Putin cảnh báo Obama chớ “tìm cách tống tiền” Mátxcơva
Phát biểu của ông Putin đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Politika của Serbia trước chuyến thăm Serbia ngày 16.10 và trước cuộc gặp thượng đỉnh ASEM tại Italia ngày 17.10. Ông cho rằng Tổng thông Mỹ đã có thái đồ thù địch khi trong phát biểu tại Đại hội đồng LHQ tháng 9 vừa qua, ông Obama đã xem việc “Nga xâm lược miền đông Ukraina” là một trong những mối đe dọa hàng đầu toàn cầu cùng tổ chức Nhà nước Hồi giáo và dịch Ebola.
“Sau khi đưa ra những hạn chế với toàn bộ nền kinh tế Nga, khó mà gọi cách tiếp cận đó bằng từ nào khác từ thù địch,” ông Putin nói.
“Chúng tôi hy vọng rằng các đối tác sẽ hiểu sự liều lĩnh khi cố tìm cách tống tiền nước Nga, và hãy nhớ rằng sự bất đồng giữa các cường quốc hạt nhân lớn có thể gây hậu quả tới ổn định chiến lược”.
Ông Putin cũng cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, xúi giục khủng hoảng ở Ukraina rồi lại đổ tội cho Nga.
“Những gì xảy ra từ đầu năm tới nay khiến người ta nản chí,” ông nói. “Washington đã ủng hộ mạnh mẽ các cuộc phản đối của Maidan và bắt đầu đổ lỗi cho Nga gây ra khủng hoảng khi những người được Mỹ bảo trợ ở Kiev, qua chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt của họ, đã biến một phần đáng kể của Ukraina thành chống đối Kiev và đẩy đất nước vào nội chiến”.
Ông Putin nói rằng Nga sẵn sàng hàn gắn quan hệ, nhưng chỉ khi lợi ích của Nga được Mỹ tính đến. “Chúng tôi sẵn sàng phát triển đối thoại xây dựng dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và xem xét đến lợi ích của nhau một cách trung thực nhất”.
Ông khẳng định, việc gây sức ép với Nga bằng “các biện pháp hạn chế đơn phương và bất hợp pháp” sẽ cản trở nỗ lực giải quyết khủng hoảng.
-------------------------
Người Úc giàu nhất thế giới
Theo một nghiên cứu vừa công bố hôm nay 15-10 của ngân hàng đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ), dân Úc hiện là những người giàu nhất thế giới nhờ giá bất động sản cao.
Trong báo cáo giá trị tài sản toàn cầu 2014, Credit Suisse cho biết trung bình một người Úc có tài sản trị giá hơn 225.000 USD, giàu nhất thế giới.
Xếp thứ hai là dân Bỉ với tài sản 173.000 USD, kế đó là dân Ý, Pháp và Anh, tất cả có tài sản khoảng 110.000 USD.
Báo cáo cũng cho biết chỉ có 6% người Úc có tài sản dưới 10.000 USD, trong khi ở Mỹ tỉ lệ này là 29%, còn tính chung cả thế giới là 70%.
Xét theo hộ gia đình, thì tài sản bất động sản của mỗi hộ gia đình ở Úc đạt trung bình 319.700 USD - chiếm 60% tổng tài sản. Đây là mức cao thứ hai trên thế giới sau Na Uy.
Theo Tân Hoa Xã, giá trị tài sản của Úc đã tăng mạnh trong 14 năm qua. Năm 2000, tài sản ròng của một người Úc trung bình là 103.151 USD.
-------------------------
Nga "bắt tay" Trung Quốc chống cấm vận phương Tây
Theo AFP, tiếp đón ông Lý Khắc Cường tại điện Kremlin, ông Putin khẳng định: “Chúng ta là hai nước láng giềng, là đồng minh và đối tác tự nhiên. Chúng ta đang đặt ra những mục tiêu quy mô lớn và điều đó sẽ có lợi cho nhân dân hai nước”.
Ông Lý cho rằng Nga và Trung Quốc có tiềm năng hợp tác “vô cùng lớn”. “Chúng ta đang chứng kiến xu hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực” - ông Lý nhấn mạnh. Hai bên đã ký hơn 40 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính và công nghệ.
Đáng chú ý là Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 24,5 tỷ USD để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Các ngân hàng Trung Quốc sẽ cho các công ty Nga vay khoảng 4,5 tỷ USD.
Các thỏa thuận này mở đường cho Nga tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Tập đoàn dầu Nga OAO Rosneft cũng đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác với Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc. Nga là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định để chống lại cấm vận phương Tây, Nga đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc theo cách có lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn.
Ví dụ điển hình nhất là thỏa thuận xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trong vòng 30 năm mà hai bên ký kết hồi tháng 5. Theo nguồn tin chính thức, hãng Gazprom sẽ bán cho tập đoàn Trung Quốc CNPC khí đốt với giá 350 USD/1.000 m3.
Con số này thấp hơn mức 380 USD/1.000 m3 mà Nga đang bán cho các nước châu Âu.
Các chuyên gia năng lượng cho biết trên thực tế Gazprom sẽ còn thiệt hại hơn nhiều. Bởi hợp đồng này bao gồm điều khoản xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí và các hạ tầng khác có chi phí cực lớn.
Các chuyên gia ngân hàng Alfa Bank đánh giá để có lãi, Gazprom phải bán khí đốt cho CNPC với giá từ 360-440 USD/1.000 m3. Như vậy, về lâu dài Gazprom có thể lỗ nhiều tỷ USD khi thực hiện hợp đồng kéo dài 30 năm này.
Nga bán các vũ khí tối tân cho Trung Quốc
Ngoài ra Nga những nhượng bộ khác với Trung Quốc. Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Matxcơva (CAST) cho biết hiện Nga đang chuẩn bị ký thỏa thuận bán tên lửa S-400 và máy bay Su-35 cho Trung Quốc vào đầu năm tới.
Nga cũng có thể sẽ bán cho Trung Quốc loại tàu ngầm mới nhất là Amur 1650. Trước đó, Nga luôn ngần ngại không muốn bán các loại vũ khí hiện đại nhất cho Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ Bắc Kinh đánh cắp công nghệ.
“Đã từ lâu Nga không muốn tiếp thêm sức mạnh cho gã hàng xóm có nền kinh tế lớn gấp bốn lần và dân số gấp 10 lần” - nhà phân tích Fyodor Lukyanov thuộc Hội đồng Chính sách ngoại giao và quốc phòng ở Matxcơva nhấn mạnh. Các chuyên gia cũng cảnh báo việc Nga tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc có thể châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á.
Chuyên gia Alexei Maslov thuộc Trường Kinh tế cấp cao Matxcơva đánh giá về thương mại và đầu tư, Trung Quốc cũng hưởng lợi nhiều hơn từ sự tăng cường quan hệ.
Trung Quốc xuất khẩu sang Nga 53 tỷ USD năm 2013, trong khi thương mại chiều ngược lại chỉ chưa đầy 40 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc vào Nga chỉ vỏn vẹn 3 tỷ USD, tương đương 2,5% tổng đầu tư nước ngoài tại Nga năm 2013.
-------------------------
Mỹ tiêu hủy kho vũ khí hóa học thời Saddam Hussein
Quân đội Mỹ vừa tiêu hủy khoảng 5.000 vũ khí hóa học gồm đạn pháo, tên lửa sau cuộc chiến hồi năm 2003 tại Iraq, thời Saddam Hussein, song Lầu Năm Góc không công bố việc này.
Theo Dailymail, mới đây, tờ New York Times tiết lộ bí mật trên. Quân đội Mỹ đã không hề công bố việc thu hồi và tiêu hủy khoảng 5.000 vũ khí hóa học của chính quyền Saddam Hussein từ Iraq trong khoảng năm từ 2004-2011.
Cũng theo Dailymail, bí mật trên không được công bố vì trên thực tế, chúng chưa được sử dụng và không hỗ trợ cho cuộc chiến của cựu Tổng thống Mỹ George Bush tại Iraq.
Tất cả vũ khí mà quân đội Mỹ tìm thấy đều được sản xuất trước năm 1991 và nằm rải rác khắp Iraq. Trong số đó, họ tìm thấy đạn pháo 155mm, tên lửa 122mm han rỉ được Saddam Hussein sản xuất trong cuộc chiến Iran- Iraq khoảng những năm 1980-1988.
Theo chỉ huy quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Jarrod Lampier, chỉ tính riêng trong năm 2006, quân đội Mỹ đã phát hiện 2.400 tên lửa chất độc thần kinh.
Trong quá trình tiêu hủy lượng lớn vũ khí hóa học, ít nhất 17 binh sĩ Mỹ và 7 người Iraq khác bị thương vì rò rỉ chất lỏng độc hại hay mù tạt… Những người này bị bỏng nặng, viêm hô hấp hay ảnh hưởng tới sức khỏe sau này nhưng thời điểm đó, chính phủ Mỹ không cho họ nhận chăm sóc y tế và bác bỏ việc những người này bị thương khi làm nhiệm vụ vì bí mật bị lộ.
-------------------------
Mỹ kêu gọi Hồng Kông điều tra cảnh sát đánh người biểu tình
Mỹ hôm 16-10 kêu gọi Hồng Kông nhanh chóng điều tra triệt để và minh bạch về việc cảnh sát Hồng Kông mặc thường phục đánh đập người biểu tình bị còng tay giữa lúc lại xảy ra cuộc đụng độ vào sáng cùng ngày.
Mỹ cho biết nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự tàn bạo của cảnh sát. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện một cuộc điều tra nhanh chóng, minh bạch và đầy đủ về vụ việc này”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi hình ảnh cảnh sát Hồng Kông đánh đập một người biểu tình được lan truyền trên mạng Internet, khiến một số nhà lập pháp và công chúng phẫn nộ. Trong buổi sáng cùng ngày, cảnh sát sát Hồng Kông buộc phải đã dùng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông chặn một con đường lớn gần văn phòng của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh sau khi những người này tỏ ra tức giận về vụ việc một người biểu tình bị cảnh sát đánh đập.
Trong khi đó, tại trụ sở cảnh sát ở quận Wan Chai, hàng trăm người đã tụ tập sẵn bên ngoài từ sáng sớm để bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi đánh đập người biểu tình cùng với hàng chục người xếp hàng để khiếu nại chính thức về vụ việc nói trên. Trước đó, giới chức Hồng Kông cho biết cảnh sát tham gia vào vụ đánh đập nạn nhân Ken Tsang Kin-chiu đều bị đình chỉ công tác.
Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Anh David Cameron hôm 15-10 cho biết người Anh nên đứng lên ủng hộ quyền của người dân Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, sau hơn 2 tuần diễn ra biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu này.
Phát biểu tại Quốc hội Anh về tình hình bất ổn ở Hồng Kông, ông Cameron đã nói điều quan trọng là người dân Hồng Kông phải được hưởng tự do và các quyền theo quy định trong một thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc trước khi London trao trả đặc khu này lại cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Ông Cameron nhấn mạnh: “Điều quan trọng là dân chủ liên quan đến những lựa chọn thực sự. Điều này nói về các quyền và tự do bao gồm quyền tự do cá nhân, phát ngôn, báo chí, hiệp hội, tổ chức, du lịch, phong trào và các cuộc biểu tình”. Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã đụng độ với cảnh sát đêm qua.
-------------------------