Cảnh giác thủ đoạn dùng sổ đỏ thế chấp để lừa bán nhà người khác
Những ngày gần đây, TAND TP Hà Nội mở nhiều phiên tòa xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và giấy ủy quyền để bán nhà của người thế chấp, hoặc sử dụng sổ đỏ và giấy ủy quyền của người thế chấp mang thế chấp ở nơi khác để lấy số tiền nhiều hơn.
Quá trình xét xử các vụ án này, Tòa án chỉ truy cứu hành vi lừa đảo của bị cáo chứ không xem xét đến giao dịch của người mua, người nhận thế chấp tài sản vì Tòa cho rằng, đây là giao dịch dân sự nên người mua, người nhận thế chấp làm đơn khởi kiện gửi Tòa dân sự để được giải quyết quyền lợi trong một vụ án khác. Vậy là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan tiếp tục mỏi mòn đi đòi quyền lợi của mình.
1. Ông Phạm Ngọc Khải, ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội hỏi vay Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bông lúa vàng và Đầu tư tài chính số tiền 250 triệu đồng. Hồng ra điều kiện, ông Khải phải đưa sổ đỏ và ký hợp đồng ủy quyền cho Hồng sử dụng thửa đất của gia đình ông. Sau khi ký hợp đồng ủy quyền và bàn giao sổ đỏ, ông Khải được Hồng đưa trước 30 triệu đồng kèm theo lời hẹn, đợi ngân hàng giải ngân sẽ cho vay tiếp. Chờ lâu không thấy Hồng đưa tiếp tiền nên ông Khải yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền và đòi lại sổ đỏ. Lúc ấy, Hồng lại cho ông Khải vay thêm 30 triệu đồng và tìm cách thuyết phục ông chờ thêm ít ngày. Sau đó Hồng sử dụng sổ đỏ và giấy ủy quyền của ông để bán thửa đất của ông cho chị Ngô Thị Thu Hương, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội với số tiền 1,6 tỷ đồng. Chỉ đến khi chị Hương đến đòi nhà thì ông Khải mới biết đã bị Hồng lừa đảo. Hiện tại, ông Khải vẫn đang ở và quản lý nhà đất của mình. Nhưng sổ đỏ của ông thì chị Hương lại giữ. Dù cơ quan điều tra đã yêu cầu chị Hương bàn giao sổ đỏ để phục vụ công tác điều tra, nhưng chị Hương chưa đưa với lý do, bao giờ Hồng trả chị số tiền 1,6 tỷ đồng chị mới trả sổ đỏ. HĐXX tuyên phạt Hồng 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho chị Hương. Nhưng liên quan đến việc chị Hương đang giữ sổ đỏ của ông Khải thì lại không được HĐXX xem xét trong vụ án này.
2. Anh Nguyễn Văn Hảo, trú tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội mang sổ đỏ của gia đình đến Công ty TNHH Một thành viên Bông lúa vàng và Đầu tư tài chính hỏi vay Giám đốc Nguyễn Thị Bích Hồng số tiền 500 triệu đồng. Trước khi đưa một phần số tiền trên, Hồng yêu cầu anh Hảo giao sổ đỏ và viết giấy ủy quyền cho Hồng được toàn quyền sử dụng thửa đất của gia đình anh. Một thời gian chờ đợi không thấy Hồng cho vay như thỏa thuận, anh Hảo yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền thì Hồng tìm cách kéo dài thời gian. Sau đó, Hồng gặp anh Trần Đức Tuấn, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi vay 1,7 tỷ đồng. Tài sản Hồng thế chấp cho anh Tuấn chính là sổ đỏ và giấy ủy quyền mà anh Hảo thế chấp cho Hồng. Nhận sổ đỏ và giấy ủy quyền từ Hồng, anh Tuấn yêu cầu Hồng viết giấy ủy quyền cho anh được sử dụng sổ đỏ này. Sau đó, anh Tuấn đã sang tên sổ đỏ từ anh Hảo sang tên mình và đem thế chấp cho anh Đỗ Văn Cải, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội để vay số tiền 2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra yêu cầu anh Cải giao nộp sổ đỏ để phục vụ công tác điều tra, nhưng anh Cải không nộp với ý do để anh và anh Tuấn được giải quyết theo quan hệ dân sự. Quá trình xét xử vụ án này, HĐXX chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của Hồng chứ không xem xét đến các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản của những người liên quan. HĐXX xác định, việc thế chấp, chuyển nhượng là quan hệ dân sự nên những người liên quan đến vụ án này làm đơn khởi kiện ra tòa dân sự trong một vụ án khác.
3. Cao Thị Lan, 37 tuổi, trú tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội hỏi mượn người quen là ông Cao Hòa Bình, ở huyện Đan Phượng sổ đỏ thửa đất 495m2 mang tên ông. Từ sổ đỏ này, Lan hỏi vay anh Giáp Minh Mậu, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội 430 triệu đồng. Sau đó, Lan làm giả hồ sơ “qua mặt” cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên sổ đỏ từ ông Bình cho anh Mậu. Nhận sổ đỏ từ Lan, anh Mậu đã đem thế chấp tại một ngân hàng thương mại cổ phần để vay tiền. Cũng với thủ đoạn trên, Lan còn lừa một số người khác để chiếm đoạt số tiền lớn. HĐXX đã tuyên phạt Lan 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng đối với những sổ đỏ đã được chuyển nhượng bất hợp pháp, HĐXX chỉ phán quyết chung chung là “đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại sổ đỏ để làm lại thủ tục cấp mới cho các bị hại”. Trong khi đó, “cơ quan có thẩm quyền” là những cơ quan nào thì lại không có mặt ở phiên xử này.
Trong các vụ án trên cho thấy, việc phát hiện tội phạm thông thường là khi các giao dịch đã hoàn thành nên người bị hại rơi vào... thế đã rồi. Ngay cả vụ án đang trong quá trình điều tra, người mua nhà của kẻ lừa đảo cũng không chịu giao nộp sổ đỏ để phục vụ quá trình điều tra. Sau khi định tội bị cáo, Tòa án cũng chỉ truy cứu bị cáo về trách nhiệm hình sự. Còn về trách nhiệm dân sự và quyền lợi của những người liên quan đến việc mua - bán không được HĐXX xem xét trong vụ án này. Theo luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi tiến hành các giao dịch vay mượn tiền phải sử dụng tài sản thế chấp nhà đất, sổ đỏ, các bên liên quan cần hết sức thận trọng. Nếu lập hợp ủy quyền cho người nhận thế chấp được quyền sử dụng nhà đất, sổ đỏ chỉ để làm tin cho giao dịch vay mượn thì đây là giao dịch giả tạo. Và theo quy định của pháp luật dân sự thì hợp đồng giả tạo là vô hiệu. Vì thế, việc thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng tiếp theo liên quan đến nhà đất, sổ đỏ đó cũng sẽ vô hiệu. Tuy nhiên, để tòa án phán quyết một hợp đồng vô hiệu phải chờ đợi thời gian rất dài, đó là chưa kể những rủi ro khác. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, người có nhu cầu vay tiền trong trường hợp buộc phải có tài sản thế chấp cần phải tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng để tránh các rủi ro
-------------------------
Liên tiếp bắt quả tang 2 vụ vận chuyển tiền Việt Nam và USD giả với số lượng lớn
Như đã đưa tin, sau thời gian trinh sát, nắm thông tin, khoảng 20h30 ngày 17/11, tại khu vực thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), Phòng PC45 Công an tỉnh Lạng Sơn với sự chỉ đạo của Bộ Công an đã phối hợp với Đội 5, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan bắt giữ quả tang đối tượng vận chuyển 200.000 USD giả vào Lạng Sơn qua cửa khẩu Cốc Nam.
Tiến hành kiểm tra xe taxi do tài xế Phạm Hồng Vinh điều khiển, lực lượng chức năng phát hiện vị khách Bế Ngọc Hoàng trú tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) đang vận chuyển 20 cọc tiền đô la Mỹ (USD), mệnh giá mỗi tờ là 100 USD, trong đó 1 cọc được Hoàng đặt trên ghế ngồi, 19 cọc tiền được giấu trong hộp bàn phím máy tính đặt dưới sàn xe. Tổng số tiền trong 20 cọc là 200.000 USD.
Đấu tranh ban đầu, đối tượng Hoàng thừa nhận, 200.000 USD này đều là tiền giả, Hoàng được một đối tượng người Trung Quốc thuê vận chuyển qua cửa khẩu Cốc Nam về Việt Nam với giá 4 triệu đồng để giao cho khách. Khi nào giao tiền cho khách Việt Nam, Hoàng sẽ được khách trả tiếp 30 triệu đồng phí vận chuyển. Điều tra mở rộng, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ đối tượng Đoàn Văn Hùng, trú tại số 30, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, là trợ thủ của Hoàng, có nhiệm vụ chở Hoàng mang USD giả đi giao cho khách và được Hoàng trả công 2 triệu đồng. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, đây là vụ vận chuyển USD giả lớn nhất từ trước đến nay từ Trung Quốc vào thị trường nội địa qua địa bàn Lạng Sơn.
Ngay sau vụ bắt giữ đối tượng vận chuyển USD giả với số lượng khủng này, ngày 18/11, Phòng PC45 Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát hiện, bắt quả tang đối tượng Hoàng Mai Phương, 43 tuổi, trú tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang vận chuyển gần nửa tỷ (462 triệu) đồng tiền Việt Nam giả (loại mệnh giá 200.000 đồng/tờ) từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đấu tranh nhanh, đối tượng khai nhận mua số tiền trên với giá 84 triệu đồng của 1 người lái xe ôm tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) với mục đích mang về Hà Giang để trả nợ và chi tiêu cá nhân, nhưng đang trên đường vận chuyển số tiền giả trên về Hà Giang thì bị lực lượng Công an bắt giữ
-------------------------
Bình Phước: Một doanh nghiệp kinh doanh xe khách hoạt động trá hình
Ngày 21/11, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, vừa có văn bản giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trá hình dưới dạng xe dù bến cóc của Công ty vận chuyển hành khách Kim Mạnh Hùng (trụ sở 124 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM; văn phòng giao dịch 578, quốc lộ 14, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) theo đúng qui định của pháp luật, đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Được biết, Công ty vận chuyển hành khách Kim Mạnh Hùng chỉ được hoạt động dưới hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Tuy nhiên, phương tiện vận tải hành khách của công ty thường xuyên vận chuyển hành khách từ thị xã Đồng Xoài đi qua các trung tâm thương mại, các bệnh viện, trường học của TP HCM và ngược lại
-------------------------
Điều tra thông tin phản ánh kẻ xấu thả rắn lục đuôi đỏ vào khu dân cư
Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai ngay các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng người dân liên tục bị rắn lục đuôi đỏ tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng (Thanh Niên đã đưa tin).
Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường để kịp thời có biện pháp xử lý. Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sơ cấp cứu khi bị rắn cắn, phát động phong trào phát quang bụi rậm tiêu diệt, xua đuổi rắn. Lực lượng công an tổ chức điều tra thông tin phản ánh của người dân về việc có kẻ xấu thả rắn lục đuôi đỏ ở một số địa phương, kịp thời ngăn chặn, xử lý, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 11 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, điều trị từ 1 đến 2 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, thậm chí có ngày lên đến 4 trường hợp. Các huyện có người bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhiều là Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa.
-------------------------