Bị bạn gái chia tay, chàng kỹ sư nhắn tin đe dọa và bị xử tội đe dọa giết người. Động lòng trắc ẩn, anh cô gái đã thuê luật sư bào chữa cho bị cáo.
Tàu hỏa liên tục bị cản đường
- Cập nhật : 20/09/2014
Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Vụ Bản, Nam Định sáng 19.9 tiếp tục làm nóng lại câu chuyện hiểm họa đường ngang dân sinh do những chậm trễ, thiếu quyết liệt của ngành đường sắt cũng như các địa phương.
Vụ tai nạn tại Vụ Bản, Nam Định sáng 19.9 khiến đầu tàu hỏa bị lật, văng ra khỏi đường sắt - Ảnh: Hoàng Long
Đầu tàu văng khỏi đường ray
Vụ tai nạn xảy ra tại khu vực xã Tân Thành, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định (tại Km 90 - 367 lý trình đường sắt). Khoảng 2 giờ 15 phút, xe container BKS 15C- 037.27 do lái xe Chu Huy Thắng (trú tại xã Nam Đồng, TP.Hải Dương) điều khiển chở gạo đến nhập vào kho của Công ty Việt Trung. Khi đỗ xe ở cổng, đuôi xe container lấn hơn 1 m vào làn đường sắt. 5 phút sau, đoàn tàu khách Nghệ An 2 chạy từ hướng Hà Nội - Nam Định đi qua đã đâm vào đuôi xe container khiến đầu máy tàu hỏa bị văng khỏi đường ray, chắn gần 2/3 đường quốc lộ (QL) 10 chạy song song đường sắt. Toa xe phát điện nằm giáp đầu máy bị vặn, lật sang bên phải đường ray.
Vụ tai nạn làm lái tàu Nguyễn Văn Đồng (trú tại H.Phú Xuyên, Hà Nội) và phụ lái Nguyễn Công Vũ (25 tuổi, trú tại TP.Hà Đông, Hà Nội) bị thương. Rất may toàn bộ 315 hành khách không ai thương vong.
Nguyên nhân tai nạn được xác định do lỗi của xe container chở gạo đã nằm chắn ngang đường sắt khi tàu đến. Vị trí xe đỗ là một đường ngang dân sinh trái phép do Công ty Việt Trung tự mở.
Ngay sau vụ tai nạn, đại diện Tổng công ty (TCT) đường sắt VN đã có mặt tại Nam Định để xử lý vụ việc. Đến 15 giờ 30 chiều qua, ngành đường sắt đã khắc phục sự cố tàu đổ, thông lại tuyến đường sắt bắc - nam. Theo ông Phạm Đình Hiếu, Giám đốc xí nghiệp vận tải đường sắt Hà Ninh, hơn 1.000 hành khách mua vé các chuyến tàu trong hơn 11 giờ bị tắc tuyến do vụ tai nạn này đã được ngành đường sắt dùng ô tô chở đến các ga phụ để tiếp tục thực hiện lộ trình như vé đã ghi.
Mất bò mới lo làm chuồng
Theo TCT đường sắt VN, dù Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Ninh đã nhiều lần phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm, gửi báo cáo tới cơ quan chức năng của H.Vụ Bản và tỉnh Nam Định, đóng đường ngang này nhưng Công ty Việt Trung vẫn liên tiếp tái phạm.
Ông Bùi Văn Tựu, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt (TCT đường sắt VN), cho biết không chỉ có Công ty Việt Trung ngang nhiên mở đường ngang cắt qua đường sắt, chỉ khoảng vài trăm mét đường sắt chạy qua khu vực này đã bị chia cắt bởi 3 - 4 đường ngang trái phép do các doanh nghiệp (DN) khác tự lập. Trả lời câu hỏi tại sao các đường ngang trái phép này mở từ năm 2005 đến nay nhưng đường sắt và địa phương không dẹp nổi, phải chăng có hiện tượng làm ngơ, buông lỏng, ông Tựu nói “vấn đề này cần được kiểm tra lại”.
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt VN, tại cuộc họp sáng qua với Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định, Cục đã yêu cầu đóng tất cả các đường ngang tự phát do các DN tự mở, chỉ để lại một đường ngang nhưng phải có gác chắn. Đồng thời đề nghị tỉnh kêu gọi DN góp tiền cùng địa phương làm đường gom.
Vụ tai nạn tại Nam Định chỉ là một trong số nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng liên quan đến đường ngang tự phát. Ông Doanh cho hay 70% tai nạn đường sắt xảy ra tại đường ngang dân sinh, trong đó hơn 80% số vụ tại các đường ngang, lối mở trái phép và thực trạng này tồn tại từ nhiều năm nay.
Đường sắt ì ạch, địa phương ngó lơ
Trên thực tế, Kế hoạch 1856 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007 về lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, đã đề ra mục tiêu tới năm 2010 phải cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm, lập đường gom rào cách ly an toàn giao thông đường sắt, cải tạo các đường ngang… tại các điểm giao cắt xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo ông Doanh, tới nay mới chỉ làm được khoảng 100 km đường gom, trong khi theo kế hoạch cần tới 350 - 400 km đường gom, hàng rào hộ lan tại các khu vực có các đường ngang dân sinh mật độ cao. Số lượng đường ngang có gác chắn cũng chỉ mới tăng thêm 100 đường, nâng tổng số đường ngang có gác chắn lên 1.600 đường trong khi tổng đường ngang dân sinh lên tới 4.500 mà phần lớn là tự phát, không có người gác chắn.
Lý giải cho sự chậm trễ trong việc xử lý đường ngang dân sinh, ông Doanh cho rằng do khó khăn vốn, giải phóng mặt bằng với những hộ dân sinh sống dọc hai bên đường. “Bộ đã giao TCT đường sắt trực tiếp thực hiện, phối hợp với các địa phương, nhưng giải phóng mặt bằng đụng chạm đến quyền lợi và lợi ích người dân, nên kết quả chưa cao. Trong việc này, mỗi bên đều có trách nhiệm, từ chủ đầu tư là TCT đường sắt đến địa phương, Cục Đường sắt”, ông Doanh nói.
Theo ông Bùi Văn Tựu, việc giải quyết đường ngang một mình ngành đường sắt không giải quyết được, phải phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý đường ngang dân sinh. Chủ trương của Bộ GTVT là chuyển giao quản lý các đường ngang, kể cả đường ngang có gác chắn về địa phương quản lý, nhưng các địa phương vẫn chưa nhận, do không thống nhất được vấn đề kinh phí.
Yêu cầu rà soát trên cả nước
Dẫn lại câu chuyện giằng co đã xảy ra tại nhiều địa phương, thanh tra đường sắt đóng đường ngang bất hợp pháp, dân lại cắt rào để đi, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, việc xóa bỏ các đường ngang trái phép cần vai trò lớn của địa phương trong kiểm soát phát sinh các đường ngang mới. Vì thực tế, đóng đường này thì đường kia lại mở. Mới đây, Bộ GTVT đã ký cơ chế phối hợp với 39 địa phương có đường sắt chạy qua, yêu cầu đường ngang hợp pháp ngoài biển báo, phải có gác chắn hoặc hệ thống cảnh báo tự động. Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận có tình trạng một số địa phương chưa mặn mà phối hợp, khiến việc xử lý khó đạt hiệu quả. Sau vụ tai nạn tại Nam Định, Bộ sẽ yêu cầu rà soát trên cả nước, với những điểm đen tai nạn đường sắt, yêu cầu các địa phương đóng lại các đường ngang tự phát.
Một số vụ tai nạn nghiêm trọng
Ngày 12.2.2014, tại đường sắt giao cắt với đường ngang dân sinh không có barie và đèn báo hiệu, qua xã Văn Giáp, Thường Tín, Hà Nội, một phụ nữ khi cố băng qua đường sắt đã bị tàu hỏa chạy hướng nam - bắc lao tới cán tử vong tại chỗ.
Ngày 6.6.2014, tại xã An Phú, Tuy Hòa, Phú Yên, một ô tô tải khi băng qua đường ngang dân sinh với đường sắt bị tàu hỏa SE7 tông trực diện, khiến lái xe bị thương nặng.
Ngày 9.7.2014, đoàn tàu khách chạy hướng Kép - Hạ Long đã va chạm với một xe khách 29 chỗ tại Lục Nam, Bắc Giang khiến 11 người trên xe bị thương nặng.
Mai Hà - Hoàng Long - Theo: TN