“Làm trong sạch nội bộ trước khi chống buôn lậu”
Đó là ý kiến của trung tướng Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI), Bộ Công an.
Tại Hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá do Tổng cục VI tổ chức tại TP.HCM ngày 2-12, trung tướng Phan Văn Vĩnh bày tỏ tâm tư khi nói về những tồn tại trong quá trình đấu tranh phóng chống tội phạm buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng: “Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Cần chấn chỉnh nội bộ trước, nếu phát hiện phải xử lý triệt để, phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ không thể làm tốt”.
Cũng theo tướng Vĩnh, cơ quan chức năng ở các địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới đời sống người dân ở vùng biên giới, vì chỉ khi người dân vùng biên có cuộc sống tốt, có công việc và thu nhập ổn định mới không đi làm “cửu vạn” khuân vác hàng lậu qua biên giới.
Việc bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thuốc lá, nhưng không thể xử lý hình sự cũng là một dấu hỏi mà ông Vĩnh nêu ra trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu thuốc lá, đề nghị các lực lượng tham gia trực tiếp có phản hồi để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, từ năm 2012 tới tháng 9-2014, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 34.600 vụ, thu giữ hơn 20 triệu gói thuốc lá, nhưng chỉ khởi tố được 369 vụ với 488 bị can.
Theo đánh giá của Bộ Công an, lực lượng chức năng ở các điểm nóng như Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp… chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, không khống chế được tình hình, dẫn đến thuốc lá lậu ngang nhiên vận chuyển vào Việt Nam với số lượng lớn, thường xuyên.
Ngoài ra, tình hình buôn lậu thuốc lá còn phức tạp là lợi nhuận thu được từ buôn lậu thuốc lá sản xuất ở nước ngoài vào Việt Nam là rất cao, đạt siêu lợi nhuận nên “dù có bị treo cổ thì tội phạm vẫn không từ bỏ”…
-------------------------
Sắp xử phúc thẩm "đại án" siêu lừa Huyền Như và đồng bọn chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng
Chiều nay (2.12), nguồn tin từ TAND tối cao tại TPHCM, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ “đại án” siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng sẽ diễn ra trong 17 ngày, từ ngày 15 đến ngày 31.12.2014.
Trước đó, phiên tòa sơ thẩm do TAND TPHCM xét xử vào ngày 27.1.2014 đã tuyên án bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như “tù chung thân” và bị buộc bồi thường thiệt hại số tiền đã chiếm đoạt.
Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty.
Sau đó, Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của của tổ chức, cá nhân rồi chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền là gần 4.000 tỉ đồng. Hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như đủ căn cứ kết luận phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 4 Điều 139 và khoản 3 Điều 267 BLHS. Huỳnh Thị Huyền Như là người giữ vai trò cầm đầu, là người chủ mưu và thực hiện tích cực.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 11.2.2014 Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã có kháng nghị tăng hình phạt vì án sơ thẩm còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của hai bị cáo là Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, sơ thẩm tuyên 20 năm tù); Đào Thị Tuyết Nhung (sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù).
Ngày 9.2.2014, bản thân Huỳnh Thị Huyền Như cũng có đơn kháng cáo xin được giải tỏa kê biên và trả lại cho mẹ của Huyền Như căn biệt thự thuộc khu Bắc Trà My (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 20 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo kêu oan, xin hưởng án treo, xem xét lại tội danh và hình phạt. Đặc biệt là có đến 32 kháng cáo của 9 nguyên đơn dân sự và 23 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm liên đới cùng các bị cáo, phải trả lại cho họ số tiền gần 4.000 tỉ đồng mà họ đã chuyển vào tài khoản của họ được mở tại Vietinbank, sau đó đã bị bị cáo Như chiếm đoạt.
-------------------------
Kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi: 5/6 tỉnh, thành phố có cơ sở vi phạm
Ngày 2.12, Cục Chăn nuôi đã chính thức công bố kết quả sản xuất và kiểm tra trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại 6 tỉnh tại hội nghị về chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức.
Đợt kiểm tra lần này tập trung tại 6 tỉnh, thành phố trọng điểm về TĂCN gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Long và TP.Hồ Chí Minh. Lực lượng kiểm tra, tập trung vào cơ sở sản xuất TĂCN hỗn hợp và đậm đặc (trong đó tập trung kiểm tra chủ yếu đối với cơ sở vừa hoặc nhỏ - công suất thiết kế dưới 15.000 tấn/năm); cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung; cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, nhất là các cơ sở xếp loại C, cơ sở không có địa chỉ rõ ràng; cơ sở giết mổ, buôn bán thịt lợn trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra tại 6 tỉnh cho thấy nhóm chỉ tiêu chất lượng có 38/329 mẫu vi phạm (tỉ lệ vi phạm 11,6%); nhóm chỉ tiêu an toàn 11/398 mẫu vi phạm (chiếm 2,8%) và nhóm chất cấm: 25/1151 mẫu vi phạm (chiếm 2,2%). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hơn 545 triệu đồng với 5 tỉnh, thành phố có cơ sở vi phạm là Thanh Hóa, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nội và Vĩnh Long.
Theo Cục Chăn nuôi, qua kiểm tra đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm về chất lượng và an toàn đối với TĂCN trong đó thức ăn có chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi là những lỗi vi phạm rất khó phát hiện và xử lý.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn còn nhận thấy dấu hiệu một số doanh nghiệp sản xuất TĂCN theo đơn đặt hàng của đại lý phân phối hoặc người chăn nuôi và hình thức này đang chứa đựng nguy cơ cao của các vi phạm về chất cấm và kháng sinh.
-------------------------
Cầu vượt 200 tỷ đồng hư hỏng sau 10 tháng thông xe
Cầu vượt đường sắt trên quốc lộ 1A đi qua xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang bị bong tróc, có hàng chục ổ gà lởm chởm đá nhọn.
Cầu vượt dài hơn 900 m, tính cả đường dẫn hai đầu cầu, được Tổng Công ty CP Công trình đường sắt thi công từ tháng 10/2012, hoàn thành thông xe vào tháng 1. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng (bao gồm chi phí giải tỏa, đền bù) được xây dựng nhằm xóa các điểm nóng giao cắt giữa đường bộ và đường sắt vốn ẩn chứa nguy cơ cao về tai nạn.
Sáng 2/12, ông Phạm Kim Hoanh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết, cầu vượt đường sắt này được xác định là công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, chỉ 10 tháng sau khi đưa vào sử dụng mặt đường đã xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu" gây nguy hiểm cho người đi đường. Đã có không ít người gặp nạn do vấp phải hố sâu trên mặt cầu và đường dẫn lên cầu.
Nhà thầu nhiều lần đổ đá bụi sửa chữa, chắp vá nhưng gặp mưa lớn cùng với lưu lượng xe qua lại hàng ngày quá lớn nên mặt cầu bị nước cuốn trôi, đâu lại vào đấy. Chính quyền địa phương đã kiến nghị huyện, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư công trình có giải pháp xử lý dứt điểm các điểm xuống cấp, hư hỏng để giải tỏa bức xúc của người dân.
Trước tình hình này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2 đã tổ chức kiểm tra hiện trường tìm biện pháp xử lý, nguyên nhân dẫn đến mặt nền cầu hư hỏng.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại, chủ đầu tư sẽ bố trí cán bộ kỹ thuật và chỉ đạo nhà thầu xử lý những chỗ bong hỏng. Khi thời tiết nắng ráo sẽ tổ chức sửa chữa khắc phục triệt để, đảm bảo chất lượng công trình lâu dài.
-------------------------