“Két!”... “Xoẹt!”... “Rầm!”... tình trạng té xe như cơm bữa ở Sài Gòn, Hà Nội là chuyện thường diễn ra. Có phải chạy xe càng lớn càng dễ bị tai nạn?
Theo các chuyên gia, xe máy có kích thước càng to, phân khối càng lớn thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao, nhất khi tham gia lưu thông trong hệ thống giao thông “nhiều dòng xe” như ở Việt Nam hiện nay.
Một số bạn đọc cho rằng nguyên nhân tai nạn giao thông không do xe lớn hay nhỏ. Bạn đọc Đoàn Văn nói: “Tai nạn giao thông đều do ý thức của người điều khiển cộng với hạ tầng đường sá xuống cấp. Đó là một thực tế! Đừng nên đổ lỗi cho phương tiện”.
Tuy nhiên, đa số ý kiến vẫn cho rằng, kích thước và phân khối xe là góp phần không nhỏ gây nên tai nạn giao thông.
Vì sao xe máy lớn lại nguy hiểm?
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lưu ý: “Khi điều khiển xe máy phân khối lớn cần hết sức thận trọng vì xe phân khối lớn có kích thước lớn, những yêu cầu về kỹ thuật, sức khỏe của người lái cũng khác hơn hơn với những loại xe máy thông thường”.
Theo thầy Trương Nhất Vương - giáo viên trường trường Trung cấp nghề VINASME Tây Nguyên (Đắk Lắk, nhìn bề ngoài, khác nhau cơ bản giữa xe máy thông thường và xe có kích thước, phân khối lớn là ngoại hình và trọng lượng.
Xe tay ga có phân khối lớn sử dụng số tự động (tương tự như ở ôtô có loại xe số tự động và xe số sàn). Hầu hết các dòng xe này sử dụng hai phanh tay trên tay lái. Trong khi các xe gắn máy thông thường sử dụng cả phanh chân và phanh tay.
“Thay vì đạp phanh bằng chân người lái phải phanh bằng tay. Việc bóp nhầm phanh trước là nguyên nhân hàng đầu của các vụ tai nạn giao thông do xe phân khối lớn gây ra”, thầy Vương cho hay.
Cồng kềnh, nặng nề, tốc độ cao, dễ bóp nhầm thắng…là những yếu tố người tiêu dùng cần phải quan tâm để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) khi quyết định sử dụng xe máy lớn.
Tiến sĩ, bác sĩ (BS) Tăng Hà Nam Anh - Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm (ĐH Y Dược TP HCM), Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương (TP HCM) cho rằng, đối với xe 2 bánh thì xe chỉ cân bằng khi chạy, khi ở trạng thái tĩnh cần 3 điểm tựa nên khi dừng ở đèn xanh đèn đỏ cần phải đỡ chân.
Xe phân khối lớn thì khối lượng lớn nên người nào yếu sẽ rất dễ bị té xe. Xe có kích thước lớn chạy trong đô thị, nơi đường đông dễ xảy ra va quẹt gây mất an toàn.
BS. Nam Anh phân tích: “Năng lượng chấn thương bằng khối lượng xe nhân vận tốc bình phương chia hai. Ở xe phân khối lớn hội tụ đủ hai yếu tố làm năng lượng chấn thương cao là vận tốc xe và khối lượng xe đều rất lớn”.
Tốc độ xe vọt nhanh, người lái chỉ cần lên ga một chút là xe lao đi nên rất dễ mất bình tĩnh. Nhiều trường hợp người té xe vẫn nắm chặt tay ga làm xe xoay vòng, hụ ga rất lớn.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS.) Phạm Xuân Mai (khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM) giao thông ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp, gồm nhiều dòng xe: xe máy, xe tải, xe Bus,… Vì vậy, xe nào có độ cao, kích thước lớn sẽ dễ va chạm, gây tai nạn hơn.
PGS.TS. Phạm Xuân Mai cho rằng trong các đô thị không nên sử dụng xe máy phân khối lớn vì tốc độ trong nội thành chỉ giới hạn 30-40km/h.
PGS. TS. Phạm Xuân Mai cũng lưu ý: “Xe phân khối lớn không có nhược điểm gì cả. Ngược lại xe còn chạy nhanh, lực kéo lớn”.
Vấn đề ở chỗ xe này không phù hợp với giao thông Việt Nam vì chỉ có thể chạy trên những đường cao tốc. Chất lượng đường xá cũng là một yếu tố gây nên tai nạn vì vậy với cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay thì sử dụng xe phân khối lớn là chưa phù hợp.
BS. Nam Anh cho rằng cần phải hạn chế xe máy có phân phân khối lớn, nên nghiên cứu sản xuất xe phân khối vừa và nhỏ, đầu tư sản xuất các dòng xe điện.
Quá nhanh, quá nguy hiểm!
Nhiều bạn đọc đã chia sẻ với rằng bản thân họ hoặc người thân, bạn bè từng gặp tai nạn khi lưu thông trên đường chỉ vì chạy xe máy lớn.
Bạn đọc Mai Ban cho biết: “Một đồng nghiệp của tôi bị tai nạn thừa nhận vì xe quá lớn, nặng nề và đã đổi xe sau tai nạn”.
Bạn đọc Vũ Xuân Quang bình luận: “Nhiều người đi xe tay côn phân khối lớn nên phải chạy nhanh hơn các xe khác cho đủ tua. Việc này gây lãng phí và nguy hiểm, gây tiếng ồn cho người đi đường”.
Chị Lê Phi (quận 6, TP HCM) cho biết, khi đi đường, chị thường xuyên gặp cảnh các bạn nữ chạy xe tay ga nhưng không chống chân tới, phải nhón chân, xe nghiêng lại quá nặng dẫn đến không đỡ được nên ngã ập ra đường rất nguy hiểm.
“Xe nào cũng có nguy cơ tai nạn như nhau nhưng xe lớn, cồng kềnh thì nguy cơ cao hơn”
Bạn đọc Sông Hồng góp ý: “Ở một số nước châu Âu, chỉ có hai loại xe máy lưu hành trong giao thông. Một là xe tay ga có phân khối nhỏ (hơn 50cc), người lái thậm chí không cần bằng. Loại còn lại là phân khối lớn (khoảng 150cc trở lên), người lái thường phải mặc đồ bảo hộ rất kỹ lưỡng”.
Chỉ sử dụng xe phân khối lớn cho hoạt động chuyên biệt
PGS. TS. Phạm Xuân Mai cho rằng Việt Nam nên học hỏi những nước bạn để có các biện pháp hạn chế việc sử dụng xe phân khối lớn gây lãng phí và mất an toàn.
PGS. TS. Phạm Xuân Mai cho biết: “Ở nước ngoài, họ không sử dụng xe gắn máy trong thành phố. Các nước châu Âu chỉ sử dụng loại xe này cho du lịch. Các nước như Thái Lan, Indonesia,…thì dùng xe gắn máy bình thường chứ tuyệt đối không dùng xe phân khối lớn. Xe phân khối lớn chỉ được dùng cho thể thao hoặc các hoạt động chuyên biệt”.
-------------------------
'Thai nhi 7 tháng bị đẻ rơi sống sót là hy hữu'
Theo bác sĩ điều trị cho thai nhi đẻ rơi xuống hố nhà vệ sinh, đây là trường hợp đặc biệt hy hữu. Khi nhập viện, bệnh nhi được tiên lượng không qua khỏi.
Ngày 2/3, đại diện Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản – nhi Nghệ An) cho biết, khoa đang làm thủ tục cho cháu Hoàng Văn Bé (sinh ngày 5/2/2015) chuyển viện ra Hà Nội tiếp tục theo dõi, điều trị. Bệnh nhi này là con chị Hồ Thị Thúy (21 tuổi, ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu).
“Chiều 2/3, bé sẽ được gia đình và bệnh viện chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra, điều trị giãn não thất. Hiện, đầu của bệnh nhi này đang có dấu hiệu to dần, cần được đưa ra Hà Nội kiểm tra, theo dõi”, bác sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Khoa Sơ sinh cho hay.
Gần một tháng trước, chị Thúy (lúc đó mang thai tháng thứ 7) bị đau bụng nên đi vệ sinh. Bất ngờ thai nhi rơi ra khỏi bụng mẹ, rớt xuống hố (nhà vệ sinh kiểu hai ngăn, không có bệ xí). Nghe tiếng kêu của vợ, anh Hoàng Văn Cứ (25 tuổi) vội vàng chạy ra cùng người thân đưa hai mẹ con nhập viện.
Người trực tiếp tiếp nhận bệnh nhi này là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Khoa Sơ sinh nhớ lại, khi được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu lưu cháu bé đã ngừng thở, ngừng tim, toàn thân tím tái. Sau 30 phút làm các biện pháp kích tim, dùng ống bóp thì tim bắt đầu hoạt động trở lại.
“Tiếp đó chúng tôi chuyển cháu lên phòng đặc biệt của Khoa Sơ sinh cho vào lồng ấp, bắt đầu đặt máy thở, truyền dịch và tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhi cũng được phát hiện bị nhiễm trùng đường huyết nặng cần dùng kháng sinh liều cao”, lời bác sĩ Quỳnh.
Những ngày sau đó, cháu bé được các bác sĩ theo dõi sát sao, thường xuyên thăm khám. Sau 2 tuần thở máy, bệnh nhi được chuyển sang thở ôxy và bắt đầu cho ăn sữa qua đường xông dạ dày nhưng chậm tiêu. Riêng tình trạng nhiễm trùng thì có chuyển biến hơn trước.
“Trong 3 ngày đầu các bác sĩ đều tiên lượng cháu không thể sống sót được nhưng bệnh nhi đã vượt qua. Ngày 2/3, cháu Bé đã có chuyển biến hơn rất nhiều ngoài vấn đề về não”, bác sĩ Trương Lệ Thi (Khoa Sơ sinh), người trực tiếp điều trị cho cháu Bé thông tin.
Cũng theo bác sĩ Thi, đây là một trường hợp "đặc biệt hy hữu". Ngoài việc đẻ non, cháu bé còn bị nhiễm trùng nặng. Chính lúc đầu bác sĩ Thi cũng như mọi người tưởng chừng như bệnh nhi này không qua khỏi được nhưng đến nay có thể khẳng định 80% cháu đã sống sót.
Cháu Hoàng Văn Bé khi sinh nặng 1,6 kg, là con thứ hai của vợ chồng chị Thúy.
-----------------------
Va quẹt, môtô phân khối lớn chổng ngược giữa đường
Khi đến giao lộ, môtô phân khối lớn va chạm với người đàn ông chạy xe máy khiến người này té xuống đường trọng thương.
Khoảng 9h15 ngày 2/3, môtô phân khối lớn va chạm với xe máy trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM, khiến một người phải nhập viện cấp cứu.
Theo thông tin ban đầu, môtô phân khối lớn BKS 59H1-099.14 do nam thanh niên (chưa rõ danh tính) điều khiển lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo hướng từ quận 1 về quận 5. Khi đến giao lộ với đường Trần Cảnh Chân (phường Cầu Kho, quận 1) xe va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển, khiến người này té xuống đường trọng thương.
Tại hiện trường, môtô phân khối lớn bị lật ngược, chổng 2 bánh lên trời. Sau khi xảy ra tai nạn, người thanh niên may mắn không bị thương đã đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Đến gần 11h cùng ngày, hiện trường vụ tai nạn mới được xử lý xong, 2 xe được đưa đi nơi khác, giao thông qua đây trở lại bình thường.
------------------------
Một sinh viên bị bỏng nặng trong căn phòng khóa cửa
Thấy khói bay ra từ phòng con trai, người mẹ phá cửa xông vào thì thấy Thành đã bị bỏng toàn thân nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngày 2/3, lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đang tích cực điều trị cho bệnh nhân Đặng Phước Thành (20 tuổi, ở quận 9) trong tình trạng bỏng toàn thân.
Theo bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng, vào 20h10 ngày 1/3, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Thành trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, đầu, cổ, tứ chi... Qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị bỏng 77% tổng diện tích cơ thể; ngoài ra Thành còn bị bỏng hô hấp.
Theo mẹ của bệnh nhân, Thành là sinh viên y khoa. Sáng cùng ngày, thanh niên này đi thăm bạn đến tối về nhà rồi khóa cửa phòng. Sau đó thì gia đình phát hiện vụ việc.
Các bác sĩ đang cắt bỏ các lớp da hoại tử, điều trị hồi sức chống độc, chăm sóc các vết thương cho bệnh nhân. "Khi tình trạng bỏng được cải thiện, sẽ tiến hành ghép da, điều trị vật lý", bác sĩ Đạo nói.
------------------------------