trang Ukraina hiện nay đã sẵn sàng và có đủ khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công”, ông Poroshenko cho biết trong một tuyên bố và nói thêm, Kiev vẫn cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Nga cảnh báo rằng, bất cứ sự nối lại chiến sự nào cũng là một thảm họa với Ukraina sau khi Kiev cho biết đã tái triển khai quân đội để sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công có thể xảy ra của lực lượng ly khai.
-------------------------
Hội nghị thượng đỉnh G20: Nga - phương Tây đối đầu
Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc hôm nay được dự báo là cuộc đối đầu giữa các lãnh đạo phương Tây và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh Kiev cáo buộc Mátxcơva đưa quân vào miền đông Ukraine.
Ukraine tố cáo Nga đưa quân và vũ khí vào giúp lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine nhằm tiến hành một chiến dịch tấn công mới. Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua nói với báo giới tại Úc: “Nếu Nga có cách tiếp cận tích cực đối với quyền tự do và trách nhiệm của Ukraine, chúng ta có thể thấy các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Nếu Nga tiếp tục khiến tình hình tồi tệ hơn, chúng ta sẽ thấy các biện pháp trừng phạt được tăng cường”.
Nga bác bỏ việc đang đưa quân và xe tăng vào Ukraine. Trong khi đó, báo chí phương Tây cho rằng, tình hình bạo lực ngày càng tăng, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và các báo cáo về những đoàn xe vũ trang không rõ xuất xứ đi từ hướng biên giới Nga làm tăng lo ngại về nguy cơ sụp đổ thỏa thuận đình chiến ký hôm 5/9.
Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) tại thành phố Brisbane của Úc sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thế giới, khắc phục điểm yếu của hệ thống ngân hàng toàn cầu và xử lý lỗ hổng thuế đối với các công ty đa quốc gia. Trong khi hầu hết các vấn đề kinh tế đã có sự đồng thuận và một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa được Mỹ và Trung Quốc ký kết, các quan ngại về an ninh được dự báo là vấn đề trung tâm của hội nghị này.
Ukraine không phải vấn đề được tập trung thảo luận trong hai hội nghị thượng đỉnh tại châu Á, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu ngắn gọn vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cả hai tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi đầu tuần tại Trung Quốc.
Dự kiến, hôm nay, ông Obama thảo luận vấn đề Ukraine với các đồng minh chủ chốt, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron.
Xôn xao tin đoàn tàu chiến hộ tống ông Putin
Tại Úc, có một số ý kiến kêu gọi không nên mời ông Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này trước những hành động của Nga ở Ukraine và vụ máy bay Malaysia MH17 bị bắn hạ ở Ukraine mà phương Tây cáo buộc là do lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn gây ra. Tuy nhiên, ý kiến phản đối đã chiếm ưu thế.
Theo các báo cáo mới nhất, đoàn tàu chiến của Nga đã vào đến vùng biển quốc tế ở phía bắc Brisbane trong tuần này, khiến dư luận xôn xao. Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng, đoàn hộ tống này không bất thường, nhưng việc Hải quân Nga tiến xa như vậy về phương nam là điều chưa từng có tiền lệ.
Phát biểu với báo giới tại Úc, Thủ tướng Đức Merkel bác bỏ lo ngại về mối đe dọa từ đoàn tàu chiến của Nga, nhưng cũng đồng ý với các nhà lãnh đạo đồng minh phản đối Nga ngay trước khi ông Putin đến Brisbane vào tối qua. “Điều khiến tôi quan ngại hơn là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đang bị vi phạm và thỏa thuận Minsk không được tuân thủ”, bà Merkel nói.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Itar-Tass trước chuyến đi đến Úc về những thách thức mà Nga và các nước tham gia sẽ phải đối mặt trong hội nghị thượng đỉnh lần này, ông Putin nói: “Chúng ta được dẫn dắt bởi lợi ích chứ không phải cảm xúc khi làm việc với các đối tác”.
Ông Putin nhấn mạnh, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga là đi ngược lại chính nguyên tắc hoạt động của G20 và luật pháp quốc tế nói chung, vì các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được áp đặt trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an. Ông Putin cũng cho rằng, việc áp đặt trừng phạt còn đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.
Ngoài vấn đề Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Trung Đông cũng có thể sẽ bao trùm chương trình nghị sự về kinh tế. Với tư cách chủ nhà, Úc sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề tăng trưởng kinh tế cho dù nhiều căng thẳng an ninh đang nổi lên. Úc sẽ tham gia thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2% vào năm 2018 để tạo ra hàng triệu việc làm. Hơn 1.000 sáng kiến chính sách được các quốc gia G20 đưa ra nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 2,1%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết.
Khoảng 6.000 cảnh sát sẽ được triển khai để duy trì an ninh cho hội nghị. Có tới 27 nhóm đã được phép biểu tình trong các khu vực quy định, nơi dự kiến có hàng ngàn người tập trung trong dịp cuối tuần này.
-------------------------
Ấn Độ thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Truyền thông Ấn Độ đưa tin sáng 14.11, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đất đối đất Prithvi-II có thể mang đầu đạn hạt nhân, từ một bãi thử ở bang Odisha, miền đông nước này.
Vụ phóng được thực hiện tại bãi phóng thử tên lửa ở vùng Chandipur, huyện Balasore, cách thủ phủ Bhubaneswar của bang Odisha khoảng 230km, trong khuôn khổ hoạt động huấn luyện thường kỳ của các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Giới chức Ấn Độ khẳng định “vụ phóng thử đã thành công và đây là một vụ phóng điển hình”.
Prithvi-II (ảnh) là tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo theo Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tích hợp (IGMDP). Đây là loại tên lửa một tầng, có khả năng mang đầu đạn nặng 500kg và có tầm bắn tối đa 350km. Prithvi-II cũng được thiết kế sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và có khả năng đánh lừa các tên lửa đánh chặn.
-------------------------
“Luật khủng bố” đang được IS thực thi bạo tàn tại Syria
Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang phạm phải tội ác chiến tranh và đặt ra “luật khủng bố” tại khu vực chúng kiểm soát ở Syria, theo Liên Hợp Quốc (LHQ).
Báo cáo của LHQ dựa trên các cuộc phỏng vấn hơn 300 nhân chứng cho biết, IS đang sử dụng bạo lực cực đoan chống lại dân thường. Theo đó, những người đàn ông hút thuốc bị bắt đã bị cắt ngón tay, một nữ nha sĩ bị IS chặt đầu công khai.
Báo cáo của các nhà điều tra thuộc Cơ quan nhân quyền LHQ có tiêu đề “Luật khủng bố”, có hiệu lực tại các khu vực bị IS chiếm đóng ở Syria, là lần đầu tiên LHQ xem xét chặt chẽ chiến thuật của IS.
Ngoài các cuộc phỏng vấn với nam giới, nữ giới và trẻ em đã bỏ trốn hoặc đang sống ở các khu vực đặt dưới sự kiểm soát của IS ở Syria, báo cáo của LHQ cũng xem xét những hình ảnh và video mà nhóm này công bố.
Các vụ xử tử của nhóm này rất công khai và phổ biến với những thi thể bị bỏ lại nơi công cộng “như một lời cảnh báo cho người dân địa phương”, báo cáo của LHQ cho hay.
Báo cáo cho biết thêm, cộng đồng quốc tế đã đánh giá thấp mối đe dọa mà nhóm này gây ra với sự ổn định khu vực, và thất bại trong việc tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria đã “để lại một khoảng trống nguy hiểm” mà được IS lấp đầy.
Báo cáo được viết bởi Ủy ban điều tra quốc tế độc lập của LHQ về Syria, được thành lập vào tháng 8 năm 2011 của Hội đồng Nhân quyền LHQ với nhiệm vụ điều tra tất cả các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Syria.
Báo cáo cho rằng, các bên xung đột ở Syria, bao gồm cả chính phủ Syria cũng chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm quyền con người, chống lại dân thường và các chiến binh bị bắt.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh, các bên này có khả năng sẽ giấu hoạt động của họ trong khi IS “tăng cường lạm dụng và các tội ác” để thực thi quyền lực của chúng.
Chiến thuật tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo đã làm dấy lên nỗi sợ hãi và phẫn nộ trên toàn thế giới, bao gồm cả các nhóm Hồi giáo. Một chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu đã tấn công các mục tiêu IS kể từ tháng 8 năm nay phần nào phá hủy các vị trí, vũ khí chiến đấu và ngăn cản bước tiến của IS.
-------------------------