Cuộc khủng hoảng Ukraina đã diễn ra tròn một năm, quan hệ giữa phương Tây và Nga vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, nhưng không phải mọi cánh cửa đều khép.
Việc Washington và Brussels áp dụng các biện pháp trừng phạt đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ với Moscow trong khi Tổng thống Nga Putin luôn phủ nhận cáo buộc Nga dính líu tới bất ổn ở miền đông Ukraina.
Một lệnh ngừng bắn hiện đã được ký kết tại Ukraina kể từ tháng 2 nhưng bất chấp lời kêu gọi của một số nước châu Âu muốn cải thiện quan hệ với Moscow, phương Tây và Nga vẫn đang ở trong tình trạng đóng băng.
"Ở đây không có niềm tin", Judy Dempsey của Viện nghiên cứu Carnegie Europe nói.
Phản ứng của Moscow với cuộc khủng hoảng Ukraina đã khiến phương Tây phải thay đổi mọi giả định của cả hai thập niên qua về Nga. Việc Nga sáp nhập Crưm đã khiến phương Tây nổi đóa.
Họ liên tiếp áp dụng các hình thức cấm vận kinh tế với quy mô ngày một rộng hơn.
NATO trong khi đó đã dừng mọi hợp tác với Nga, tăng cường tuần tra trên không và trên biển, nhất trí lập đội phản ứng nhanh để bảo vệ các đồng minh ở sườn phía đông.
Về phần mình, ông Putin đã cáo buộc NATO hành động như một "quân đoàn nước ngoài" ở miền đông Ukraina.
Kể từ khi bắt đầu, cuộc xung đột đã cướp đi hơn 6.000 sinh mạng.
Ở châu Âu có những mâu thuẫn giữa phái diều hâu và bồ câu trong khối 28 quốc gia. Theo một số nhà phân tích, cuộc khủng hoảng Ukraina đã làm trầm trọng thêm hố sâu ngăn cách Đông - Tây.
"Nga nhiều năm đã đề xuất cả NATO và EU cùng nhau làm gì đó, để đối thoại về các vấn đề", nghị sĩ Nga Konstantin Kosachev nói. "Nhưng câu trả lời là không, Nga bị loại khỏi cuộc đối thoại".
Vivien Pertusot, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu IFRI ở Brussels nói rằng, Mỹ trở nên "quán triệt" về quan điểm với Nga. "Nút tái khởi động năm 2009 đã bị chôn vùi", Pertusot đề cập tới mong muốn của Tổng thống Mỹ Obama nhằm tái thiết quan hệ với Nga khi ông lên nắm quyền.
Trong khi đó, EU tại một hội nghị thượng đỉnh tháng trước đã ám chỉ sẽ duy trì cấm vận cho đến hết năm.
Tuy nhiên, Washington cũng đã nhận thấy các tín hiệu báo động ở một số nước châu Âu - nơi chịu tác động nặng nề trong giao thương với Nga.
Thủ tướng mới của Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố phản đối trừng phạt Nga. Giới phân tích coi đây là dấu hiệu rạn nứt trong EU. Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng đã tới thăm Moscow.
Người phụ trách đối ngoại EU - cựu Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini nhấn mạnh: Tôi không từ bỏ ý tưởng rằng, chúng ta đã vượt qua Chiến tranh Lạnh. "Chúng ta là láng giềng và chúng ta không thể thay đổi địa lý".
Bà trích dẫn thực tế rằng, Nga và phương Tây vẫn có thể hợp tác với nhau về các vấn đề như chương trình hạt nhân Iran hay Syria.
Theo Pertusot, Đức cũng rất thực tế. "Merkel bất mãn về Putin, nhưng giao dịch của Đức với Nga về cơ bản không giảm, Pertusot nói.
Sau 8 ngày ròng rã thương lượng, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, mở đường đi tới thỏa thuận chính thức cuối cùng sau 3 tháng nữa theo kế hoạch dự kiến
Nhìn lại chặng đường 12 năm đàm phán gập ghềnh, có lúc đổ vỡ giữa chừng, thì đây quả là một dấu mốc quan trọng xét trên nhiều phương diện. Đối với tiến trình đàm phán, thỏa thuận ở Lausanne (Thụy Sĩ) góp phần vạch ra một lộ trình cụ thể có lúc tưởng chừng sẽ không bao giờ kết thúc, tiến tới giải quyết những tranh cãi liên quan tới chương trình hạt nhân Iran. Và trên hết, nó góp phần tạm gác lại một thời kỳ nghi kỵ, đóng băng quan hệ giữa Iran với Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, thỏa thuận khung sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Vậy nhưng để biến những giá trị và ý nghĩa được trông mong đó của bản thỏa thuận khung Lausanne thành hiện thực vẫn còn cả một hành trình dài chông gai phía trước cần vượt qua. Cho dù thỏa thuận khung đã được nhất trí, nhưng không phải tất cả những khúc mắc đã được giải tỏa hoàn toàn. Cuộc đàm phán đã phải kéo dài thêm 2 ngày so với thời hạn chót 31-3, thậm chí có lúc diễn ra thâu đêm để các bên mặc cả từng chi tiết nhằm bảo đảm lợi ích và các nguyên tắc của mình không bị xâm phạm.
Nhưng dự kiến một nội dung rất khó đồng thuận đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Thỏa thuận Lausanne quy định quá trình nới lỏng và bãi bỏ trừng phạt sẽ được tiến hành đồng bộ và tương ứng với tình hình Iran thực hiện các cam kết. Các biện pháp trừng phạt có thể được nối lại nếu thỏa thuận khung không được thực hiện.
Cục diện giằng co cho tới phút chót của cuộc đàm phán khiến người ta có cảm giác dường như thỏa thuận Lausanne đã đạt được bằng ý chí của các bên đàm phán nhiều hơn là dựa trên kết quả thực chất. Không khí đàm phán tích cực, khẩn trương cho thấy không bên nào muốn ra về tay trắng.
Thực tế là các bên đã buộc phải tạm gác lại những bất đồng mấu chốt để nhất trí một thỏa thuận trong bối cảnh phải chịu rất nhiều áp lực. Các nhà đàm phán Iran cần phải chứng minh thỏa hiệp với phương Tây không phải là một giải pháp tồi mà sẽ đưa lại lợi ích thực sự cho Iran.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Tổng thống B. Obama đang mong muốn ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình bằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và Wasington cũng không còn đường lui trong “ván bài” này vì phe Cộng hòa đang nắm Quốc hội đe dọa sẽ thúc đẩy thêm các lệnh trừng phạt Iran nếu không đạt được một thỏa thuận đủ mạnh, khiến mọi nỗ lực thỏa hiệp với Iran từ trước tới nay quay trở lại vạch xuất phát.
Vả lại, xét bối cảnh hiện nay, khi mà mọi mâu thuẫn trong cuộc tranh cãi hạt nhân Iran đã được đẩy lên tới đỉnh điểm, các bên đều đã nhận ra chẳng bên nào có lợi nếu cứ kéo dài mãi tình thế đối đầu như hiện nay. Không chỉ Iran điêu đứng vì các lệnh cấm vận, mà đối với phương Tây, kéo dài trừng phạt Iran cũng gây thiệt hại không nhỏ bởi giới đầu tư và công nghiệp, nhất là công nghiệp dầu mỏ của Mỹ và phương Tây vẫn đang phải đứng "chầu rìa" trước một thị trường đầy tiềm năng như Iran.
Hơn nữa, việc đi tới một thỏa thuận sẽ giúp nền kinh tế Iran thoát dần khỏi cảnh bị bóp nghẹt bởi các lệnh cấm vận. Quan trọng hơn, Tehran vẫn có quyền sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục tiêu dân sự, phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ở một khía cạnh khác, đối với Mỹ, việc ký kết một thỏa thuận với Iran sẽ chấm dứt những năm tháng thù địch căng thẳng với Iran và được hy vọng sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ với thế giới Hồi giáo nói chung. Cam kết của Mỹ chống tổ chức khủng bố IS ở Iraq và Syria cũng là lý do khiến Wasington muốn đạt một thỏa thuận cuối cùng với Tehran. Tổng thống Mỹ nhiều lần công khai đánh giá cao vai trò của Iran trong cuộc chiến này.
Cho dù thế nào cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, thỏa thuận Lausanne mới chỉ mang ý nghĩa xây dựng lòng tin và là một bước đi tiếp cận giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran chứ chưa có nhiều sự ràng buộc. Vì thế, giai đoạn 3 tháng tiếp theo của tiến trình đàm phán cho tới thời hạn chót 30-6 để đạt được thỏa thuận cuối cùng, sẽ là một phép thử đối với các bên trên bàn đàm phán.
Lịch sử cuộc đối đầu giữa Mỹ, phương Tây và Iran xung quanh chương trình hạt nhân của nước này cho thấy đàm phán có thể bị trì hoãn bất cứ lúc nào chỉ với một tuyên bố cứng rắn hay bước đi không thích hợp của một bên nào đó.
Bản thỏa thuận vì thế cho dù đã được lên khung sẽ vẫn có khả năng bị đổ vỡ, nếu các bên không duy trì nỗ lực tuân thủ các cam kết và hợp tác trên tinh thần xây dựng cũng như củng cố lòng tin một cách dài lâu.
Đàm phán đi được tới giai đoạn này có thể coi là một kỳ công. Trải qua những thăng trầm, có lúc tình hình căng thẳng tới mức tưởng chừng bùng nổ một cuộc chiến tranh, nhưng cuối cùng, “ngòi nổ” đã được các bên tháo gỡ bằng nỗ lực đàm phán hòa bình.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đàm phán hạt nhân Iran cần phải đóng góp kinh nghiệm hữu ích đó là mọi xung đột, mâu thuẫn dù khó đến đâu đều có thể giải quyết thông qua nỗ lực ngoại giao bền bỉ.
---------------------
Ông Tập Cận Bình gọi con gái rời Mỹ về nước vì an ninh?
Theo Mingjing News đưa tin, Tập Minh Trạch (Xi Mingze), theo lệnh cha mình là chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã bí mật rời Mỹ trở về nước từ cuối năm 2012 vì lo ngại an ninh.
Bản tin này dường như ngược lại với những gì mà chuyên gia nghiên cứu Đông Á kiêm giáo sư danh dự Harvard Ezra Vogel đã tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ rằng Tập Minh Trạch trở về Trung Quốc sau khi đã tốt nghiệp.
Người ta tin rằng giáo sư Vogel đã “nghe ngóng” được những thông tin này thông qua các mối quan hệ của ông ở Harvard.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh cãi rằng con gái ông Tập vẫn còn theo học ở Harvard dưới một “bí danh” khác mặc dù chưa bao giờ có nguồn tin xác nhận liệu cô vẫn đang ở Mỹ hay đã trở về Trung Quốc khi chính quyền Trung Quốc luôn nỗ lực để “che giấu” danh tính thật sự của cô.
Theo các nguồn tin của Mingjing News, con gái ông Tập trở về Trung Quốc vì được cha cô triệu hồi ngay đầu tháng 12- 2012, ngay sau khi ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Hội đồng quốc gia lần thứ 18.
Như đã xác nhận, Mingjing News lưu ý có người đã bắt gặp Tập Minh Trạch cùng bố mẹ cô đến thăm bà nội ở Thâm Quyến vào 7-12-2012 mặc dù không có bức ảnh nào làm cơ sở chứng minh cho điều trên.
Theo các nguồn tin của Mingjing News, có hai lý do tại sao ông Tập Cận Bình triệu hồi con gái quay về Trung Quốc.
Lý do thứ nhất xuất phát từ những lo lắng nếu con gái ông Tập ở Mỹ, gia đình họ sẽ rất khó khăn trong việc quản lý con gái, trong đó có cả những lo lắng về nguy cơ con gái ông có thể tham gia vào các hoạt động nào đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của chính quyền cha cô -ông Tập Cận Bình- đang quản lí.
Lý do thứ hai và cũng là lý do quan trọng nhất đó là mối lo lắng cho an toàn của Tập Minh Trạch của gia đình ông Tập. Thông tin Tập Minh Trạch đang học tại Harvard bị “lộ” cùng với việc liên tục xuất hiện các vụ xả súng vào trường học ở Mỹ, ông Tập Cận Bình đưa ra quyết định triệu hồi con gái về nước vì không đáng đề phải mạo hiểm khi giữ cô bé ở Mỹ.
Những lời đe dọa trên dường như rất nghiêm trọng đến nỗi Bộ An ninh công cộng của Trung Quốc phải mở cuộc điều tra bí mật đối với các nhà hoạt động và những đối tượng mà Tập Minh Trạch tiếp xúc. Cục điều tra liên bang FBI cũng được “nhờ” tới để hỗ trợ thêm.
Căn cứ vào những tài khoản của sinh viên Trung Quốc ở Harvard năm 2011, được xuất bản trong tạp chí GQ của Trung Quốc đại lục, con gái ông Tập – Tập Minh Trạch - là một sinh viên rất kín tiếng, hiếm khi xuất hiện ở những nơi công cộng. Người ta chỉ một lần bắt gặp cô xuất hiện tại một bữa tiệc hội sinh viên Trung Quốc do những người bạn thân thiết tổ chức. Và cô chỉ ở lại bữa tiệc một giờ đồng hồ và gần như không nói chuyện trong suốt thời gian đó.
Một giáo viên ở Harvard tên là David tiết lộ trong bài báo của tạp chí GQ rằng Tập Minh Trạch luôn được các vệ sĩ hộ tống trong khuôn viên trường. Cô là một sinh viên học tập xuất sắc tại Harvard và thích đọc sách vào lúc rảnh rỗi.
Tờ South China Morning Post của Hong Kong hồi tháng 2-2015 đưa tin: kể từ khi ông Tập giữ chức Tổng bí thư, lần đầu Tập Minh Trạch xuất hiện trước công chúng là lúc cô cùng cha mẹ mình thăm một ngôi làng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc để chúc tết người dân nơi đây.
------------------------
Bé gái trong bức ảnh “đầu hàng” đang đối mặt với nguy hiểm
Bé gái trong bức ảnh “đầu hàng” chiếc máy ảnh vì tưởng đó là súng khiến hàng triệu người trên thế giới rơi nước mặt hiện lại phải đối mặt với hiểm nguy tại một thành phố bị lực lượng thân al-Qaeda chiếm đóng, theo Daily Mail.
Năm ngoái, nhiếp ảnh gia Osman Sagrili đã chụp hình cô bé Hudea, 4 tuổi, tại trại tị nạn Atmeh ở Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 10 cây số.
Hudea cùng mẹ và ba anh chị em khác đã sống ở Atmeh từ khi cha cô bé bị giết trong vụ thảm sát Hama năm 2012.
Hai tuần trước, gia đình Hudea đã lên đường đi về phía nam tới thành phố Idlib - nơi đã bị nhóm phiến quân thân với lực lượng al-Qaeda tại Syria chiếm đóng từ cuối tuần trước. Điều này có nghĩa một lần nữa, gia đình Hudea lại trở thành nạn nhân của cuộc chiến giữa chính quyền và quân nổi dậy.
Các phiến quân của nhóm Mặt trận Nusra đã áp đặt luật Hồi giáo hà khắc lên thành phố Idlib. Đây là một tin xấu với những người đang sống ở đây, bởi những phiến quân này khét tiếng là những kẻ tàn bạo sánh ngang với IS.
Charlie Winter, một thành viên của Quỹ Qilliam, cho biết: “Các phiến quân của Mặt trận Nusra đã từng chặt đầu những phụ nữ chúng cho là điều hành nhà thổ và ném đá những người ngoại tình đến chết. Đó là những cách thực thi luật Hồi giáo tàn bạo.”
Không chỉ áp dụng những hình phạt tàn bạo, các phiến quân Mặt trận Nusra còn từng tuyên bố muốn thành lập Nhà nước Hồi giáo riêng. Nhóm khủng bố này nổi tiếng với những lần đánh bom liều chết để đạt được mục đích và đã thực hiện nhiều cuộc thảm sát, giết hại các nhà báo và thậm chí là các linh mục trong những năm gần đây.
Kể từ khi Mặt trận Nusra chiếm được Idlib, đã có hai người theo đạo Thiên chúa bị xử tử. Tòa thánh Vatican, dẫn lời các nguồn tin địa phương, cũng khẳng định một mục sư chính thống người Hy Lạp đã bị các phần tử cực đoan tại đây bắt cóc.
Với những em bé như bé Hudea, vốn đã bị tổn thương tinh thần sâu sắc vì cuộc nội chiến, cuộc sống dưới những luật lệ Hồi giáo hà khắc cũng kinh khủng như vậy. Tuy nhiên, cuộc sống dưới chế độ của chính phủ Syria cũng chẳng tốt đẹp hơn là bao.
Nhiều người tin rằng những tay súng ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad chính là những kẻ đứng sau vụ thảm sát Hama khiến cha Hudea thiệt mạng. Những phần tử cực đoan thân chính phủ đã giết ít nhất 55 người trong vụ thảm sát đó, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.
Mặc dù Hudea cùng gia đình đã chạy đến trại tị nạn gần sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ không thể vượt qua biên giới, và - vì một lý do không rõ nào đó - phải rời trại đi về phía nam.
Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông của đại học Oklahoma, cho rằng chính quyền Damascus sẽ không từ bỏ Idlib mà không để xảy ra cuộc giao tranh nào. “Assad sẽ ném bom Idlib, để những kẻ chiếm đóng không yên ổn tận hưởng phần thưởng của chúng,” Landis trả lời kênh Bloomberg. Điều này có nghĩa là cả gia đình bé Hudea lại một lần nữa mắc kẹt nơi chiến tuyến.
Từ sau khi Idlib bị chiếm đóng, nhiều ngôi làng khác không thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Damascus cũng đã bị lực lượng Mặt trận Nusra tấn công, khiến nhiều người phải di tản. Điều mỉa mai là, hầu hết họ đều chạy tới những trại tị nạn ở phía Bắc như Atmeh - chốn an toàn mà Hudea và gia đình đã rời bỏ./.
------------------------