Sáng 5/4, nhiều người lưu thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt bị một phen khiếp vía khi chiếc ôtô chạy với tốc độ cao rồi bất ngờ lao vào ủi sập hàng chục mét dải phân cách.
Vào 8h15, chiếc ôtô hiệu Huyndai do nữ tài xế Pang Lệ Phối (29 tuổi, ngụ quận 11, TP HCM) điều khiển lưu thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt theo hướng từ quận 5 về quận 1.
Khi chạy xe đến dưới chân cầu đi bộ số 9 (thuộc địa phận phường 5, quận 5) chiếc xe bất ngờ đâm vào dải phân cách. Sau khi gây tai nạn, ôtô xoay chắn ngang đường.
Chiếc Huyndai màu hồng bị bể nát phần đầu. Trục trước bị gãy đôi khiến bánh xe suýt văng ra ngoài. Hàng chục mét dải phân cách bằng sắt bị ủi bay. Rất may, vụ tai nạn không gây thương vong về người.
Tây Nguyên là một trong những vùng chuyên canh trồng cà phê lớn nhất cả nước, khi mùa khô đến lượng nước lại thiếu hụt trầm trọng, để khắc phục người dân đã chọn biện pháp đào giếng để lấy nước tưới. Mùa khô thợ đào giếng rất… đắt sô, đây cũng là mùa “ăn nên làm ra” của những người làm nghề đào giếng thuê. Tuy nhiên, đây cũng được xem là nghề rất vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm…
Một chiếc giếng ở Tây Nguyên có độ sâu từ 20 đến 40m, nhưng được làm thủ công hoàn toàn. Mỗi tổ đào giếng thường từ 5-7 người, có hai thợ chính thay nhau ở dưới đào đất, những người còn lại dùng tời quay lấy đất từ dưới giếng lên. Đồ bảo hộ là những manh áo vải, có người may mắn thì có được chiếc mũ bảo hiểm của công nhân xây dựng.
Anh Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi, trú huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) cho biết: “Cực nhọc, vất vả lắm. Cứ mỗi lần đu dây từ dưới giếng lên tôi cứ nghĩ quẩn chẳng may đứt dây rơi xuống thì chỉ có mất mạng. Nghề này không dành cho người hậu đậu, yếu tim”. Tiền công cho mỗi mét sâu từ 800.000 đồng đến 1,8 triệu đồng tùy theo từng loại giếng, mỗi ngày đào được 2-3 mét.
Ông Trương Thôi (52 tuổi), là thợ cả của nhóm anh Hùng mới từ dưới đất chui lên, tâm sự: “Với hơn 20 năm kinh nghiệm đào giếng như tôi mà còn lạnh sống lưng mỗi lần xuống giếng, lỡ mà gặp bom mìn, hay đất đá rơi vào đầu thì không biết thế nào. Nhất là khi xuống giếng cũ, tôi phải đem theo bình ôxy để thở chứ nguy hiểm lắm”.
Dưới cái nắng gay gắt của trời Tây Nguyên, anh Đào Văn Tuấn (25 tuổi, trú thôn 16, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cùng nhóm thợ đang hì hục đào giếng thuê cho một người dân cùng xã. Đồ nghề của họ vỏn vẹn chỉ có một bộ tời bằng tay, thùng xô nhựa, chiếc quạt thông khí, xà beng và xẻng. Anh Tuấn quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vào lập nghiệp tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. Đất canh tác ít, nên anh chủ yếu kiếm sống bằng nghề đào giếng.
Tuấn chia sẻ, nhóm thợ của anh gồm có 4 người. Tuy nhiên, do đang mùa cao điểm nên phải chia đôi lực lượng, bình thường để đào xong một cái giếng mất từ 5 đến 7 ngày, tùy thuộc đất cứng hay mềm, có lẫn đá hay không. Người làm nghề này thu nhập cũng khá.
“Có thời điểm, thu nhập 1 triệu đồng/người/ngày là chuyện bình thường. Tuy nhiên, về độ vất vả, cực nhọc và những nguy hiểm luôn rình rập thì chẳng nghề nào bằng nghề đào giếng. Về nguyên tắc, khi đào xuống sâu, thợ đào giếng phải lấy lá cây tươi cột chùm thòng xuống giếng để thông gió hoặc bơm không khí xuống giếng để thở”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo kinh nghiệm, để kiểm tra dưới giếng có khí độc hay không, người thợ thắp một ngọn nến buộc dây thả xuống đáy. Nếu nến sáng bình thường thì người đào giếng có thể xuống được, còn nến tắt thì phải bơm sục khí nhiều lần để tạo sự thông thoáng với oxy của không khí trong lòng giếng. Khi xuống giếng, thợ đào sợ nhất là người quay tời ở trên. Nếu sơ suất có thể để đất đá rơi xuống, chỉ một viên đá nhỏ từ trên thành giếng rơi trúng đầu cũng có thể bị thương nặng.
Anh Hà Phúc Thơm (35 tuổi, trú xã Ea Kly, huyện Krông Pắk), là thợ cả của một nhóm chuyên đi đào giếng thuê tâm sự: “Năm trước khi tôi và cậu bạn người cùng nhóm đang lúi húi ở dưới giếng, nhưng người kéo đất không cẩn thận đã làm rơi thùng đất xuống trúng đầu nên cậu bạn bị chấn thương sọ não, tới giờ cậu ấy vẫn ngơ ngơ như người tâm thần. Cái nghề mưu sinh trong lòng đất này mình cũng sợ lắm chứ, nhưng vì không có đất canh tác, mình phải làm để kiếm tiền tích lũy mua được mảnh đất rồi mới chuyển nghề được”.
------------------------
Cứu sống một bệnh nhân bị uốn ván nguy kịch
Ngày 8/4, BS Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc BVĐK Sóc Trăng cho biết: Sau 25 ngày tích cực cấp cứu, điều trị, các thầy thuốc của bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân bị uốn ván nặng, có nguy cơ tử vong cao khi gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu…
Theo lời kể của ông Thạch Thal (58 tuổi, ngụ tại ấp Wach Píc, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), ngày 1-3, do bất cẩn ông bị đập đầu vào một vật cứng gây rách da đầu ở vùng trán bên phải. Cứ nghĩ vết thương chỉ xây xát ngoài da nhẹ nên ông không quan tâm, không chú ý chăm sóc bằng cách rửa vết thương bằng thuốc sát trùng…
Đến ngày 3/3, vết thương sưng tấy, người nóng sốt, khó chịu mới đi kiểm tra thì được biết ông bị nhiễm trùng uốn ván nặng và được chuyển cấp cứu tại BVĐK Sóc Trăng.
Theo BS Tăng Vũ (Trưởng khoa nhiễm), ông Thạch Thal nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, khó thở. Các bác sĩ kết luận ông bị nhiễm trùng uốn ván nặng, suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Sau khi có kết quả chẩn đoán ban đầu, BVĐK Sóc Trăng đã tập trung toàn lực để tích cực cứu chữa bệnh nhân, như: cấp cứu mở khí quản, cho thở bằng máy, dùng thuốc giãn cơ, an thần, chống co giật, bù nước điện giải… với chế độ chăm sóc đặc biệt.
Sau 25 ngày được các thầy thuốc BVĐK Sóc Trăng tích cực cứu chữa, ông Thạch Thal đã tỉnh lại, sức khỏe càng ngày càng chuyển biến tích cực, qua khỏi cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Vũ, tính cho đến ngày 8/4, chi phí điều trị cho bệnh nhân Thạch Thal đã lên trên 66 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này bệnh viện chi để lo cho bệnh nhân.
-----------------------