"Hiện nay, các cơ quan, ngành chức năng ráo riết xử lý những xe ô tô chở quá tải, vì họ xác định chúng đang “giết chết” đường bộ" - kỹ sư Nguyễn Thành Lập viết.
Song, ngoài xe ô tô chở quá tải ra, tôi cho rằng cần vạch mặt 3 “kẻ thù” nguy hiểm hơn nhiều đối với đường bộ: Bởi vì đa số quốc lộ (kể cả các tuyến đường trục cao tốc) ở nước ta, đều có mặt đường bê tông nhựa (bê tông át-phan), thuộc loại mặt đường mềm.
Cho nên, “kẻ thù” nguy hiểm thứ nhất - là nước sẽ phá hoại nền, mặt đường - nếu như đường bị đọng nước mưa do hệ thống thoát nước, hoặc độ bằng phẳng mặt đường không đạt yêu cầu…
Có thể lấy thí dụ ngay trong buổi sáng ngày 21/9/2014 diễn ra Lễ khánh thành đường bộ Nội Bài - Lào Cai, các quan khách đã trông thấy mặt đường bị đọng những vũng nhỏ chứa đựng nước mưa.
Điều này đồng nghĩa với độ bằng phẳng mặt đường ở chỗ đấy không đạt yêu cầu. Hậu quả mặt đường (ở chỗ đấy) nhất định sẽ sớm bị rạn vỡ.
Đoạn đường đang xử lý lún (thuộc tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ sau khi khánh thành)
“Kẻ thù” nguy hiểm thứ hai, thi công đầm nén nền đường không đúng độ chặt tiêu chuẩn, hay còn gọi là độ chặt K tiêu chuẩn.
Nhất là những đoạn nền đường đắp, theo yêu cầu kỹ thuật: cứ đổ 1 lớp đất đắp dầy 20 cm đến 25 cm, đã phải đầm nén kỹ, rồi mới được đổ lớp đất đắp tiếp theo. Nhưng trên thực tế có tình trạng nhà thầu thi công rất ẩu, vì họ đổ lớp đất đắp dầy từ 50 cm đến 100 cm mới đầm nén. Do đó nền đường đắp không đạt độ chặt K tiêu chuẩn.
Và đặc biệt đối với những đoạn nền đường đắp trên đất yếu (đất sình, lầy…), do giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, nên thường bị đốt cháy giai đoạn, chưa đủ thời gian cố kết nền đường, đã vội vàng cho rải các lớp mặt đường.
Không những thế, khi lu lèn các lớp mặt đường hay bị bớt số lượt và sai sơ đồ lu.
“Kẻ thù” nguy hiểm thứ ba, vật liệu chủ yếu để rải bê tông át-phan không bảo đảm chất lượng. Cụ thể là đá bẩn và nhựa “đểu”. Đá bẩn vì thường có lẫn đất. Không như thời Pháp thuộc ở Việt Nam và thời nay ở Nhật Bản, “Cai Lục lộ” dùng khăn ướt bằng vải trắng để kiểm tra đá đã sạch hết đất chưa? Nếu chưa, “Cai” bắt rửa đá lại bằng sạch đất mới cho sử dụng.
Nhựa “đểu” vì nhập khẩu loại nhựa kém phẩm chất, rẻ tiền. Mặc dù các nhà thầu có đem đi kiểm tra chất lượng nhựa, vẫn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (TCN). Nhưng theo 1 tiến sỹ rất có tâm huyết với lĩnh vực kỹ thuật đường bộ cho biết: ngay cả TCN nhựa đường hiện hành, cũng cần phải điều chỉnh, bổ sung thêm (trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn nhựa đường của Mỹ), để loại bỏ nhựa đường kém phẩm chất, không thể tồn tại trong thành phần bê tông át-phan mặt đường bộ hiện nay.
“Kẻ thù” thứ ba và “kẻ thù” thứ hai lại thường giấu mặt, nên rất khó phát hiện, phanh phui (khi đường đã thi công xong).
Và chính vì 3 “kẻ thù” nguy hiểm nêu trên, có thể lý giải tại sao đường mới khánh thành (đang trong thời gian bảo hành), đã bị lún rất nhanh, mà thông thường lại chỉ lún về 1 bên, hay 1 quãng đường. Bởi vì quốc lộ mở rộng, bên lún dễ thuộc phần nền đường mới đắp (không đúng độ chặt K tiêu chuẩn) khi mở rộng; hoặc quãng đường lún có nền đường đắp trên đất yếu (bị đốt cháy giai đoạn)...
Thậm chí có thể nói: 1 minh chứng điển hình đường bộ Nội Bài - Lào Cai đã có đoạn bị lún nền đường và vỡ toác mặt đường. Mặc dù, có thông tin cho rằng: “tại phiến đá ngầm nằm nghiêng, làm trượt cả đoạn nền mặt đường, gây ra lún, nứt…”.
Trở lại chuyện xe ô tô quá tải, sẽ làm giảm “tuổi thọ” của đường, nhưng chúng không thể “giết chết”: đường lún (về 1 bên, hay 1 quãng), hoặc làm mặt đường vỡ toác nhanh chóng đến như vậy.
Đấy là còn chưa kể tiêu chuẩn thiết kế nền mặt đường bộ ở nước ta, có thể chịu được tải trọng tới 10 tấn/1 trục xe ô tô; hơn cả tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ (chỉ có 8,2 tấn/1 trục xe ô tô).
Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo ngành Giao thông vận tải cần tập trung xử lý, “diệt 3 kẻ thù” nguy hiểm nêu trên, để góp phần bảo đảm “tuổi thọ” và an toàn giao thông đường bộ hiện nay.