Tin kinh tế chiều 04-01-2015: Hàng ngoại giá rẻ sắp tràn ngập thị trường - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Tôi thực sự lo lắng”

  • Cập nhật : 04/01/2015

 Hàng ngoại giá rẻ sắp tràn ngập thị trường

Hàng nghìn mặt hàng đến từ các nước Đông Nam Á không còn chịu thuế nhập khẩu từ ngày 1/1 theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018.
 
Căn cứ địa cuối cùng cho hàng Việt
Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 165/2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), đã có thêm 1.715 dòng thuế giảm về 0% (trước đó là 5%). Các nhóm hàng cắt giảm thuộc các ngành nông nghiệp, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm… Tuy nhiên, tùy ngành hàng mà mức giảm thuế này tác động ít nhiều đến giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang các nước cũng có lợi nhưng phần lớn là khó khăn, thua thiệt.
 
Ông Lưu Huỳnh, đại diện Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên, cho biết chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ giảm theo mức hưởng ưu đãi thuế mà các nước có hàng nhập vào Việt Nam. Nếu thuế bánh kẹo còn 0% thì cũng ít chi phối đến giá thành sản phẩm, hiện tại bánh kẹo nội có giá cạnh tranh hơn bánh kẹo ngoại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phải có chiến lược riêng để phát triển cạnh tranh ngang bằng chứ không chủ quan.
 
Ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Nước giải khát Dona Newtower, cho biết khi thuế suất bằng 0%, hàng tiêu dùng các nước sẽ ồ ạt vào Việt Nam, trong đó có ngành nước giải khát. Doanh nghiệp nội địa ngành  này sẽ bị cạnh tranh khốc liệt.
 
Ông Bảo giải thích, hiện nay ngành nước giải khát, theo lộ trình đã có một số nguyên vật liệu thuế suất nhập về bằng 0%, song vẫn còn một số nguyên liệu thuế cao như nấm tuyết 15%, hương liệu hơn 10%. Tuy nhiên, với một số nguyên vật liệu đã giảm thuế thì giá thành cũng không giảm bao nhiêu. Trong khi đó hàng thành phẩm của các nước nếu nhập vào với thuế suất 0% thì họ có lợi rất nhiều. Sản phẩm trong nước khó cạnh tranh, vì doanh nghiệp trong nước đang chịu các chi phí khác rất nhiều như vận chuyển, thuế…
 
Một đơn vị bán lẻ cho biết khi thuế suất cắt giảm còn 0% thì hàng hóa các nước sẽ vào nhiều, người tiêu dùng được lợi là có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm, dùng thử sản phẩm… Nhưng người tiêu dùng có quyết định mua lần thứ hai không mới là điều quan trọng. Bên cạnh đó hệ thống bán lẻ còn nghiên cứu sản phẩm nào phù hợp với đối tượng khách hàng của mình thì mới nhập hàng về. Vì thế hàng giá rẻ chưa phải là điều kiện quyết định mà phải là mặt hàng nào bán được mới nhập để bán.
Tổng giám đốc Công ty Vissan, Văn Đức Mười phân tích hiện nay thịt đông lạnh nhập vào Việt Nam chịu thuế suất từ 12% đến 30% tùy loại. Khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN mở cửa hoàn toàn, thuế 0%, giá thành tất nhiên sẽ giảm theo thuế. Điều này khá nguy hiểm vì năng suất chăn nuôi của Việt Nam còn thấp, mặc dù từ ngày 1/1/2015, thuế giá trị gia tăng (VAT) thức ăn gia súc giảm 0%, giá có giảm nhưng vẫn còn cao so với sản phẩm nhập về.
 
Ông Mười cho rằng sau này khi tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam còn chịu khó khăn nhiều hơn khi đối đầu với các nước có ngành nông nghiệp lớn như Mỹ. Thịt gia súc không thể xuất khẩu được vì giá thành chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn so với các nước, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chất lượng con giống không đồng đều…
 
Một doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cũng cho rằng sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh về giá so với các nước vì nguyên liệu các nước rẻ hơn, công nghệ chăn nuôi cũng hơn hẳn mình.
 
Cùng nhận định trên, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt sang các nước trong khối cũng sẽ khó khăn hơn vì bị cạnh tranh ngang bằng. Nếu hàng hóa Việt không đảm bảo chất lượng, không đủ sản lượng… sẽ khó xuất sang các nước trong khối. Doanh nghiệp chỉ có lợi thế khi thâm nhập các thị trường xa như Bắc Mỹ, châu Âu.
 
Theo ông Viên, giải pháp để thương hiệu Việt cùng cạnh tranh trong sân chơi này là cùng liên kết đồng hành với doanh nghiệp ngoại trên thị trường với kênh phân phối sẵn có của mình. Cách làm này có thể giúp doanh nghiệp nội địa đảm bảo an toàn tài chính để cân bằng hàng hóa đa dạng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Nếu đơn điệu và đi một mình sẽ dễ bị triệt tiêu. Đồng thời Nhà nước nên hỗ trợ lãi suất còn 0%.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho rằng doanh nghiệp Việt cũng có cơ hội làm ăn ở thị trường 600 triệu dân tốt hơn là thị trường 90 triệu dân. Song thách thức là không nhỏ. Thuế quan dỡ bỏ, công ty Việt bị cạnh tranh gay gắt khi các nước vào Việt Nam đều có chiến lược. Chẳng hạn, Thái Lan tổ chức nhiều hội chợ, mua cả hệ thống Metro Cash&Carry, các cửa hàng tiện lợi… Theo ông Hưng, nếu doanh nghiệp nào đủ năng lực thì vẫn có thể xuất hàng ra các nước.
 
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng thuế quan dỡ bỏ ở một số ngành hàng là điều thuận lợi. Doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, nâng cao tính cạnh tranh.
 
Ông Phong phân tích, về cơ cấu mặt hàng, các công ty Việt sẽ cạnh tranh kém vì phụ thuộc vào việc nhập một số nguyên liệu trong khu vực, sản xuất xong rồi lại xuất sang nước họ. Còn nói về lợi trong sân chơi này để hàng Việt xuất đi các nước thì các doanh nghiệp ít quan tâm đến thị trường ASEAN bằng thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc… Ngoài ra, ASEAN là thị trường dễ hơn, chỉ cần có giá thành thấp là cạnh tranh tốt.
 
"Đối với thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt cần giữ thị phần thật tốt bằng giải pháp nâng cao chất lượng mẫu mã, chất lượng tiện ích, dịch vụ sau bán hàng… cũng như tìm thị trường ngách để đầu tư phát triển", ông nói.
 
Theo Pháp Luật TP HCM
-------------------------
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Tôi thực sự lo lắng”
Với những nhận định rất sâu sắc, thẳng thắn và đầy tâm huyết, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhân dịp năm mới, ông chia sẻ một số suy tư với TBKTSG.
 
Khơi lại tinh thần kinh doanh
 
TBKTSG: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao, Bộ trưởng thấy thế nào?
 
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hiếm có luật nào mà ngay từ khi soạn thảo đã nhận được sự quan tâm của nhân dân, doanh nhân, trí thức, các nhà kinh tế trong và ngoài nước, các đối tác phát triển như những luật này. Sau khi luật được thông qua, dư luận của xã hội, của nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt khối nước ngoài rất tốt. Cách tiếp cận trong hai luật từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” là tiến bộ lớn. Tư tưởng của các luật này là làm sao giúp người dân khởi nghiệp kinh doanh chịu chi phí thấp nhất khi tham gia thị trường như tiết kiệm tiền bạc và thời gian.
 
Hiện tại, chúng tôi đang tích cực soạn thảo thông tư, nghị định. Tuy nhiên, tôi lo lắng điểm rất yếu là thực hiện luật kém. Luật nào cũng thiết kế không tồi, nhưng nhận thức và tổ chức thực hiện pháp luật không nghiêm, nên người thực thi, các cơ quan công quyền lợi dụng để gây khó cho người dân, cho doanh nghiệp.
 
TBKTSG: Thưa bộ trưởng, ông nói sao về yêu cầu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, một điểm rất phiền hà trong Luật Doanh nghiệp?
 
- Về lý lịch tư pháp, cơ quan soạn thảo nói không cần. Vì hiện nay chúng ta có cần đâu, có yêu cầu lý lịch của ai đâu mà mọi việc vẫn tốt đẹp. Quy tắc làm luật là nếu như chỉ vì lo vài cá nhân không tốt thì phải có chế tài riêng xử lý cái đó; chứ không nên làm khó tất cả những người khác phải trình lên trình xuống lý lịch tư pháp. Hơn nữa, như doanh nghiệp FDI, hôm nay họ thuê người điều hành này, mai có thể thuê người khác; chúng ta không có quyền quyết định thay họ. Trong luật đã nêu rõ những trường hợp không được điều hành doanh nghiệp, ví dụ người còn đang có án… giờ yêu cầu tất cả phải có lý lịch tư pháp thì gây nhiều phiền toái. Đây cũng là lỗ hổng, tôi nghĩ như vậy.
 
TBKTSG: Ông hình dung như thế nào về sự hưởng ứng của người dân với các luật này. Liệu tinh thần kinh doanh có được khơi dậy như những năm 2000 trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn, hơn 200.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong vòng bốn năm qua?
 
- Nhu cầu lập doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập là rất chính đáng, và liên tục vì Việt Nam còn đang phát triển, nhu cầu còn cao. Tuy nhiên, từng thời điểm thì khác nhau. Luật Doanh nghiệp 2000 từng tạo làn sóng để doanh nghiệp phát triển vì đó là lần đầu tiên chúng ta có khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho thành lập doanh nghiệp. Vì thế có hàng trăm ngàn doanh nghiệp như hiện nay.
 
Gần đây, kinh tế vĩ mô chao đảo nên doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng giúp sàng lọc. Ở những quốc gia phát triển ổn định như Anh cũng tới 40% doanh nghiệp đóng cửa sau năm năm. Còn với quốc gia có kinh tế vĩ mô không tốt như chúng ta, thì chuyện vài chục ngàn trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp thành lập phải đóng cửa là đương nhiên. Chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, có nhiều doanh nghiệp làm ăn chính đáng, nhưng phải đóng cửa do khó khăn. Đây là điều hết sức xót xa.
 
Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra các thị trường mới, và nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tôi kỳ vọng người dân đừng mang tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, mà hãy mang ra sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập chính đáng cho mình và xã hội. Tất cả chúng ta phải dồn sức khuyến khích điều đó.
 
Phải đi theo kinh tế thị trường
 
TBKTSG: Kinh tế vĩ mô đã ổn định dần sau ba năm có Nghị quyết 11, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ. Bộ trưởng có cảm thấy tiếc nuối điều gì không?
 
- Nói điều này thì hơi nhạy cảm. Song, nếu chúng ta điều chỉnh trong thắt chặt tiền tệ để lạm phát không tụt quá nhanh, kèm theo đó là có giải pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp, thì nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Nếu chúng ta lường trước nợ xấu, vấn đề mà chúng ta đang phải xử lý, thì hệ lụy cũng đỡ hơn. Nhưng về cơ bản, chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô trong vòng ba năm. Và bây giờ, việc ổn định kinh tế vĩ mô luôn thường trực trong đầu các nhà lãnh đạo bộ, ngành và cấp cao hơn. Đó là bài học tốt. Còn đáng tiếc ư? Cuộc sống này không có gì trọn vẹn cả, được cái này thì phải trả giá cái kia.
 
TBKTSG: Nhưng nhu cầu tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn, phải tạo ra công ăn việc làm mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Làm sao cân bằng được thực tế đó?
 
- Nhu cầu đó là quá lớn, cực lớn. Chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam đã từng có cơ hội tăng trưởng 8-9%? Tại sao giờ không được như vậy? Chúng tôi đang cùng các chuyên gia quốc tế, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, soạn thảo Báo cáo Việt Nam 2035. Báo cáo này giúp đánh giá Việt Nam đang ở đâu trong thang bậc khu vực và thế giới; Việt Nam vừa qua phát triển thế nào, tiềm năng là gì, vừa qua tăng trưởng bằng gì, động lực nào, và bây giờ động lực đó có còn tác động không; và Việt Nam muốn có tăng mạnh 8-9% như trong quá khứ, thì chúng ta phải thay đổi thế nào? Muốn có thay đổi thì cần không chỉ vài giải pháp cụ thể, mà đòi hỏi thay đổi cả nền tảng thể chế kinh tế. Tôi nhắc lại là phải thay đổi thể chế kinh tế. Chúng ta phải khẳng định là Việt Nam phải đi theo kinh tế thị trường. Có nhiều yếu tố chúng ta tưởng là thị trường rồi, nhưng không phải.
 
Ví dụ giá dịch vụ y tế 17 năm không hề thay đổi; vừa qua mới thay đổi chút thôi, nhưng nó quá nhỏ bé, không phù hợp thực tế. Hơn nữa, giá đó được Nhà nước áp đặt thế, chứ chưa được tính đúng, tính đủ. Trong ngành y tế có hai điểm sáng là bệnh viện tim của Hà Nội và TPHCM. Họ hoàn toàn không dùng ngân sách, họ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, họ không hề nhận phong bì. Nhưng ở đây người nghèo vẫn được mổ tim, vì họ dùng hỗ trợ nhà nước để lo cho người nghèo. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa nhân tố thị trường trong dịch vụ công như động lực để mở bung các cơ sở dịch vụ công, phục vụ người dân tốt hơn.
 
Giá điện cũng phải tính theo cơ chế thị trường, nhưng Nhà nước lo cho người nghèo, ví dụ miễn phí 30 kWh đầu tiên và tiến tới 60 kWh. Bàn tay nhà nước là thế.
 
Tại sao chúng ta không sử dụng tốt hơn tài nguyên khoáng sản còn rất ít đang nằm trong tay các tập đoàn nhà nước. Dầu khí thì trong tay PVN, than thì trong tay TKV, còn apatit của tập đoàn Hóa chất. Nếu có doanh nghiệp khác có khả năng khai thác và chế biến hiệu quả hơn, chúng ta có chuyển giao cho họ không? Đó là cơ chế thị trường, song chúng ta có làm đâu? Các doanh nghiệp khác muốn làm thì phải xin mấy tập đoàn này. Đương nhiên đời nào họ cho. Đó chỉ là những ví dụ nhỏ. Còn bao nhiêu nhân tố thị trường mà chúng ta chưa làm. Phải sử dụng nguyên tắc thị trường để phân bổ lại nguồn lực. Người dân, doanh nghiệp, và bất kỳ ai sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên khoáng sản của đất nước, đem lại lợi ích nhiều nhất cho đất nước, thì họ phải được tiếp cận, chứ không phải phân biệt đó là thành phần nào.
 
TBKTSG: Tăng giá theo nguyên tắc thị trường là cần thiết, nhưng điều mà người dân và doanh nghiệp đòi hỏi, là cơ cấu của thị trường đó cũng phải thay đổi. Ví dụ như ngành điện, cung cấp xăng dầu vẫn là Nhà nước độc quyền?
 
- Tất nhiên cái gì chuyển đổi cũng phải có quá trình, không thể qua đêm là thay đổi ngay một loạt được. Đòi hỏi đó là hoàn toàn chính đáng. Ngay trong cuộc họp của tôi với ba bộ trưởng Tài chính, Công Thương, và Thống đốc gần đây cũng đặt ra điều đó. EVN tăng giá điện để tiếp cận giá thị trường thì chúng tôi đồng tình. Tuy nhiên, giá của anh có cơ cấu thế nào, chi phí có hợp lý không, so với các nước khác như thế nào... Bên cạnh tăng giá thì chúng ta cũng đẩy nhanh cổ phần hóa, bóc tách truyền tải và nguồn cung để đưa tới thị trường điện cạnh tranh. Tất cả những điều đó phải làm đồng thời để đảm bảo minh bạch, hợp lý.
 
Đối mặt với thách thức chưa từng có
 
TBKTSG: Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về năm 2015. Đâu là điều ông băn khoăn nhất?
 
- Tôi nghĩ những gì đạt được trong năm 2014 là cố gắng lớn, nhưng thách thức và cơ hội của năm 2015 là vô cùng lớn. Năm 2015 đặt ra tăng trưởng là 6,2%, chúng ta nghĩ đơn giản vì năm nay đã tăng trưởng 5,9% rồi, năm sau 6,2% là chuyện nhỏ. Không phải vậy. Mỗi điểm phần trăm tăng trưởng ở quy mô lớn thì khác. Hơn nữa, cứ tăng trưởng theo cơ học như tăng khai thác tài nguyên thì không để lại điều gì tốt cho các năm sau.
 
Về cơ hội, chúng ta đang có nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đang làm hết mình đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp FDI đang coi Việt Nam là nơi dừng chân rất tốt.
 
Một cơ hội nữa là các FTA mở ra các thị trường mới. Chúng ta hy vọng cơ hội xuất khẩu sản phẩm là hàng nông sản, may mặc, tạo nhiều việc làm hơn, đạt giá trị cao hơn, đem lại lợi ích cho người sản xuất và xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng lo là doanh nghiệp không ai để tâm. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi là chúng tôi chả biết gì về cái này. Họ bảo nghe bộ trưởng nói quá hay, nếu được biết rõ việc này thì tuyệt nữa. Rất nguy hiểm. Bây giờ làm sao thông tin cho họ, rằng các FTA là lợi, nhưng quan trọng là phải chuẩn bị gì, Nhà nước phải giúp họ cái gì.
 
Tuy nhiên, chúng ta lại phải nhìn ở góc độ khác là thách thức. Thách thức là những động lực tăng trưởng càng giảm đi nếu chúng ta tiếp tục đi theo đường cũ, như dựa vào khai thác khoáng sản để xuất thô. Trữ lượng thì ngày càng cạn kiệt, mà giá lại giảm. Như dầu thô chúng ta dự toán bán được 100 đô la Mỹ/thùng, mà giờ chỉ được 55 đô la Mỹ/thùng thì khai thác là lỗ. Nếu giảm khai thác 30% sản lượng thì tăng trưởng giảm đi 0,8-1,2% GDP. Chúng ta đang phải đối mặt với chuyện đó.
 
Vấn đề thứ hai là khi hội nhập mà chúng ta lại không chuẩn bị gì cả, là thua trên sân nhà. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép tự do luân chuyển hàng hóa và nhân lực kỹ thuật tự do trong Asean vào 2015; và thuế sẽ về 0% vào năm 2018. Chẳng hạn, người Philippines với lợi thế tiếng Anh thông thạo, họ sang đây làm cho các tổ chức, thì chúng ta mất rất nhiều việc làm.
 
Hàng hóa nước ngoài có nguy cơ tràn ngập, bóp chết sản xuất trong nước, cuối cùng chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Một nền kinh tế mà sản xuất không phát triển, chỉ có tiêu dùng thì không thể tồn tại. Lúc đó thất nghiệp sẽ gia tăng vì không có việc làm, cuối cùng ai cũng tranh nhau vào làm trong cơ quan hành chính nhà nước. Một nền kinh tế như vậy là rất nguy hiểm. Tôi rất lo lắng cho việc này. Tôi thực sự lo lắng. Thách thức này là vô cùng lớn và nguy hiểm.
 
Thứ ba, cá nhân tôi cho rằng đến thời điểm này các động lực phát triển đã tới hạn rồi, tức là đã hết động lực phát triển rồi. Chúng ta có tiếp tục đổi mới không, sau năm 2015 có tiếp tục cải cách thể chế, khắc phục các yếu kém để tạo sung lực mới cho đất nước phát triển không. Nói thì dễ nhưng làm rất khó… Tranh chấp cái được và không được đang rất cam go. Tôi không chỉ lo cho năm 2015 đâu, tôi lo cho những năm sau đó. Nếu không làm triệt để, thì chúng ta sẽ khó khăn.
 
TBKTSG: Những điều bộ trưởng lo lắng dường như đã xảy ra rồi. Ví dụ, nền kinh tế đã phụ thuộc nước ngoài khi khu vực FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu.
 
- Cái chính là do chúng ta không phát triển được khối doanh nghiệp trong nước gồm Nhà nước và tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước đang được thu hẹp, chỉ giữ một số vị trí trọng yếu trong nền kinh tế thôi. Chúng ta đã thống nhất với nhau điều này, và đang tái cơ cấu. Vậy thì phải mở bung ra cho doanh nghiệp tư nhân. Điều đó là hết sức cần thiết. Nhưng vì chúng ta chưa tạo đủ động lực trong bối cảnh khó khăn này để doanh nghiệp tư nhân bùng phát.
(TBKTSG) 
-------------------------
6 “cái bẫy” nên tránh khi mua sắm trực tuyến dịp lễ hội 
Trong thế giới ảo, rất khó phân biệt nhà bán lẻ có đạo đức và bọn tội phạm vì bất cứ ai cũng có thể tạo ra một trang web bán hàng và kinh doanh hợp pháp. 
 
Do đó, trước khi nhấp chuột vào nút "mua" ở bất cứ địa chỉ mua sắm trực tuyến nào, hãy để ý những điểm sau:
 
1. Sử dụng phần mềm chống độc hại
 
Nhiều người thường bỏ qua lời khuyên này và đã trả giá cho một "cuộc xâm lược" đánh cắp tài khoản máy tính và lấy đi cơ sở dữ liệu quan trọng trên máy tính cá nhân.
 
Nên tối ưu hóa các thiết lập bảo vệ máy tính và thường xuyên cập nhật các phiên bản diệt virus mới nhất để ngăn chặn các rủi ro không ngờ đến.
 
2. Nhận xét giả mạo
 
Nếu chỉ nhìn vào phần đánh giá 5* mà cho rằng đây là sản phẩm đáng tin cậy, thì khách mua hàng trực tuyến có thể đã bị lừa. Một số nhà bán lẻ thậm chí còn có chính sách hoàn tiền lại cho khách với điều kiện họ phải để nhận xét tích cực hoặc lấy tiền đổi *.
 
Để giảm thiểu rủi ro, lời khuyên Forbes đưa ra khi mua sắm online là hãy nghi ngờ những nhận xét "quá hớp" hay thiếu chi tiết, nên tin vào ý kiến đa chiều của người quen, bạn bè trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, hay Yelp. Đừng quên kiểm chứng tính xác thực của những lời nhận xét "có cánh" trên các trang fanpage của hãng.
 
3. Lập lờ giá cả
 
Những khoản phí cộng thêm như phí vận chuyển có thể sẽ bị ẩn đi cho đến khi khách hàng chuyển đến giai đoạn thanh toán. Chẳng hạn như công cụ so sánh giá của ConsumerReports đề xuất nơi mua laptop tốt nhất, miễn phí vận chuyển là TigerDirect.com thuộc Systemax.
 
Nhưng khi khách hàng gần hoàn tất thủ tục mua hàng thì mới nhận được thông báo phải trả thêm 49,99 USD để làm thành viên trong vòng 1 năm mới được miễn phí vận chuyển. Tính ra giá thành thực tế đội thêm 20% ban đầu.
 
Vì thế, khi mua hàng trực tuyến phải luôn ghi nhớ rằng "Không có gì là miễn phí!", bằng cách này hay cách khác khách luôn phải trả phí giao hàng. Thêm nữa, đừng quá tin vào các công cụ so sánh giá khi các nhà bán lẻ đều cố gắng giấu đi những khoản phí cộng thêm.
 
4. Hàng giả
 
Ngay cả Amazon cũng khó loại bỏ hoàn toàn hàng giả ra khỏi website bán hàng của mình. Tòa án phúc thẩm ở California gần đầy đã thông báo về nỗ lực của Amazon để "thổi còi" nhà buôn là bên thứ 3 cung cấp hàng giả.
 
Do đó, nếu thấy một món hàng được bán với giá quá hời, khách mua hàng trực tuyến có lý do để nghi ngờ nó là hàng giả. Hãy cẩn thận kiểm tra bên bán hàng thứ 3 hoặc trang web bán hàng hiện có, đừng ngại hỏi thật cặn kẽ những khúc mắc của mình. Cuối cùng, hãng tin vào linh cảm của chính mình.
 
5. Đơn hàng không bao giờ đến
 
Mỗi lần đặt hàng trên Amazon.com hoặc Walmart.com, đơn hàng có thể luôn đến đúng hạn. Tuy nhiên, vẫn có số ít khách hàng kém may mắn vì nhiều khả năng có thêm bên bán hàng thứ 3 tham gia, chẳng hạn như Marketplace Retailers.
 
Cách giảm thiểu rủi ro ở đây chỉ có thể là chọn nhà bán lẻ có tiếng để dễ dàng khiếu nại.
 
6. Kẻ gian mạo danh (Identity Theft)
 
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cụm từ "Identity Theft" được dùng để chỉ các loại tội phạm sử dụng thông tin cá nhân của người khác không xin phép, nhằm mục đích gian lận, lừa lọc vì lợi ích kinh tế.
 
Ví dụ, nếu có ai đó đánh cắp thẻ ghi nợ (debit card) của bạn, kiểm tra và truy cập vào tài khoản cá nhân, thì chỉ trong vài phút, chúng có thể rút cạn tài khoản đó và gây rắc rối tài chính cho chủ thẻ trong nhiều năm sau đó.
 
Cách tốt nhất là phải thực sự cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân, trừ phi bạn có lý do đáng tin cậy để làm điều đó. Tiếp đến phải kiểm tra thông tin tài chính cá nhân thường xuyên, thường xuyên yêu cầu cung cấp bản sao báo cáo tín dụng và phải lưu giữ cẩn thận hồ sơ ngân hàng lẫn tài khoản chính.
 
Nếu có thể, nên thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card) để giới hạn hạn mức chi tiêu trong trường hợp bị kẻ gian đánh cắp.
-------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap Luat tổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo