Khoảng hơn 22 giờ ngày 9-8, trên địa bàn xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra một vụ tai nạn hy hữu làm 26 người trên xe khách bị thương.
Sừng tê giác và nỗi xấu hổ của người Việt
- Cập nhật : 09/08/2014
“Việt Nam đã mang tiếng là quốc gia sử dụng sừng tê giác nhiều nhất thế giới”. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan Quản lý Cites Việt Nam đã thốt lên ngao ngán như thế khi mở đầu bài phát biểu tại hội thảo “Giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam”, do Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, ngày 8-8.
Bắt chước Trung Quốc
Theo GS-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, chuyện người Việt mua và sử dụng sừng tê giác nhiều đến nổi mang tiếng khắp thế giới thật sự rất đáng xấu hổ. “Có thông tin cho rằng, sừng tê giác đắt tiền như thế nên người ta mua để hối lộ cho quan chức”, GS Dũng đề cập và cho rằng những thông tin dạng như như thế này có thể gây tổn hại đến danh dự quốc gia.
Song GS Dũng cũng “đính chính” rằng, Việt Nam có thể là quốc gia mua sừng tê giác nhiều nhất thế giới nhưng sử dụng sừng tê giác thì không bằng Trung Quốc. “Có nhiều người Việt mua sừng tê giác để bán sang Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ sừng tê giác rất mạnh”, GS Dũng giải thích. Ông nói, trước đây người Việt chẳng biết gì về sừng tê giác. Song do giới Đông y Trung Quốc đồn thổi rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư nên người Việt cũng tin theo.
Tin khoa học ít, tin đổn thổi nhiều
“Thật ra sừng tê giác chẳng có tác dụng gì cả nhưng lại rất đắt tiền. Việc sử dụng sừng tê giác là vứt tiền qua cửa sổ”, GS Nguyễn Lân Dũng, lập luận.
Ông dẫn chứng: “Đã có nhiều nghiên cứu khoa học về sừng tê giác nhưng chẳng ai tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa ung thư của nó. Trong khi đó, đã có rất nhiều trường hợp sử dụng sừng tê giác để chữa ung thư những vẫn tử vong nhanh chóng”.
Về thông tin cho rằng sừng tê giác có thể giải rượu, cường dương…, GS Dũng cũng phản bác: “Theo lương y Trần Văn Quảng (nổi tiếng trong giới Đông y Việt Nam -NV), sừng tê giác có tính lạnh, nam giới lại thuộc tính nóng. Do đó, khi uống sừng tê giác cùng rượu, nóng lạnh xung khắc nhau. Trường hợp dùng nhiều có thể mất hỏa tự nhiên trong người, gây liệt dương”.
“Có lẽ do tâm lý, nhiều người tin vào đồn thổi hơn là tin vào chứng cứ khoa học. Cũng có nhiều trường hợp dùng sừng tê giác là để chứng minh đẳng cấp. Người Việt mình “ngộ” lắm, đôi khi những thứ không có giá trị nhưng bán giá cao thì nhiều người lại tranh nhau mua. Mua để chứng tỏ …”, ông Đỗ Quang Tùng, lý giải thêm.
Người nhiễm độc, thú tuyệt chủng
Bà Teresa Telecky – Giám đốc Bộ phận loài hoang dã, thuộc tổ chức Humane Society International cảnh báo: “Để bảo vệ tê giác, người ta đã tiêm thuốc độc vào sừng của chúng. Do đó, có thể đã có trường hợp người Việt Nam mua phải sừng tê giác tiêm thuốc độc”. Theo bà Teresa, thuốc độc tiêm vào sừng tê giác không gây độc cho loài thú này nhưng lại gây độc hại cho người sử dụng.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh, việc sử dụng sừng tê giác đã bị tiêm thuốc độc là rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc sử dụng sừng tê giác lấy cắp các bảo tàng cũng có nguy cơ nhiễm độc do chúng được đã được sử dụng nhiều hóa chất để bảo quản.
“Ở Hà Nội đã có trường hợp một người phụ nữ do tin sừng tê giác có thể giải độc, chữa bách bệnh nên mua về dùng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người này thấy mệt, mặt nổi nhiều nốt đỏ. Khi đến khám tại bệnh viện Bạch Mai mới phát hiện nguyên nhân do nhiễm độc từ sừng tê giác”, GS Nguyễn Lân Dũng, dẫn chứng.
Bà Teresa cho rằng, dù đã tiêm thuốc độc vào sừng tê giác nhưng số tê giác bị săn bắn lấy sừng ở Châu Phi vẫn không ngừng tăng lên. Trong năm 2013, có hơn 1.000 con bị bắn chết, năm 2014 tăng lên 1.509 con và dự báo đến năm 2015 sẽ có 2.268 con bị bắn chết.
“Nếu nhu cầu sử dụng sừng tê giác không được ngăn chặn thì sẽ không có đủ sừng tê giác cung cấp cho con người. Khi đó, loài thú quý hiếm này sẽ bị tuyệt chủng”, Bà Teresa nói và bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có các giải pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn sử dụng sừng tê giác.
Vận chuyển sừng tê giác bằng đường hàng không
Đại diện Chi cục hải quan Tân Sơn Nhất cho biết, trong năm 2013 đơn vị này đã phát hiện 4 vụ vận chuyển sừng tê giác bằng đường hàng không từ nước ngoài về TP.HCM với số lượng lên đến 27 chiếc, tổng trọng lượng hơn 35 kg. Từ đầu năm 2014 đến nay, cũng phát hiện thêm một vụ với 5 chiếc sừng tê giác, tổng trọng lượng hơn 13kg.
Các đối tượng vận chuyển thường giấu sừng tê giác dưới đáy valy hành lý dạng hai lớp hoặc bỏ chung vào những lô hàng lớn như đồ mỹ nghệ…
TRUNG THANH - Theo PLO