Mày đay, tràn dịch màng tim, áp xe gan... là các bệnh mãn tính và nguy hiểm do các loại ký sinh trùng gây nên. Bệnh có thể mắc phải do nhiễm tác nhân gây bệnh trong các món ăn khoái khẩu.
Mày đay trên người bệnh nhân đồng nhiễm sán lá gan và giun đũa chó - Ảnh: Thúy Anh
Mầm bệnh từ món tái, sống
Bệnh nhân Ngô Văn T. (38 tuổi, cán bộ văn phòng, công tác tại Hà Nội) vừa nhập viện trong tình trạng toàn thân nổi mày đay. Tình trạng này đã kéo dài suốt 3 tháng trước khi vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân đã khám tại các cơ sở y tế, được chẩn đoán mày đay mạn tính nhưng không khỏi sau các đợt điều trị.
Khi đến khám tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, anh T. trong tình trạng khắp cơ thể nổi những vệt ban đỏ hình lưỡi liềm, hình tròn khuyết và rất ngứa. ThS-BS Bùi Văn Khánh, công tác tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, người trực tiếp khám cho bệnh nhân cho biết bác sĩ nhận thấy các vệt ban đỏ đặc trưng của hình ảnh tổn thương da do nhiễm ký sinh trùng. Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Kết quả xác định trường hợp này cùng lúc nhiễm ba loại ký sinh: sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và giun đũa chó.
Anh T. cho biết rất ưa thích các món ăn tái, sống như: gỏi cá, tiết canh kèm rau sống và đã ăn trong thời gian dài trước khi được phát hiện bệnh. “Dựa trên đặc điểm tiền sử thói quen sinh hoạt, đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mày đay mạn tính do ký sinh trùng”, bác sĩ Khánh cho biết.
Theo chuyên gia, khi ký sinh trùng xâm nhập, cơ thể phải sinh các kháng thể chống lại, gây nên phản ứng dị ứng (mày đay). Với trường hợp bệnh nhân T., bác sĩ đã chỉ định điều trị ký sinh trùng phối hợp với thuốc điều trị dị ứng. Sau 4 tuần, các triệu chứng đã hoàn toàn hết. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần tái khám theo hẹn 3 tháng và 6 tháng để kiểm tra lại tình trạng tái nhiễm ký sinh trùng.
Sán lá gan “tấn công” trẻ em
Bệnh viện Nhi T.Ư mới đây đã tiếp nhận bé gái P.T.C, 4 tuổi, vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm trong tình trạng khó thở, được phát hiện tràn dịch màng tim nặng, chèn ép tim gây khó thở. Trước đó, cháu còn có biểu hiện sốt, chướng bụng. Trong dịch màng tim của bệnh nhân được chọc hút ra có lẫn nhiều sợi trắng và mảnh như đốt sán khiến các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Tiếp tục xét nghiệm máu đã phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa truyền nhiễm, hầu hết bệnh nhân nhiễm sán do không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn thức ăn tái, nội tạng động vật nhiễm sán chưa được nấu chín, uống nước lã có ấu trùng. Với trường hợp của bé C., gia đình cho biết trước nhập viện vài tuần bé được người lớn cho ăn bò tái và cua nướng.
Từ đầu năm đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận 8 trường hợp trẻ nhiễm ký sinh trùng, trong đó có 4 ca nhiễm sán. Thông thường, sau khi vào cơ thể người, sán lá gan ký sinh trong gan, mật nhưng cũng có trường hợp ký sinh trong cơ, dưới da (ký sinh lạc chỗ). “Hầu hết các bệnh nhi nhiễm sán lá gan khi được đưa vào cấp cứu đều đã bị sán xâm nhập nội tạng, gây áp xe gan, tràn dịch màng phổi, viêm não. Bé C. là trường hợp đặc biệt bị tràn dịch màng tim do nhiễm sán”, bác sĩ Lâm cho biết.
Theo các chuyên gia, ấu trùng sán lá gan có trong các động vật ăn cỏ như trâu, bò. Ấu trùng sán lá gan phát tán ra môi trường theo chất thải. Trong môi trường ao, hồ, ấu trùng này bám vào cây thủy sinh (ngổ, cải xoong, rau cần, rau muống thả nước); chúng cũng có thể chui vào và phát triển trong ốc, trong cá nước ngọt. “Thói quen ăn rau sống, ăn cá sống (gỏi), tiết canh là các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, dễ bị ô nhiễm ấu trùng như sán lá gan, giun. Không ăn món tái sống, nhớ uống nước đã đun sôi để nguội, rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn giúp ngăn chặn nhiễm ký sinh trùng gây bệnh”, bác sĩ Khánh lưu ý.