Đó là hậu quả mà một người dân ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phải gánh chịu sau mấy năm đáo tụng đình.
Người nhận lãnh hậu quả này là bà Nguyễn Thị Nghen ở phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ban đầu bà Nghen chỉ vay 310 triệu đồng nhưng qua quá trình hầu tòa rối rắm, phức tạp, cuối cùng bà mất miếng đất hơn 800 m2 và hơn 500 triệu đồng.
Từ vay tiền đến ký bán đất
Theo ông TTC, nguyên đơn của vụ kiện, ngày 3-7-2006, ông cho bà Nghen vay 310 triệu đồng. Hợp đồng không ghi lãi nhưng nói miệng là 5%/tháng. Theo đó, gia đình bà Nghen thế chấp mảnh đất hơn 3.500 m2 ở phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) để “bảo lãnh” việc vay. Hai bên thỏa thuận một năm sau, nếu bà Nghen không trả hết tiền thì phải nhượng phần đất gần 800 m2 cho ông C., tiền nợ sẽ thành tiền nhượng đất.
đến hạn, bà Nghen không trả được nợ nên đã ký nhượng đất cho ông. Mấy ngày sau, bà Nghen mang trả hợp đồng (chưa công chứng) cho ông (ý là không muốn nhượng đất nữa). Sau đó bà Nghen khiếu nại tại phường nên hợp đồng không thực hiện được.
Tháng 7-2008, ông C. kiện yêu cầu bà Nghen phải giao đất, nếu không thì phải bồi thường giá trị đất.
Ngược lại, bà Nghen nói: “Tôi chỉ nhận 202 triệu đồng nhưng hợp đồng ghi 310 triệu đồng vì ông C. tính lãi một năm cộng gộp vào vốn. Chồng và các con tôi cùng ký tên thế chấp đất bảo lãnh vay. Đến hạn không trả được nên ngày 12-7-2007 tôi buộc phải ký cắt đất trừ nợ theo yêu cầu. Ngày 1-8-2007, tôi mang tiền đến trả hết và đề nghị không giao đất nhưng ông C. không chịu”.
Bà Nghen chỉ đồng ý trả 202 triệu đồng và lãi suất theo quy định. Tuy nhiên, qua mấy phiên tòa, cái mà bà bị mất còn khủng khiếp hơn những gì mà một người lỡ vay nặng lãi phải chịu.
Sơ thẩm lần đầu: Mất hơn 800 m2 đất
Như đã nói, ông C. kiện yêu cầu bà Nghen phải giao đất, nếu không thì phải bồi thường giá trị đất.
Tháng 3-2009, TAND thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một) xử sơ thẩm (lần 1) tuyên bác yêu cầu của ông C. về việc buộc bà Nghen ký tên nhượng đất vì cho rằng hợp đồng vô hiệu về hình thức. Tuy vậy, tòa lại buộc bà Nghen bồi thường toàn bộ thiệt hại là giá trị khu đất gần 800 m2. Tòa tính ra số tiền mà bà Nghen phải trả cho ông C. là hơn 1,16 tỉ đồng.
Bà Nghen kháng cáo nhưng TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bà.
Do bà Bà Nghen không có tiền trả nên bị kê biên, bán đấu giá 868,7 m2 đất để bồi thường cho ông C. Người trúng đấu giá trong vụ này lại là ông C. Số tiền bán đất này, ngoài trả cho ông C. 1,16 tỉ đồng và thanh toán các loại phí, bà Nghen còn dư được một ít.
Tháng 9-2013, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Sơ thẩm lần hai: Mất thêm 505 triệu đồng
Mới đây, ngày 19-9, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Thủ Dầu Một đã xác định giá trị phần đất tranh chấp là hơn 3 tỉ đồng, phần bị thiệt hại là 2,7 tỉ đồng. Tòa cho rằng do hai bên đều thừa nhận có giao kết hợp đồng nhượng đất nên hợp đồng này là có thật. Nội dung hợp đồng phù hợp quy định pháp luật. Hợp đồng không được công chứng nên vô hiệu về hình thức. Do hai bên tự soạn thảo và ký tên tại nhà nên cùng có lỗi làm hợp đồng vô hiệu. Vì vậy, mỗi bên phải chịu một nửa thiệt hại.
Từ đó, tòa này buộc phía bà Nghen phải trả cho ông C. hơn 1,67 tỉ đồng (gồm tiền nhượng đất ban đầu 310 triệu đồng và một nửa thiệt hại của 2,7 tỉ đồng).
Do trước đây ông C. đã nhận hơn 1,16 tỉ đồng (từ kết quả thi hành bản án dân sự sơ thẩm lần một) nên tòa xác định bà Nghen còn phải trả thêm cho ông C. hơn 505 triệu đồng nữa.
“Theo đơn khởi kiện ban đầu, ông C. chỉ yêu cầu tôi một trong hai việc: Hoặc giao đất hoặc bồi thường giá trị đất. Ấy thế nhưng qua mấy lần xét xử của tòa, tôi vừa mất đất vừa phải bồi thường cả tiền nữa. Tôi không biết tòa xử kiểu gì!” - bà Nghen bức xúc. Bà cho biết đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi vụ án có diễn tiến mới.
Không đáp ứng yêu cầu của án giám đốc thẩm
Trong quyết định giám đốc thẩm, TAND Tối cao nhận định: “Giữa ông C. và bà Nghen chỉ xác lập quan hệ vay tiền, cam kết trả trong một năm, nếu không thì phải cắt đất trả. Đến hạn không trả được nợ nên bà Nghen buộc phải ký hợp đồng nhượng đất theo yêu cầu của ông C. Sau đó, ông C. không nhận tiền bà Nghen trả mà yêu cầu phải thực hiện hợp đồng nhượng đất đã ký. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bố hợp đồng nhượng đất vô hiệu là đúng nhưng buộc gia đình bà Nghen phải trả cho ông C. giá trị đất là chưa giải quyết đúng bản chất vụ án.
Quyết định giám đốc thẩm còn chỉ rõ nếu xác định hợp đồng thế chấp vô hiệu thì việc căn cứ vào hợp đồng này để ký hợp đồng nhượng đất là không phù hợp quy định pháp luật. Do đó khi giải quyết lại, tòa sơ thẩm phải làm rõ: Việc thế chấp đất có đăng ký hay không để từ đó xem xét hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Ngoài ra, TAND Tối cao còn yêu cầu làm rõ: Có thỏa thuận về lãi, có thuộc trường hợp cho vay nặng lãi hay không? Ai là người trực tiếp giao tiền cho bà Nghen? Số tiền thực giao là 310 triệu đồng hay 202 triệu đồng? Cần cho người giao tiền và bà Nghen đối chất. Triệu tập lấy lời khai của người làm chứng…
Trong bản án sơ thẩm lần hai, TAND TP Thủ Dầu Một giải quyết các yêu cầu này như sau: Về hợp đồng thế chấp để bảo đảm trả nợ, tòa cho rằng do không được công chứng nên vô hiệu về hình thức nhưng các bên không yêu cầu giải quyết nên tòa không xét. Về lãi suất, tòa cho rằng do hai bên không đưa ra được chứng cứ để chứng minh phần trăm lãi suất như họ trình bày và họ cũng không có tranh chấp hợp đồng vay nên tòa không xét.
Ngoài ra, án sơ thẩm lần hai vẫn chưa xác định được số tiền thực giao. Người làm chứng xác nhận có thấy việc giao tiền cho bà Nghen nhưng không biết bao nhiêu. Dù lời khai các đương sự mâu thuẫn nhau nhưng TAND TP Thủ Dầu Một cho rằng không cần đối chất vì “đối chất không phải thủ tục tố tụng bắt buộc trong giải quyết án dân sự” và căn cứ vào lời khai của người làm chứng và nội dung hồ sơ thì đủ để xác định sự thật vụ án.
---------------------
Chị kiện em vì mấy chữ ‘tinh thần không ổn định’
Theo tòa, việc người em ghi trong biên bản dòng chữ với ý cho rằng người chị “tinh thần không ổn định” là không phù hợp với cách ứng xử giữa chị em với nhau.
Tuy nhiên, dòng chữ này chưa đến mức xúc phạm để buộc người em xin lỗi, bồi thường…
TAND TP.HCM vừa bác kháng cáo của bà PDL, nguyên đơn trong vụ kiện người em gái, đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.
Mâu thuẫn từ tranh chấp nhà
Trong đơn khởi kiện nộp tại TAND quận 6 hồi tháng 9-2012, bà L. trình bày: Từ nhiều năm nay giữa anh chị em của bà phát sinh mâu thuẫn do tranh chấp căn nhà ở đường Hậu Giang (phường 11) do cha mẹ để lại. Bà H. (em gái bà L.) có sửa chữa trong nhà, bà L. ngăn cản không cho. Sự việc đã được UBND phường và Công an phường 11 lập biên bản nhưng bà H. vẫn sửa nhà không phép.
Bà L. khiếu nại đến UBND phường 11. Trong biên bản hòa giải ngày 8-4-2010 tại UBND phường, bà H. có viết câu “đề nghị công an và UBND xét lại hành vi của bà L. do tinh thần không ổn định”. Theo bà L., dòng chữ này đã xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà nên bà yêu cầu bà H. phải bồi thường tổn thất tinh thần 10 tháng lương cơ bản và công khai xin lỗi tại tổ dân phố.
Làm việc với tòa, bà H. không đồng ý xin lỗi, bồi thường theo yêu cầu của bà L. và cho hay căn nhà do cha mẹ để lại nhưng bà L. cứ kiếm chuyện đuổi bà đi rồi thưa kiện. Khi làm việc tại UBND phường 11, do bực bội về thái độ của bà L., bà có ghi câu trên nhưng thực chất bà không có ý xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà L.
“Tinh thần không ổn định” khác “bệnh tâm thần”
Xử sơ thẩm hồi tháng 6-2014, TAND quận 6 nhận định từ “tinh thần” trong dòng chữ bà H. ghi vào biên bản hòa giải tại UBND phường chỉ là trạng thái tâm lý, tình cảm, hoạt động nội tâm của con người do tác động của các yếu tố tình cảm, áp lực công việc, căng thẳng... “Tinh thần không ổn định” không phải là một căn bệnh tâm thần.
Mặt khác, UBND phường và công an phường không có thẩm quyền xem xét, kết luận bà L. có đủ năng lực hành vi dân sự hay không. Việc bà H. ghi như vậy chứng tỏ bà không hiểu rõ hết nội dung dòng chữ mình viết và chỉ do bức xúc mà ghi.
Từ các phân tích trên, TAND quận 6 nhận định việc ghi dòng chữ trên của bà H. chưa đến mức để xem là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà L. Từ đó tòa bác toàn bộ yêu cầu của bà L.
Không chứng minh được thiệt hại
Sau đó, bà L. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, bà vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện ban đầu.
Về phía bà H., dù được tòa sắp xếp ngồi cùng bàn với chị gái nhưng vẫn cố… nhích ra xa. Bà H. “tố” bà L. ném phân chó vào phòng vợ chồng bà, giữa đêm gõ cửa phòng vợ chồng bà đòi đi toilet... nhưng do không muốn chuyện bé xé ra to nên bà không thưa gửi gì. Bà H. khẳng định: “Tôi không xúc phạm nhưng thấy tính bả… kỳ cục quá”.
Chủ tọa thuyết phục bà H. xin lỗi bà L. trước tòa bởi “dù sao cũng là chị em, thương nhau không hết sao lại ứng xử như vậy”. Tuy nhiên, cố gắng hòa giải của tòa đã bị hai bên từ chối. Bà L. nói những chuyện kể của bà H. tại tòa là “dựng chuyện, vu khống”, làm cho bà thấy “đau khổ, tủi nhục”. Bà còn “tố” bị phía bà H. rượt đánh đuổi ra khỏi nhà từ năm 2009 chỉ với bộ đồ duy nhất. Và một lần nữa, bà L. tái khẳng định rằng câu viết của bà H. trong biên bản là “hỗn hào vô lý”...
Tòa phúc thẩm đồng tình với ý kiến của đại diện VKS là dòng chữ trong biên bản hòa giải tại UBND phường của bà H. không phù hợp với sự ứng xử giữa chị em với nhau. Nhưng đúng như tòa sơ thẩm đã nhận định, nó chưa đến mức để xem là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà L.
Cạnh đó, theo Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm trong trường hợp bị mất uy tín, bị bạn bè hiểu nhầm xa lánh... hoặc do tính mạng của người thân bị xâm phạm mà phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát tình cảm... Tuy nhiên, trong vụ kiện này bà L. đã không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh mình bị tổn thất về tinh thần.
Từ đó tòa đã bác kháng cáo của bà L. và giữ nguyên án sơ thẩm.
Quyền nhân thân: Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Trước đây vụ án này từng phát sinh một vấn đề pháp lý gây tranh cãi.
Cụ thể, một năm sau khi thụ lý, TAND quận 6 đã đình chỉ giải quyết vụ án. Theo TAND quận 6, UBND phường 11 đã tổ chức hòa giải vào ngày 8-4-2010 nhưng không thành. Tính đến ngày bà L. nộp đơn khởi kiện (21-9-2012) là đã hết thời hiệu khởi kiện một năm theo điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS.
Bà L. kháng cáo. Tháng 11-2013, TAND TP.HCM đã hủy quyết định đình chỉ của TAND quận 6. Theo TAND TP, Điều 37 BLDS quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trường hợp khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thuộc trường hợp tranh chấp về quan hệ nhân thân. Theo khoản 2 Điều 160 BLDS thì yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm là một trong những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
-------------------------
Tòa hủy án vì có khả năng oan
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại vụ Trần Ngọc Sơn và Nguyễn Thị Hương mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Theo hồ sơ, năm 2011 Lục Gia Khánh và đồng phạm sản xuất, mua bán ma túy đá nên bị khởi tố, truy tố, xét xử. Khánh khai đã 10 lần bán cho Sơn và Hương (sống với nhau như vợ chồng dù Hương đang có chồng ở trong tù) tổng cộng 2 kg ma túy đá. Khánh còn khai mỗi lần đưa hàng chưa nhận được tiền, đến đòi thì Sơn nói: “Con cứ yên tâm mua bán với chú Sơn và mẹ Hương. Nếu chú Sơn không trả thì mẹ Hương sẽ trả cho con”.
Tại cơ quan điều tra, Hương không nhận tội, còn Sơn khai chỉ có mình Sơn mua bán ma túy đá với Khánh một lần với trọng lượng 200 g, ngoài ra không có cuộc giao dịch nào khác. Khi kiểm tra chỗ ở, công an đã thu giữ tại nhà của Hương hơn 3 g ma túy đá. Tiếp đó, công an thu được tại nhà của Sơn hơn 505 g ma túy đá.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Long An đã phạt Sơn chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy, 18 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp mức án là chung thân. Cùng các tội trên, Hương lãnh 16 năm tù… Sau đó Hương kháng cáo kêu oan, Sơn kháng cáo xin giảm án.
Tại phiên phúc thẩm, Hương tiếp tục kêu oan, Sơn cũng một mực khẳng định chỉ một mình Sơn mua ma túy đá của Khánh một lần với trọng lượng 200 g. Sơn cũng không biết vì sao Khánh và đồng phạm lại khai đã giao dịch với mình cả chục lần.
Theo tòa, các lời khai của Khánh và đồng phạm không thống nhất mà cơ quan điều tra lại căn cứ vào đó để buộc tội Sơn và Hương mua 2 kg ma túy đá là không đúng quy định. Khi đưa vụ án ra xử, tòa sơ thẩm lại không triệu tập các nhân chứng để đối chất là không đúng. Ngoài ra, cấp sơ thẩm cho rằng lúc xảy ra vụ án, Sơn và Hương đang sống chung như vợ chồng nên Sơn phạm tội cũng đồng nghĩa với việc Hương phạm tội là không khách quan. Trong vụ án này, nếu kết luận vội vàng thì rất có thể sẽ gây oan.
--------------------
Kiên quyết xử lý Formosa xây dựng miếu thờ trái phép
Chủ trì cuộc làm việc của tỉnh Hà Tĩnh với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiều 26-10 về việc công ty này tự ý xây dựng miếu thờ tại Khu kinh tế Vũng Áng gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, khẳng định: Việc Formosa xây miếu thờ sai phạm sẽ được xử lý dứt khoát. Theo ông Bình, sau khi đình chỉ xây dựng, tỉnh Hà Tĩnh sẽ yêu cầu Formosa phải tháo dỡ miếu thờ.
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Trước đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo đình chỉ việc xây dựng miếu thờ này. Nhưng đầu tháng 10 Formosa lại tiếp tục xây dựng. Ngày 25-10, UBND tỉnh đã có công văn giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng sẽ cùng với các sở, ban ngành bàn bạc và thống nhất xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
-----------------
Một ‘nhà báo’ bị lập biên bản
ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho biết ngày 25-10 có một người đàn ông xưng là nhà báo đến Sở đăng ký làm việc yêu cầu cung cấp thông tin.
Người này xuất trình giấy chứng nhận có hình thức như thẻ nhà báo do trưởng đại diện báo Văn Nghệ tại Nha Trang (Khánh Hòa) ký, nội dung chứng nhận Mai Xuân Hữu chức danh phóng viên. Do thấy có biểu hiện nghi vấn nên ông Hải đã mời đại diện Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan an ninh văn hóa tỉnh đến kiểm tra.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định giấy chứng nhận gần giống như thẻ nhà báo. Việc ký cấp như vậy là sai quy định nên đã lập biên bản sự việc.
ông Lê Văn Minh, Trưởng ban Giao thông nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết trước đây ông Mai Xuân Hữu cũng xưng là phóng viên của một tờ báo điện tử nhưng khi làm việc thì xuất trình giấy chứng nhận như trên nên cũng đã bị lập biên bản.
Được biết Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã có văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị và hơn 159 xã, phường, thị trấn, thành phố trên địa bàn đề nghị không tiếp những người xưng là nhà báo nhưng không có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu hoặc giấy tờ chứng minh không rõ ràng.
--------------------