Mấy ngày qua, thông tin về bệnh nhân Lê Thị Công Luận, 26 tuổi, ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa bị bỏng cồn trong khi nướng mực dẫn đến bỏng nặng và tử vong vào ngày 12/11 khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Mặc dù hậu quả khá nghiêm trọng do sử dụng cồn nướng thức ăn đã rõ nhưng hiện nay, rất nhiều người dân vẫn đang có thói quen “chết người” này.
Nhập viện do nướng thức ăn bằng cồn
Có mặt tại Khoa Bỏng người lớn, Viện Bỏng Quốc gia chiều 20/11, chúng tôi chứng kiến hình ảnh đau đớn của một số bệnh nhân bị bỏng cồn do nướng cá mực, cá chỉ vàng đang được điều trị tại đây. Anh Trần Thanh Minh, 53 tuổi, trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội đã nhập viện được 3 ngày với 2 tay, 2 chân và vùng bụng bị băng kín. Vừa rên rỉ kêu đau, anh Minh vừa kể lại cho chúng tôi nghe tai nạn bất thình lình xảy ra vào ngày 18/11. Tối hôm đó, mặc dù vợ con đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi nhưng do muốn làm 1,2 chén rượu nên anh Minh bèn lấy túi cá chỉ vàng ra nướng. Sẵn có chai cồn, anh liền để cá vào trong chiếc chảo và vô tư đổ cồn vào nướng. Thấy cá chưa chín, cồn trong chảo đã hết nên anh Minh bèn lấy chai cồn tiếp tục đổ trực tiếp vào chảo. Ai dè, lửa trong chảo vẫn còn nên theo đường cồn chảy xuống bắt cháy bùng lên làm chai cồn trong tay anh Minh phát một tiếng nổ lớn, bắn ra xung quanh và bắt cháy luôn vào quần áo của anh. Quá bất ngờ, anh Minh loay hoay kêu la. Lúc này vợ con anh chạy tới và lấy ngay chậu nước đổ vào người anh để dập lửa. “Chỉ nghe thấy tiếng nổ lớn như mìn rồi tôi hoa mắt, ngọn lửa trên người bốc cháy không ngừng”, anh Minh nhớ lại. Dập lửa xong, anh Minh được người nhà đưa vào Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu. Bác sỹ chẩn đoán anh bị bỏng độ 2, chiếm 15% diện tích cơ thể. “Cạch từ giờ đến già, tôi không bao giờ dám sử dụng cồn để nướng thức ăn nữa. Cũng phải cảnh báo cả những người thân, bạn bè mình để tránh hậu quả nghiêm trọng như thế này”, anh Minh hối hận.
Ngay phòng bên cạnh, bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng, 20 tuổi, quê Nghệ An, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng đang phải điều trị vết bỏng trên người do sử dụng cồn để nướng mực. Ngại ngùng khi nhắc về tai nạn này, Hùng kể lại: Trưa 16/11, Hùng cùng 2 người bạn chung phòng trọ lấy mực ở quê mang lên để nướng. Hùng cho mực vào một chiếc đĩa rồi đổ cồn vào nướng. Cũng giống như anh Minh, khi ngọn lửa âm ỉ cháy nhưng có màu xanh nên Hùng tưởng đã hết lửa bèn đổ thêm cồn vào thì ngọn lửa bất ngờ bùng lên, bắt cháy vào quần áo khiến vùng bụng bị bỏng, còn vùng mặt của Hùng bị cháy xém. Hậu quả, Hùng bị bỏng độ 2.
Nướng thức ăn bằng cồn - Thói quen nguy hiểm.
Bỏng cồn có thể dẫn tới tử vong
Theo bác sỹ Đỗ Lương Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Bỏng người lớn, từ khoảng 5 đến 7 năm trở lại đây, tình trạng người dân sử dụng cồn để nướng thức ăn đã đến mức báo động, nhất là hành động này đã gây hậu quả khá nghiêm trọng. Trong số các bệnh nhân bị bỏng cồn nhập viện tại Khoa Bỏng người lớn, có đến 90% bệnh nhân cho biết đã sử dụng cồn để nướng thực phẩm như cá mực, cá chỉ vàng…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân có thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể bắt nguồn từ suy nghĩ nướng bằng cồn ngon hơn và không độc so với nướng bằng bếp than, bếp điện, bếp gas. Số lượng các bệnh nhân nhập viện do bỏng cồn thường tập trung vào mùa hè, bắt đầu từ khoảng tháng 5 cho đến hết tháng 10. Vào thời điểm này, có những ngày số lượng bệnh nhân nhập viện do bỏng cồn có thể dao động trên dưới 10 người với đủ mọi lứa tuổi và công việc khác nhau, chiếm khoảng 20% số bệnh nhân nhập viện tại Khoa Bỏng người lớn. Những thời điểm khác trong năm vẫn có rải rác các bệnh nhân bị bỏng cồn nhập viện. Như thời điểm chúng tôi có mặt tại Khoa Bỏng người lớn vào ngày 20/11, vẫn đang có 5 bệnh nhân điều trị bỏng cồn.
Vì sao nướng thức ăn bằng cồn lại dễ dẫn đến bị bỏng? Bác sỹ Đỗ Lương Tuấn phân tích, khi nướng thức ăn bằng cồn, đa số các bệnh nhân bị bỏng đều dùng lọ cồn đổ trực tiếp vào thức ăn. Do lửa của cồn có màu xanh, nhìn bằng mắt thường đôi khi khó nhận ra dẫn đến việc nhiều người nghĩ cồn trong thức ăn đã bị cháy hết mà thức ăn chưa chín. Chính vì vậy, họ lại tiếp tục đổ trực tiếp cồn vào khay thức ăn đang nướng dở dẫn đến lửa bắt vào cồn cháy bùng lên. Nhiều nạn nhân khi thấy bùng lên bất ngờ thì có các động tác như vung tay, vung chân theo phản xạ khiến cho lửa bắt vào quần áo càng gây cháy nhiều hơn. Điều này khá nguy hiểm. Các bệnh nhân bị bỏng cồn có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và tổn thương đường hô hấp, có nguy cơ tử vong cao. Đối với bỏng vùng thẩm mỹ và vùng vận động như mặt, chân, tay… thì di chứng để lại thường lớn. Do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay còn rất nhiều người dân chủ quan vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn. Chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.
Theo bác sỹ Đỗ Lương Tuấn, cách phòng chống bỏng cồn tốt nhất chính là việc người dân cần phải thay đổi thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn. Bởi lẽ đây là một hành động rất nguy hiểm. Khi bị bỏng cồn, bệnh nhân cần nhanh chóng tìm cách dập lửa. Sau đó sử dụng kỹ năng làm mát vết thương từ 15 phút đến 20 phút để giảm đau và trấn tĩnh lại. Tiếp tục, bệnh nhân cần che phủ vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.