Bị can Dương Lê Dũng chết trong trại giam Bộ Công an
Bị khởi tố, bắt giam chưa đầy một tháng về tội cố ý làm trái, ông Dương Lê Dũng (nguyên giám đốc công ty lương thực Vĩnh Long) đã chết rạng sáng ngày 5-12.
Ngày 5-12, ông Tô Thanh Xuân (trưởng Công an phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) xác nhận ông Dương Lê Dũng (55 tuổi, nguyên giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long - thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2) vừa qua đời.
Thi thể ông Dũng đã được người thân trong gia đình đưa về vào khoảng 3g sáng 5-12. Thông tin ban đầu, ông Dũng đang trong thời gian bị tạm giam tại trại giam Bộ Công an.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, vào sáng 11-11, Cục phòng chống tham nhũng C48 (Bộ Công an) phối hợp Công an tỉnh Vĩnh Long bắt tạm giam ông Dũng và hai nhân viên Công ty Lương thực Vĩnh Long để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Dũng đang được công an làm rõ.
-------------------------
Phải kiên quyết hơn trong xử lý sai phạm cán bộ thi hành án
Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2015, diễn ra hôm qua 4.12 tại Hà Nội.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2014, các cơ quan THADS cả nước đã hoàn thành khối lượng công việc nhiều hơn so với năm trước, cơ bản đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 37 của Quốc hội. Tuy nhiên, còn không ít bất cập trong công tác THADS, số việc, số tiền chưa thi hành được chuyển sang năm 2015 vẫn còn ở mức cao; tình trạng chấp hành viên, cán bộ THADS vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự có xu hướng tăng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do THADS liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nên không thể để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đối với tình trạng vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ THADS, Phó thủ tướng cho rằng trong năm qua đã xử lý nghiêm song chưa đủ. “Sang năm 2015, tôi đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần có thái độ kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý sai phạm. Những cán bộ, công chức tuy chưa phát hiện thấy sai phạm, tiêu cực nhưng nếu có nhiều dư luận không tốt thì cũng có biện pháp luân chuyển, thay đổi vị trí công tác. Phải kiên quyết xử lý nghiêm, không được chạy theo thành tích mà bỏ qua hoặc không xử lý nghiêm vi phạm. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức THADS trong sạch, vững mạnh”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Bộ Tư pháp, kết quả THADS từ 1.10.2013 đến 30.9.2014 đã giải quyết xong 531.095 việc, đạt tỷ lệ 88,47%. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận công tác tổ chức cán bộ, kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị còn chưa nghiêm, thậm chí bị buông lỏng, nhất là ở cấp chi cục và đội ngũ chấp hành viên; tình trạng cán bộ, công chức, kể cả cán bộ quản lý vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật tăng cao (năm 2014 có 98 trường hợp bị kỷ luật, trong đó có cả lãnh đạo cục, tăng gấp 2 lần so với trước).
-------------------------
Vụ ông Truyền: Hoàn tất kiểm điểm Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bến Tre
Sáng 5/12, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre đã tổ chức kiểm điểm Ban cán sự Đảng UBND tỉnh liên quan tới vụ cho thuê nhà, cấp đất cho ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, thời gian kiểm điểm đã kết thúc ngay trong trưa ngày 5/12 thay vì đến hết ngày như dự kiến ban đầu. Tham dự buổi kiểm điểm có đại diện Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh thời kỳ đó.
Nội dung kiểm điểm theo tỉnh thần chỉ đạo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề cho thuê căn nhà số 6, Lê Quý Đôn (phường 1, TP Bến Tre) và cấp thửa đất 598B5, Nguyễn Thị Định (phường Phú Khương, TP Bến Tre). Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, kiểm điểm chỉ rút kinh nghiệm quy trình cấp, cho thuê chứ chưa kiểm điểm một cá nhân nào ở thời điểm đó.
Một diễn biến khác có liên quan, thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thu hồi vì cấp vào năm 1992 sai đối tượng. Sau đó UBND TP Bến Tre đã thu sổ đỏ. Nhưng sáng 5/12, tại đây vẫn mở cửa hoạt động mua bán bình thường. Theo một hộ dân ở kế bên, sau khi sự việc xảy ra, nơi đây còn được thay biển hiệu mới.
Dự kiến trong chiều mai 6/12, sẽ kiểm điểm những khuyết điểm, sai phạm của cá nhân ông Trần Văn Truyền.
--------------------------
Biệt thự triệu đô - “Cảm ơn và chấp nhận”!
Như các số báo trước chúng tôi đã đề cập, một trong những nguyên nhân chậm thu hồi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chính bởi thành phố chưa tìm được nơi ở mới cho cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên.
Đây cũng là nội dung quan trọng trong biên bản ngày 22/12/2006 giữa ông Nghiên và đại diện Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Thành phố Hà Nội nhiều lần giới thiệu các địa điểm như căn hộ chung cư B10 Kim Liên, rồi đến biệt thự tại dự án Đông hồ Nghĩa Đô (tháng 5/2010) để cựu chủ tịch thành phố đến ở và mua theo Nghị định 61. Đến tháng 3/2013, Sở Xây dựng thực hiện chỉ đạo của thành phố, có văn bản gửi cựu chủ tịch về phương án cho thuê rồi bán cho ông Nghiên (nếu ông Nghiên có nhu cầu) một biệt thự tại khu đô thị Đông hồ Nghĩa Đô.
Ngày 20/5/2013, ông Nghiên chấp thuận với đề xuất này và cảm ơn thành phố. Tuy nhiên như số báo trước chúng tôi thông tin, chỉ hai tháng sau (tháng 7/2013), cựu chủ tịch UBND thành phố đã thay đổi quyết định trên và đề xuất thành phố lo một biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra). Chính sự thay đổi này đã làm cho câu chuyện tìm nhà cho ông Nghiên thêm phần rắc rối và đứng trước nguy cơ không lối thoát…
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại chấp thuận với đề xuất của thành phố về việc cho ông thuê và mua ngôi nhà 163m2 đất và 173m2 diện tích sử dụng nhà tại Cầu Giấy.
Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục liên hệ với một số cơ quan chức năng của thành phố và nhận được giải thích: “Sau khi ông Nghiên có đề xuất về địa điểm mới, thành phố đã họp, bàn và lại trao đổi với cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội”.
Cũng theo một nguồn tin đáng tin cậy, vào cuối tháng 11/2014 trong khi dư luận sôi sục về việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố sai phạm của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan đến nhiều nhà đất bất hợp pháp tại các tỉnh phía Nam, thì tại Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã “xuống nước” thay đổi quyết định.
Theo đó, cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, lại chấp thuận với đề xuất của thành phố về việc cho ông thuê và mua ngôi nhà 163m2 đất và 173m2 diện tích sử dụng nhà tại Cầu Giấy. Theo một nguồn tin từ phía UBND thành phố Hà Nội, dù còn chút phân vân về việc khu đất đã bị nhà cao tầng che khuất, nằm trong đường lớn nhưng cựu chủ tịch UBND thành phố đã “cảm ơn và chấp nhận”!.
Biệt thự triệu đô
Nhóm PV Tiền Phong đã liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị “chủ lực” tìm chỗ ở mới cho cựu chủ tịch và cũng là đơn vị cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa nhưng dường như thông tin chỉ là những cái lắc đầu. Lần theo chỉ dẫn của một cán bộ Cty Quản lý nhà Hà Nội, chúng tôi đã tìm được “khu đất vàng” giữa trung tâm quận Cầu Giấy sầm uất, nơi thành phố dự kiến bố trí chỗ ở mới cho cựu Chủ tịch.
Theo một nhà thầu đang xây dựng biệt thự tại đây, khu đất chỉ có 19 biệt thự thôi, toàn nhà của các VIP. Diện tích toàn bộ khu đất rộng chừng 0,4ha. Hiện đã có khoảng 5-6 biệt thự đã và đang xây dựng, trong đó có 2 biệt thự đã hoàn thành. Khu đất chỉ cách mặt đường lớn của quận Cầu Giấy 30m và được quây tôn kín nên người dân nếu không quan tâm cũng chẳng thể biết được trong đó đang làm gì.
Trao đổi với đại diện một văn phòng bất động sản khu vực Cầu Giấy, chúng tôi được biết, các lô biệt thự này hầu như không được giao dịch bên ngoài. Ước tính giá chuyển nhượng đất tại khu vực trên thị trường vào khoảng 200 triệu đồng/m2. Như vậy một lô đất 160 m2 có giá trị khoảng 32 tỷ đồng, tương đương 1,5 triệu đô la.
“Công ty cam kết có trách nhiệm đến cùng với bên thuê nhà trong việc bảo đảm nơi ở mới ổn định liên tục và chịu những phí tổn hợp lý trong sự việc này”- Trích biên bản ngày 22/12/2006 giữa ông Hoàng Văn Nghiên và Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
-------------------------
Bóc mẽ cơ sở giết mổ bơm nước tăng trọng lượng cho bò
Phòng cảnh sát môi trường (Công an TP Đà Nẵng) vừa bắt quả tang cơ sở giết mổ bò của bà Lâm Thị Lệ Thu tại tổ 24 (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có hành vi bơm nước vào bò trước khi giết mổ để tăng trọng lượng nhằm kiếm lời bất chính.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều nhân viên đang cố tình bơm nước vào 4 con bò để chuẩn bị "trảm" thịt mang bán cho tiểu thương trong buổi sáng cùng ngày. Những con bò này hiện diện rõ một sự đau đớn đến rợn người. Từ trong miệng, mũi mỗi con bò, những luồng nước tuôn ra sòng sọc vì không chịu đựng nổi lượng nước quá lớn chủ cơ sở đã bơm vào. Trong đó, có con nằm ngất lịm, thoi thóp thở trên sàn lò mổ.
Qua khai thác của cơ quan công an, bình quân mỗi ngày cơ sở của bà Thu giết mổ từ 8-10 con bò. Hàng ngày trước khi "trảm" bò khoảng 7-10 tiếng đồng hồ, chủ cơ sở cho nhân viên dùng vòi bơm nước vào bụng bò nhiều lần. Mỗi lần bơm cách nhau 3-4 giờ đồng hồ. Thông thường, để người dân xung quanh không để ý, người bơm nước rất cảnh giác, nếu ai phát hiện thì vờ vĩnh giả xịt nước như đang tắm rửa cho bò.
Mỗi con bò bị bơm nước vào người, đến khi giết thịt đều tăng thêm được trên dưới 10kg, tương đương từ 1,8 đến trên 2 triệu đồng (như giá thịt ngoài thị trường) do lượng thịt bò nở ra, trọng lượng tăng lên.
Thượng tá Võ Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường cho biết, cùng hành vi và cũng tại cơ sở này, năm 2013 lực lượng Cảnh sát môi trường cùng lực lượng Thú y đã xử lý hành chính đối với "đồng nghiệp" của bà Thu là bà Hoàng Thị Minh Huy. Chúng tôi đã có báo cáo với lãnh đạo công an thành phố, đồng thời đề nghị quận Cẩm Lệ, các ngành chức năng tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở này để răn đe nghiêm khắc, làm gương cho các cơ sở giết mổ khác.
Một cán bộ thú y cho rằng, hành vi bơm nước vào bò trước khi giết mổ là hành vi gian lận thương mại, vi phạm đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, cần phải xử lý nghiêm. Hành vi ấy cũng có thể làm cho thịt dễ nhiễm vi sinh vật hoặc các chất độc hại khác từ nguồn nước không đảm bảo. Vì nếu chủ cơ sở nếu dùng nước bẩn, mất vệ sinh sẽ khiến vi khuẩn thấm qua dạ dày, đi vào ngũ tạng rồi đến các mô thịt dẫn tới nhiêm khuẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
----------------------------