Người dân bị cưỡng chế phá bỏ container viết đơn kiện chính quyền địa phương, đòi bồi thường vì cho rằng container không phải là công trình xây dựng. Nhưng Tòa bác đơn kiện và khẳng định “xét về tổng thể, đây là công trình xây dựng”.
Container có phải là công trình xây dựng?
Container văn phòng của ông Trần Văn Tùng bị cưỡng chế phá bỏ vào ngày 27/6/2014
Việc ông Trần Văn Tùng (tạm trú phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) mang đơn đi kiện quyết định hành chính - người bị kiện là Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TPHCM) - đã gây nhiều chú ý đối với dư luận địa phương thời gian qua, bởi đây là câu chuyện hiếm hoi. Có thể nói đây là lần đầu tiên có người dân đi kiện UBND xã vì bị phá bỏ container văn phòng. Vụ kiện này cũng đã đặt ra những vấn đề pháp lý khi sử dụng loại công trình này.
Theo ông Tùng, ông có một nhà xưởng tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, năm 2010, cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng, hàng hóa. Để khắc phục hậu quả, ông Tùng bán toàn bộ nhà cửa, xe cộ để trả nợ. Sau thời gian cố gắng làm ăn, kinh tế gia đình dần hồi phục, ông gom tiền mua giấy tay lô đất rộng 89m2 tại tổ ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.
Do bức bách chỗ giao dịch, đầu năm 2014, ông Tùng có mua một container được thiết kế như văn phòng về đặt tại mảnh đất trên và xây thêm công trình phụ. Đến ngày 7/3/2014, UBND xã Thới Tam Thôn đến lập biên bản vi phạm và tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình phụ. Riêng container văn phòng thì để lại.
Ngày 19/6, ông Tùng nhận được thông báo của UBND xã Thới Tam Thôn với yêu cầu phải tháo dỡ container trước ngày 25/6. Sau đó ông Tùng gửi đơn khiếu nại với lý do container không phải là công trình xây dựng. Bênh cạnh đó, ông Tùng trình bày, từ ngày cưỡng chế ông không xây dựng gì thêm, vẫn giữ nguyên hiện trạng, nên không đồng ý với quyết định trên của xã.
Ngày 24/6, ông Tùng làm đơn gửi Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn trình bày, vì không đồng ý với quyết định cưỡng chế của xã nên đã khởi kiện lên TAND huyện Hóc Môn về quyết định trên. Ông Tùng đề nghị UBND xã tạm hoãn việc cưỡng chế tháo dỡ container dự kiến vào ngày 25/6 để chờ phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, ngày 27/6, phía UBND xã Thới Tam Thôn vẫn tiến hành cưỡng chế phá bỏ container văn phòng của ông Tùng.
Ông Trần Văn Tùng khởi kiện ra TAND huyện Hóc Môn yêu cầu hủy quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 12/2/2014 của chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại cho ông từ việc cưỡng chế này vì cho rằng container không phải là công trình xây dựng.
“Xét về tông thể đây là công trình xây dựng”
Vụ kiện được TAND huyện Hóc Môn thụ lý và đưa ra xét xử công khai vào ngày 30/9. Bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Văn Tùng, Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng Quyết định cưỡng chế số 80/QĐ-UBND ngày 12/2//2014 đã được thực hiện theo biên bản cưỡng chế ngày 7/3/2014. Việc UBND xã Thới Tam Thôn ban hành thông báo số 187/TB-UBND yêu cầu ông Tùng tiếp tục thi hành cưỡng chế theo quyết định số 80/QĐ-UBND là không khả thi.
Vị luật sư cho rằng việc UBND xã Thới Tam Thôn căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 (Công trình xây dựng theo quy định của pháp luật phải có Giấy phép xây dựng) Nghị định 180/NĐ-CP để xử lý vi phạm đối với ông Tùng là không có cơ sở. Bởi lẽ, Văn bản số 2326/BXD-HĐXD ngày 23/9/2014 của Bộ Xây dựng trả lời việc hướng dẫn về giấy phép xây dựng nêu rõ: thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật xây dựng về giải thích từ ngữ thì container đặt trên nền đất thì không phải là công trình xây dựng; thứ hai, việc đặt container trên đất do ông Tùng đang sở hữu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ.
Luật sư bào chữa khẳng định công năng của container này là container văn phòng, không có sự gắn kết với nền móng và di dời được
Luật sư Trần Công Ly Tao nhấn mạnh rằng container ông Tùng đặt trên khu đất của mình không phải là container dùng để chứa hàng hóa. Công năng của container này là container văn phòng, không có sự gắn kết với nền móng và di dời được nên việc UBND xã Thới Tam Thôn quyết định cưỡng chế là không phù hợp với quy định pháp luật liên quan.
Tại phiên tòa, phía UBND xã Thới Tam Thôn trình bày căn cứ cưỡng chế container là vì ông Tùng đã làm biến dạng container, làm mất công năng sử dụng của một container thông thường là vật để chứa hàng hóa, nó trở thành một căn nhà hoàn chỉnh, bao gồm: cửa chính, cửa phụ, cửa sổ, phòng khách, phòng ngủ khu sinh hoạt… UBND xã Thới Tam Thôn xác định chiếc container đó là nhà ở, mà theo quy định của pháp luật là phải có giấy phép xây dựng nên đã tiếp tục cưỡng chế buộc tháo dỡ.
HĐXX TAND huyện Hóc Môn nhận định rằng ông Tùng đã làm nền móng để đặt container và xây dựng các công trình phụ, nhà bếp… để làm văn phòng của container. Như vậy container của ông Tùng đã không còn là một bộ phận tách rời mà đã trở thành vật liệu xây dựng cùng với một số công trình phụ cố định khác tạo thành một sản phẩm được tương thích… Do đó, xét về tổng thể đây là một công trình xây dựng. Từ đó, HĐXX cho rằng các quyết định của UBND xã Thới Tam Thôn là đúng thẩm quyền, đúng với quy định của pháp luật. Việc ông Tùng khởi kiện là không có cơ sở nên đã quyết định bác đơn.