Khó kiểm soát giá thuốc do buôn bán lòng vòng
Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đã được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế tổ chức ngày 6.12 tại Hà Nội.
Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, tiêu dùng thuốc bình quân trong nước hiệc đã lên đến 31,18 USD/người/năm, tăng 1,2 lần so với 5 năm trước đây. Đến tháng 11.2014, cả nước đã có 133 nhà máy sản xuất thuốc đạt thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP). Việt Nam là một trong số ít quốc gia sản xuất được vắc xin với 17 số đăng ký đã được cấp phép cho các vắc xin trong nước, giúp phòng 10 bệnh dịch nguy hiểm.
Tuy nhiên, ông Cường cũng nêu rõ, ngành dược Việt Nam đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển, trong đó, nguyên liệu sản xuất thuốc còn phụ thuộc nước ngoài với gần 90% phải nhập khẩu; hệ thống phân phối thuốc yếu về trình độ và công nghệ quản lý.
Trong nước chưa giữ được thế chủ động (nắm hệ thống phân phối) để giảm phụ thuộc nước ngoài, khiến khó khăn trong điều tiết thị trường, bảo đảm nguồn cung thuốc chuyên khoa, đặc trị vắc xin khi có dịch bệnh.
Ông Cường cho rằng, với khoảng 2.000 doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh phân phối, thuốc hiện vẫn đang được phân phối qua nhiều tầng nấc trung gian, buôn bán lòng vòng gây khó khăn cho quản lý giá.
Trong chiến lược phát triển ngành dược, lần đầu tiên Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng năm trung tâm phân phối thuốc tại năm khu vực: miền núi phía bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Việc này nhằm đồng bộ với lộ trình tiến đến thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ được triển khai trong thời gian tới đây, giúp chủ động về nguồn thuốc cung ứng đến các vùng miền và giá thuốc sẽ được kiểm soát gắt gao hơn.
-------------------------
Nhà máy thép gây ô nhiễm bị dân bao vây
Từ sáng hôm qua đến trưa hôm nay (6-12), hàng trăm người dân ở thôn 7A, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã dựng lều, lập rào chắn trước cổng Nhà máy Thép Việt – Pháp để phản đối việc công ty này xả khói gây tổn hại đến sức khỏe của họ.
Do người dân tập trung quá đông và dựng nhiều chướng ngại vật trước cổng nhà máy nên hai ngày qua, hàng loạt xe tải chở thép phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài được nhập từ Cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) về nhà máy thép không thể ra vô được. Vì thế, nhà máy phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu và làm hơn 200 công nhân ở đây phải nghỉ việc.
Ông Trần Văn Bình, một người dân tập trung trước nhà máy từ sáng nay, bức xúc: “Lúc trước, khi công ty nấu thép phế liệu cả ngày lẫn đêm làm môi trường bị ô nhiễm nặng, người dân ở đây đã phản ứng rất dữ và công ty đã khắc phục. Thế nhưng, mấy tháng trở lại đây, công ty lại hoạt động hết công suất, gần như là 24/24 giờ khiến người dân không thể chịu nổi vì mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng”. Còn bà Trần Thị A, nhà ở cách nhà máy thép chưa đầy 50m, cho biết hằng ngày, gia đình bà hít phải những luồng khói đen xì có mùi rất khó chịu. “Ban đêm, dù đóng cửa đi ngủ nhưng khói vẫn xộc vô nhà khiến mọi người khó thở. Chúng tôi đã chịu đựng tình cảnh này hơn 5 năm nay, chính quyền đã vào cuộc nhưng vẫn không thấy cải thiện nên chúng tôi chỉ còn cách bao vây, buộc nhà nhà máy phải có giải pháp hạn chế xả khói độc” – bà A nói.
Dù người dân tụ tập phản ứng rất quyết liệt nhưng đến nay ban giám đốc công ty thép vẫn chưa có động thái gì, trong khi lực lượng bảo vệ vẫn túc trực nhằm ngăn ngừa dân có hành vi manh động. Hiện chính quyền xã Điện Nam Đông vẫn chưa có cách giải quyết cụ thể mà chỉ vận động người dân không tiếp tục tập trung trước nhà máy.
Công ty Thép Việt – Pháp được xây dựng từ năm 2009, thuộc Cụm Công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín I, đóng trên địa bàn thôn 7A, xã Điện Nam Đông. Đây là công ty chuyên tinh luyện thép phế liệu thành thép thành phẩm. Hơn 5 năm nay, hoạt động tinh luyện thép của công ty đã khiến cuộc sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và khói bụi.
-------------------------
Yêu cầu khởi tố CSGT gây tai nạn làm chết 2 dân quân
Chiều 6/12, Ủy ban ATGT có công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu khởi tố vụ án khởi tố bị can.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu huy động điều kiển tốt nhất để cứu chữa các nạn nhân bị thương; thăm hỏi nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Châu Đức. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trước đó, lúc 1 giờ ngày 6/12, trên tuyến đường Mỹ Xuân - Hòa Bình, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chiếc ô tô nhãn hiệu BMW 750L màu đen mang biển kiểm soát 29A - 410.86 đâm thẳng vào lực lượng công an, dân quân đang làm nhiệm vụ tuần tra khiến 2 người chết và 7 người bị thương. Lái xe BMW được xác định là thượng úy Phạm Văn Tuân, công tác tại Đội CSGT huyện Châu Đức.
Đặc biệt, thông tin từ Cục Đăng kiểm và Phòng CSGT Hà Nội, biển kiểm soát 29A-410.86 được cấp cho xe ô tô con 4 chỗ nhãn hiệu Toyota - Camry LE do bà Trần Thị Liên tại địa chỉ 424 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - thành phố Hà Nội.
-------------------------
Cựu phó chủ tịch tỉnh đổ cho con trai lấn chiếm gần 400 m2 đất
Theo chính quyền phường nơi gia đình ông Hà Hòa Bình, cựu Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc lấn chiếm đất công, dù sinh sống ở đây song ông Bình nói không biết việc lấn chiếm và việc này do con trai (đang sống ở Hà Nội) thực hiện.
Ngày 6-12, thông tin từ UBND phường Tích Sơn (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết sau khi được mời lên phường làm việc, xác nhận kết quả đo đạc cho thấy lấn chiếm đất công gần 400 m2, gia đình ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (mới nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1-11 vừa qua) đã chủ động thuê máy xúc phá dỡ dãy tường rào chạy dài hàng trăm mét, cao gần 2 m được xây dựng trên phần đất lấn chiếm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch UBND phường Tích Sơn, tại buổi làm việc với phường, ông Hà Hòa Bình nói rằng không hề biết việc lấn chiếm đất công diện tích lớn như vậy; việc xây dựng tường rào lấn chiếm đất công gần 400 m2 là do con trai mình thực hiện (?!).
Một cán bộ phường Tích Sơn cho biết con trai ông Hà Hòa Bình tên là Hà Anh Tuấn đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về nhà. Mặc dù thửa đất trên sổ sách rộng khoảng 1.400 m2 đã được tách làm 3 thửa, gồm hộ gia đình ông Hà Hòa Bình, ông Hà Anh Tuấn và ông Hà Thống Nhất (em trai ông Bình), nhưng chỉ có gia đình ông Bình thường xuyên sinh sống tại đây.
Chính vì thế việc ông Bình “đổ tội” cho con trai lấn chiếm đất công, còn mình không biết là hết sức khó hiểu và có biểu hiện thiếu trung thực.
Theo xác minh của UBND phường Tích Sơn, trên diện tích lấn chiếm gần 400 m2, gia đình ông Hà Hòa Bình đã cho xây dựng một lầu ngũ giác để ngắm cảnh, một dãy tường gạch kiên cố dài hàng trăm m, nhiều cây cảnh…
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh trước đó, ông Nguyễn Duy Báu, Phó Chủ tịch UBND phường Tích Sơn, cho biết từ những năm 2011-2012, UBND phường đã đã tiến hành ký kết thỏa thuận với các hộ dân trên địa bàn không được tiến hành lấn chiếm đất công. Khi bắt đầu triển khai dự án cải tạo, mở rộng hồ Dộc Mở, phường lại tiếp tục mời các hộ dân, trong đó có gia đình ông Hà Hòa Bình, lên để ký cam kết không lấn chiếm đất công.
Tuy nhiên, gia đình ông Bình vẫn cố tình lấn chiếm diện tích một diện tích lớn, bước đầu xác định vào khoảng 399,2 m2. “Kể cả ông ấy là cán bộ cấp nào đi nữa thì vẫn là công dân của phường và chúng tôi phải tiến hành kiểm tra, vi phạm thì vẫn phải xử lý”- ông Báu nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hà thẳng thắn: “Nếu chúng tôi không xử lý được thì chúng tôi xử lý những người dân khác lấn chiếm thế nào được”.
Hiện UBND phường Tích Sơn đang hoàn thiện hồ sơ để xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình ông Hà Hòa Bình; đồng thời có báo cáo gửi UBND TP Vĩnh Yên xin ý kiến chỉ đạo về việc xử lý tiếp theo đối trường hợp này.
-------------------------