Sau khi bản án có hiệu lực 10 năm nhưng vẫn chưa được thi hành, bà Nguyễn Thị Mãng (59 tuổi, là con liệt sĩ, ngụ tại số 115B1 Nguyễn Đình Chiểu, P.8, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) làm đơn gửi cơ quan chức năng xin tự thi hành án.
Căn nhà tạm của bà Yến cất trên thửa đất tranh chấp - Ảnh: Hoàng Phương
Thua kiện ở 3 cấp tòa
Theo bản án sơ và phúc thẩm, vào năm 1989, sau khi ly hôn bà Mãng được chia 3.000 m2 đất tại ấp 3 (xã Bình Hòa, H.Giồng Trôm). Do hoàn cảnh khó khăn, không thể trực tiếp canh tác nên đã thỏa thuận cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Bòn và bà Nguyễn Thị Mật thuê lại giá 25 chỉ vàng với điều kiện khi nào con bà Mãng lớn thì ông Bòn trả lại đất, bà Mãng trả lại vàng. Nhưng do làm ăn thua lỗ, vợ chồng ông Mật đã bán lại phần đất trên cho bà Châu Thị Yến mà không có sự đồng ý của bà Mãng.
Khi làm thủ tục chuyển nhượng, bà Mãng không đồng ý ký tên thì bà Yến khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm ngày 4.8.2004 của TAND H.Giồng Trôm đã tuyên hủy hợp đồng mua bán đất giữa vợ chồng ông Mật với bà Yến và bản án phúc thẩm ngày 31.12.2004 của TAND tỉnh Bến Tre cũng bác đơn kháng cáo của bà Yến. Thua kiện, bà Yến nộp đơn xin giám đốc thẩm lại bản án nhưng tiếp tục bị Tòa dân sự TAND tối cao bác đơn. Theo án đã tuyên thì tòa buộc bà Yến phải hoàn trả cho bà Mật 3.032 m2 đất (đo thực tế) và di dời căn nhà tạm ra khỏi phần đất tranh chấp. Bà Mật có trách nhiệm giao toàn bộ diện tích đất lại cho bà Mãng. Bà Mãng hoàn trả cho bà Yến 40,3 triệu đồng tiền huê lợi trên đất và trả cho bà Mật 25 chỉ vàng…
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 22.3.2006, cơ quan Thi hành án (THA) dân sự H.Giồng Trôm ra quyết định cưỡng chế, buộc bà Yến phải tháo dỡ nhà dời đi nơi khác, giao trả toàn bộ thửa đất cho bà Mãng vào ngày 28.3.2006. Thế nhưng việc cưỡng chế bất thành vì bị phía bà Yến quyết liệt phản đối.
Kỳ án… thi hành án
Ngày 11.6.2007, ông Trần Thanh Bình, Trưởng THA dân sự H.Giồng Trôm, tiếp tục ký quyết định cưỡng chế lần 2 dự định vào hôm sau 12.6.2007. Nhưng rồi cũng trong ngày 11.6.2007, ông Bình lại ký thông báo gửi cho bà Mãng: “Theo yêu cầu của cấp trên chỉ đạo tạm dừng tổ chức cưỡng chế… vào lúc 14 giờ ngày 12.6.2007. Lý do chờ chỉ đạo mới của cấp trên”(!). Ngày 6.11.2008, ông Bình lại ký thông báo sẽ tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế vào lúc 8 giờ ngày 8.12.2008. Nhưng rồi một lần nữa, ngày 5.12.2008 ông Bình lại ký thông báo “tạm dừng cuộc cưỡng chế vào ngày 8.12.2008 và sẽ tổ chức cưỡng chế lại vào thời điểm thích hợp, căn cứ theo công văn số 556/THA ngày 5.12.2008 của THA dân sự tỉnh Bến Tre”.
Bà Nguyễn Thị Mãng - Ảnh: Hoàng Phương
Trong khi đó, ngày 20.7.2009, Cục THA dân sự tỉnh Bến Tre đã đề nghị Tỉnh ủy và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre có văn bản kiến nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao xem xét, giám đốc thẩm lại vụ án. Thế nhưng, theo trả lời của Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre thì: “Căn cứ Điều 288 bộ luật Tố tụng dân sự thì người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành kháng nghị trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, trong khi bản án dân sự phúc thẩm ngày 3.12.2004 của TAND tỉnh Bến Tre đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Hơn nữa, xét hồ sơ hiện có của vụ án cũng không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Do vậy, Đoàn ĐBQH Bến Tre tiếp tục đề nghị Chi cục THA dân sự H.Giồng Trôm sớm tổ chức THA để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân”.
Cả 3 cấp tòa đều sai?
Sự việc kéo dài đã hơn 10 năm và các cơ quan T.Ư rất nhiều lần yêu cầu cơ quan THA dân sự địa phương giải quyết, do bà Mãng liên tục khiếu nại. Nhưng ngày 17.9.2014, Cục THA dân sự tỉnh Bến Tre có văn bản trả lời thẳng là không THA được, vì: “Do bà Nguyễn Thị Mật là người trung gian nhận và giao trả đất cho bà Mãng nhưng không có đơn yêu cầu THA”! Cũng theo THA dân sự tỉnh Bến Tre thì “trong quá trình tổ chức THA, Chi cục THA dân sự H.Giồng Trôm đã tổ chức cưỡng chế 3 lần nhưng đều phải hoãn lại do nhân dân, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền địa phương không đồng tình với nội dung án tuyên và sẽ tổ chức… biểu tình nếu cơ quan THA tổ chức cưỡng chế buộc bà Yến giao đất cho bà Mãng” (!?).
Cho rằng bản án đã bị can thiệp, bà Mãng viết đơn gửi các cơ quan chức năng: “Nếu cơ quan THA không đủ lực lượng cưỡng chế THA thì cho phép tôi được hợp đồng thuê công ty vệ sĩ tổ chức THA đúng theo tinh thần bản án đã có hiệu lực. Và khi tổ chức THA, gia đình tôi sẽ mời chính quyền địa phương và cơ quan THA chứng kiến”.
Luật sư Nguyễn Thanh Tài, Đoàn Luật sư Tiền Giang, cho biết: “Theo Điều 106 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 luật THA dân sự năm 2008 thì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và trong phạm vi trách nhiệm của mình, họ phải chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án. Việc cơ quan THA cho rằng bản án không thể thi hành là do sự phản đối của nhân dân, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền địa phương là không đúng. Vì theo quy định của luật THA dân sự, cơ quan THA hoàn toàn có quyền thi hành bản án này và xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân nếu họ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc bà Mật có yêu cầu THA hay không cũng không ảnh hưởng đến quyền được yêu cầu THA của bà Mãng. Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay, bà Mật cũng không còn quyền yêu cầu thi hành đối với bản án này. Việc bà Mãng xin được tự tổ chức THA là không phù hợp theo quy định của pháp luật vì công ty vệ sĩ không có quyền THA. Nhưng nếu tại địa phương đã có tổ chức thừa phát lại thì bà có thể liên hệ để yêu cầu tổ chức này hỗ trợ bà trong việc THA”.