Tin pháp luật chiều 19-03-2015: Từ 1/5, người tố cáo tham nhũng xuất sắc có thể được thưởng 3,45 tỷ đồng - Đề nghị truy tố 2 bị can mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề

  • Cập nhật : 19/03/2015

 Từ 1/5, người tố cáo tham nhũng xuất sắc có thể được thưởng 3,45 tỷ đồng

“Nếu lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên thì có nghĩa là mức khen thưởng đổi với người tố cáo tham nhũng cũng được tăng lên” - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nêu rõ.
 
Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ký Thông tư liên tịch số 01/2015 Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng.
 
Theo đó, sẽ có 3 hình thức khen thưởng: Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, người đứng đầu cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương).
 
Tiêu chuẩn khen thưởng đối với người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 21 Nghị định số 76/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.
 
Ngoài mức thưởng được áp dụng theo quy định tại Điều 72, Điều 75 Nghị định 42 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua - khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng cụ thể như sau: Huân chương Dũng cảm: 60 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là mức lương cơ sở); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 40 lần mức lương cơ sở; Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương: 20 lần mức lương cơ sở;
 
Riêng trường hợp giúp thu hồi được cho Nhà nước số tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở (tương đương trên 690 triệu đồng vì lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng - PV) thì được xét thưởng vượt mức quy định trên nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,45 tỷ đồng).
 
Trả lời thắc mắc của PV Dân trí về việc không còn quy định mức khen thưởng cao nhất cho người tố cáo tham nhũng là 5 tỷ đồng như dự thảo thông tư trước đây, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - cho biết việc khen thưởng bám sát theo mức lương cơ sở nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
 
“Nếu lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên thì có nghĩa là mức khen thưởng đổi với người tố cáo tham nhũng cũng được tăng lên” - ông Đạt nói.
 
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 1/5 tới.
 
Điều 21 Nghị định 76/2012 về tiêu chuẩn khen thưởng:
 
1. Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
 
a) Không sợ hy sinh về tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã đũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi tỉnh, thành phố, khu vực trở lên;
 
b) Hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, bị tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
 
2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
 
a) Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả rất nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi khu vực hoặc của nhiều Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên;
 
b) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
 
3. Bằng khen của cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:
 
a) Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên;
 
b) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. 
--------------------------
 Thanh tra việc thu hàng chục loại phụ phí của hãng tàu nước ngoài
Kết luận tại cuộc họp về tình hình thu phụ phí theo cước vận tải biển của hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ GTVT, Công Thương chỉ đạo tổ chức thanh tra để xử lý theo quy định.
 
Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính và các cơ quan có liên quan, căn cứ quy định pháp luật về cạnh tranh, rà soát, đánh giá thực tế việc thu các loại phụ phí theo cước vận tải biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các loại phụ phí theo cước vận tải biển mà các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang thu, đối chiếu với thông lệ quốc tế đang áp dụng, đề xuất ban hành quy định về danh mục các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng tại Việt Nam, quy trình đăng ký, kê khai, kiểm soát các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng.
 
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến tháng 10/2014, có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó đảm nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container xuất, nhập từ các thị trường như Châu Âu, Châu Mỹ, Bắc Mỹ.
 
Với tình trạng phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài nên chủ hàng Việt Nam bị áp đặt thu nhiều các phụ phí khác nhau. Hiện tại có khoảng 12 loại phụ phí các hãng tàu đang áp dụng thu như phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container (CIC), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí hóa đơn…
 
Các doanh nghiệp Việt Nam do không được trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng vận chuyển, thường bị áp đặt bị động, đồng thời vì chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý, giám sát thu phụ phí nên không bảo vệ được quyền lợi của chủ hàng và các hãng tàu thường lạm dụng để thu thêm một số loại phí khi hiện tượng biến động đã chấm dứt hoặc không xảy ra.
----------------------
 Đề nghị truy tố 2 bị can mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, đề nghị Viện KSND TP Hà Nội truy tố hai bị can về tội mua bán trẻ em.
 
Theo đó, hai bị can bị đề nghị truy tố là Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú huyện Yên Khánh, Ninh Bình).
 
Theo kết quả điều tra, tháng 7/2014, Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác của anh Nguyễn Thành Long (trú tại Hà Nội) đề nghị làm rõ nghi ngờ việc chùa Bồ Đề đã đem bán cháu Cù Nguyên Công (thường gọi là Lãi, anh Long nhận làm cha đỡ đầu). 
 
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, cháu Công sinh ngày 25/10/2013, là con của chị Trần Thị Thu Hà (quê Phú Thọ) và anh Vũ Xuân Trường (quê Tuyên Quang). Hai người sống với nhau như vợ chồng và có thai ngoài ý muốn nên đã gửi cháu vào chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.
 
Tháng 1/2014, cháu Công được đưa ra khỏi chùa và bán cho Phạm Thị Nguyệt với giá 35 triệu đồng. Tại nơi ở của Nguyệt, cơ quan điều tra còn phát hiện hai cháu bé Phạm Đức Anh (sinh năm 2012) và Phạm Gia Hân (tức Trần Vũ Gia Hân, sinh năm 2013).
 
Dựng lại toàn bộ quá trình xin con nuôi, mua bán trẻ em và xin cấp giấy chứng sinh giả, từ năm 1999, Nguyệt sống như vợ chồng với anh Phạm Văn Hữu (trú tại Phú Xuyên, Hà Nội).
 
Nguyệt đã bị cắt buồng trứng, không còn khả năng sinh con, vì muốn gắn kết tình cảm với anh Hữu nên nảy sinh ý định xin trẻ sơ sinh về nuôi. Tháng 3/2012, Nguyệt nói dối anh Hữu là có thai. Do anh Hữu làm tài xế taxi, không có điều kiện chăm sóc và đưa Nguyệt đi khám thai nên tin đó là sự thật.
 
Đến tháng 12/2012, Nguyệt nói với anh Hữu là đi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi anh Hữu đến đón thì thấy Nguyệt bế một cháu bé ngồi ở cổng. Anh Hữu đặt tên cho cháu là Phạm Đức Anh. Thực chất cháu Phạm Đức Anh tên thật là Nguyễn Thế Huy, con của chị Nguyễn Tố Uyên (trú tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội), do Nguyệt xin về nuôi.
 
Sau một thời gian, Nguyệt và anh Hữu mâu thuẫn nên Nguyệt chuyển đến sống chung với anh Nguyễn Văn Vũ tại một căn nhà khác ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mặc dù về ở với anh Vũ nhưng Nguyệt vẫn có quan hệ tình dục với anh Hữu và tiếp tục bịa ra một lần sinh con thứ hai.
 
Theo đó, tháng 9/2013, Nguyệt báo với anh Hữu đã sinh đôi một trai một gái, đặt tên là Phạm Gia Bảo, Phạm Gia Hân. Vì vậy, anh Hữu thường xuyên gửi tiền nuôi hai cháu này.
 
Trong quá trình đi lễ tại chùa Bồ Đề, Nguyệt biết Nguyễn Thị Thanh Trang nên đã nhờ Trang tìm một cháu bé làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang. Khi nhà chùa nhận nuôi cháu Cù Nguyên Công, Trang đã gặp chị Hà và đặt vấn đề xin con để nuôi.
 
Tháng 12/2013, Trang nói với chị Hà có chị dâu của Trang muốn nhận cháu bé về nuôi. Sau đó, Trang nhờ một người giả làm chị dâu, hướng dẫn người này khi gặp Hà sẽ nói chuyện xin con nuôi và bố trí cho hai người gặp nhau. Sau đó, Trang tiếp tục hướng dẫn chị Hà đến chùa Bồ Đề viết đơn xin lại con với mục đích đưa cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa.
 
Cùng thời điểm này, Trang liên lạc với Nguyệt nói đã tìm được cháu bé và nếu Nguyệt nhận nuôi thì phải bồi dưỡng tiền cho mẹ cháu bé 40 triệu đồng. Nguyệt đồng ý và nói dối anh Nguyễn Văn Vũ là con ốm phải vào viện cấp cứu mất 40 triệu đồng để anh Vũ vay tiền cho mình.
 
Đến ngày 1/1/2014, Trang hẹn chị Hà đến chùa Bồ Đề để làm thủ tục đưa cháu ra khỏi chùa và nhờ mẹ đẻ đến đón chị Hà cùng cháu bé về nhà mình. Ngày 2/1/2014, Nguyệt đến nhận cháu Công và đưa cho Trang 35 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Trang đã chuyển vào tài khoản của chị Hà 10 triệu đồng, còn 25 triệu đồng giữ lại chi tiêu cá nhân. Cháu Cù Nguyên Công được Nguyệt đặt tên là Phạm Gia Bảo.
 
Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyệt đã nhận nuôi cháu Phạm Gia Hân (con chị Vũ Hậu Giang, trú tại Thái Bình). Nguyệt nói với anh Nguyễn Văn Vũ rằng Phạm Gia Bảo và Phạm Gia Hân là anh em sinh đôi và là con đẻ của anh Vũ với Nguyệt.
 
Sau khi mua được cháu Cù Nguyên Công, quá trình Nguyệt nuôi dưỡng, cháu Công bị bệnh sởi nên ngày 21/6/2014 Nguyệt đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Do biết bệnh viện có chế độ ưu đãi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi được giảm viện phí nên Nguyệt thông qua chị họ là nhân viên y tế tại Kim Sơn, Ninh Bình xin cấp giấy chứng sinh cho cháu Công với tên là Phạm Gia Bảo, cháu Trần Vũ Gia Hân lấy tên là Phạm Gia Hân để làm thủ tục khai sinh cho các cháu. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng nên cháu Phạm Gia Bảo đã mất ngày 24/6/2014.
 
Cơ quan công an còn làm rõ Nguyệt nhận nuôi cháu Phạm Việt Anh (con chị Nguyễn Thị Hồng ở Thanh Hóa). Cháu Việt Anh được Nguyệt khai sinh bằng cách nhờ Trần Thị Nguyệt, Lê Thị Tú Anh (đều là nhân viên Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình) xin giấy chứng sinh. Tuy nhiên, trường hợp này Nguyệt chỉ nuôi một thời gian ngắn rồi chị Hồng đã xin nhận lại con.
 
Cơ quan điều tra xác định các trường hợp cấp giấy chứng sinh cho Nguyệt không được hưởng lợi, không có thỏa thuận bàn bạc nên không có sự đồng phạm với Nguyệt, chỉ cần xử lý hành chính.
 
Đối với hai người “chồng hờ”, cả hai đều không liên quan đến việc mua bán trẻ em của Nguyệt. Quá trình điều tra, anh Hữu đã yêu cầu Nguyệt phải bồi hoàn số tiền 201 triệu đồng, anh Vũ yêu cầu Nguyệt bồi hoàn 40 triệu đồng là số tiền Nguyệt đã lấy để nuôi các cháu bé.
------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo