Theo hãng AP, ngày 5/3, Tòa án Thành phố Moskva đã kết án một viên cảnh sát Nga có tên Roman Ushakov 15 năm tù giam về tội làm gián điệp cho Mỹ.
Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt vụ gián điệp bị phát hiện trong bối cảnh quan hệ Nga-Phương Tây đang căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ushakov bị tòa án kết tội phản quốc do cung cấp thông tin mật cho Mỹ. Theo hãng tin Interfax, các công tố viên đã đưa ra những bức thư của Ushakov có chứa thông tin nhạy cảm về Bộ Nội vụ, và một thùng giấu đồ được ngụy trang thành một tảng đá chứa tiền mặt cùng 1 bức thư của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Interfax dẫn lời công tố viên Viktor Antipov nói rằng Ushakov bị bắt quả tang. Phạm nhân đã nhận tội và khai chi tiết về việc liên hệ với Mỹ./.
Một năm kể từ sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích, vẫn không có dấu vết nào của chiếc Boeing 777 được tìm thấy, trong khi rất nhiều giả thiết tiếp tục được đưa ra trong đó không loại trừ khả năng phi công tự sát.
Cơ trưởng MH370 nhìn ngắm quê nhà lâu trước chuyến bay cuối?
“Có ai đó đang nhìn về phía Penang. Ai đó đang có ánh mắt rất cảm xúc, rất lâu về phía Penang. Cơ trưởng của chuyến bay đến từ hòn đảo ấy”.
Đã không ít lần, phân tích về chuyến bay MH370 của phi công kỳ cựu Simon Hardy khiến người đọc lạnh xương sống. Là một cơ trưởng lái Boeing 777, ông Hardy thuộc các lộ trình bay tại châu Á giống như một người thường xuyên đi tàu điện ngầm thuộc những lối tắt để về nhà. Hardy đã có 17 năm bay trên các chặng khắp châu Á.
Ông tin vào một điều mà không một phi công, hành khách mà thực tế là không ai muốn nghĩ tới, đó là cơ trưởng MH370 Zaharie Shah đã cố tình đưa máy bay lẩn tránh khỏi radar, lái nó đi chệch hướng hàng nghìn cây số, trước khi lao xuống biển.
Ông cho biết manh mối chính là lộ trình của chiếc Boeing 777 sau khi nó biến mất khỏi màn hình của đài kiểm soát không lưu. Nó đã quay đầu lại và bay dọc theo biên giới Malaysia và Thái Lan.
“Máy bay đã bay vào và ra khỏi các nước này 8 lần”, Simon Hardy khẳng định. “Đó có lẽ là một lộ trình bay rất chính xác chứ không chỉ là ngẫu nhiên. Bởi kiểm soát không lưu tại các nước này có thể lầm tưởng chiếc máy bay ở trong khu vực quản lý của nước khác và không chú ý”.
Nhưng giả thuyết đáng sợ nhất của ông đến ở giai đoạn sau đó chút ít, khi máy bay lượn quanh hòn đảo Penang, quê nhà của của cơ trưởng Shah.
“Đó thực sự là một điều rất kỳ lạ”, Hardy nói. “Tôi đã bỏ nhiều giờ suy nghĩ về điều này và cuối cùng nhận thấy nó tương tự cách lái mà tôi đã thực hiện tại Úc trên khu vực Ayers Rock. Bởi đường băng chạy thẳng qua đầu Ayers Rock, bạn không thực sự thấy rõ nó do nó biến mất dưới mũi của máy bay.
Do đó để thực sự thấy rõ nó, bạn phải lượn trái hoặc phải, bay dọc theo nó rồi thực hiện một cú ngoặt dài. Nếu nhìn vào các dữ liệu từ MH370, sự thật là có tới đến 3 cú rẽ chứ không phải một. Có ai đó đã muốn nhìn nhắm Penang”, vị cơ trưởng nhận định.
Những giả thuyết chưa lời đáp
Steve Landells, người có 10 năm kinh nghiệm lái Boeing 777 và hiện là một chuyên gia an toàn hàng không của Hiệp hội phi công Anh, vẫn còn chưa lý giải được chuyện gì đã xảy ra với MH370. “Không một giả thuyết nào có thể trả lời toàn bộ mọi cậu hỏi, hoặc lý giải chuyện gì đã xảy ra vào ngày đó”, ông cho biết.
Có quá nhiều điều chúng ta không biết, nhưng chúng ta thực sự biết chắc thời điểm cất cánh là 12 giờ 41 phút đêm giờ địa phương, và lần cuối cùng radar quân sự phát hiện là vào lúc 2 giờ 22 phút sáng.
Nó cho thấy máy bay có nhiều lần chuyển hướng không thể lý giải. Sau đó, dựa trên những dữ liệu rất ít từ một vệ tinh, nhận định được đưa ra là máy bay bay về phía Nam trên một đường thẳng trong suốt 6 giờ.
“Rất nhiều giả thuyết đưa ra giả định rằng không có ai điều khiển chiếc máy bay, nhưng chỉ có 3 cách để làm một chiếc 777 chuyển hướng”, Landells nói.
“Đó là điều khiển nó bằng tay, cầm vào cần lái và xoay, điều khiển máy bay bằng hệ thống lái tự động, hoặc bằng cách lập trình cho hành trình thông qua máy tính dẫn đường. Với 2 giả thuyết đầu tiên, cần có ai đó trong buồng lái. Nhưng nếu có ai đó bên trong, tại sao không có cuộc điện đàm nào?”
Boeing 777 có rất nhiều hệ thống dự phòng cho hệ thống điện, để ngay cả khi nguồn chính bị ngắt, có một ắc quy được kết nối với thiết bị của cơ trưởng, và một trong những bộ điện đàm để có thể phát đi tín hiệu. Trong trường hợp hệ thống dự phòng này cũng hỏng, một tuabin ở phía cuối máy bay cũng có thể cung cấp đủ điện để vận hành các thiết bị cơ bản, bao gồm hệ thống liên lạc.
“Một giả thuyết khác đó là có cháy dữ dội trong khoang lái, vốn từng xảy ra”, Landells nói. “Điều đó có thể buộc phi công rời khoang lái. Nhưng nếu đúng là như vậy, làm sao máy bay có thể bay tiếp rất lâu, với một đám cháy dữ dội đến vậy? Khả năng là vô cùng nhỏ.”
Việc thiếu những thông tin chắc chắn làm dấy lên câu hỏi, liệu phi công Zaharie Shah có chủ ý khiến máy bay rơi, tự sát và khiến những người khác trên khoang thiệt mạng? Những tai nạn như vậy là rất hiếm. Mạng an toàn hàng không Mỹ chỉ thống kê được 8 tai nạn trong suốt lịch sử ngành hàng không được cho rằng do phi công tự sát. Tuy hiếm, nhưng không phải không có.
“Chúng ta biết điều gì đã xảy ra”, David Learmount, một biên tập viên về an toàn tại tạp chí Flight Global nói về vụ MH370. “Chỉ có duy nhất một điều có thể, đó là hành động có chủ ý của ai đó trên khoang, có lẽ là do cơ trưởng”.
Dù vậy, đây là một giả thuyết rất gây tranh cãi, “bởi suốt từ năm ngoái đến nay, không có bằng chứng nào của một âm mưu từ bên ngoài”, phóng viên ngành hàng không Spruck Wrigley viết.
“Không có gì xuất hiện trên mạng xã hội. Không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Nhưng cách mà MH370 gặp nạn ít có khả năng là một vụ tự sát khi kế hoạch kéo dài quá lâu. Trong rất ít những vụ tự sát từng diễn ra, nó thường đến hơn nhiều, khi phi công đơn giản là cho máy bay cắm đầu xuống đất và nổ tung”.
Thủ tướng Úc Tony Abbott mới đây cảnh báo, chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích không thể kéo dài mãi. Và có vẻ họ đang chuẩn bị cho một tuyên bố khó khăn, được đưa ra trong vài tuần tới.
----------------------
Mỹ: 2 người Việt bị truy tố vì lừa đảo tới 2 triệu USD qua mạng
Các công tố viên Mỹ đã buộc tội 2 người Việt Nam cùng 1 người Canada vì tham gia vào một trong các vụ thâm nhập dữ liệu lớn nhất trong lịch sử nước này. Ba người trên đã đánh cắp địa chỉ email, sau đó bán phầm mềm giả, thu được tới gần 2 triệu USD.
Theo BBC, các nghi phạm trên được cho là đã trộm gần 1 tỷ địa chỉ email thông qua tiến hành các cuộc tấn công mạng vào 8 nhà cung cấp dịch vụ email của Mỹ.
Các tài liệu của tòa án không hé lộ các nhà cung cấp dịch vụ email bị đánh cắp dữ liệu nhưng cho hay phần lớn các vụ thâm nhập, đánh cắp dữ liệu này xảy ra từ năm 2009-2012.
Các nghi phạm đã gửi thư rác tới cho hàng vạn người thông qua các địa chỉ email đánh cắp được, bán cho họ các sản phẩm hàng nhái, trị giá tới 2 triệu USD.
Cụ thể, 2 người Việt trong vụ án gồm Giang Hoang Vu, người đang đối mặt với tội danh âm mưu tiến hành các vụ tấn công mạng và Viet Quoc Nguyen, hiện vẫn chưa bị bắt. Cả hai người bị cáo buộc đã gửi link dẫn đến một trang web bán sản phẩm giả mạo của phần mềm Adobe Systems Inc cho các khách hàng mà họ đánh cắp được email.
Cả hai đã định cư ở Hà Lan trước khi ông Vu bị dẫn độ hồi tháng 3 năm ngoái.
Nghi phạm thứ 3, mang quốc tịch Canada có tên David-Manuel Santos Da Silva, bị truy tố vì đã tham gia rửa tiền thu được từ vụ việc trên.
--------------------