Kỷ lục một tên cướp giả câm gần 200 ngày
Khi vừa bị bắt Tình khai rành rọt hành vi phạm tội, nhưng từ lúc lên xe đặc chủng vào trại tạm giam y đột nhiên cấm khẩu, mọi giao tiếp đều ra hiệu bằng tay.
Ngày 3/7, VKSND quận Dương Kinh (Hải Phòng) đã tống đạt cáo trạng truy tố Phạm Văn Tình (21 tuổi, ở quận Kiến An) cùng 2 đồng phạm về tội Cướp tài sản. Là kẻ chủ mưu, nhưng từ lúc vào trại giam Tình đột nhiên cấm khẩu suốt 6 tháng 15 ngày để chống đối cảnh sát.
Theo tài liệu điều tra, tháng 10/2013, biết anh Lê Duy Cừ (31 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) hành nghề ốp lát đá nội thất công trình xây dựng, Tình nảy ý đồ kiếm những người có nhu cầu lát đá sẽ môi giới, để đứng giữa thừa cơ cướp tài sản.
Y khoe với người hàng xóm Phạm Văn Ngắn (49 tuổi) đang thầu ốp lát đá và chào mời giá thấp hơn thị trường. Thanh niên 21 tuổi sau đó về đặt vấn đề với anh Cừ, dụ nếu chịu thi công cho ông Ngắn giá thấp sẽ thường xuyên mách cho các hợp đồng lớn.
Cuộc môi giới thành công, thi công thuận lợi. Ngày nghiệm thu công trình, Tình đứng ra nhận khoản tiền công 5,5 tỷ đồng mà ông Ngắn trả, rồi bàn với đồng bọn chiếm đoạt số tiền này.
Vờ rủ anh Cừ đi uống bia, chúng đánh phủ đầu nạn nhân đe dọa. Sau cuộc nhậu, Tình và đồng bọn ép bị hại sử dụng ma túy "đá".
Nhận được đơn trình báo của nạn nhân, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (công an quận Dương Kinh) đã vào cuộc điều tra. Căn cứ tài liệu thu thập được, cơ quan công an đã bắt giam 3 tên cướp. Ban đầu cả 3 đề khai nhận hành vi cướp tài sản, nhưng khi phải lên xe đặc chủng vào trại tạm giam, Tình đột nhiên "đổ bệnh" cấm khẩu.
Suốt 6 tháng 15 ngày, mọi giao tiếp tên này đều ra hiệu bằng tay. Bằng nhiều biện pháp tác động tâm lý, cuối tháng 5/2014, Tình mới chịu mở miệng khai nhận màn kịch giả câm.
-----------------------
Triệt phá 'biệt đội săn CSCĐ' của giang hồ Hải Phòng
Thường xuyên đi xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, khiêu khích và tấn công lực lượng công an,... đó là “thú vui” của nhóm thanh niên chống người thi hành công vụ Hải Phòng.
Cuộc truy tìm thần tốc
Vụ việc xảy ra vào khoảng 23h ngày 29/10, khi tổ công tác của Phòng Cảnh sát bảo vệ (công an TP. Hải Phòng) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn, khi đến đường Lạch Tray, phát hiện nhóm thanh niên đi trên 3 - 4 xe máy có hành vi lạng lách, đánh võng và khiêu khích... Mặc cho lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe nhưng các thanh niên không chấp hành và bỏ chạy.
Tổ công tác tiếp tục tuần tra qua đoạn đường trước cổng giảng đường B trường đại học Hàng Hải, trong khi chiến sĩ Phạm Văn Tuyền ngồi sau xe mô tô do chiến sĩ Lê Như Thắng điều khiển thì bất ngờ bị 2 thanh niên đi trên xe máy rú ga vọt từ sau lên ném mạnh nửa viên gạch làm anh Tuyền bị thương nặng ở mặt.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát hình sự công an TP đã nhanh chóng có mặt phối hợp cùng các đơn vị và công an địa phương truy bắt nghi can.
Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc vào giữa đêm tối, sau khi ra tay, các thanh niên nhanh chóng phóng xe máy bỏ trốn, không để lại dấu vết nào khiến công tác điều tra truy bắt vô cùng khó khăn.
Song với tinh thần quyết tâm đấu tranh chống tội phạm, nhất là những hành động có tính chất nguy hiểm, coi thường pháp luật thì càng phải nhanh chóng phá án, tránh làm ảnh hưởng đến dư luận, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã được huy động tỏa đi khắp TP truy tìm.
Bằng mọi giá phải bắt được các nghi can trong thời gian ngắn nhất - đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng cảnh sát hình sự công an TP nhận trách nhiệm trước các lãnh đạo công an TP.
Một nguồn tin cho biết, trong quá trình bỏ chạy, nghi can bị ngã xe thương tích nặng. Lực lượng công an đã tỏa đến các cơ sở y tế trong và ngoài TP kiểm tra, nắm bắt thông tin.
Tại Bệnh viện Hồ Sen, lực lượng công an đã phát hiện một số thanh niên bị thương tích được đưa vào cấp cứu. Cùng lúc này ở phía ngoài, một nhóm thanh niên khác mang hung khí đang hò nhau kéo vào đòi truy sát đối thủ.
Phán đoán 2 nhóm thanh niên này rất có thể sẽ tiếp tục đánh nhau không chỉ gây nguy hiểm cho chính mình mà còn cả những người xung quanh, lực lượng hình sự đã bí triển khai phương án “hốt” toàn bộ đám thanh niên bất hảo này đưa về trụ sở.
Tuy nhiên qua khai thác, 2 nhóm thanh niên này không liên quan đến việc tấn công các chiến sĩ cảnh sát cơ động trên đường Lạch Tray mà chỉ là ẩu đả do mâu thuẫn với nhau.
Công tác truy tìm nghi can càng trở nên khó khăn. Đại tá Nguyễn Đức Cường chỉ đạo lực lượng điều tra "muốn hoàn thành nhiệm vụ thì điều tiên quyết là phải dựa vào dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm".
Theo đó, hàng chục cán bộ chiến sỹ lại tỏa đi đến những nơi được xác định là các thanh niên thường hay tụ tập “chém gió” hay chuẩn bị đua xe máy như khu vực cửa nhà hát lớn, hồ An Biên, đường Tô Hiệu hay ngã tư Thành Đội...
Từ người bán hàng nước, người chở xe ôm, đến những người dân sống gần khu vực được xem là tụ điểm các thanh niên thường lui tới đều được các trinh sát tìm gặp. Sự kiên trì của lực lượng công an được đền đáp bằng thông tin do một người dân cung cấp về một nhóm thanh niên hay tụ tập tại một quán trà chanh trên đường Lạch Tray.
Nhóm này hơn chục thanh niên từ 18 - 20 tuổi, buổi tối thường tụ tập “khoe” với nhau về những “chiến tích” đua xe và khiêu khích công an. Từ đặc điểm nhận dạng 2 thanh niên tấn công CSCĐ do công an cung cấp, người dân khẳng đó chính là một trong những thành viên của nhóm này.
Lực lượng điều tra tiếp tục nhận định, khi tham gia đua xe, lạng lạch đánh võng trên đường, các thanh niên thường sử dụng biển số xe giả. Do đó, trước mỗi lần “xuất trận”, các nghi can này phải tìm địa điểm vắng vẻ để thay biển số.
Theo đó, các khu vực “nhạy cảm” xung quanh quán trà chanh được trinh sát nhắm tới, đồng thời tiếp tục phát động nhân dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm. Từ những nhận định và định hướng có cơ sở của lực lượng hình sự đã cho kết quả khả quan.
Một người dân thường đi tập thể dục buổi tối ở khu vực hồ Quần Ngựa đã thông tin cho lực lượng công an, vào tối hôm xảy ra vụ việc CSCĐ bị tấn công có 2 thanh niên đi xe máy dừng lại cạnh bãi rác để thay biển số xe.
Vậy nhưng kể cả đến khi xác định chủ sở hữu chiếc xe máy mang biển kiểm soát do nhân dân cung cấp đến khi tìm được người đang sử dụng cũng là công việc vô cùng khó khăn do chiếc xe đã được mua bán qua nhiều người. Khi tìm được đến chủ cuối cùng thì người này không sử dụng mà cho đứa cháu mượn để làm phương tiện đi lại.
Qua bao vất vả, lực lượng công an xác định Nguyễn Quang Hoàng (21 tuổi, ở 1/37 Dương Đình Nghệ, Vĩnh Niệm, quận Lê Chân), là người đang mượn chiếc xe máy của chú làm phương tiện đi lại, chính là kẻ đã ra tay ném gạch vào mặt làm chiến sĩ Phạm Văn Tuyền trọng thương.
Những kẻ lệch lạc về nhận thức
Khi bị bắt đưa về cơ quan công an, với bản chất gian manh, lỳ lợm, Nguyễn Quang Hoàng một mực chối tội. Tuy nhiên, với những chứng cứ, lý lẽ sắc bén mà các điều tra viên đưa ra, cuối cùng Hoàng phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Hoàng khai nhận mình tham gia trong một nhóm mang tên “biệt đội săn CSCĐ”. Thành phần tham gia nhóm này chủ yếu là thanh niên từ 18 - 20 tuổi, có “sở thích” đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường phố.
Các thanh niên này hàng ngày lên mạng, hẹn hò nhau buổi tối tụ tập ở khu vực nào đó rồi tổ chức đua xe. Sau mỗi lần như vậy, thành viên của nhóm này gia tăng thêm, có khi vài chục người. Nhiều thành viên được “mời” gia nhập hết sức vô tình chỉ vì trên đường thấy đi xe máy... quá hay.
Sau mỗi lần tụ tập đua xe, nhóm của Hoàng đều gặp phải sự truy đuổi của lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CSCĐ. Từ đây chúng luôn luôn có tư tưởng chống đối, trả thù.
Để thực hiện ý đồ của mình, nhóm của Hoàng đã thành lập ra “biệt đội săn CSCĐ”. Vào các buổi tối, “biệt đội” này ngoài việc tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng còn tìm kiếm lực lượng CSCĐ đang làm nhiệm vụ ở khu vực nào để trêu chọc, khiêu khích, thậm chí ra tay tấn công rồi bỏ chạy...
Sau khi bắt được nghi can chính, cơ quan công an đã bắt tiếp nhiều người liên quan khác. Đáng chú ý, hầu hết các nghi can đều trẻ tuổi nhưng bỏ học giữa chừng, không công ăn việc làm ổn định.
Những thanh niên này hầu hết đều không được sự quan tâm giáo dục của gia đình. Vào các buổi tối, bọn chúng tụ tập nhau lại, sau đó sử dụng xe máy chạy bạt mạng trên các đường thâu đêm suốt sáng. Tên Nguyễn Văn Phong khi bị bắt lên cơ quan công an thì khai báo, bố mẹ bỏ nhau, hiện ở với mẹ nhưng khi được hỏi mẹ đang sống ở đâu thì anh ta cũng… không hề biết.
Khi được hỏi lý do tại sao lại có ý đồ chống đối lại lực lượng chức năng, các thanh niên đều thừa nhận không có tư thù cá nhân, chỉ đơn giản là lực lượng này “cản trở” thú vui của bọn chúng. Sau mỗi lần trêu chọc, khiêu khích hoặc ra tay tấn công lại được lực lượng công an, bọn chúng lại lên mạng hoặc tụ vạ khoe chiến tích và cảm giác như được “nâng tầm” lên trong mắt bạn bè.
Là người tiếp cận vụ việc ngay từ đầu cũng như đã tìm hiểu về hoàn cảnh của mỗi thanh niên, đại tá Nguyễn Đức Cường nhìn nhận, đây thực sự là lời cảnh báo về những suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của giới trẻ. Mặc dù đó là những hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại được bộ phận giới trẻ có “cùng” suy nghĩ cổ súy, khích lệ.
Theo đại tá Nguyễn Đức Cường, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về gia đình, bởi hầu hết các thanh niên này đều không được quan tâm của cha mẹ nên chúng tự do sinh hoạt chơi bời thâu đêm suốt sáng.
Thêm nữa là trách của nhà trường đã không giáo dục đầy đủ nhân cách, kỹ năng sống, để các em dễ dàng sa vào những tệ nạn, sẵn sàng ra tay thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
----------------------------
Một phụ nữ đánh cảnh sát giao thông chảy máu
Sau khi bị cảnh sát giao thông lập biển bản vi phạm hành chính, Tâm không chấp hành và có thái độ chửi bới, xúc phạm, xô đẩy không cho lập biên bản.
Ngày 11/9, Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, vừa ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Trung Tâm (41 tuổi, ở phường Phước Long A, quận 9) để tiếp tục làm rõ về hành vi Chống người thi hành công vụ.
Khuya ngày 9/9, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông của Trạm cảnh sát giao thông Rạch Chiếc - Phòng PC67, phối hợp với Cảnh sát cơ động Tiểu đoàn 1 làm nhiệm vụ tại chốt ngã tư Bình Thái (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức). Trần Đình Nam (27 tuổi), cán bộ Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc phát hiện Nguyễn Thị Trung Tâm điều khiển xe máy hiệu Vespa không đội mủ bảo hiểm, có biểu hiện say xỉn, liền ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.
Kết quả kiểm tra cho thấy Tâm có nồng độ cồn vượt quá quy định nên cán bộ Nam lập biên bản vi phạm hành chính. Người phụ nữ 41 tuổi không chấp hành và có thái độ chửi bới, xúc phạm, xô đẩy không cho lập biên bản.
Tâm còn hung hăng dùng tay đánh mạnh vào mặt anh Nam làm rớt mủ bảo hiểm xuống đường. Cú đấm mạnh khiến miệng vị cán bộ này chảy máu.
Thấy Tâm có hành vi sai trái, lực lượng công an đã khống chế giao cho công an phường Trường Thọ xử lý. Quá trình điều tra ban đầu, Công an quận Thủ Đức xác định hành vi của Tâm đã cấu thành tội Chống người thi hành công vụ nên tạm giữ, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm.
------------------------------
Buôn lậu vàng bán cho ai?
Những ngày đầu tháng 11/2014, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy công an tỉnh Điện Biên đã khám phá vụ án buôn lậu vàng lớn.
Hai bị can Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tình đã sang tỉnh U Đom Xay (Lào) mua số vàng trị giá 16 tỷ đồng về bán trong nước. Trên đường vận chuyển, hai người này đã bị các chiến sĩ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy - công an tỉnh Điện Biên bắt giữ thu tang vật gồm 15 kg vàng thỏi.
Vụ án khi được các cơ quan báo chí phản ánh đã gây chú ý. Nhiều người rất ngạc nhiên, vàng hạ giá kỷ lục mà không ai mua, mang vàng lậu về làm gì? Nhưng với các chiến sĩ công an, đây không phải là vụ cá biệt. Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, lúc âm thầm lúc dữ dội. Và đây mới là điều đáng ngạc nhiên, lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy qua biên giới.
Mang 2 bánh heroin (1kg) qua biên giới có thể kiếm lãi khoảng 800 - 1.000 USD, nhưng mang 1kg vàng vào nội địa thời điểm này cũng kiếm được 150 triệu đồng, mà buôn vàng thì dễ hơn và nếu bị bắt, chịu án thấp hơn nhiều.
Buôn lậu vàng vẫn diễn biến phức tạp
Trong hơn hơn 2 năm qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước trực tiếp tham gia thị trường vàng, trong nhiều lần trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc độc quyền thương hiệu vàng miếng, độc quyền nhập - xuất khẩu vàng đã giúp hạn chế nạn buôn vàng lậu, dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ổn định ở mức cao từ 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục An ninh Tài chính Tiền tệ khẳng định, Bộ Công an vẫn chỉ đạo, xác lập kế hoạch kiểm soát buôn lậu vàng, và theo kế hoạch, các lực lượng công an liên tục trong 2 năm qua đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng lớn.
Theo Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư, thời gian gần đây, cơ quan này đã thụ lý nhiều vụ, truy tố nhiều đối tượng liên quan đến vận chuyển tiền giả và buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2014, công an TP. Đà Nẵng cũng bắt giữ 2 nghi phạm cùng 11 thỏi vàng khối, trị giá 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác điều tra đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia…
Điển hình hơn cả là vụ phá vỡ đường dây của “trùm” buôn lậu vàng Nguyễn Thị Tuyết Vân với số tang vật thu giữ lên tới 336 kg. Tuy nhiên, trên thực tế số vàng thẩm lậu vào Việt Nam qua đường biên giới còn lớn hơn rất nhiều.
Ngày 29/4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Hường về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bị cáo Hường bị bắt giữ tại cửa khẩu Cha Lo với tang vật là 4kg vàng thỏi.
Ngày 14/7, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Lưu Tái Thải (48 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) 9 năm tù về tội buôn lậu; tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước 1.706,24 chỉ vàng do Thải buôn lậu.
Trong khi đó, công an TP.HCM cũng cho biết thời gian gần đây có hiện tượng các nhóm đối tượng cắt nhỏ vàng thỏi để nhập vào trong nước tiêu thụ nên rất khó phát hiện. Nóng nhất là vàng lậu tuồn qua đường bộ Châu Đốc (tỉnh An Giang), phân phối qua nhiều đầu mối liên quan đến vàng nên rất khó xử lý.
Đáng chú ý, các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, bắt quả tang vụ buôn lậu hàng chục kg vàng qua khu vực cửa khẩu này. Có thể thấy với chiều dài biên giới và sự phức tạp của địa hình sông nước miền Tây Nam bộ, việc chống buôn lậu rất khó khăn, nhất là buôn lậu vàng với hàng hóa nhỏ gọn, dễ cất giấu mà giá trị lại rất cao.
Buôn lậu vàng bán cho ai?
Cũng đã có rất nhiều người khi nghe tin buôn lậu vàng đã bật cười. Dù các hiệu vàng trong nước vắng như chùa bà Đanh, vàng hạ giá kỷ lục thấp nhất trong hơn 1 năm nay mà cũng không ai mua, thì buôn vàng về bán cho ai?
Trong khi đó, để hạn chế buôn lậu, NHNN đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, các đối tượng buôn lậu vàng chỉ có lãi khi biến được vàng nhập lậu về thành vàng SJC. Trong khi NHNN quản lý máy dập SJC 24/24h, kể cả giữa ca nghỉ ăn trưa cũng phải niêm phong nên khả năng vàng lậu chui vào máy dập thành vàng SJC là không thể. Để hạn chế việc lợi dụng chênh lệch giá để buôn lậu vàng NHNN đã công bố độc quyền kinh doanh vàng miếng và quốc hữu hóa luôn SJC.
Tuy nhiên, với các chuyên gia thị trường vàng, nhiều khe hở đã hiện ra. Nhu cầu vàng trang sức cực lớn hiện nay không có đầu vào nguyên liệu. NHNN chỉ đấu thầu vàng miếng, không đấu thầu vàng nguyên liệu. Một minh chứng cho dòng chảy vàng lậu vẫn âm thầm diễn ra là, theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn.
Mấy năm gần đây, NHNN không cho phép doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu. Theo tính toán của một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, cho dù vàng lậu không chui được vào máy dập vàng SJC, song buôn lậu vàng vẫn siêu lợi nhuận.
Mặc dù, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vẫn kê khai nguồn nguyên liệu là thu mua đồ trang sức chế biến lại. Tuy nhiên, nói thẳng, việc mua lại các đồ trang sức bằng vàng hiện rất khó khăn. Khi người ta mua đồ trang sức trước đây, giá vàng 4 số 9 bằng giá vàng miếng, nay bán lại, giá thấp hơn giá vàng miếng SJC gần 10 triệu đồng/lượng. Quá vô lý nên ít người bán.
Theo nhiều chuyên gia, hiện chính sách tín dụng vàng trong nước chưa liên thông được với thế giới, không có sự ổn định hội nhập về vàng nên mức chênh lệch rất cao. Vừa rồi Bộ Tài chính còn dự thảo tăng thuế xuất khẩu đối với vàng trang sức, vàng mỹ nghệ từ 0% lên từ 1 - 2%.
Trong khi mức thuế suất xuất khẩu 0% còn không xuất được vì giá vàng trong nước cao hơn hẳn thế giới. Được biết, trước đề xuất của các DN, đại diện NHNN cho biết, đang tổng hợp, rà soát hồ sơ của DN để xem xét cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa DN nào nhận được giấy phép nhập khẩu. Không chỉ khe hở ở khâu tiêu thụ. Giá chênh lệch chính là động lực của buôn lậu.
Tuần qua, dù giảm mạnh theo đà lao dốc của giá vàng thế giới, giá vàng SJC vẫn ở mức 34,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5,7 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch phi lý này, Việt Nam được coi là quốc gia có giá vàng đắt nhất thế giới.
Với các nhà sản xuất vàng trang sức, giá hợp lý để mua nguyên liệu là 31 triệu đồng/lượng. Như vậy chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước khoảng gần 3 triệu đồng/lượng. Một kg vàng khoảng 27 lượng, tối thiểu người buôn cũng lãi trên 70 triệu đồng/kg. Nhưng nếu trực tiếp sản xuất vàng trang sức, những kẻ buôn lậu có thể kiếm lãi tới 150 triệu đồng/lượng.
Dư luận đang lo lắng, phải chăng vì sự quan tâm của người dân với vàng đã “nguội lạnh” nên cơ quan quản lý cũng “buông” thị trường vàng và để kéo dài tình trạng chênh lệch giá vàng cao như hiện nay? Chênh lệch giá vàng gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho người tiêu dùng do phải mua vàng với giá quá cao so với thực tế. Dân buôn lậu còn vơ vét ngoại tệ, ra nước ngoài mua vàng rồi nhập lậu về, gây ra hậu quả khó lường.
Làm sao ngăn chặn buôn lậu vàng?
Trong một văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị NHNN cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tránh nguy cơ tiếp tay cho buôn lậu vàng. Nếu NHNN cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ góp phần giảm được chênh lệch giá vàng cũng như hạn chế nguy cơ nhập lậu vàng, kể cả vàng trang sức, mỹ nghệ.
Mặt khác, mặc dù nhu cầu vàng miếng trong nước nguội lạnh, tuy nhiên NHNN cần có những biện pháp để nhanh chóng hạ chênh lệch giá trong nước và giá vàng thế giới. Không cần mục tiêu chênh với giá vàng thế giới khoảng 400 ngàn đồng/ lượng như một lãnh đạo NHNN đã nói, chỉ cần chênh lệch dưới 2 triệu đồng/lượng, sẽ không còn buôn lậu vàng.
Còn đối với lực lượng chống buôn lậu, chính các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chống buôn lậu cũng cho rằng để xử lý triệt để nạn buôn lậu tiền, vàng qua các cửa khẩu hải quan thì các lực lượng chức năng tại các địa phương cần hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là các đơn vị tại khu vực sân bay, cảng, cửa khẩu…
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm việc triển khai các trang thiết bị hiện đại để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến buôn lậu, đầu tư máy soi container, máy soi kim loại để thông quan nhanh, cũng như phát hiện kịp thời, chính xác các hoạt động buôn lậu qua đường xuất nhập khẩu.
------------------------------