Cựu chủ tịch xã đi tù vì bán đất khống
Ngày 12/12, TAND TP Hà Nội tuyên 6 năm tù đối với Nguyễn Bá Hòa (SN 1959, cựu Chủ tịch UBND xã Phú Lãm, thị xã Hà Đông, nay là quận Hà Đông) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo còn lại nhận án từ 6 đến 9 năm tù.
Theo cáo buộc, đầu năm 2010, vợ chồng Nguyễn Văn Đông (SN 1955), Nguyễn Thị Mơ (SN 1962, ở Phú Lãm) bàn bạc cùng Bùi Văn Cường (SN 1973) mua đất đã thu hồi, sau đó bán lại kiếm chênh lệch. Sau đó, nhóm này dùng giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất khống do ông Hòa ký, đóng dấu sẵn để lừa bán cho 2 bị hại, chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng.
-------------------------
Đưa thịt bò bơm nước vào chợ, dọa nạt thú y
Trạm Thú y quận Tân Bình đang tạm giữ 2.720 kg thịt bò bơm nước, chờ kết quả xét nghiệm để xử lý theo quy định.
Khoảng 4h30 ngày 12/12, cán bộ trạm Thú y quận Tân Bình (TP.HCM) tổ chức kiểm tra xe tải BKS 51C đang chở số lượng lớn thịt bò vào chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) để tiêu thụ vì nghi thịt bò bị bơm nước.
Ông Trần Văn Long, chủ lô hàng trên, khai số lượng thịt bò chở trên xe là 1.250 kg và 380 kg xương bò từ lò giết mổ Năm Xuân (huyện Thủ Thừa, Long An). Ông Long cũng xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục thú y tỉnh Long An cấp.
Không chịu ký vào biên bản
Tuy có giấy kiểm dịch nhưng cơ quan thú y vẫn kiên quyết kiểm tra. Mở cửa xe tải, cán bộ thú y phát hiện thịt bò có hiện tượng rỉ dịch; cắt lớp thịt thấy màu máu không tươi, sàn xe đọng nước. Tài xế phân trần nước đọng trên sàn xe là nước từ máy lạnh chảy xuống.
Lực lượng thú y tắt máy lạnh, lau sạch sàn và đóng cửa xe, 20 phút sau kiểm tra lại vẫn phát hiện sàn xe bị ướt. Cân số thịt trên xe ghi nhận hụt hơn 7 kg so với ban đầu. Tiếp tục lau sạch sàn xe, thế nhưng 20 phút tiếp theo hiện tượng mặt thịt bị ướt, sàn đọng nước vẫn xảy ra.
Lúc này tài xế điều khiển xe tải chạy đi, lát sau cho xe quay về chợ Phạm Văn Hai và đi cùng có bà Nguyễn Thị Chi, người cung cấp thịt cho ông Long (lái thịt).
Trong quá trình lập biên bản, bà Chi lớn tiếng và “chỉ đạo” ông Long không ký biên bản. Bà Chi còn “chỉ đạo” tài xế cù cưa, không điều khiển xe chở thịt đến trạm Kiểm dịch động vật Hóc Môn để lấy mẫu xét nghiệm theo yêu cầu của lực lượng thú y. Một số đối tượng khác kéo đến kích động, hù dọa lực lượng thú y và những người tham gia xử lý vụ việc.
Trước tình hình này, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trạm trưởng trạm Thú y quận Tân Bình, đã liên hệ nhờ lực lượng CSGT quận này hỗ trợ. Khi CSGT tới, bà Chi và tài xế mới chấp hành yêu cầu của cơ quan thú y. Tuy vậy, CSGT quận Tân Bình vẫn áp tải xe thịt suốt chặng đường để đề phòng chuyện bất trắc có thể xảy ra.
Tại Trạm Kiểm dịch động vật Hóc Môn, sau khi cân lại số lượng thịt thực tế chỉ còn hơn 1.215 kg, tức hao hụt gần 35 kg so với trọng lượng ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch. Ông Huỳnh Thanh Hải, phó Trưởng trạm Thú y quận Tân Bình, cho rằng thịt bò để thời gian dài có thể hao hụt chút đỉnh nhưng với số lượng hao hụt quá nhiều như thế này chứng tỏ bò bị bơm nước.
Rạng sáng cùng ngày, cán bộ trạm Thú y quận Tân Bình còn phát hiện một xe tải khác chở 1.470 kg thịt bò từ lò Bảy Vân (Đức Hòa, Long An) vào chợ Phạm Văn Hai. Thấy sàn xe đọng nước nhiều, mặt thịt ướt nên lực lượng thú y tiến hành kiểm tra.
Khi cân lại số thịt trên xe chỉ còn gần 1.400 kg, hao hụt tròm trèm 70 kg. Chủ hàng là ông Ninh Tuấn Huy đã chấp hành xử lý của cơ quan thú y. Như vậy trong ngày, Trạm Thú y quận Tân Bình tạm giữ 2.720 kg thịt bò bơm nước và 380 kg xương bò. Hiện các lô hàng nói trên đang tạm giữ, chờ kết quả xét nghiệm để xử lý.
Trước đó, ngày 9/12, trạm Thú y quận Tân Bình cũng phát hiện xe tải chở 840 kg thịt bò cũng từ lò giết mổ Năm Xuân (Long An) đưa vào chợ Phạm Văn Hai. Chủ hàng là ông Nguyễn Văn Thanh đã trình giấy chứng nhận kiểm dịch của chi cục Thú y tỉnh Long An. Khi tới chợ Phạm Văn Hai, cơ quan thú y cân lại chỉ còn hơn 743 kg, hao hụt do nước lên tới gần 97 kg. Hiện lô hàng này cũng đang bị tạm giữ.
Theo quy định, mẫu xét nghiệm sẽ có kết quả sau bảy ngày. Trong thời gian này thịt bò được bảo quản trong kho cấp đông, nhiệt độ âm 30 độ C.
Khi kết quả xác định thịt bò bị bơm nước, chủ hàng sẽ bị phạt theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, khoản 3 Điều 17 quy định: Phạt tiền bằng 120%-150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100 triệu đồng. Đồng thời buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Thú y TP.HCM có báo cáo gửi Chi cục Thú y tỉnh Long An đề nghị tăng cường giám sát hai lò giết mổ Năm Xuân và Bảy Vân. Đồng thời kiểm tra thật kỹ chất lượng thịt trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ông Huỳnh Thanh Hải, Phó trưởng trạm Thú y quận Tân Bình (TP.HCM)
--------------------------
Một phó thanh tra tỉnh ‘xin’ trẻ lại 3 tuổi
Phó Chánh thanh tra tỉnh Hậu Giang đã làm lại giấy khai sinh trẻ hơn 3 tuổi và đề nghị sửa lại năm sinh trong hồ sơ công chức.
Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang vừa có công văn gửi Đảng ủy khối cơ quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch tỉnh, yêu cầu Đảng ủy khối có ý kiến về việc điều chỉnh năm sinh của ông Lê Khả Đoàn, Phó chánh thanh tra tỉnh Hậu Giang.
Ông Nguyễn Văn Y, Phó chủ nhiệm kiêm người phát ngôn của Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hậu Giang, cũng cho biết UBKT thống nhất thành lập tổ kiểm tra việc điều chỉnh năm sinh trên các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ của ông Đoàn và làm rõ có hay không dấu hiệu vi phạm của đảng viên trong việc xin điều chỉnh năm sinh của ông.
Theo tìm hiểu, trong hồ sơ đảng viên, lý lịch cán bộ, công chức, ông Đoàn sinh năm 1955. Vào năm 2013, ông đề nghị Đảng ủy khối cơ quan (Tỉnh ủy Hậu Giang) cho điều chỉnh lại năm sinh thành năm 1958 với lý do là trước đây gia đình đi làm giấy khai sinh đã có sự nhầm lẫn. Cùng với đề nghị điều chỉnh, ông Đoàn xuất trình giấy khai sinh số 286/2011 do UBND xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) đăng ký lại, trong đó thể hiện ông sinh năm 1958. Ông Đoàn cũng xuất trình các giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ đã được điều chỉnh thành năm 1958 theo giấy khai sinh đăng ký lại này.
Tuy nhiên, Đảng ủy khối cơ quan không đồng ý điều chỉnh năm sinh cho ông Đoàn, đưa vụ việc lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy giải quyết và cơ quan này cũng từ chối vì cho rằng không có cơ sở. BHXH tỉnh Hậu Giang cũng từ chối điều chỉnh năm sinh theo giấy khai sinh đăng ký lại của ông.
Đầu tháng 10/2014, theo đề nghị của ông Đoàn, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang triệu tập cuộc họp gồm đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBKT, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Công an, BHXH… để đối thoại với ông Đoàn. Tại cuộc họp, chủ tịch tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp và Công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng của TP.Hà Nội thẩm tra, xác minh việc cấp giấy khai sinh cho ông Đoàn.
Qua xác minh, cho thấy UBND xã Kim Nỗ thực hiện đăng ký lại việc sinh cho ông Đoàn là trái quy định về hộ tịch tại thời điểm đăng ký. Cụ thể, về hồ sơ đăng ký lại việc sinh của ông Đoàn không xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân đang sử dụng như sổ hộ khẩu, CMND, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên… cho UBND xã Kim Nỗ theo quy định (Nghị định 158/2005).
Ông không đến UBND xã Kim Nỗ nộp tờ khai đăng ký lại việc sinh nhưng trong giấy khai sinh ghi tên ông và sổ đăng ký khai sinh có chữ ký của ông. Chữ ký của ông Đoàn trong sổ đăng ký khai sinh không trùng khớp với chữ ký trong hồ sơ đăng ký lại việc sinh...
Từ các căn cứ trên, ngày 21/11/2014, UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy khai sinh số 286/2011 đã cấp cho ông Đoàn.
Đầu tháng 12/2014, Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang cũng có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị không thống nhất việc điều chỉnh ngày tháng năm sinh trong hồ sơ công chức, đồng thời đề nghị cơ quan này cho chủ trương xử lý kiểm điểm ông Đoàn.
--------------------------
Một thương binh 3 năm đi kiện đòi... 4 cái răng
Ông Trịnh Xuân Tiến (55 tuổi, thôn 5, xã EaRal, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi để đòi... 4 cái răng.
Sự việc đã kéo dài 3 năm, có ý kiến chỉ đạo từ Bộ LĐTBXH, nhưng Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk vẫn “kiên quyết” không giải quyết.
Tìm hiểu câu chuyện “lạ lùng mà có thật” này, được biết: Năm 1977 ông Tiến nhập ngũ, tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Năm 1979 khi đang cấp bậc thiếu úy, chức vụ Đại đội trưởng thuộc Đoàn 585, trong một trận đánh, ông đã bị đạn xuyên từ gò má trái sang má phải, gãy xương hàm trên.
Ông được xếp loại thương binh hạng 3/4 loại A, với tỷ lệ thương tật 45%. Trong quá trình chiến đấu, ông Tiến được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và một số huân huy chương khác.
Phục viên trở về, ông Tiến gặp rất nhiều trở ngại khi ăn do thương tật ở miệng gây ra. Năm 2006, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thương binh mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng (thông tư liên tịch Bộ LĐTBXH - Bộ Tài chính - Bộ Y tế số 17/2006). Nhưng do thiếu thông tin nên mãi đến năm 2010, ông mới được đọc thông tư nói trên, vội đi khám lại vết thương.
Khoa Răng - hàm - mặt Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk xác nhận ông Tiến bị mất 11 cái răng ở hàm trên và 4 cái răng ở hàm dưới, do vết thương thời chiến tranh gây ra. Ông đem kết quả này về bộ phận chính sách người có công thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk, để xin hưởng chế độ cấy ghép răng như quy định.
Cán bộ tiếp ông đã buông một câu: “Sao mất nhiều răng thế, do già rồi rụng phải không?”, và không giải quyết cho ông trồng răng mới. Quá bức xúc, ông đã làm đơn “gửi ra Trung ương”.
Ngày 15/72011, Cục Người có công thuộc Bộ LĐTBXH có văn bản số 628/NCC gửi Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk, đề nghị: “Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk giới thiệu ông Trịnh Xuân Tiến đến chuyên khoa Răng - hàm - mặt của bệnh viện cấp tỉnh trở lên để khám, kết luận rõ số răng đã mất do thương tật. Căn cứ kết luận của bệnh viện, sở xem xét giải quyết chế độ trang cấp răng giả đối với ông Trịnh Xuân Tiến theo quy định...”.
Nhờ có văn bản này, sau đó ông Tiến được Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk cho cấy ghép 11 cái răng hàm trên. Tuy nhiên 4 cái răng hàm dưới còn lại, sở này “kiên quyết” không cấp kinh phí (mỗi cái 1 triệu đồng). Ông Tiến tiếp tục làm đơn khiếu nại, đòi... 4 cái răng còn lại!
Sau 3 năm mệt mỏi đi tới đi lui, chờ đợi, ngày 28/10/2014, Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk có công văn số 1886/SLĐTBXH-NCC gửi ông Tiến, khẳng định: Không thể giải quyết kinh phí để ông trồng 4 cái răng hàm dưới, với lý do: “Ngày 17/11/2011, ông Tiến đã đồng ý xin cấy ghép 11 cái răng”...
---------------------------