Thư ký Hội đồng An ninh Nga cáo buộc Mỹ đang âm mưu lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua bơm tiền cho các nhóm đối lập và khuyến khích các cuộc biểu tình. Tuyên bố này được đưa ra một tuần sau vụ ám sát một lãnh đạo đối lập ngay gần điện Kremlin.
Báo Bloomberg hôm qua 5/3 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cáo buộc Mỹ đang bơm tiền cho các nhóm chính trị đối lập ở Nga dưới chiêu bài thúc đẩy xã hội dân sự, giống như trong “các cuộc cách mạng màu” tại các nước thuộc Liên Xô cũ và thế giới Ả Rập.
Cùng lúc, Washington cũng đang sử dụng các lệnh trừng phạt Nga với cái cớ Nga có liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nhằm gây khó khăn kinh tế và kích động tâm lý bất mãn trong lòng xã hội Nga, ông Patrushev, người từng lãnh đạo Cơ quan An ninh liên bang Nga từ năm 1999-2008, nhận định.
Sau khi chính trị gia đối lập Boris Nemtsov bị bắn chết, vụ việc mà điện Kremlin mô tả là “hành động khiêu khích” nhằm hạ bệ Tổng thống Vladimir Putin, một số cuộc tuần hành đã diễn ra tại Nga. Những sự kiện này đang khiến điện Kremlin lo ngại bởi bên cạnh ý nghĩa tưởng niệm vị lãnh đạo đã khuất, chúng đe dọa tạo ra những nguy cơ lớn về an ninh, chính trị.
Hôm 1/3, hơn 50.000 người đã tập hợp tại trung tâm thủ đô Mátxcơva để tưởng niệm cựu Phó thủ tướng Boris Nemtsov trong lần xuống đường lớn nhất ở nước Nga kể từ khi ông Putin chuẩn bị quay trở lại làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba trong giai đoạn 2011-2012.
Tổng thống Putin mới đây đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt những vụ ám sát chính trị “đáng hổ thẹn” tại Nga. Vị lãnh đạo nước Nga cũng tuyên bố sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo những kẻ giết người được mang ra xét xử trước công lý. Ông nhấn mạnh án phạt nghiêm khắc nhất sẽ được dành cho hung thủ gây ra những vụ việc có tính chất nghiêm trọng như vậy.
“Rõ ràng Nhà Trắng đang trông chờ việc mức sống của người Nga giảm mạnh và những cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra”, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Patrushev hôm qua 5/3 nói thêm và nhấn mạnh nước Nga sẽ chống lại những áp lực này nhờ khả năng phục hồi cùng kinh nghiệm hàng chục năm trong việc “chống lại những cuộc cách mạng màu”.
Trước cáo buộc của Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Tổng thống Putin và chính phủ của ông đã "diễn giải sai" nhiều điều Washington đang và cố gắng làm. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi không can dự vào những cuộc cách mạng màu như ông ấy khẳng định”.
Ngoài ra, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva Will Stevens cho rằng mục đích áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm tìm cách thay đổi chính sách của Nga, chứ không phải thay đổi chính phủ nước này như phía Mátxcơva cáo buộc.
---------------------
Ông Tập Cận Bình dồn “bầy hổ” mang quân hàm vào bẫy
Trung Quốc tiếp tục cuộc thanh lọc giới "chóp bu" quân sự. Tính riêng năm ngoái, 16 quan chức cấp cao đã bị điều tra, và hiện 14 "con hổ" mang quân hàm đã bị khởi tố hình sự.
Scandal tham nhũng xung quanh 14 viên tướng nổ ra trước thềm khai mạc kỳ họp quốc hội. Một số chuyên gia cho rằng, thông điệp giáng đòn trừng phạt tham nhũng trong quân đội đã xuất hiện một cách cố ý trước sự kiện. Bắc Kinh tỏ rõ sức mạnh và khả năng kiểm soát vững các cơ cấu của quân đội.
Chuyên gia Jacob Berger, Viện nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, chống tham nhũng trong quân đội là một quá trình kéo dài, không thể được đo bằng bất kỳ ngày tháng đặc biệt. Thực tế, Trung Quốc đang thực hiện một cuộc đấu tranh cương quyết, triệt để và không ngừng nhằm thanh lọc bộ máy của tất cả các ngành chính quyền, bao gồm cả quân đội.
Các quan chức quân sự Trung Quốc, đặc biệt ở cấp cao, đã bị tước mất loạt đặc quyền thành văn và bất thành văn quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Berger, cho đến nay quân đội vẫn được coi là một "quốc gia bên trong quốc gia". Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã giành quyền lực và tất cả vị trí cần thiết để thực hiện công lý. "Tất nhiên, sự kháng cự là vô cùng mạnh, chưa thể nói ông Tập nắm chắc 100% phần thắng. Nhưng nhà lãnh đạo này không ngừng hành động, trường hợp 14 tướng lĩnh là một bằng chứng" - chuyên gia Berger nhận định.
Trung Quốc chính thức công bố tăng 10% ngân sách quân sự năm 2015. Đây là một dấu hiệu tượng trưng cho thái độ tích cực đối với quân đội, trong bối cảnh cuộc thanh lọc các nhân vật “chóp bu”. Đây là hai quá trình liên quan đến nhau.
Các chuyên gia không loại trừ vụ 14 tướng lĩnh sẽ góp phần mở rộng phong trào chống tham nhũng trong quân đội. Những mối nghi ngờ lớn đang phủ bóng xuống hai quân khu Chiết Giang và Thẩm Dương, cũng như ông Quách Bá Hùng - một trong những cựu nhân vật của Quân ủy Trung ương.
-----------------------
Đô đốc Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản đứng ngoài Biển Đông
Trả lời phỏng vẫn hãng Kyodo News ngày 5/3, Đô đốc Yin Zhuo thuộc Hải quân Trung Quốc đã khuyên cáo Nhật Bản không nên làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Theo Đô đốc Yin Zhou, Nhật Bản không nên đưa ra những bình luận làm căng thẳng thêm tình hình, ví dụ như tại Biển Đông.
"Nhật Bản nên tránh đưa ra những bình luận gây bất ổn rằng Trung Quốc sẽ tiến ra các vùng biển xa. Nếu Mỹ và Nhật Bản có quyền đưa tàu tới các vùng biển đó, chúng tôi cũng có quyền tương tự", Đô đốc Zhou khẳng định.
Hiện Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông. Tới nay, Nhật Bản chưa có sự can dự trực tiếp nào vào khu vực này song Bắc Kinh lâu này vẫn lo ngại rằng Tokyo có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận sau khi nước này mở rộng sứ mệnh của Lực lượng phòng vệ (SDF), trong đó bao gồm điều khoản cho phép hỗ trợ quân sự các nước đồng minh và đối tác.
Về vấn đề nêu trên, Đô đốc Yin kêu gọi Nhật Bản nên "tiếp tục duy trì quân đội theo Hiến pháp hiện nay của nước này", vốn khẳng định viện trợ cho nước ngoài không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ông Yin đưa ra những ý kiến về Nhật Bản. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, viên đô đốc này từng đề cập tới khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản do những tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Để tránh nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trên biển và trên không, quan chức hai nước mới đây đã có nhiều cuộc thảo luận. Một số nguồn tin cho biết hai nước đã nhất trí về các nguyên tắc thiết lập một cơ chế liên lạc, qua đó giảm nguy cơ xung đột quân sự.
--------------------