Làng Cồn Sẻ nằm trên một doi đất giữa dòng sông Gianh, thuộc xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Về làng, cảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là quá nhiều con nít. Người ta nói vui rằng Cồn Sẻ là làng... siêu đẻ.
Theo thống kê của xã Quảng Lộc năm 2012, Cồn Sẻ (trên 650 hộ) có hơn 3.100 nhân khẩu thì số người dưới 15 tuổi là... gần 1.400, trong đó trẻ dưới 5 tuổi trên 500 cháu. Một thống kê vui rằng ở Quảng Bình chưa có làng nào nhiều học sinh tiểu học như ở Cồn Sẻ: 410 em, chiếm trên 50% tổng số học sinh tiểu học của toàn xã - Ảnh: LAM GIANG
Đến đầu chiếc cầu gỗ bắc qua sông Gianh, nối từ trục đường chính liên xã vào làng Cồn Sẻ đã thấy hơn chục đứa trẻ lố nhố. Tốp bá vai nhau đứng trên mặt cầu, tốp tụm dưới sông vọc nước.
Đẻ cho đủ... đội tàu đi biển
"Hạn chế sinh đẻ ở Cồn Sẻ chủ yếu vẫn qua công tác vận động là chính. Năm nào huyện, xã cũng làm. Đặc biệt là đề án 52 về kiểm soát dân số vùng biển và ven biển giai đoạn 2009-2020 được thực hiện rốt ráo bằng cách huy động tất cả đoàn thể, hội hè cùng chung tay vào nhưng chưa mang lại mấy hiệu quả. Lý do là bà con làm nghề sông nước nên còn nặng suy nghĩ lạc hậu, học hành cũng thấp hơn so với các làng khác trong vùng. Khi nói đến sinh đẻ ít là họ không thích nghe... "
Bà Hoàng Thị Kim Ngân (giám đốc Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện Quảng Trạch)
Chú nhóc Nguyễn Hoài Nam, 9 tuổi, đang giữ đứa em tên Mẫm lên 2 tuổi, cho biết: “Nhà cháu cả thảy có năm anh chị em thôi. Mẹ cháu... đẻ ít, chớ nhà họ đẻ nhiều lắm chú ạ”.
Chỉ đi một đoạn dài khoảng 200m trên con đường nhỏ giữa làng, nhìn vào ngóc ngách nào cũng thấy con nít túm tụm vui chơi.
Trên sàn gỗ làm xìa ra trên mặt nước, phía sau một căn nhà mới ven sông, có đến ba, bốn đứa nhỏ chừng 3, 4 tuổi đang đứng, ngồi hò hét với nhau. Thỉnh thoảng chị Lệ, chủ nhà, lại phải chạy ra dắt tay chúng vào kẻo sợ có đứa ngã xuống sông.
Mới 32 tuổi nhưng chị Lệ đã có ba đứa con. Nhìn đoàn con nít chừng chục đứa chạy nhảy tíu tít trong nhà, chị bảo: “Con em ba đứa, còn lại là con của chị gái và hàng xóm”. Rồi chị “khoe”: “Vài tháng nữa em sẽ sinh thêm đứa thứ tư”. Cái bụng lùm lùm của chị dường như cũng đã ngầm mách bảo điều này. Trên tay chị là đứa con trai thứ ba, chừng 2 tuổi.
Ở gần cuối làng, chị Nguyễn Thị Long, 37 tuổi, đã kịp có bảy đứa con, gồm bốn trai ba gái. Chồng chị từ ngày bị bệnh gai cột sống đến nay không còn đi biển đánh cá với người ta được nữa, thường nằm nhà, thỉnh thoảng mới làm việc lặt vặt cho người làng kiếm thêm chút tiền còm phụ thêm vợ. Làng là ốc đảo nên công việc làm ăn chính của chị Long cũng như bao người đàn bà khác trong làng là chài lưới trên sông.
“Con cá con tôm dưới sông Gianh bây chừ hình như đã hiếm hơn trước. Chắc do đông người đánh bắt quá nên nó không kịp sinh sôi - chị Long nói - Vì rứa nên thu nhập của tui cũng ít lắm, không đủ nuôi bầy con hằng ngày”.
Không kiếm đủ tiền nuôi con nên chị Long phải gửi hai đứa con cho ông bà nội, ông bà ngoại nuôi giùm, một đứa thì gửi cho dì nó. Chỉ có đứa lớn may mắn kiếm được việc làm ăn trong Nam. Lúc thiếu thốn quá, chị chạy vạy mượn tiền khắp xóm để nuôi ba đứa còn lại.
“Đẻ quá nhiều con, bây chừ mới khổ cho cả mình cả con cái. Nhưng ở làng ni phần lớn nhà mô họ cũng đẻ nhiều rứa cả bác ạ. Nhà có tàu đánh cá lớn họ còn nói đẻ... cho đầy một đội tàu đi biển luôn thể” - chị Long bộc bạch.
Đi đến đâu trong làng Cồn Sẻ hỏi về chuyện sinh đẻ nhiều con là người làng ai cũng... cười. Bởi nhà có 6, 7 đứa con là chuyện bình thường. Người có hơn chục đứa mới là... nhiều. Như ông Nguyễn Văn T. có 10 con, ông Hoàng Văn N. có 12 con, ông Cao Đ. có 13, bà Nguyễn Thị P. 14, ông Th. hai vợ, có tất cả 15 người con...
Trên bãi cát ướt ven làng là bé Hoa, cu Đoàn và cu Giang đang chơi đùa. Cả ba đều đen nhẻm vì nắng. Cu Đoàn năm nay lên 9 tuổi, cho biết nhà có chín anh chị em, còn bé Hoa có năm anh chị em. Ba mẹ mỗi nhà đều mắc việc làm ăn, anh chị lớn thì phải trông em nhỏ hơn nên cả ba đành thơ thẩn dắt díu nhau tự chơi. Đôi khi có đứa lăn ra ngủ dưới gốc cây, ngủ chán thì dậy đi về...
Hỏi nhà nào có ít con nhất, suy nghĩ một hồi khá lâu, chị Mai Thị Bân mới nhớ được tên anh Hoàng. Nhà anh Mai Hoàng ở giữa làng, là một căn nhà gỗ nhỏ, làm tạm.
Anh Hoàng năm nay 32 tuổi và vợ là Phạm Thị Hương, 24 tuổi, có một con gái 2 tuổi. Là một trong số ít gia đình có 1-2 con ở Cồn Sẻ, anh Hoàng cho biết khi con gái đầu lòng cỡ 5, 7 tuổi thì vợ chồng anh mới sinh đứa thứ hai.
“Thấy họ sinh quá nhiều, con cái leo nheo lóc nhóc khổ lắm nên vợ chồng tui bảo nhau phải sinh ít con, có vậy cũng mới mong bòn chài được tiền bạc để cất lại căn nhà cho đàng hoàng hơn mà ở” - anh nói.
Mấy đứa trẻ này luôn đối mặt với nguy cơ bị rơi xuống sông từ ngôi nhà gỗ trên mặt nước - Ảnh: Lam Giang
Những hệ lụy
Làng có nhiều con nít như vậy vì nam nữ ở đây cứ đến tuổi 17, 18 là rục rịch thi nhau... cưới. Đã cưới thì ắt phải sinh con. Đã sinh con thì muốn sinh bao nhiêu... tùy thích, cứ vậy cái vòng luẩn quẩn cưới - sinh - tách hộ cứ xoay vòng. Mà tách hộ thì làng phải có đất.
Nhưng Cồn Sẻ lại là ốc đảo bị kẹp giữa hai nhánh sông Gianh nên chỉ có 6ha đất ở. Vì vậy bây giờ trông cảnh quan của làng không khác gì thành phố. Nhà cửa san sát, chật chội. Ngóc ngách nào chêm được là phải chêm nhà mới vào.
Nhiều gia đình trẻ đành dắt díu nhau lấn sông làm nhà. Cặp nào có tiền thì đúc nền bằng bêtông kiên cố để chống chọi với lũ sông Gianh. Cặp nào nghèo khổ thì cắm tạm mấy cái cọc bêtông xuống sông rồi dựng lên xà gỗ, ốp ván, che mái ở tạm... Gần cả trăm hộ đã làm như vậy ven sông, ven đê. Vậy mà vẫn còn khoảng 200 hộ đang chờ đất, chờ cơ hội để ra ở riêng.
Chị Mai Thị H. khoảng 19, 20 tuổi, có một con. Căn nhà của chị H. mới được dựng lên vài tháng trước trên con lạch đầy bùn nước ven bờ sông. Gọi là nhà nhưng đúng ra chỉ là một cái khung gỗ, ba bên ghép vào bằng các tấm giấy bạt nhựa mềm oặt.
Sàn ghép gỗ cây xẻ ra, bước lên cứ nhún nhảy nhún nhảy như chực sập. “Do nhà ba mẹ ở trong làng không còn đất nên hai vợ chồng phải ra ở tạm đây cái đã rồi tính sau - chị H. cho biết - Lo nhất là vào mùa mưa bão sắp tới, khi nước lũ sông Gianh lên to là phải ôm con vào làng tá túc. Chuyện nước sông cuốn mất nhà đôi khi cũng không tránh khỏi, nhưng biết mần răng được...”.
Nhà đông con thì làng đông người. Vì thế điều ông Nguyễn Cương - trưởng thôn Cồn Sẻ - trăn trở nhất, ngoài chuyện thiếu đất làm ăn, đất ở và nghèo đói là chuyện con em thất học. Hiện không ít người làng mù chữ. Có người lên ủy ban xã làm giấy tờ mà không biết phải ký tên mình ra sao.
Phần lớn trẻ em của làng học hết tiểu học là bỏ, vì ngoài chuyện gia đình đông con không cáng đáng nổi tiền học, các em cũng phải đi làm phụ giúp ba mẹ nuôi em. Con trai đến tuổi 14, 15 đã theo cha anh lên tàu ra biển. Con gái theo nghề với mẹ, đan lưới cá cho gia đình và bán ra làng khác quanh vùng. Số ít thanh niên nam nữ ra khỏi làng đi làm ăn trong Nam...
Ông Nguyễn Anh Thêm, chủ tịch UBND xã Quảng Lộc, cho biết: “Riêng sáu tháng đầu năm nay Cồn Sẻ đã chiếm 40% tỉ lệ người sinh con thứ ba của toàn xã. Nhiều năm các thành tích toàn xã cố gắng có được đã bị Cồn Sẻ kéo xuống mất chỉ vì họ sinh đẻ nhiều. Do đông con như vậy nên đời sống kinh tế của làng này còn khó khăn lắm. Xã cũng đã tìm đủ mọi cách để hạn chế sinh đẻ, phát triển kinh tế nhưng khó quá...”.
Có người nói công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình chưa tốt nên người ta mới đẻ nhiều vậy. Thật ra thôn, xã và cả huyện đã rất nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân đẻ ít con. Nhưng bởi ở làng nhiều người còn suy nghĩ đông con thì đông của, và người dân theo nghề đi biển và chài lưới là chính, nên bảo nhau phải có con trai, vì vậy nhà nào cũng cố đẻ cho bằng được... Vậy là con nít trai gái gì cũng cứ sòn sòn được sinh ra.