Hong Kong đóng cửa trụ sở chính quyền
Văn phòng Thông tin chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) ra thông cáo cho biết do các tuyến đường tới Trụ sở chính quyền Đặc khu Hong Kong đã bị phong tỏa nên Trụ sở chính quyền Đặc khu Hong Kong tạm thời đóng cửa vào ngày 3/10.
Thông báo cũng khuyến cáo các nhân viên của Trụ sở chính quyền Đặc khu Hong Kong không tới nơi làm việc và phải thực hiện theo kế hoạch đối phó với tình huống khẩn cấp của các phòng ban tương ứng. Trong khi đó, tất cả các chuyến viếng thăm tới trụ sở này cũng bị hoãn hoặc hủy.
-----------------------
Ẩu đả giữa người biểu tình và chống biểu tình ở Hồng Kông
Theo báo South China Morning Post, khoảng 400 người ủng hộ chính quyền trung ương tìm cách dẹp bỏ lều và rào chắn trong khu vực, họ còn tấn công sinh viên. Các tình nguyện viên cho biết một số người bị thương nhưng không thể thống kê con số chính xác. Cảnh sát phải sơ tán một số người biểu tình.
Trong lúc một số người biểu tình che dù cho cảnh sát trong cơn mưa lớn trưa này thì những người "chống chiếm đóng" la hét cảnh sát không chịu giải tán người biểu tình. "Chúng tôi phát ngán lên rồi. Cuộc sống chúng tôi bị ảnh hưởng. Các người bắt cư dân Hồng Kông làm con tin vì thành phố không hoạt động. Đó là lý do chúng tôi giận dữ" - một thầy giáo tên Victor Ma, 42 tuổi, nói.
Theo hãng tin Reuters, khu Vượng Giác (Mong Kok) là địa điểm có nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục.
Cũng có xô xát tại khu mua sắm ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay). Các nhà hoạt động chống phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm” tại đây kêu gọi một người biểu tình nước ngoài “quay về đất nước của mình”.
----------------------
Người biểu tình Hồng Kông bị chia rẽ
Sau khi một tổ chức đại diện cho sinh viên Hồng Kông tham gia biểu tình đồng ý đề xuất đối thoại do chính quyền đặc khu đưa ra, nhóm Chiếm Trung Tâm (Occupy Central) cho biết họ hoan nghênh đối thoại, nhưng một số khác giận dữ phản đối.
Trong khi văn phòng bị bao vây bởi hàng ngàn người biểu tình và căng thẳng dâng cao, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh hôm 2.10 để tuyên bố từ chối từ chức, nhưng đề xuất đối thoại với Hội Liên hiệp Sinh viên Hồng Kông (HKFS) để tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc.
Ông Lương cho biết sẽ chỉ định Chánh thư ký Carrie Lam đối thoại với HKFS. HKFS là một trong những nhóm đứng sau phong trào biểu tình tại Hồng Kông.
Đề xuất này có vẻ đã xoa dịu lãnh đạo biểu tình, những người từng thề sẽ tăng cường các hoạt động phong tỏa đặc khu nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng, theo AFP.
“Đây là lần đầu tiên kể từ hôm 31.8 một quan chức đồng ý nói chuyện với sinh viên và người dân. Đây là thời khắc quan trọng”, tờ South China Morning Post, có trụ sở tại Hồng Kông, dẫn lời lãnh đạo sinh viên Lester Shum nói với đám đông biểu tình.
Còn nhóm Occupy Central cho biết họ hoan nghênh đối thoại và hi vọng nó sẽ “tạo ra một bước ngoặc cho bế tắc chính trị hiện tại”.
Tuy nhiên, những người khác đã tỏ ra giận dữ trước quyết định ngồi lại đối thoại với chính quyền đặc khu và bắt đầu tiến hành một cuộc biểu tình tự phát chiếm cứ đường Lung Wo, một trong vài tuyến đường còn thông thoáng bên ngoài trụ sở chính quyền đang bị bao vây.
“Chúng tôi ở đây để gia tăng hành động, đây là mục đích của phong trào Chiếm Trung Tâm”, AFP dẫn lời Chris Lau, một kỹ sư vi tính 28 tuổi và là một trong những người đầu tiên ra ngồi chắn giữa đường Lung Wo.
“Mục tiêu vẫn như cũ, đó là đấu tranh cho quyền bỏ phiếu phổ thông thật sự và yêu cầu Lương Chấn Anh từ chức. Nói chuyện sẽ chẳng mang lại kết quả, chỉ có hành động mà thôi”, anh này khẳng định.
Vào tối ngày 2.10 (giờ địa phương), các sinh viên tham gia biểu tình cũng đã tranh cãi về việc nên hay không nên phong tỏa đường Lung Wo và đã có một vài vụ xô xát giữa người biểu tình, một dấu hiệu bất hòa nội bộ hiếm có, theo AFP.
South China Morning Post khẳng định các vụ xô xát này đã nhanh chóng ngừng lại.
“Tôi không cho rằng nói chuyện với bà Carrie Lam sẽ giải quyết được vấn đề. Chúng tôi đã yêu cầu được nói chuyện với ông Lương, chứ không phải thuộc cấp của ông ta. Chúng tôi hành động ôn hòa nên ông ta chẳng có gì phải sợ cả”, sinh viên Karen Man nói với AFP.
Trước đó, căng thẳng tại khu vực biểu tình cũng dâng cao sau khi cảnh sát Hồng Kông bị phát hiện đang vận chuyển hơi cay và đạn cao su, khiến làn sóng phẫn nộ và báo động lan rộng trong đám đông biểu tình.
----------------------
Bắc Kinh đã nói những gì?
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc hầu như vẫn giữ im lặng về những gì đang xảy ra ở Hong Kong. Chủ tịch nước Tập Cập Bình đến nay vẫn chưa chính thức lên tiếng mà chỉ để những quan chức dưới quyền ông cũng như các phương tiện truyền thông nhà nước thể hiện quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh về vấn đề bầu cử ở Hong Kong.
Hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin rằng chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Hong Kong đủ khả năng để kiểm soát phong trào biểu tình “Chiếm trung tâm”, vốn được mô tả như một cuộc tụ tập phạm pháp. Hãng tin này nhắc lại rằng chính sách cải cách bầu cử được đưa ra ngày 31/8 chứa đựng những tư cách pháp lý “bền vững”.
Ông Chen Zuo’er, nguyên Vụ Phó Vụ Hong Kong và Ma Cao của Trung Quốc, đưa ra nhận định rằng “phong trào ‘Chiếm Trung tâm’ mang hơi hướng của nền chính trị đường phố và cuộc cách mạng sắc màu giống như ở một số nước khác, rất nguy hiểm". Theo ông Chen, dân chủ và nhà nước pháp quyền là trụ cột của sự thịnh vượng kinh tế và ổn định xã hội ở Hong Kong và phong trào biểu tình này đã “tấn công” vào cả 2 trụ cột đó.
-----------------------
Thứ sáu yên ắng của Hồng Kông
Hôm nay 3.10, người Hồng Kông quay trở lại làm việc sau hai ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, khu vực xung quanh tòa nhà hành chính Hồng Kông tỏ vẻ yên ắng hơn thường lệ.
Cơn mưa sáng sớm ở khu trung tâm hành chính Hồng Kông ở Admiralty góp phần làm dịu bớt những bầu máu nóng của những người biểu tình đêm qua, khi thời hạn tối hậu thư mà hai nhóm Tổng hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) và Học Dân Tư Triều (Scholarism) kết thúc mà không đạt được kết quả đột phá nào. Các con đường xung quanh dẫn vào khu hành chính vẫn còn bị học sinh sinh viên chiếm giữ, nhưng số lượng người có mặt trên đường ít ỏi so với đêm qua.
Có lẽ cuộc căng thẳng đêm hôm qua đã làm nhiều người kiệt sức. Một số người nằm chợp mắt ngay trên vỉa hè. Ảnh chụp trưa 3.10: Nguyễn Thành Trung
Trên đường, một số người đang làm công việc tiếp tế thực phẩm cho cuộc tụ tập tối nay. Việc chưa đạt được thỏa thuận nào với chính quyền cho thấy cuộc biểu tình ngồi bất tuân dân sự vẫn còn kéo dài ít nhất cho đến cuối tuần này.
Trong khi đó, ở khu vực trước tòa nhà làm việc của Đặc khu trưởng vẫn dầy đặc cảnh sát sáng nay, mặc dù ông Lương Chấn Anh không đến làm việc do tình hình được cho vẫn còn lộn xộn.
Mặc dù Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh kiên quyết từ chối từ chức, nhưng phái bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) Chánh văn phòng đàm phán với đại diện của Tổng Hội Sinh Viên (HKFS) chỉ vài phút trước khi thời hạn tối hậu thư kết thúc.
Ông Lương cho biết đối thoại với đại diện Tổng hội sinh viên sẽ chỉ là bước đầu tiên cho các đối thoại với các thành phần khác nhau cho cải cách chính trị ở Hồng Kông. Tuy nhiên nhiều người biểu tình cho rằng đây chỉ là cách ông Lương câu giờ, giảm căng thẳng tạm thời và đá “trách nhiệm” sang cho bà Lâm.
Việc chọn Tổng hội sinh viên để đàm phán cũng gây ra sự hoài nghi của nhiều người biểu tình về chính sách chia rẽ của chính quyền đối với ba nhóm chính hiện nay phát động phong trào bất tuân dân sự, bao gồm: Tổng hội sinh viên Hồng Kông (HKFS) do Alex Chow làm Tổng Thư Ký, Học Dân Tư Triều (Scholarism) do Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) lãnh đạo, và Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central) do nhóm 3 người tổ chức bao gồm Đới Diệu Đình (Benni Tai), Phó Giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, Trần Kiến Dân (Chan Kin-man), Phó Giáo sư xã hội học tại Đại học Trung Văn, và mục sư Chu Diệu Minh (Rev. Chu Yiu-ming).
Đối với chính quyền, nhóm Tổng hội sinh viên Hồng Kông được coi có tính chính danh, do được bầu cử từ Hội sinh viên của bảy trường đại học hàng đầu Hồng Kông và có thể đàm phán được. Tạm thời hai nhóm Học Dân Tư Triều và Chiếm lĩnh Trung Hoàn bị gạt ra khỏi bàn đối thoại.
Ngoài ra việc chọn một người phụ nữ có tính cách mềm mỏng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, để đối thoại với Tổng hội sinh viên cũng được coi là một cách làm giảm căng thẳng trong các cuộc đối thoại về yêu sách đòi dân chủ của sinh viên.
Tuy nhiên, hai sinh viên mà tôi gặp ngày hôm nay đến từ hai trường đại học khác nhau đều cho rằng họ không tin Tổng hội sinh viên có thể đại diện cho họ. Tommy 19 tuổi học chuyên ngành xã hội học và Ivan 22 tuổi học chuyên ngành quản trị kinh doanh đều nhấn mạnh ý rằng không tổ chức chính trị nào đại diện cho họ.
Việc họ tham gia xuống đường cũng là tự phát, hoàn toàn giống như những người biểu tình khác mà tôi phỏng vấn trước đây. Dân chủ là điều mỗi người Hồng Kông đều tự giác nhận thức và giành lấy, chứ không ai cho hay đại diện.
Khi tôi ngạc nhiên hỏi tại sao các bạn có thể làm được như vậy: từ khâu tổ chức biểu tình, cư xử ôn hòa, viết biểu ngữ, tiếp tế nước, thực phẩm, y tế, dọn dẹp vệ sinh, … thì họ không trả lời trực tiếp mà chỉ cho biết rằng đó chính là điều mà giới trẻ Hồng Kông tự hào. Mỗi người đều nhận thức mình góp sức vì việc chung thì sẽ thành công. Thậm chí, hai bạn này không biết tên nhau cho đến khi tôi hỏi, mặc dù đang cùng nhau dán biểu ngữ.
Điều đó cho thấy chính trị Hồng Kông sẽ có nhiều thay đổi trong vài năm tới, khi những người trẻ này có nhiều tiếng nói hơn trong xã hội.
Tôi cũng bắt gặp một người bố dắt cô con gái nhỏ đứng rất lâu trước khu vực “Cầu phúc cho Hồng Kông” (Blessings for Hong Kong). Thế hệ thiếu nhi Hồng Kông có lẽ đã được ươm mầm những khát vọng cho một xã hội công bằng hơn từ những bậc phụ huynh trẻ như thế này.
Có lẽ tình hình sẽ sáng sủa hơn khi đối thoại giữa bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và đại diện Tổng hội sinh viên kết thúc. Tuy nhiên, tôi không tin sẽ có một giải pháp triệt để cho Hồng Kông trong vài ngày tới trong khi chỉ số chứng khoán Hang Seng giảm thêm 1 phần trăm vào sáng hôm nay và ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng khi số lượng du khách Trung Quốc sụt giảm trong kỳ nghỉ lễ vừa qua.
Nguyễn Thành Trung (PV. Báo Thanh Niên từ Hồng Kông)
-----------------------
Giáo sư Willy Lam tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong cho biết ông Tập Cận Bình vốn nổi tiếng là một nhà lãnh đạo cứng rắn đã có những biện pháp mạnh tay trong vấn đề Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ.
Đồng thời Trung Quốc lo ngại rằng những gì đang diễn ra ở Hong Kong có thể sẽ lặp lại theo dây chuyền tại những khu vực khác của Trung Quốc, đặc biệt ở các vùng ven biển giàu tài nguyên.“Đối với chủ tịch Tập Cận Bình, việc thỏa hiệp với Hong Kong sẽ khiến ông bị mất thể diện”, ông Willy cho hay.
Ông Victor Gao - Giám đốc Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, đồng thời từng là phiên dịch viên của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - nói với CNN rằng những người biểu tình Hong Kong "thực sự chìm đắm trong ảo tưởng" nếu họ nghĩ chính quyền trung ương sẽ lùi bước.
Tuy vậy, Giáo sư David Zweig tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong lại cho rằng chính sách cải cách bầu cử này có thể được nhìn nhận như một động thái “cho đi rồi lấy lại” để Hong Kong được đòi hỏi nhiều dân chủ hơn trong ủy ban đề cử hoặc đề nghị được dân chủ tự quyết hơn trong kỳ bầu cử năm 2022.
Ông trùm tàu biển Đổng Kiến Hoa, nhà lãnh đạo đầu tiên của Hong Kong sau khi trở về với Đại lục, đã từ nhiệm năm 2005 trong bối cảnh không được đông đảo người dân ủng hộ.
Hiện người biểu tình tại Hong Kong đã yêu cầu Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh từ chức. Bởi vậy các nhà phân tích đã giả định rằng Bắc Kinh muốn “hạ bệ” ông Lương Chấn Anh bằng chính sự không tín nhiệm của người dân.