Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Sướng (SN 1943), hiện nghỉ hưu tại số nhà 32 đường Chu Văn An, phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Ông Sướng nguyên là CB công tác tại Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn). Trước đó, ông Sướng làm việc tại Nhà máy cơ khí mỏ Việt Bắc (đóng tại Mỏ than Làng Cẩm, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Giấy chứng nhận thương tật TNLĐ của ông Nguyễn Văn Sướng.
Từng được hưởng chế độ
Theo đơn trình bày vụ việc của ông Sướng gửi tới Báo Lao Động, năm 1968, ông Sướng vào làm việc tại Nhà máy cơ khí mỏ Việt Bắc (đóng tại Mỏ than Làng Cẩm, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Tháng 12.1972, trong khi đang làm việc thì ông bị phoi sắt bắn vào mắt trái, phải khoét bỏ nhãn cầu. Sau đó, ông được giám định thương tật hạng 4 (bốn) và hằng tháng được hưởng tiền trợ cấp thương tật tai nạn lao động (TNLĐ) từ LĐLĐ tỉnh.
Năm 1973, ông Sướng được điều động về công tác tại Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn). Từ đó, ông Sướng được hưởng trợ cấp thương tật TNLĐ do LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn chi trả. Nhưng theo trình bày của ông Sướng, từ sau khi nghỉ hưu vào tháng 1.1993, khi ông đến lĩnh lương hưu tại BHXH tỉnh thì không còn nhận được tiền trợ cấp thương tật TNLĐ nữa.
Lỗi cơ quan nhà nước, cá nhân phải chịu
Trao đổi về việc đang được hưởng rồi bỗng dưng không được hưởng tiền trợ cấp thương tật TNLĐ, ông Sướng buồn bã nói: “Đến tháng 1.1993, tôi được nghỉ hưu và hưởng lương hưu tại BHXH tỉnh. Khi tôi nghỉ hưu, mọi chế độ thương tật TNLĐ được LĐLĐ tỉnh chuyển sang bàn giao cho Sở LĐTBXH. Tôi tới để lĩnh tiền trợ cấp thương tật TNLĐ thì BHXH tỉnh không trả nữa, bởi lý do danh sách chuyển sang có tên tôi, nhưng hồ sơ gốc của tôi lại không có. Trong thời kỳ đó, mọi hồ sơ của NLĐ đều do các cơ quan nhà nước quản lý, do vậy việc bàn giao mà không đến nơi đến chốn thì các cơ quan đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể chối từ việc trả quyền lợi cho người bị thương tật TNLĐ như chúng tôi được”.
Đã hơn 20 năm, nhiều lần ông Sướng đến LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn và Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn để mong được giải quyết quyền lợi. Song như ông Sướng phản ánh, ông chỉ nhận được những câu trả lời như "để xem xét", "giải quyết". Đến nay, sau 20 năm xem xét và giải quyết, vấn đề tiền trợ cấp thương tật TNLĐ của ông Sướng vẫn chưa hề được giải quyết.
Làm việc với PV Báo Lao Động, ông Lô Tiến Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn - cho rằng, trường hợp của ông Sướng cần được giải quyết. Trước đó, trong công văn số 132/LĐLĐ gửi Tổng LĐLĐVN về việc giải quyết chế độ TNLĐ trước tháng 1.1995, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lạng Sơn (thời điểm đó) là ông Trần Ngọc Bình cũng có quan điểm là các cơ quan chức năng cần phục hồi chế độ thương tật TNLĐ cho ông Sướng.
Được biết, ông Sướng là một trong số 30 người bị TNLĐ trước năm 1995 đã được Tổng LĐLĐVN tập hợp danh sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết chế độ. Mong rằng, BHXH VN sớm vào cuộc để ông Sướng không bị thiệt thòi quyền lợi.
Theo: LĐ