Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng bị kỷ luật vì “ưu tiên” vợ mới cưới
Ngày 8/12, nguồn tin từ Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, đơn vị vừa thống nhất tiếp tục kỷ luật cảnh cáo cả mặt Đảng và chính quyền đối với ông Nguyễn Quốc Định - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Định bị kỷ luật do mắc 4 sai phạm chính tại thời điểm ông còn đương chức. Điều đáng chú ý là tất cả các sai phạm này đều có liên quan trực tiếp đến bà vợ vừa mới cưới của ông là Nguyễn Cẩm Nhung (Giám đốc Công ty TNHH Hưng Điền, có trụ sở ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Theo đó, khi hai người mới quen nhau, ông Định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình giúp bà Nhung trúng nhiều gói thầu lớn, trong khi công ty của bà Nhung không đủ năng lực thi công; thanh toán vượt khối lượng ở một số dự án do công ty bà Nhung thực hiện, gây thất thoát ngân sách và khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ; vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ; để xảy ra tai tiếng cho cá nhân ông và đơn vị.
Như đã thông tin, vào tháng 10/2012, ông Định đã từng bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền vì những sai phạm tương tự. Đến tháng 1/2014, ông Định bị cách chức Giám đốc Sở Xây dựng, chờ phân công nhiệm vụ khác. Thời điểm này ông Định và bà Nhung làm đám cưới.
Nhà chức trách thông tin, các sai phạm dẫn đến bị kỷ luật lần này của ông Định tuy tính chất gần giống nhau, nhưng lại hoàn toàn không trùng lắp. Sai phạm lần trước là do cơ quan Đảng kiểm tra phát hiện, còn lần này là do Thanh tra tỉnh Cà Mau thanh tra toàn diện phát hiện thêm.
---------------------------
Vụ giảng viên tố sai phạm bị mất việc, khai trừ Đảng: Thanh tra TP Long Xuyên vào cuộc
Sau thời gian dài chờ đợi câu trả lời chính thức từ UBND TP. Long Xuyên về khiếu nại của ông Lê Văn Ngọc, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Trần Anh Thư cho biết, Thanh tra TP. Long Xuyên đang kiểm tra lại báo có số 41 của Phòng TN - MT.
Ngày 4/12 trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND TP Long Xuyên Trần Anh Thư cho biết: “Qua lần tiếp xúc dân (tiếp xúc với ông Ngọc - PV), UBND TP Long Xuyên nhận thấy vụ việc của ông Ngọc còn nhiều khuất tất nên UBND thành phố mở cuộc đối chất sau đó giữa ông Lê Văn Ngọc với Phòng TN - MT, cán bộ địa chính phường Mỹ Thạnh và Lãnh đạo TP. Long Xuyên”.
Ông Thư cho biết thêm: “Qua buổi đối chất, thành phố thấy có nhiều vấn đề không đồng nhất xung quanh báo cáo số 41 của Phòng TN - MT do ông Đặng Ngọc Tấn ký vào ngày 22/5/2009 với cán bộ xác minh và lời khai của ông Ngọc. Do vậy, UBND TP. Long Xuyên đã giao cho Thanh tra TP. Long Xuyên tiến hành kiểm tra lại báo cáo số 41 này. Khi có kết quả, UBND TP. Long Xuyên sẽ có văn bản trả lời chính thức đến ông Lê Văn Ngọc nội dung nào đúng, sai theo khiếu nại của ông Ngọc”.
Trao đổi với PV Dân trí, xung quanh nội dung buổi đối chất với các cơ quan chức năng, ông Ngọc cho biết: “Tại buổi đối chất, cán bộ xác minh Trần Minh Khải chỉ nói tôi thực hiện việc phân lô bán nền khoảng 400 - 600m2 đất; Phòng TN - MT thì xác định tôi phân lô bán nền 900m2, tuy nhiên tại báo cáo xác minh của cán bộ Khải và báo cáo số 41 của Phòng TN - MT đều kết tội tôi phân lô bán nền trên diện tích 3.962m2 loại đất 2 lúa và chuyên dùng khác là vi phạm pháp luật? Trong khi đó, mảnh đất 3.962m2 từ đó cho đến nay vẫn là đất nông nghiệp. Tôi cho thuê và xảy ra tranh chấp khi người thuê không chịu trả. Việc này Tòa án đã xét xử trả lại đất cho tôi và đến nay tôi vẫn cho người ta thuê đất trồng hoa màu. Tôi không hiểu sao cơ quan chức năng căn cứ vào điểm nào mà nói tôi phân lô bán nền?”
Ngoài ra, ông Ngọc bày tỏ: “Tôi là một giảng viên trường Đảng, là một người có học thức, con trong một gia đình truyền thống cách mạng, (cha mẹ ruột nhận Huy chương kháng chiến hạng nhì của Chủ tịch nước, bên vợ là gia đình liệt sĩ). Thế nhưng qua vụ việc này tôi rất buồn vì bản thân mình như thế, bao nhiêu năm trời tố cáo cái sai, bỏ công sức trên 10 năm đấu tranh, khiếu nại… nhưng các cơ quan năng tỉnh An Giang thờ ơ với tôi thì thử hỏi những người dân ít học, chân đất… nếu có những vấn đề khuất tất thì sẽ khổ sở thế nào?”
Vừa qua ông Ngọc cho biết, BGH trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã gọi ông trở lại làm việc, có giao cho trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật phân công nhiệm vụ nhưng đến này ông vẫn còn “ngồi không xơi nước”. Xung quanh việc ông Ngọc đi làm trở lại, PV Dân trí đã liên hệ với bà Huỳnh Tuyết Phượng - Phó Phòng Tổ chức Hành chính, Quản trị trường Chính trị Tôn Đức Thắng để hẹn ngày làm việc với BGH trường, tuy nhiên bà Phượng cho biết BGH nhà trường bận họp suốt tuần và vụ việc của ông Ngọc, nhà trường đã gửi cho UBKT Tỉnh ủy nên có gì thì PV lên UBKT Tỉnh ủy tìm hiểu. (PV liên hệ vào 28/11 và ngày 2/12).
Trong lúc ông Ngọc kiệt sức vì sự “chần chừ” của các cơ quan chức năng tỉnh An Giang thì ông lóe lên một niềm hy vọng khi Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên đã giao cho Thanh tra thành phố giải quyết vấn đề quản lí và sử dụng đất đai của ông Ngọc. Còn vấn đề ông trăn trở nhất là việc ông bị khai trừ Đảng của Ban thường vụ Đảng ủy trường Chính trị Tôn Đức Thắng và Đảng ủy Khối Dân chính cũng được Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang ra quyết định giải quyết khiếu nại.
“Còn khoảng 1 tháng nữa là quyết định giải quyết khiếu nại của UBKT Tỉnh Ủy An Giang là hết hạn. Từ ngày nhận quyết định đến nay, tôi chỉ được đối chất một lần, dù vậy tôi vẫn tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào sự đúng sai và hy vọng một ngày tôi được phục hồi Đảng. Nếu được vậy, khi tôi về quê nhà, thắp nén nhang cho ông bà, cha mẹ mà không sợ bị quở trách”. Ông Ngọc ôm hai đứa con nhỏ ngậm ngùi chia sẻ.
---------------------------
Tắc nghẽn cửa khẩu nguyên nhân do... chống buôn lậu (!?)
Dân trí- Sau tổng công kích vào các đầu nậu buôn hàng trái phép qua biên giới là tình trạng cửa khấu tắc nghẽn vì người dân tham gia xách hàng chính ngạnh. Có tình trạng người dân dùng một lúc 5 sổ được cấp để “xách” hàng.
Sau "đầu nậu" là “xách lẻ”?
Tình trạng người dân tham gia xách hàng qua biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng này trở nên bất thường bắt đầu từ tháng 11 cho đến nay, mà đỉnh điểm là ngày 29.11 vừa qua.
Lý giải sự bất thường này, các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề chống buôn lậu và hàng giả tại Quảng Ninh đang đều phải lưu ý đến hiệu ứng sau vụ vây bắt trùm buôn lậu Thắng “Cành” phá kho hàng khủng của y.
Sự vào cuộc ráo riết chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương đã khiến cho các lối mòn, điểm hở tại vùng biên Móng Cái gần như bị bịt kín. Tình trạng vận chuyển hàng lậu qua biên như trước đã bị ngăn chặn tích cực. Tuy nhiên một thực tế phát sinh ngay tại địa phương này đã khiến cho cơ quan chức năng “ bói rối” và dư luận “hoài nghi”. Đó là bất thường trong việc hàng ngày có hàng vạn lượt người đăng kí qua cửa khẩu “xách” hàng theo tiêu chí cư dân biên giới. Đứng trước nguy cơ” góp gió thành bão” như vừa qua, viễn cảnh về các kho hàng “không thuế” được đầu nậu thu gom ngay trung tâm địa phương này sẽ là khó tránh khỏi nếu không có giải pháp kịp thời. Tình trạng vùng biến vắng lặng, ngạt thở của khẩu đang đặt các lực lượng Hải Quan, Bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, công an và nhiều ban ngành liên quan trước tình trạng “ tái diễn hàng lậu” trên thị trường.
Theo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 11 trung bình mỗi ngày có xấp xỉ trên 1 vạn lượt người dân xuất nhập cảnh (XNC) qua cửa khẩu để sang Trung Quốc xách hàng thuê. Kỷ lục là ngày 29/11, có tới hơn 2 vạn người XNC. Mặc dù được phân luồng khẩn nhằm ứng phó sự bất thường vẫn có sự ùn ứ dài gần 1km tại cửa khẩu. Người dân không vì chờ lâu mà nản ngược lại còn bám trụ bằng được để đến lượt mình, thậm chí gây áp lực cho cơ quan Hải Quan trong vấn đề giải quyết thủ tục khi họ trở về.
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ Hải Quan, thuộc chi cục Hải Quan Móng Cái cho biết: Chưa bao giờ chúng tôi phải đối mặt với tình trạng người dân đổ về cửa khẩu tham gia sang bên kia biên giới mua hàng nhiều như thế này. Từ 3-4 giờ sáng hằng ngày dân đã xếp hàng dài cae trăm mét chờ đến lượt. Đỉnh điểm là ngày 29/11 vừa qua khi có tới hơn 2 vạn người làm thủ tục. Đoàn người kéo dài gần 1km từ Khách sạn Cao Su ở Đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú tới cửa khẩu khiến đại lộ gần như tắc nghẽn.Rất nhiều người đã không thể kiềm chế, nổi khùng, xô xát khi phải chen lấn trong dòng người như dài dằng dặc. Cán bộ Hải Quan liên tục bị đê dọa đòi “ xử” nếu không nhanh tay” kiểm hàng” cho họ qua biên”
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, có nhiều người dân vùng biên chuyên làm nghề “sang bên kia mua hàng theo thẻ” rồi về bán lại cho các đầu mối đang gặp thời khi tình trạng buôn lậu vùng biên bị ngăn chặn. Thu nhập theo đó của họ đang tăng lên đột biến. Có nhiều gia đình từ già trẻ, gái trai...đều đóng cửa ra cửa khẩu xếp hàng nhờ “ chính sách” tranh thủ tăng thu nhập.
Lực lượng chức năng căng mình… nhận đe dọa (!)
Trong tình trạng tết âm lịch đang cận kề, lượng hàng mà thị trường cần là rất lớn. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhu cầu xách hàng qua biên tăng đột biến như thời gian vừa qua. Có người dân sử dụng đến 5 loại sổ ( sổ xanh, sổ nâu, sổ vàng, sổ định kỳ 6 tháng và 1 năm ) để qua lại cửa khẩu để xách hàng về Việt Nam bán lại cho chủ hàng.
Theo quy định thù cư dân vùng biên giới được cấp thẻ xanh. Bằng thẻ xanh này họ có quyền mua lượng hàng không quá hai triệu/ngày mà không phải nộp thuế. Ví dụ như một chiếc áo khoác được chủ thuê từ 20.000-30.000 đồng/chiếc nếu được đưa về thuận lợi. Vì vậy, có người mặc cả chục chiếc áo để qua cửa khẩu. Người ta không từ bất kỳ chiêu thức nào để đưa được hàng về mà không phải tính thuế. Nói về vấn đề này, chi cục Hải Quan Móng Cái cho biết: không xử lý được họ vì họ bảo trời lạnh nên thích mặc nhiều quần áo. Trên người cả chục chiếc áo quần nhưng họ bảo họ mặc từ Việt Nam qua giờ họ về lại chứ không phải mua”.
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 8.12, lãnh đạo chi cục Hải Quan Móng Cái Quảng Ninh cho hay: Chi cục phải tăng cường cán bộ để kiểm soát lượng hàng hóa đưa về qua đường xách tay. Nếu có vi phạm hoặc xách hàng vượt mức quy định sẽ bị đánh thuế hoặc là tịch thu chờ xử lý. Chỉ tính riêng trong tháng 11, thuế bổ sung từ những hàng hóa trong danh mục được phép qua cửa khẩu theo chính sách cư dân biên giới, chi cục đã thu thuế bổ sung hơn 400 triệu đồng, chiếm 1/3 doanh thu từ các loại hàng phải thu hồi từ đầu năm đến nay”.
Từ tình trạng bất thường này, cán bộ Hải Quan và các lực lượng chức năng của Móng Cái phải căng mình làm việc cả ngày lẫn đêm. Từ 7h 30p sáng đến hết 19 h cùng ngày đoàn người mới thôi” thúc dục, la ó”. Sau đó lại phải ở lại để rà soát, kiểm tra sổ sách, cả tháng nay chưa bao giờ được nghi trước 21 h đêm. “ Đáng lo nhất là một số người quá khích đã không chịu được áp lực xếp hàng nên đã xảy ra tình trạng mất trật tự, có lời lẽ xúc phạm đến cán bộ làm nhiệm vụ. Trong máy điện thoại của các cán bộ Hải Quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu xuất hiện các tin nhắn đe dọa, uy hiếp.
Được biết, trong ngày hôm nay (8.12), các ban ngành của tỉnh Quang Ninh liên quan đến vấn đề trên đang tiếp tục họp bàn để đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm chấn chỉnh tình hình. Cụ thể, tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã có sự phân luồng cho các đối tượng sang cửa khẩu theo từng loại thẻ được cấp nhằm kiểm soát tốt hơn. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng người có thẻ đi du lịch, thăm thân cũng có thể lợi dụng xách hàng dẫn đến quá tải, mất kiểm soát tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải Quan Móng Cái tiếp tục phối hợp với công an, biên phòng tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chính sách và quy định của Pháp luật, tránh việc bị các đầu nậu lợi dụng như thời gian qua.
Hiện nay tình trạng tắc nghẽn tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã có giảm thiểu. Tuy nhiên tính phức tạp không vì thế hạn chế nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan.
----------------------------
Tuyển "chui" lao động sang Đức
Mặc dù chỉ duy nhất Cục Quản lý lao động ngoài nước mới được đưa điều dưỡng sang Đức, nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An vẫn tuyển dụng, làm hồ sơ với lời cam đoan sẽ đưa sang Đức làm việc trong vòng 2 tháng.
Chị H.T.D (Hưng Nguyên) cho biết, vừa rồi, thông qua một người quen chị được giới thiệu về chương trình xuất khẩu lao động sang CHLB Đức của Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, ngành điều dưỡng. Vừa ra trường, chưa tìm được việc làm nên chị D. đăng kí tham gia.
Khi đến làm việc tại Trung tâm, chị D. cũng các lao động khác đã nhiều lần hỏi nhân viên tư vấn đây có phải là chương trình của Bộ LĐ-TB-XH hay không thì được nhân viên tư vấn trả lời là đúng. Được khẳng định nhiều lần như thế nên chị D. cũng 6 lao động đã đăng kí tham gia.
Sau khi đăng kí, cuối tháng 9/2014, 7 lao động này được đi học tiếng Đức ngay tại Trung tâm với học phí 2 triệu đồng/tháng cùng lời hứa chắc nịch, cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ được sang Đức. “Chi phí xuất cảnh là 9.000 EUR. Học được vài ngày thì chúng em được thông báo đóng tiền đặt cọc 3.000 EUR cộng với 5 triệu đồng tiền giữ hồ sơ. Trung tâm cũng yêu cầu các lao động gấp rút làm hồ sơ, nộp bảng điểm gốc, bằng tốt nghiệp chuyên ngành bản gốc, hộ chiếu. Thời gian hoàn tất hồ sơ chỉ trong vòng 1 ngày nên chúng em phải làm nhanh, kể cả dịch thuật hồ sơ lý lịch, hộ chiếu là gần 2 triệu đồng”, D. cho biết.
Các lao động cho biết thêm, cán bộ của Trung tâm nói đi học tiếng là chỉ để cho biết chứ không phải thi cử gì. Trong suốt quá trình học tiếng, không thấy Trung tâm đả động gì đến việc đi Đức, các lao động hỏi thì chỉ nhận được những câu trả lời chung chung “sắp rồi”, “cuối năm đi”.
Vào trung tuần tháng 11, các lao động nhận được thông báo qua điện thoại (vào ban đêm) là sáng hôm sau ra Thái Bình để dự hội thảo liên quan đến việc xuất khẩu lao động sang Đức. Ngoài lao động Nghệ An còn có lao động Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tại đây, các lao động được cho biết, đợt tuyển dụng trước thì các lao động không phải thi tiếng nhưng lần này phải thi. Lao động nào đạt trình độ tiếng Đức B2 mới được phía bạn tiếp nhận. Chương trình học tiếng Đức sẽ do giáo viên bản địa dạy trong vòng 9 tháng, các lao động phải học tập trung tại Thái Bình.
Số lao động Nghệ An bắt đầu hoang mang. Hỏi một cán bộ của Trung tâm đi cùng thì được giải thích là vấn đề này không thuộc chương trình do Trung tâm đang thực hiện. Cho rằng đang bị Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An lừa, các lao động lại đến Trung tâm yêu cầu trả lời: Đây có phải là chương trình của Bộ LĐ-TB-XH hay không?.
“Chúng em được ông Dương – cán bộ Trung tâm giải thích vòng vo rồi lại bảo phải tích cực, quyết tâm để sớm đi. Không tích cực sao được khi bố mẹ chúng em phải cầm cố tài sản để vay mượn tiền đóng đặt cọc cho trung tâm?”, D. bức xúc.
Trước đòi hỏi của các lao động, sáng 20/11, Trung tâm đã có buổi làm việc với các lao động và người nhà của họ. Tại buổi làm việc, ông Dương – cán bộ Trung tâm tiếp tục giải thích vòng vo và yêu cầu các lao động tiếp tục “quyết tâm” để có thể sớm sang Đức. Ông cũng cam đoan Trung tâm sẽ có trách nhiệm với lao động.
Tuy nhiên, trước câu hỏi: Đây là chương trình của Bộ LĐ-TB&XH hay là chương trình liên kết, ông Dương luôn né tránh trả lời. Ông này cho rằng, đây là chương trình song song với chương trình của Bộ (?). Trước sức ép của người lao động và người nhà của họ, cuối cùng, ông Dương cũng thừa nhận đây là chương trình liên kết giữa Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An với một đơn vị tại Thái Bình. Mặc dù vậy ông Dương vẫn khẳng định hiện hồ sơ của các lao động đang ở đại sứ quán (?).
Theo thông báo của Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thì chỉ có Cục mới được phép và là đơn vị trực tiếp có chức năng đưa lao động sang Đức. Sau khi kiểm chứng lại các thông tin từ Cục quản lý lao động ngoài nước, 7 lao động Nghệ An đã rút tiền đặt cọc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.
“Từ đó đến nay đã hơn 10 ngày nhưng phía Trung tâm vẫn không có bất kỳ thông tin gì với các lao động. Hiện tại, họ vẫn chưa hoàn trả hồ sơ (bao gồm cả một số giấy tờ gốc) cho lao động”, một lao động cho biết.
Chúng tôi đã đến trực tiếp để đăng kí làm việc với giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An để tìm hiểu rõ vấn đề. Cửa phòng giám đốc vẫn mở, đèn vẫn sáng tuy nhiên một cán bộ Trung tâm cho biết giám đốc đang đi công tác. Gọi vào điện thoại di động của ông Hồ Văn Hùng – giám đốc Trung tâm thì không thấy trả lời. Sau nhiều nỗ lực liên lạc, chiều ngày 3/12, ông Hùng nhắn tin là đang ở Sài Gòn, lúc nào về sẽ làm việc với PV.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết: Trung tâm dịch vụ việc làm chỉ có nhiệm vụ tư vấn chứ không có chức năng tuyển dụng lao động sang Đức. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu nên phải tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình và không cần phải báo cáo với Sở về chương trình liên kết với đơn vị nào đó.
Gọi điện vào đường dây tư vấn của Cục quản lý lao động ngoài nước, chúng tôi được một cán bộ của Cục khẳng định: Cục quản lý lao động ngoài nước không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đưa lao động sang Đức. Đối với lao động ngành điều dưỡng sang thị trường Đức đều do Cục trực tiếp nhận hồ sơ và tuyển dụng.
--------------------------