Từ tháng 2/2015 các chính sách về chế độ tài sản của vợ chồng; chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ... có hiệu lực.
Quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng
Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Trong đó, về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, Nghị định quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật gồm:
1- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;
2- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
3- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:
1- Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng);
2- Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;
3- Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/2/2015.
Tiêu chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ
Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có hiệu lực từ 15/2/2015, trong đó quy định tiêu chuẩn xét tặng 2 danh hiệu này.
Cụ thể, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" và đạt các tiêu chuẩn:
1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.
3- Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể:
- Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
- Sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp
Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp có hiệu lực từ 1/2/2015. Cụ thể, theo phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, Nhà nước sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm các công ty nông nghiệp tại các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó là chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.
Nghị định cũng nêu rõ, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên trên cơ sở sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường…
Xử lý kịp thời cán bộ sách nhiễu dân
Theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/02/2015.
Dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường
Theo Quyết định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học (cơ sở giáo dục), chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.
Quyết định có hiệu lực từ 20/2/2015.
Bỏ quy định giáo viên mầm non người nước ngoài phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm
Tại Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Tại Nghị định 124/2014/NĐ-CP sửa đổi Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định trên đã được sửa đổi: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng quy định và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Như vậy, Nghị định sửa đổi mới được ban hành không bắt buộc phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Nghị định có hiệu lực từ 16/02/2015.
Quy định mới về quản lý tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất
Từ ngày 15/2/2015, việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước sẽ được thực hiện theo Quyết định 71/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh do Sở Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bán chỉ định).
Trường hợp quá thời hạn này mà chưa nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ thì bị phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế...
Cấm chuyển giao 30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
Theo Nghị định số 120/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ có 30 công nghệ bị cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng; công nghệ sản xuất xi măng lò đứng; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT...
Nghị định có hiệu lực từ 1/2/2015.
36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ 5/2/2015, có 36 phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn;...
Quy định mới về bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD
Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.
Thông tư này quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì, bao gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
---------------------
Chuyện lạ ở Đồng Tháp: Khai tử người sống để chiếm đoạt đất
Bà Út Em bị cho là đã khai tử cho mẹ ruột khi người mẹ vẫn còn sống để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Thốt (ở xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có 6 người con.
Quá trình chung sống, ông Thốt cùng vợ là bà Nguyễn Thị Út tạo dựng được một số tài sản, trong đó có khu đất 5.588 m2 ở xã Mỹ An Hưng A. Sau khi ông Thốt chết, bà Út kê khai đăng ký và được UBND huyện Lấp Vò cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lấp Vò, bà Út được UBND huyện cấp 1 giấy chứng nhận QSDĐ cấp ngày 1/12/2003, chứng nhận bà Út sử dụng 1.050 m2 thuộc thửa 69a tờ bản đồ 3a cùng 1.250 m2 (thửa 82 tờ bản đồ số 3) và 1.000 m2 đất trồng màu (thửa 79 tờ bản đồ số 3); một giấy chứng nhận khác cấp ngày 2/12/2003 thể hiện bà Út sử dụng 2.288 m2 đất vườn (thửa 69b tờ bản đồ số 3a).
Bà Út mất, do không có di chúc nên 6 người con lập “tờ phân chia đất đai”. Theo đó, tất cả đều hưởng các phần bằng nhau, riêng “Huỳnh Thị Út Em (sinh năm 1976, là người con út) được 838 m2 và nhà thờ. Anh chị em thống nhất để Út Em tiếp tục canh tác phần đất ông bà để lại, không được sang bán hoặc chuyển nhượng” (trích nguyên văn).
Mặc dù vậy nhưng ngày 14/7/2006 trên giấy chứng nhận QSDĐ và sở hữu nhà do bà Út đứng đã chuyển thành tên của Huỳnh Thị Út Em và ngày 14/7/2006 UBND huyện Lấp Vò cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Út Em.
“Giấy chứng tử” (đã được UBND xã Mỹ An Hưng A “chứng thực sao y bản chính”) ghi rõ bà Út mất ngày 15/9/2006, nhưng trước đó Út Em đã làm thủ tục xin đứng tên trên khối tài sản của bà Út với lời khai “mẹ Nguyễn Thị Út mất” để được UBND huyện Lấp Vò cấp giấy chứn nhận QSDĐ.
Sau khi có giấy tờ trong tay, Út Em ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Võ Thành Nhứt (30 tuổi, không có địa chỉ cư trú), được ông Nguyễn Nhật Trường - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A chứng thực ngày 19/7/2010, hoàn tất hồ sơ trong 3 ngày.
“Việc thực hiện thủ tục chóng vánh như thế từ trước đến nay chưa từng xảy ra”, một cán bộ xã Mỹ An Hưng A cho biết.
Ông Huỳnh Văn No - người con thứ 3 của bà Út bức xúc: “Khi có giấy chứng nhận QSDĐ trong tay, ông Nhứt đem thế chấp ngân hàng. Tháng 12/2011 cán bộ Nh. đến nhà thông báo việc phát mãi thửa đất để đảm bảo việc trả nợ chúng tôi mới biết”. Ngay sau đó ông No cùng các người con khác đã làm đơn khiếu nại khắp nơi, nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp.
Ngày 2/1/2013, ông Mai Văn Tửu, Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lấp Vò, có công văn 09/TN-MT trả lời các đương sự, cho rằng “trình tự, thủ tục đổi tên chủ sử dụng đất trong hộ gia đình từ bà Nguyễn Thị Út sang Huỳnh Thị Út Em... là đúng quy định pháp luật, thủ tục chuyển nhượng QSDĐ từ bà Huỳnh Thị Út Em sang ông Võ Thành Nhứt cũng đúng quy định".
Ông No càng bức xúc: "Đất đai, nhà của cha mẹ tôi để lại là di sản thừa kế, do họ không để lại di chúc nên tất cả anh em trong gia đình đều được phân chia theo pháp luật. Vậy mà chỉ một người tự làm thủ tục sang tên cho chính mình mà UBND xã và UBND huyện Lấp Vò cũng giải quyết rồi chóng vánh chuyển sang tên người khác?"
Lạ lùng hơn, trong hồ sơ nhà đất, bản chính “giấy chứng tử” và các bản sao (đã được UBND xã Mỹ An Hưng A “chứng thực sao y bản chính” ghi rõ bà Út mất ngày 15/9/2006, nhưng Chủ tịch UBND xã ký ngày 10/4/2006, tức là khi bà Út còn sống thì ai đó đã khai tử.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Diễm Thúy - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A - cho biết: “Giấy chứng tử của bà Út đã bị sửa và nội dung cũng không đúng với thực tế”.
Từ năm 2011, khi các con bà Út phát hiện có dấu hiệu sai trái từ cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Út Em, nên các con của người quá cố đã làm đơn khiếu nại khắp nơi. Ngày 11/4/2012, sau khi hòa giải không thành, UBND xã Mỹ An Hưng A đã hướng dẫn các đương sự khởi kiện ra tòa, nhưng tòa không thụ lý vì cho rằng “những sai sót trong việc cấp giấy chứng nhận thuộc cơ quan hành chính nên phải khiếu nại để cơ quan này xem xét, thu hồi”, trong khi xã huyện lại hướng dẫn kiện ra tòa.
------------------------
Hành xác chúa sơn lâm
Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, mấy ngày đầu về vườn, những con hổ đều nôn ra cổ và đầu gà. Bị hành xác khi nuôi nhốt nên chúng phản xạ chậm hơn hổ sống trong tự nhiên.
Mới đây, ngày 20/1, Công an huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Nguyễn Đắc Sung (18 tuổi), Nguyễn Đắc Phú (50 tuổi) và Nguyễn Thị Nhượng (44 tuổi), cùng trú huyện Thanh Chương khi cả nhóm đang vận chuyển một con hổ xẻ thịt đông lạnh nặng 140 kg và 8 con khỉ nặng 100 kg. Nhượng khai con hổ này có giá 700 triệu đồng, bà ta nhận đưa đi bán cho một người ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An với tiền công 20 triệu đồng.
Thượng tá Nguyễn Thế Lộc, Trưởng Công an huyện Thanh Chương, cho biết: “Chúng tôi đang mở rộng điều tra vụ việc”.
Trước đó, cuối năm 2014, trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, lực lượng công an đã bắt giữ Nguyễn Văn Lập (34 tuổi; trú tại huyện Quỳnh Lưu) khi nghi can này dùng xe tải vận chuyển trái phép một con hổ nặng 120 kg. Lập khai nhận chở hổ thuê cho một người lạ mặt ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ với giá 8 triệu đồng. Hiện Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố Nguyễn Văn Lập về tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Cách đó vài tháng, tối 1/6/2014, trong lúc làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Quỳnh Lưu, lực lượng công an và kiểm lâm phát hiện một chiếc xe tải không mang biển số có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Bất ngờ, tài xế nhấn ga lao xe vào tổ công tác và bỏ chạy. Bị truy đuổi quyết liệt, tài xế điều khiển xe vào một con đường ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu và vứt 2 con hổ Đông Dương còn sống có trọng lượng khoảng 160 kg xuống đường rồi tẩu thoát...
Đây chỉ là những vụ vận chuyển, buôn bán hổ điển hình mà lực lượng chức năng phát hiện 6 tháng qua. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, không chỉ vận chuyển và buôn bán, tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép cũng diễn ra hết sức phức tạp.
Hai con hổ Đông Dương nêu trên đã được bàn giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Trần Xuân Cường, đây là những con hổ bị nuôi nhốt. “Mấy ngày đầu về vườn, chúng nôn ra toàn cổ, đầu gà… Bị hành xác khi nuôi nhốt nên chúng phản xạ chậm hơn hổ sống trong môi trường tự nhiên”, ông Cường lo ngại.
Mới đây, 2 con hổ này đã được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ông Lê Cao Bính - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An khẳng định: “Hổ mà các lực lượng chức năng phát hiện nếu còn sống thì nhiều khả năng đã bị nuôi nhốt. Vấn đề là chúng nuôi nhốt ở đâu, lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Trước đây, chúng tôi từng phát hiện một số vụ nuôi nhốt hổ trái phép ở huyện Yên Thành. Còn hổ xẻ thịt, đông lạnh thì có thể người ta vận chuyển từ nơi khác tới”.
Vào năm 2012-2013, nhiều xã ở 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu rộ lên phong trào nuôi hổ, beo tại nhà để giết thịt nấu cao. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 3 vụ nuôi nhốt trái phép, thu giữ 3 con hổ, 1 con beo lửa còn sống. Với nhiều điểm nuôi nhốt khác, khi lực lượng chức năng xuất hiện thì người dân đã tẩu tán hổ từ trước.
“Chúng tôi vẫn thường xuyên chỉ đạo anh em kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào nuôi nhốt hổ trái phép sẽ xử lý nghiêm”, ông Bính khẳng định.
Cao hổ chủ yếu phục vụ đại gia
Ngày 15/1/2014, trong lúc dùng xe tải vận chuyển một con hổ nặng trên 300 kg cho giám đốc một công ty tại Bắc Kạn mua về nấu cao, tài xế Phạm Minh Long ở Hưng Yên đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Trước đó, vào tháng 5/2013, một giám đốc doanh nghiệp ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đang tổ chức nấu cao hổ tại nhà thì bị lực chức năng phát hiện…
Một người chuyên buôn bán các loại cao động vật hoang dã ở Nghệ An, tiết lộ: “Cao hổ giá rất đắt, đến 15-20 triệu đồng/lượng, người mua dùng chủ yếu là các đại gia lắm tiền”.
------------------------