74 giáo viên, cán bộ của Trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến hiện đang bị Hội đồng Quản trị nhà trường nợ 12 tháng lương với số tiền lên tới hơn 1 tỉ đồng. Sau nhiều lần gửi đơn lên nhà trường, cũng như các cơ quan chức năng, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ông Vũ Ngọc Kha (trái), và ông Đàm Lê Đồng trao đổi với phóng viên về việc suốt thời gian qua nhà trường không trả lương cho hai ông và nhiều cán bộ, giáo viên trong trường.
74 cán bộ, giáo viên bị nợ 12 tháng lương
Tập thể gồm 74 giáo viên, cán bộ trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến (có trụ sở tại xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh việc bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Đức Tĩnh, ông Nguyễn Đức Tâm - Ủy viên HĐQT nhà trường, từ tháng 4.2012 đến hết tháng 4.2013, đã không chi trả lương cho cán bộ công nhân viên và giáo viên nhà trường với số tiền lên đến hơn 1 tỉ đồng.
Trong khi đó, phía HĐQT nhà trường, đặc biệt là ông Nguyễn Đức Tâm, vẫn thu học phí hàng tháng của học sinh đều đặn và các cán bộ, giáo viên vẫn đi dạy, hàng ngày lên lớp bình thường. Qua 6 năm hoạt động (2007-2013), nhà trường đã tuyển và đào tạo được hơn 7.000 học sinh với tổng thu khoảng 80 tỉ đồng, nhưng tất cả mọi hoạt động thu chi tài chính đều do ông Tâm tự thu, tự chi mà không có báo cáo tài chính.
Đến ngày 24.04.2013, mặc dù bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 9 tháng tù treo và 18 tháng thử thách, nhưng ông Tâm vẫn chỉ đạo “giật dây” cho tài vụ thu hàng tỉ đồng của nhà trường chuyển cho ông để sử dụng vào mục đích riêng mà không trả tiền lương cho cán bộ, giáo viên nhà trường.
Tiếp chúng tôi trong phòng họp của trường, ông Vũ Ngọc Kha - nguyên Hiệu phó và ông Đàm Lê Đồng -Trưởng phòng Hành chính - Quản trị nhà trường - đã cung cấp cho chúng tôi hàng loạt những giấy tờ liên quan đến việc HĐQT “bùng” lương giáo viên, cán bộ nhà trường. Người bị nợ lương nhiều nhất là các ông Nguyễn Văn Hơn - nguyên Hiệu trưởng nhà trường - với 96 triệu đồng, ông Lê Xuân Thảo với 85 triệu đồng, trung bình mỗi người bị nợ từ 15- 20 triệu đồng tiền lương.
Ông Kha bức xúc phản ánh: “Nhà trường vẫn thu học phí học sinh nhưng không thanh toán số lương đã nợ cho giáo viên, cán bộ”. Cùng ý kiến như ông Kha, ông Đồng trao đổi: “Ông Tâm từng bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT do sử dụng bằng đại học giả (sau đó bà Hiền lên làm Chủ tịch HĐQT thay - PV), nhưng ông Tâm vẫn lạm quyền ký quyết định đuổi việc một số giáo viên, cán bộ trong trường”.
Anh Đỗ Văn Thành phản ánh việc nhà trường còn nợ lương anh 15 triệu.
Đến “hô biến” tiền bảo hiểm
Bên cạnh chuyện “mờ ảo” trong việc thanh toán tiền lương cho cán bộ, giáo viên, phía HĐQT nhà trường, trong đó có ông Nguyễn Đức Tâm, còn bị “tố” ăn chặn tiền thai sản, ốm đau, bảo hiểm xã hội của mọi người. Theo đó, hàng tháng nhà trường đã thu tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện thông qua thanh toán lương đối với người lao động, nhưng phía HĐQT lại không làm thủ tục đăng ký tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động và hiện có tới 88 lao động vẫn đang “mập mờ” trong việc giải quyết BHXH.
Tính tới nay, trường có 11 lao động nữ sinh con nhưng chưa được giải quyết chế độ thai sản gồm các chị: Nguyễn Thị Hà Phương, Trịnh Thị Nga, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Đào, Phan Thị Thúy, Mai Thị Hạnh, Đỗ Thị Bích, Phạm Thị Xuân và Lê Thị Nga.
Sau nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, ngày 2.12.2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản số 9807 do ông Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch tỉnh - ký và Kết luận số 300 của Thanh tra Sở Lao động -Thương binh - Xã hội Thanh Hóa về việc giải quyết đơn của cán bộ, giáo viên trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến, yêu cầu phía nhà trường thực hiện nghiêm túc việc thanh toán lương, giải quyết chế đội bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mặc dù hai văn bản trên đã khô mực chữ ký từ lâu, nhưng quyền lợi của tập thể cán bộ, giáo viên vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
Theo: LĐ