Bắt tạm giam 8 cán bộ thuế và Hải quan An Giang
Ngày 12.12, Bộ Công an chính thức thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giữ 8 cán bộ Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh An Giang về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án “Phạm Thanh Dũng và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại An Giang” và vụ án “Lê Thị Chi và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại An Giang”.
Quá trình điều tra đã có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính và sự phối hợp của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Đến nay đã xác định được Trần Thanh Tâm, Lê Thị Kim Oanh, Mai Anh Tuấn - cán bộ Cục Thuế tỉnh An Giang và Lê Khương Toàn, Trần Đắc Chiến, Nguyễn Văn Sơn, Hồ Văn Sỹ, Nguyễn Văn Thanh - cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang đã có hành vi cố ý làm trái công vụ, tạo điều kiện cho bị can Phạm Thanh Dũng, Lê Thị Chi và đồng bọn làm thủ tục hoàn thuế, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Ngày 10.12.2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt để tạm giam đối với các đối tượng trên để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281, Bộ luật Hình sự.
-------------------------
Vướng lao lý vì thiếu hiểu biết !
Công an huyện Bến Lức, tỉnh Long An vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trịnh Văn Âu (SN 1955; ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) về tội “Cướp tài sản”.
Ông Âu là nông dân sống ở vùng sâu của huyện Đức Huệ. Ngày 24-4-2013, ông xin vào làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Vệ sĩ An ninh Đại Thế Giới ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với mức lương 3,3 triệu đồng/tháng. Sau đó, ông Âu được công ty cử đến nhà hàng Vườn Địa Đàng ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức làm bảo vệ và sẽ có người đến phát lương. Một tháng sau, không thấy ai phát lương nên ông Âu điện thoại hỏi thì được công ty cho biết đang kẹt, để tháng sau phát luôn.
Biết nhà hàng sẽ thanh lý hợp đồng với công ty nên sáng 21-6-2013, ông Âu điện thoại cho con mình là Trịnh Văn Tân đến để chờ chở về nhà. Trưa cùng ngày, một người tên Côn tự xưng là phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Vệ sĩ An ninh Đại Thế Giới đi cùng một người khác mặc đồ bảo vệ đến kêu ông Âu nói nhà hàng thanh lý hợp đồng. Sau khi thanh lý hợp đồng với nhà hàng mà không thấy ông Côn trả tiền lương 2 tháng nên ông Âu không đồng ý và xảy ra xô xát. Lúc này, anh Tân chạy lại ôm ông Côn để can thì ông Âu liền lấy tiền trong túi ông Côn và một chiếc điện thoại di động. Sau đó, anh Tân chở cha mình đến trụ sở Công an thị trấn Bến Lức trình bày sự việc. Qua kiểm tra cho thấy số tiền ông Âu giao công an là 11.470.000 đồng cùng chiếc điện thoại di động.
Hai ngày sau, ông Âu đến Công an thị trấn Bến Lức thì được biết sự việc đã chuyển sang công an huyện. “Không ngờ đến ngày 9-10, công an huyện kêu ba tôi đến và đưa quyết định khởi tố, bắt giam về tội cướp tài sản” - anh Tân kể. Theo Công an huyện Bến Lức, việc khởi tố ông Âu là hoàn toàn đúng pháp luật và được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Trao đổi với chúng tôi về vụ án này, điều tra viên cao cấp Phạm Dương Phúc, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho rằng việc Công an huyện Bến Lức khởi tố ông Âu là đúng pháp luật vì thời hiệu của vụ án này là 15 năm. Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), đây là sự tranh chấp tiền lương lao động. Lẽ ra, ông Âu phải bình tĩnh xử lý theo cách khởi kiện hoặc nhờ các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi. “Trong vụ án này, ông Âu là người trực tiếp lấy tài sản của ông Côn. Việc ông Âu giao nộp cho công an chỉ là tình tiết giảm nhẹ” - luật sư Triết phân tích.
-------------------------
Cảnh sát cơ động gặp nạn khi chặn đoàn đua xe ở Hà Nội
Đứng giữa đường Lý Thái Tổ (Hà Nội) để chặn đoàn xe chạy tốc độ cao vào rạng sáng nay, một chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an Hà Nội đã bị một xe máy lao vào làm gãy chân.
Hơn một giờ sáng 12.12, tốp thanh niên phóng xe máy với tốc độ cao trên đường Lý Thái Tổ. Đến đoạn gần Cung Thiếu nhi gặp tổ tuần tra thuộc trung đoàn Cảnh sát cơ động, tốp này đã tách ra và chạy ngược chiều.
Lúc đó, hai cảnh sát cơ động đã đứng ra để ngăn chặn nhóm thanh niên, nhưng một xe trong số đó đã đâm vào khiến một chiến sĩ bị thương ở chân và mặt. Đồng đội đã nhanh chóng người gặp nạn đi cấp cứu.
"Cả 3 thanh niên ngồi trên chiếc xe Liberty sau khi đâm vào cảnh sát cơ động đã vội vã bỏ chạy, thậm chí rơi cả ví", Việt Anh, người chứng kiến vụ việc kể lại.
Cũng theo nhân chứng này, sau đó, đội cơ động cùng người dân đã bắt giữ một thanh niên, chiếc xe cũng bị tạm giữ.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng, trung đoàn cảnh sát cơ động, Công an Hà Nội cho hay người bị thương là một chiến sĩ thuộc đơn vị mình quản lý và chiến sĩ này bị gãy chân.
Cũng theo đại tá Hưng, khi có dấu hiệu xe máy chạy tốc độ cao trên đường, nhiệm vụ của tổ công tác phải chặn bắt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Vụ việc đang được công an quận Hoàn Kiếm điều tra.
Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trong trận bán kết lượt về tối qua, nhiều cổ động viên khuôn mặt ủ rũ rời khỏi sân vận động Mỹ Đình. Sau đó, không ít nam thanh niên lấy xe máy chạy thành từng đoàn trên phố. Một số người có biểu hiện quá khích, rồ ga, bấm còi và chạy với tốc độ cao.
-------------------------
“Hiệp sĩ” săn bắt cướp Minh Tiến không lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hồi cuối năm ngoái (2013), sau khi “hiệp sĩ” nổi tiếng với hàng ngàn chiến công săn bắt cướp ở Sài Gòn bị tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về vụ việc này. Đến nay, Cơ quan CSĐT đã khẳng định Minh Tiến không phạm tội hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như đơn tố cáo…
Chiều nay (12.12), theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, sau khi thụ lý đơn tố cáo về vụ việc cho rằng “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp, TPHCM đã có thông báo kết quả giải quyết: “Không có dấu hiệu hình sự của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến - người nổi tiếng TPHCM và cả nước với hàng ngàn chiến công bắt cướp đường phố -vào chiều 12.12.2014 đã vui mừng khôn tả, khi được minh oan. Tiến cho biết: “Biết tin này, tôi vui lắm. Mới đây, một số thông tin lại cho rằng tôi vẫn đang bị điều tra tội lừa đảo. Giờ có kết luận của Cơ quan CSĐT, tôi không phạm tội hình sự. Thật công bằng, bởi sự thật vẫn là sự thật.
Cảm ơn Cơ quan điều tra đã xác minh để cho tôi sự công bằng, cảm ơn Báo Lao Động đã có nhiều bài báo phản ánh viết bài cả hai phía (đơn phía người tố cáo và Tiến - PV). Nay tôi được minh oan rồi. Tôi lại có sức mà tiếp tục nghiệp đam mê săn bắt cướp, góp một phần nhỏ bảo vệ an ninh trật tự cho thành phố…!”.
Theo “Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố” của Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp, “kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm” của bà Hồ Thị Thanh Vân (SN 1976, thường trú số 3/8/3 đường Thành Thái, phường 14, quận 10), thì qua điều tra, xác định vụ việc chỉ là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu hình sự của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Trước đây, vào cuối năm 2013, Báo Lao Động đã có loạt bài “Hiệp sĩ” Minh Tiến bị tố lừa đảo”, phản ánh việc bà Hồ Thị Thanh Vân gửi đơn tố cáo gửi đến Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của “hiệp sĩ” Minh Tiến, dùng một mảnh đất bán cho 2 người, sau đó còn nhiều lần đưa người đến tranh chấp nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo của bà Vân, vào năm 2000, Minh Tiến bán cho ông Nguyễn Hữu Mạch (ngụ quận Tân Bình) lô đất tại số 21/39 đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp với giá 120 triệu đồng. Việc mua bán chỉ làm giấy tờ tay vì nguồn gốc đất do ông Nguyễn Văn Lài (cha đẻ của Tiến) chia lại cho Tiến. Đến năm 2009, bà Vân tìm mua đất, thì Minh Tiến bán miếng đất trên cho bà Vân với giá 160 triệu đồng. Bà Vân đặt cọc trước 50 triệu đồng, sau đó bà Vân đưa tiếp cho Minh Tiến 43 triệu đồng.
Đầu năm 2010, bà Vân rào miếng đất lại, thì ông Mạch ngăn chặn và nói đất này của ông Mạch. Sau khi 3 người gồm ông Mạch, bà Vân và Minh Tiến gặp nhau để thỏa thuận thì Tiến trình bày là ông Mạch nhờ Minh Tiến bán giúp miếng đất với giá 80 triệu đồng, ông Mạch không thừa nhận.
Ngày 4.10.2013, ông Mạch và bà Vân viết giấy tay mua bán miếng đất với giá 80 triệu đồng, ông Mạch đã nhận đủ tiền. Vì lý do Minh Tiến không làm hợp thức hóa sang tên chủ quyền cho bà Vân, bà cho rằng Minh Tiến đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp.
Khi nhận được thông tin mình bị tố cáo “lừa đảo”, Minh Tiến cho phóng viên Báo Lao Động biết, ngày 7.4.1999, ông Nguyễn Văn Lài - là bố đẻ anh Tiến - cho Tiến mảnh đất tại địa chỉ số 21/39 đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp là 32m2. Đến năm 2000, do khó khăn, Tiến đã bán miếng đất cho ông Nguyễn Hữu Mạch và đến năm 2009, ông Mạch lại nhờ Tiến tìm người bán lại miếng đất này với giá 80 triệu đồng. Qua quen biết, Tiến mời vợ chồng bà Vân mua miếng đất với giá 130 triệu đồng (Tiến cho rằng mình làm cò môi giới bán đất cho ông Mạch).
Sau đó, vợ chồng bà Vân có gặp ông Mạch để thỏa thuận giá cả. Lúc này bà Vân đưa cho Tiến 50 triệu đồng, số tiền còn lại 80 triệu đồng bà Vân hứa sẽ trả cho ông Mạch trong thời gian ngắn. Song do không có tiền, mà mãi đến tháng 10.2013, bà Vân mới đưa cho ông Mạch số tiền 80 triệu đồng.
Do có tranh chấp giữa 4 hộ gia đình xung quanh miếng đất này, mà xảy ra vướng mắc, nên bà Vân không xây được nhà ở trên miếng đất này. Đến khi có miếng đất 20m2 bên cạnh là phần mộ của gia đình Tiến, bà Vân đã thỏa thuận mua thêm.
“Vướng mắc việc xây dựng, tranh chấp lối đi, nên bà Vân chưa thể xây dựng được nhà, do vậy bà và chồng đã tố cáo tôi lừa đảo, điều này là hoàn toàn sai sự thật”, “hiệp sĩ” Minh Tiến từng trần tình như vậy.
-------------------------