‘Ôsin’ trộm tiền tỉ của gia chủ
Công an lần ra dấu vết “siêu trộm” gắn mác người giúp việc nhà từ chiếc thẻ cào điện thoại vứt tại hiện trường.
Ngày 8-10, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đoàn Thị Cúc (38 tuổi, quê Quảng Ngãi) về tội trộm cắp tài sản. Theo hồ sơ ban đầu, với thủ đoạn làm giả giấy CMND mang tên người khác, Cúc xin làm “ôsin” thông qua trung tâm giới thiệu việc làm ở các quận, huyện rồi chờ gia chủ sơ hở để ra tay trộm tài sản. Mới đây, Cúc dùng thủ đoạn tương tự trộm 800 triệu đồng của một gia đình ở Tây Ninh và bị công an bắt giữ.
Theo điều tra ban đầu, ngày 21-3-2014, ông TXN (ngụ phường 15, quận Gò Vấp) nhận Cúc vào giúp việc nhà thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm. Lúc đó, Cúc đưa ra một giấy CMND mang tên Nguyễn Thị Kim Oanh, thường trú ở quận 7. Tin tưởng Cúc có hộ khẩu ở TP.HCM, lai lịch rõ ràng, nên ông N. đã cho Cúc ăn ở tại nhà mình. Tuy nhiên, chỉ năm ngày sau, (chiều 26-3-2014) ông N. ngủ trưa thức dậy thì thấy Cúc đã biến mất. Ông N. hốt hoảng kiểm tra tài sản trong nhà mới biết bị mất xe tay ga hiệu Vision, hai máy tính xách tay, một dây chuyền vàng, một máy chụp ảnh, một máy đọc sách cùng tiền mặt gồm 400 USD, 900 euro và 2 triệu đồng.
Cùng thời điểm này, anh Trần Lương Trung Thảo, chủ cửa hàng máy vi tính ở thị xã Thuận An (Bình Dương), thấy có một người phụ nữ đem hai máy vi tính đến cửa hàng nhờ mở khóa máy. Trong lúc anh Thảo mở khóa do máy có cài đặt định vị thì cũng ngầm mật báo với công an. Cảm thấy bất an, sợ bị vạch trần hành tung, người phụ nữ bỏ lại hai máy vi tính rồi bỏ đi. Sau đó anh Thảo đã trao trả hai máy vi tính lại cho ông N. Quá trình xác minh, công an cho nhận dạng thì anh Thảo khẳng định người phụ nữ đem hai máy vi tính tới cửa hàng của anh chính là Cúc.
Đầu tháng 7-2014, qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông N. phát hiện Cúc là nghi can vụ trộm tài sản lớn ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Tương tự, với thủ đoạn làm giả giấy CMND, Cúc xin vào giúp việc cho gia đình ông H. (ngụ Trảng Bàng). Sau khi giúp việc được năm ngày, lợi dụng lúc vợ con ông H. đi vắng, chỉ còn mình ông H. ở nhà, Cúc đã mở két sắt lấy trộm 800 triệu đồng rồi âm thầm bỏ trốn.
Hơn nửa tháng ròng rã xác minh, điều tra từ manh mối là chiếc thẻ cào điện thoại mà Cúc vứt lại tại tiệm tạp hóa, cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã lần ra dấu vết và bắt giữ Cúc tại TP.HCM, đồng thời thu hồi lại tài sản cho gia đình ông H..
Hiện Công an quận Gò Vấp đang điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật.
-------------------------
Bắt nghi can lừa đảo qua mạng
Ngày 8-10, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tây Ninh cho biết vừa bắt giữ Phạm Hải Hoàng (ngụ Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra ban đầu, Hoàng thông qua Công ty TNHH Hạ Long đã tạo trang web giới thiệu mình là chủ DNTN Cơ khí Nhân Sinh (TP.HCM) chuyên cung cấp và lắp đặt mái che, cửa cuốn, dù bạt… Qua theo dõi trang web, anh Lê Công Nhân (ngụ phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh) điện thoại cho Hoàng đặt mua ba cây dù bạt. Sau khi thỏa thuận, Hoàng bảo anh Nhân chuyển tiền trước sẽ nhận hàng sau. Tin lời, anh Nhân đã chuyển số tiến hơn 11 triệu đồng vào tài khoản của Hoàng.
Nhận tiền, Hoàng không những không giao hàng mà còn chặn cuộc gọi của anh Nhân để không liên lạc được rồi rút toàn bộ tiền trong tài khoản tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, cũng với thủ đoạn trên Hoàng quảng cáo trên mạng Internet là chủ của Công ty TNHH Ý Tưởng Mới để lừa đảo. Xác minh địa chỉ của hai công ty trên là không có thật, Hoàng tự đặt ra để lừa đảo khách hàng.
-------------------------
Giả mạo Kiểm sát viên để lừa chạy án
Ngày 8/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Cầu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trương Thị Thảo (38 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 3/10/2014, tại quán cà phê thuộc xã Thuận Lợi, huyện Bến Cầu, Công an huyện đã bắt quả tang Thảo nhận 5 triệu đồng của bà T.T.T.Th. (51 tuổi, ngụ xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) để chạy án. Tang vật thu giữ gồm: 5 triệu đồng, 2 điện thoại di động và 1 xe mô tô.
Tại cơ quan điều tra, Thảo khai nhận do biết được anh Bùi Thanh S. là con của bà Th. bị Công an huyện Bến Cầu bắt giam về tội “Giao cấu với trẻ em” nên trong lúc túng thiếu Thảo giả danh là người đang làm việc tại VKSND huyện để chạy án cho S..
Ngày 2/10, Thảo gọi điện cho bà Th nói rằng có người quen ở Công an có thể giúp S. thoát tội. Nghe vậy, bà Th. vui mừng cảm ơn Thảo và năn nỉ Thảo giúp cho gia đình mình. Một lúc sau, Thảo dùng một sim điện thoại khác gọi lại cho bà Th. giới thiệu mình đang công tác tại VKSND huyện. Thảo ra giá, nếu bà Th. muốn con mình thoát tội thì chuẩn bị 30 triệu đồng nhưng sẽ đưa trước 5 triệu đồng để chi tiền nước cho các sếp… Còn 25 triệu đồng sẽ đưa sau khi anh S. được thả tự do.
Nghe tới đây, bà Th. đồng ý và hẹn Thảo ngày hôm sau sẽ điện thoại hẹn điểm đưa tiền. Thầm nghĩ lừa lấy được 5 triệu đồng dễ dàng, nhưng Thảo không ngờ trong lúc giao nhận tiền thì lại bị Công an huyện Bến Cầu ập vào bắt quả tang.
-------------------------
Vụ truy sát trên biển: Do tranh chấp ngư trường và bị kích động
Ngày 8-10, tin từ Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết đã có kết quả xác minh ban đầu về vụ truy sát trên biển giữa hai đội tàu giã cào của Phan Rí Cửa và ba tàu câu mực của thị xã La Gi, xảy ra ngày 25-9.
Theo đó, do tranh chấp ngư trường tại khu vực biển Hòn Lao, Mũi Né giữa hai tàu giã cào BTh 96634 và tàu BTh 98199 nên hai thuyền trưởng dùng bộ đàm gọi các tàu cá khác đến hỗ trợ, uy hiếp lẫn nhau. Do không hiểu rõ sự việc và bị kích động nên đã xảy ra đâm va giữa các tàu cá của hai nhóm. Hậu quả, tàu BTh 98199 của thị xã La Gi bị chìm tại chỗ; hai tàu cá khác của La Gi và hai tàu cá của Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong bị gãy ván, hư hỏng, phải đưa vào bờ khắc phục, sửa chữa.
Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận đã nhận đơn tố cáo và đề nghị giải quyết vụ việc từ cả hai phía. Bên nào cũng tố bên kia đã gây thiệt hại cho mình. Hiện Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận tiếp tục xác minh, củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án.
-------------------------
Ra công văn ngăn chặn tình trạng giả danh phóng viên
Theo công văn do Phó chủ tịch UBND TP Vinh Nguyễn Trung Châu ký, thời gian qua trên địa bàn TP Vinh xuất hiện trường hợp giả danh “phóng viên” để hoạt động báo chí sai quy định. Để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng nói trên, yêu cầu UBND các phường, xã, các phòng, ban ngành khi phát hiện trường hợp ông Lê Tuấn Anh đến cơ quan, đơn vị phòng ban làm việc với tư cách “phóng viên của Thời báo Làng nghề Việt có quyền từ chối làm việc.
Đồng thời thông báo cho Sở TT-TT tỉnh Nghệ An và Phòng PA83, Công an tỉnh Nghệ An để có biện pháp xử lý, góp phần làm lành mạnh hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trước đó, Sở TT-TT tỉnh Nghệ An cũng ra công văn số 802 gửi các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc ngăn chặn, phát hiện tình trạng giả danh phóng viên.
Lí do, Sở TT-TT nhận được thông tin có “phóng viên” Lê Tuấn Anh từng làm hợp đồng cho Thời báo Làng nghề Việt (được cấp thẻ phóng viên).
Từ tháng 8-2013, Thời báo Làng nghề Việt đã chấm dứt hợp đồng với ông Lê Tuấn Anh đã có thông báo yêu cầu ông Lê Tuấn Anh không sử dụng logo Thời báo Làng nghề Việt trên ô tô và trả lại thẻ phóng viên cho tòa soạn.
Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Anh không trả thẻ mà vẫn sử dụng thẻ phóng viên và logo Thời báo Làng nghề Việt gắn trên xe ô tô con Ford mang biển số đăng ký ở Hà Nội cùng phóng viên một số tờ báo đi tác nghiệp ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
* Theo phản ánh các trường học ở miền núi tỉnh Nghệ An thời gian gần đây có một số người đến xưng phóng viên rồi “xộc” vào các trường kiểm tra các suất ăn của học sinh bán trú, kiểm tra cơ sở vật chất, thu tiền xã hội hóa.
Sau khi “kiểm tra” xong thì “phóng viên” xin tiền ăn trưa, xăng xe đi lại, tiền viết bài tuyên truyền… Nếu ban giám hiệu nhà trường không đưa “phong bì” thì phóng viên “ngồi lì” ở trường không chịu ra về.
Sự việc trên công an các huyện, tỉnh Nghệ An đang phối hợp các trường và UBND các xã kiểm tra, làm rõ.