Dư luận chưa hết xôn xao về các thương vụ đình đám của những “ông lớn” Thái Lan trên thị trường Việt thì sự kiện tỷ phú giàu nhất Thái Lan mua lại Nguyễn Kim một lần nữa làm nóng lên cuộc đổ bộ ồ ạt của các đại gia này.
Tỷ phú giàu nhất Thái Lan mua lại Nguyễn Kim
Mặc dù không còn nằm trong danh sách tỷ phú của Forbes, song gia tộc giàu nhất Thái Lan vẫn sở hữu khối tài sản giá trị tới 12.7 tỷ USD.
Theo thông tin chính thức trên trang web của hãng này, họ là một nhà bán lẻ thiết bị điện tử gia dụng hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 trung tâm điện máy và trực thuộc Central Group.
Trong báo cáo mới đây gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, công ty Power Buy - một đơn vị thuộc tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat - đã hoàn tất thương vụ mua lại khoảng 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Giá trị thương vụ được cho rằng lên tới 200 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 4.2014, khi khai trương trung tâm mua sắm Robin đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO Central Group - ông Tos Chirativath - từng đánh giá Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với khoảng 60% trong số 90 triệu dân đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi tiêu cao.
Tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan: “Ông lớn” mua hụt Metro
Ở tuổi 75, tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group) do ông Dhanin sở hữu là một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất thế giới, trong đó đứng đầu thế giới về thức ăn gia súc.
Tại Việt Nam, CP Group bắt đầu có mặt từ năm 1990 với văn phòng đại diện tại TP.HCM, và nay đã có công ty mang tên Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai. C.P Việt Nam, hoạt động theo mô hình gồm 3 lĩnh vực khép kín, thường được gọi là 3F, bao gồm: Farm (trang trại) - Feed (thức ăn chăn nuôi) - Food (thực phẩm).
Với lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này đang sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, một mô hình cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí. Hiện hệ thống 7-Eleven Thái Lan đã có trên 3.000 cửa hàng, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Cuối năm 2013, lãnh đạo của CP All - đơn vị điều hành 7-Eleven đánh tiếng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.
Theo Forbes, trong năm qua, cổ phiếu của các thương hiệu do CP Group nắm luôn tăng trưởng hai con số, như tăng 44% tại 7-Eleven, Charoen Pokphand Foods tăng 28%. Điều này đã hỗ trợ cho khối tài sản của tỷ phú Dhani Chearavanont phát triển.
Trong thương vụ mua lại Metro, theo thông tin trên báo chí quốc tế, vị tỷ phú này cũng đã ngỏ ý mua lại chuỗi bán sỉ tại Việt Nam với giá 500 triệu USD, song đã bị từ chối.
Tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan và chặng đường chiếm lĩnh thị trường Việt
Theo số liệu của Fobes vào tháng 3.1204, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản ròng vào khoảng 11,3 tỷ USD. BJC – tập đoàn đã mua lại toàn bộ Metro Cash&Carry Việt Nam – hiện cũng nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú này.
Sau khi thâu tóm những “ông lớn” ở Việt Nam như Melia, Metro, Vinamilk, vào tháng 11.2014, theo Wall Street Journal, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của vị tỷ phú giàu thứ 3 Thái này đã tiếp xúc với cơ quan chức năng Việt Nam để mua cổ phần của Sabeco, doanh nghiệp đồ uống lớn nhất Việt Nam.
Hiện giá trị của Sabeco vào khoảng 2 tỷ USD và hiện do Bộ Công thương sở hữu 89,6% cổ phần. Vấn đề bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã nhiều lần được đề cập đến nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Wall Street Journal cho biết phía ThaiBev chưa có bình luận gì về thương vụ này. ThaiBev hiện niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore và có vốn hóa thị trường xấp xỉ 15 tỷ USD.
Trước đó, đầu năm 2013, ThaiBev đã giành được quyền kiểm soát Fraser&Neave (F&N), tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore. F&N thông qua công ty con F&N Dairy Investment là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu là 9,5%.
Không lâu sau khi BJC mua xong Metro Việt Nam, F&N đã chi thêm gần 100 triệu USD để mua thêm cổ phiếu Vinamilk và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 11%. Hiện lượng cổ phiếu Vinamilk mà F&N nắm giữ có trị giá 540 triệu USD.
Ngoài Vinamilk, F&N còn có rất nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam như ở lĩnh vực bất động sản có khách sạn Melia Hanoi, tòa nhà Melinh Point Tower ở TP HCM. Đặc biệt, ở lĩnh vực đồ uống, F&N gián tiếp nắm quyền chi phối ở Nhà máy bia Việt Nam (VBL) sản xuất nhiều sản phẩm như bia Heineken, Tiger, Larue…
Tương tự như ông Dhanin, Charoen cũng mở rộng quy mô thông qua M&A. Trước thương vụ trị giá hơn 800 triệu USD với Metro, Berli Jucker từng hoàn thành nhiều thương vụ khác tại Việt Nam như thâu tóm chuỗi cửa hàng Family Mart, mua lại 75% cổ phần của hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 32 triệu USD (hơn 670 tỉ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.
10 tỷ phú giàu nhất Thái Lan
1 . Gia đình Chirathivat: Tài sản: 12,7 tỷ USD; Ngành nghề: Bán lẻ, bất động sản
1. Dhanin Chearavanont: Tài sản: 11,5 tỷ USD, Ngành nghề: Thực phẩm
3. Charoen Sirivadhanabhakdi: Tài sản: 10,6 tỷ USD; Ngành nghề hoạt động: Đồ uống
4. Gia đình Yoovidhya: Tài sản: 7,8 tỷ USD; Ngành nghề hoạt động: Đồ uống
5. Krit Ratanarak: Tài sản: 3,9 tỷ USD; Ngành nghề: Truyền thông, bất động sản
6. Chamnong Bhirombhakdi: Tài sản: 2,4 tỷ USD; Lĩnh vực: Đồ uống
7. Vanich Chaiyawan: Tài sản: 2,1 tỷ USD; Lĩnh vực: Bảo hiểm
8. Vichai Maleenont: Tài sản: 2 tỷ USD; Lĩnh vực: Truyền thông
9. Prasert Prasarttong-Osoth: Tài sản: 1,8 tỷ USD; Ngành nghề hoạt động: Bệnh viện
10. Thaksin Shinawatra: Tài sản: 1,7 tỷ USD; Ngành nghề hoạt động: Đầu tư
----------------------------
Uber "bao phạt", mở rộng đội xe
Bất chấp việc hàng loạt xe Uber bị xử phạt, Uber tung nhiều chính sách, trong đó có cam kết “bao phạt” để hút chủ xe cho kế hoạch bành trướng.
Gần đây, phóng viên liên tục nhận được thông tin từ Uber thông qua tin nhắn điện thoại, email về các buổi hội thảo, phổ cập thông tin cho các chủ xe mới. Theo thông báo, cứ đều đặn vào hai buổi chiều thứ Ba và thứ Năm hằng tuần đều có một buổi hội thảo để nhân viên Uber giải đáp các thắc mắc của các chủ xe và “vẽ” những lợi ích khi mang xe gia nhập vào mạng lưới Uber.
Từ chi huê hồng giới thiệu
Trước đây, chúng tôi đăng ký tham gia vào mạng lưới lái xe Uber và sau đó nhận tới tấp tin nhắn, email của Uber, nội dung giới thiệu điều kiện, hướng dẫn gia nhập. Từ giữa tháng 12-2014, sau hai đợt Thanh tra Sở GTVT (TTGT) ra quân xử phạt các xe Uber không đủ điều kiện mà vẫn chở khách, thu tiền, Uber bắt đầu mở các buổi hội thảo “chiêu mộ” lái xe.
“Nếu bạn có thể giới thiệu thêm một chủ xe mới gia nhập Uber và chủ xe đó chạy được ít nhất 10 chuyến trong vòng bảy ngày kể từ ngày kích hoạt tài khoản, Uber sẽ thưởng cho người giới thiệu 500.000 đồng. Chương trình này sẽ kéo dài tới ngày 15-2-2015. Hãy cùng nhau xây dựng hệ thống Uber nhé!”. Một tin nhắn của Uber nêu.
Mang theo tin nhắn này, chiều 15-1, chúng tôi có mặt tại một quán cà phê ở quận 1, TP.HCM. Tại đây Uber bao trọn một phòng lớn trên tầng một và lúc chúng tôi đến đã đầy kín người. Ở mỗi bàn, từng tốp khoảng 5-7 người vây quanh một nhân viên của Uber để được nghe tư vấn. Trên cùng là một máy chiếu đã sẵn sàng để Hợp tác xã Cơ giới vận tải thủy bộ quận 8 (phường 13, quận 8) giải đáp vướng mắc cũng như thông báo cách thức gia nhập hợp tác xã (nếu là cá nhân) để chạy xe Uber. Do lượng người đến quá đông, đại diện hợp tác xã này đã không có thời gian trình bày mà tiếp nhận ghi danh, thu tiền và làm thủ tục cho những người gia nhập. Liếc nhìn vào quyển sổ ghi thông tin chủ xe, số xe…, chúng tôi thấy số thứ tự đã lên đến trên 1.850.
Đến thưởng tiền và “bao phạt”
Tiếp cận một nhân viên Uber tên Dung, chị này cho biết tỉ lệ ăn chia giữa chủ xe và Uber là 8/2 từ cước phí thu được của khách. “Anh còn được thưởng 35.000 đồng cho mỗi chuyến xe và chính sách này chỉ kéo dài đến hết tháng 1-2015” - người tên Dung nói. Một nam nhân viên Uber thông tin: “Anh đừng quan tâm đến mức thưởng vì đó là chính sách có thời hạn. Cái chính là khi tham gia Uber không thiếu cơ hội kiếm tiền”.
Các nhân viên không hề đề cập đến chuyện xe Uber bị phạt nên chúng tôi hỏi nhân viên Dung: “Mấy ngày qua báo chí đưa tin nhiều xe Uber bị phạt. Khi đã làm theo đúng yêu cầu của Uber mà bị phạt thì sao?”. “Các đơn vị hợp tác với Uber đều có chức năng kinh doanh vận tải, được phép hoạt động và TTGT chỉ kiểm tra thôi chứ đâu có phạt. Nhưng nếu bị lập biên bản, Uber sẽ cử luật sư cùng với chủ xe để làm việc với các cơ quan chức năng” - Dung giải thích. Chúng tôi hỏi tiếp: “Có luật sư mà vẫn bị phạt thì sao?”. Dung chắc nịch: “Anh cứ yên tâm, nếu bị phạt Uber sẽ nộp phạt thay”.
Nữ nhân viên này cũng cho biết sẽ hướng dẫn làm đúng quy định, kể cả làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp phù hiệu cho xe. Tuy nhiên, khi hỏi nhân viên Hợp tác xã quận 8 thì người này nói: “Không có phù hiệu, chỉ cấp bản phôtô giấy phép hoạt động”.
Thực tế, trong số các xe Uber bị lập thủ tục xử phạt đã có xe của hợp tác xã trên vì không có phù hiệu, thiếu hợp đồng. Cũng theo TTGT, đến nay đã lập biên bản vi phạm đối với gần 40 xe Uber không đủ điều kiện và xử phạt 19 trường hợp chứ không như đại diện Uber trả lời “chỉ kiểm tra giấy tờ và không có xe nào bị phạt”.
Theo thông tin chúng tôi có được, Thanh tra Bộ GTVT cũng lên kế hoạch kiểm tra, xử phạt các xe Uber và cả các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với Uber. Ngoài ra, UBND TP dự kiến sẽ có cuộc họp giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM vì loại hình này vừa xuất hiện đã phát triển ào ạt ở TP.HCM nhưng có nhiều vi phạm về điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ thuế…
Bị thuế “làm phiền” sẽ khiếu nại tới bến!
Trao đổi với bà Đinh Thị Lệ, người được giới thiệu là giám đốc Hợp tác xã Cơ giới vận tải thủy bộ quận 8, về việc gia nhập Uber, thuế…, bà Lệ nói: “Lúc giao thời này, xe chạy hay thuế má gì cũng không ai nắm đâu. Hoạt động tới đâu thuế phải tính và báo cho biết chứ để hoạt động rồi truy thu là tôi kiện tới nơi… Chúng tôi thu tiền góp vốn tượng trưng 200.000 đồng/xã viên, đồng thời hằng tháng đóng phí khoảng 100.000 đồng/xe. Lúc giao thời này cứ chạy đi, ở đây có logo hợp tác xã gắn lên xe, có phôtô giấy phép kinh doanh được Sở GTVT cấp được chạy vận tải du lịch hành khách nên cứ cầm mà chạy. Nếu cần thì có thêm lệnh điều chạy hợp đồng. Nói chung là đủ hết.
Còn phù hiệu là thứ để cấp cho xe trên 16 chỗ chở khách đi đường dài, mình thì chỉ cần cấp lệnh điều động là được… Nói chung họ đòi đến đâu thì mình làm đến đó. Còn việc lập biên bản thì chủ xe có đóng đâu, Uber đóng luôn!” .
----------------------------
Đại gia Tuần Châu muốn đổ đất, lấn vịnh Hạ Long xây biệt thự
Để xây 3 biện thự lấn biển, sẽ phải đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống Vịnh Hạ Long để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu.
Tập đoàn Tuần Châu vừa đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch - giải trí quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long), với ý tưởng chủ đạo là đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống vịnh Hạ Long.
Theo Vietnamplus, việc đổ đất đá xuống vịnh để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu, phục vụ cho việc xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa (2 nhỏ và 1 lớn) trên biển.
Tập đoàn Tuần Châu đưa ra phương án, để bảo vệ môi trường và tránh tình trạng bồi lấp vịnh Hạ Long do quá trình san lấp mặt bằng gây ra, trong công tác san nền sẽ tạo bờ bao bằng đá ngoài biển rồi tiến hành san lấp phía trong.
Ngoài đề xuất lấn biển xây biệt thự hình đóa hoa, tập đoàn này còn đề nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân golf từ 18 lỗ lên thành 27 lỗ với diện tích 143 ha; mở rộng lộ giới đường dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu và bổ sung cầu với chiều dài 120m.
Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đã 7 lần xin điều chỉnh quy hoạch khu du lịch giải trí Tuần Châu và lần gần đây nhất đã được chính quyền địa phương chấp thuận vào năm 2011.
Về đề xuất này, UBND TP. Hạ Long cho rằng, có thể nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng ranh giới phía Tây Bắc, phía Tây, Tây Nam đảo Tuần Châu để bố trí, sắp xếp lại các công trình nhà ở, dịch vụ, thương mại, hệ thống giao thông đảm bảo cảnh quan chung trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc điều chỉnh đất thương mại, dịch vụ thành đất ở...
Tuy nhiên, theo UBND TP, đồ án điều chỉnh quy hoạch ranh giới được mở rộng tạo bán đảo để bố trí đất ở, dịch vụ và hồ nước mặn nhân tạo có diện tích lớn (khoảng 382 ha), khoảng cách mở rộng về phía vịnh từ 902 mét đến 1.020 mét (so với ranh giới điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng được UBND tỉnh phê duyệt hồi tháng 2/2011) là quá lớn.
Mặt khác, đây là khu vực nằm trong vùng đệm của di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long nên cần bổ sung ý kiến đồng thuận của Sở VH-TT&DL Quảng Ninh và Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Trong khi đó, Sở VHTT&DL Quảng Ninh lại khuyến khích việc nhà đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị khác biệt mang tầm quốc tế.
Còn Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, từ năm 2011, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã cập nhật quy hoạch của Khu du lịch giải trí Tuần Châu vào quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát triển giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đến năm 2020.
Do khu du lịch giải trí này nằm hoàn toàn trong vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nên việc điều chỉnh quy hoạch phải xin ý kiến tham vấn của Trung tâm di sản UNESCO đóng tại Paris; phải được Hội đồng khoa học Di sản Quốc gia thẩm định và được Bộ VH-TT&DL đồng ý.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long khuyến cáo, nếu đề xuất lấn biển xây biệt thự hình 3 bông hoa của Tập đoàn Tuần Châu được chính quyền địa phương thông qua, rất có thể UNESCO sẽ đưa ra khuyến nghị về nội dung này.
Trước đó, trong kỳ họp lần thứ 33, 35 và 37, vịnh Hạ Long liên tục bị UNESCO khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý di sản, nhất là việc đổ đất lấn biển, mở rộng đô thị, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận.
Tuy nhiên, bà Dương nói trên Tuổi trẻ Online vào trưa nay, rằng, phía Ban quản lý vịnh Hạ Long không nhận được dự án, hay được xin lấy ý kiến, mà đây mới chỉ là ý tưởng, tờ trình điều chỉnh quy hoạch của Tuần Châu gửi UBND tỉnh.
Đây không phải là lần đầu tiên vịnh Hạ Long đứng trước mối nguy do các dự án phát triển. Trước đó, ngày 12/9, trong buổi họp báo khởi công dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, trong năm 2015, Quảng Ninh sẽ hoàn thiện tuyến cáp treo “xuyên” vịnh Hạ Long.
Theo thông tin ông Lâm công bố, hệ thống cáp treo nằm trong Tổ hợp dự án lớn do tập đoàn Sun Group đầu tư trị giá 6.000 tỷ. Cáp treo có điểm đầu tại phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, sẽ xuyên qua Vịnh Cửa Lục, chạy song song theo cầu Bãi Cháy đến đỉnh đồi Ba Đèo.
Trước dự án này, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: "Việc xây dựng tuyến cáp treo này, đi kèm theo đó là bao nhiêu cột trụ, rồi hệ thống dây cáp, dĩ nhiên tất cả sẽ ảnh hưởng đến di sản".
Vì thế, ông Hanh khẳng định: "Nên hạn chế tối đa những can thiệp của các hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của con người làm biến dạng các di sản thiên nhiên như vịnh Hạ Long".
------------------------
Gián đất, sâu lạ: Hàng "xách tay" Trung Quốc tuồn về Việt Nam
Nhiều sinh vật ngoại lai đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, gây những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cũng như môi trường.
"Xách tay" gián đất Trung Quốc về Việt Nam
Cách đây ít lâu, dư luận xôn xao về việc một số hộ dân ở Bắc Ninh nhập khẩu gián đất Trung Quốc qua con đường “xách tay” về nuôi. Để nuôi gián đất, những nông dân được chuyên gia người Trung Quốc sang tận nơi để giúp xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.
Gián đất được một số người cho rằng có khả năng chữa bệnh nên giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc chúng dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã ra văn bản nói rõ, gián đất là loại động vật ngoại lai còn xa lạ với người dân Việt Nam, hiện chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi của gián và hiệu quả của việc nuôi gián. Việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm do gián đất chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép kinh doanh.
Sâu lạ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam
Gần đây, lực lượng chức năng liên ngành khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho các điểm nuôi chim cảnh và người nuôi chim. Ghi nhận của báo Thanh Niên vào sáng 12/1, loại sâu lạ nhập từ Trung Quốc để làm mồi nuôi chim cảnh đang được bày bán tràn lan tại thị trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNN), cho hay, đây là loại sâu được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao, phá hoại mùa màng nên từ lâu đã bị cấm nhập khẩu, cấm nuôi.
Côn trùng nguy hại trong lạc nhập khẩu
Mới đây, theo thông tin từ báo Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) Vũ Văn Hương cho biết, trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu phát hiện 8 lô hàng với 35 container lạc nhân (khoảng 700 tấn) nhập khẩu từ Ấn Độ có chứa côn trùng Caryedon serratus Olivier (sống).
Đây là loài côn trùng thuộc đối tượng kiểm dịch Nhóm 1. Từ trước đến nay, tại đơn vị và trên địa bàn cả nước chưa phát hiện loại côn trùng này.
Theo Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT, côn trùng Caryedon serratus Olivier được chú giải là Mọt lạc (serratus), nằm trong Nhóm I - Nhóm “những sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Ốc bươu vàng: Sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng
Ốc bươu vàng là sinh vật thuộc loài giáp xác, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng từ trước năm 1975. Tuy nhiên, phải đến những năm 2000, tác hại ghê gớm của nó mới được cảnh báo.
Sau nhiều năm, cho tới tận bây giờ, ốc bươu vàng vẫn là một loài ốc chiếm số đông trong hệ sinh thái mặt nước ở Việt Nam. Và, nhiều loài động, thực vật nhỏ bé khác đã bị những quần thể ốc bươu vàng nuốt chửng khiến cho hệ sinh thái ở nhiều nơi trở lên mất cân bằng, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên thủy sản và có thể dẫn tới tuyệt chủng một số loài là thức ăn của ốc bươu vàng.
Hiểm họa từ rùa tai đỏ nhập khẩu
Theo Bách khoa toàn thư mở, rùa tai đỏ có nguồn gốc ở Bắc Mỹ, xuất hiện tại Việt Nam khoảng 15 năm. Chúng đứng đầu trong số 206 động vật xâm hại môi trường.
Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, khẳng định trên báo Người lao động, rùa tai đỏ giống như ốc bươu vàng, là một loại ngoại xâm sinh sản rất nhanh và tàn phá môi trường dữ dội. Các nhà khoa học đã khuyến cáo không nên phát triển loài này tại Việt Nam.
Bài học nhập khẩu chuột hải ly, chồn nhung đen
Đầu năm 2000, loài chuột hải ly được nhập khẩu về VN để nuôi thử nghiệm do loài này có thể cung cấp thịt để ăn, da và lông để xuất khẩu. Chuột hải ly sinh sản rất nhanh (cả bằng con đường vô tính và hữu tính).
Tuy nhiên, sau một thời gian, các nhà khoa học đã nhận thấy đây là loài sinh vật cực kỳ gây hại. Chúng được cho là mang các mầm bệnh lao, lao tủy, lao da… gây bệnh cho con người và vật nuôi, gây ảnh hưởng xấu tới các động vật khác. Các cơ quan chức năng đã phải cấm nhập khẩu, tiến hành tiêu hủy và giải quyết các vấn đề liên quan tới chuột hải ly. Chính phủ Anh, Mỹ cũng đã phải chi hàng chục triệu USD để tiêu diệt loài này.
Sau chuột hải ly, chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với lời đồn thổi về chất lượng thịt của loài này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua về nuôi mong thu lợi cao. Song, trái với những lời đồn thổi, đầu ra cho loài động vật này rất hẹp, người nuôi đều bị lỗ và khả năng phát triển không cao. Cục Chăn nuôi đã phải đề nghị các địa phương không phát tán chồn nhung đen, tập trung kiểm soát tốt các cơ sở.
Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, ở nước ta hiện nay đang có gần 100 loài sinh vật ngoại lai gây hại. Trong đó, hơn 40% là thực vật ngoại lai, gần 50% là động vật còn lại là thủy sinh vật. Ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, số loài sinh vật ngoại lai này còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả vấn đề dịch bệnh, mùa màng và an sinh xã hội của con người.
------------------------