Nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế, được TAND Long Xuyên tuyên thắng kiện, tuy nhiên bị đơn kháng cáo, vì nguyên đơn có tới bốn bản sao khai sinh khác nhau.
Phiên tòa xét xử vụ kiện đòi thừa kế của chị Đặng Thị Thái Thanh - Ảnh: Đ.V.
Theo hồ sơ, bà Bùi Sơn Lan kết hôn sống chung cùng ông Đặng L.P. tại TP Long Xuyên (An Giang) và sinh ba người con. Năm 2009 sau thời gian bệnh nặng kéo dài ông P. qua đời, đến tháng 12-2010 bất ngờ có một cô gái trẻ đâm đơn khởi kiện đòi chia di sản thừa kế vì cho rằng mình là con ngoài giá thú của ông P..
Nguyên đơn đưa ra bản sao giấy khai sinh mang tên Đặng Thị Thái Thanh, giới tính nữ, sinh ngày 25-11-1988, có tên cha Đặng L.P. với nơi thường trú “TP Long Xuyên, An Giang” và mẹ là Nguyễn Thị Xuân Hương thường trú P.Châu Phú B, thị xã Châu Đốc (An Giang). Giấy khai sinh này sao từ sổ khai sinh tại UBND P.Châu Phú B, trên đó thể hiện ngày đăng ký khai sinh là 4-10-1990 với số lưu 498/HT thuộc quyển số 02/90.
Con ngoài giá thú
Thủ tục làm giấy khai sinh cho con ngoài giá thú
Theo thông tư số 12/1999/TT-BTP hướng dẫn thi hành nghị định 83CP/1998 về việc làm khai sinh cho con ngoài giá thú thì người cha phải có đơn nhận con.
Đích thân người cha mang chứng minh nhân dân đến nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú, hoặc nơi thường trú của người mẹ để xác nhận chữ ký của mình vào đơn.
Trên tờ đơn đó phải có ý kiến của người mẹ.
Sau đó gia đình bà Lan thu thập cung cấp cho tòa một bản sao giấy khai sinh mang tên Đặng Lưu Niệm, giới tính nam mà lại có cùng ngày sinh, cùng tên và địa chỉ của cha mẹ như bản sao giấy khai sinh kể trên; chỉ khác ngày đăng ký là 5-12-1988 và số lưu 976/HT thuộc quyển số 02/88.
Đến tháng 7-2013, nguyên đơn bổ sung một bản sao khai sinh được UBND P.Châu Phú B cấp mang tên Đặng Lưu Niệm cũng tương tự, nhưng ghi giới tính nữ, thuộc quyển số 01/88.
Ngoài ra bị đơn trích lục từ UBND P.Châu Phú B cung cấp thêm bản sao khai sinh tên Đặng Thị Thái Thanh giống y bản mà nguyên đơn đưa ra ban đầu nhưng với số lưu là 00498/2012 ở quyển số 01/1990.
Theo ông Phan Văn Hùng - đại diện Sở Tư pháp, khai sinh này có lưu sổ bộ hộ tịch, trong sổ bộ có ghi chú “đổi tên trùng ông, bà”.
Theo lời khai bà Hương - mẹ của nguyên đơn, sau thời gian quen biết, dù đã có vợ con vào năm 1986 ông P. vẫn đưa bà về ra mắt gia đình rồi chung sống như vợ chồng với bà trong căn nhà gồm có mẹ ruột và vợ cùng hai con của ông này. Được hơn một năm do phát sinh mâu thuẫn với mẹ con bà Lan và ông P. chuyển công tác nên bà trở về quê.
Cuối năm 1988 sinh con gái, bà đăng ký khai sinh tại UBND P.Châu Phú B với tên Đặng Lưu Niệm. Đến năm 1990 phát hiện giấy khai sinh ghi giới tính nam và tên cũng dễ nhầm tên con trai nên bà khai sinh lại là Đặng Thị Thái Thanh, giới tính nữ. Khi làm giấy khai sinh ông P. không hề có ý kiến nhận con bằng văn bản.
Sở Tư pháp An Giang có công văn cho biết giấy khai sinh Đặng Lưu Niệm do UBND P.Châu Phú B cấp có lưu sổ bộ hộ tịch, phần giới tính ghi nam là sai do đánh máy nhầm. Khi bà Hương xin cải chính lại tên, nêu lý do trùng tên ông bà, đáng lẽ cán bộ tư pháp phải hướng dẫn bà Hương làm thủ tục cải chính theo quy định nhưng do không biết nên đã cấp giấy khai sinh khác với tên Đặng Thị Thái Thanh.
Sở Tư pháp xác định: “Giấy khai sinh này là không hợp pháp, hai giấy khai sinh tên Đặng Lưu Niệm và Đặng Thị Thái Thanh đều là một người. Do hiện nay UBND P.Châu Phú B không còn lưu trữ hồ sơ, giấy tờ nên không xác định được khi đăng ký khai sinh có ý kiến của ông P. hay không”.
Vẫn được thừa kế
Trong khi đó, cả gia đình bà Lan cho rằng ông P. vốn là cán bộ đảng viên bên quân đội, luôn chăm lo nuôi dạy con cái ăn học thành đạt, không hề có quan hệ tình cảm hay sống chung với phụ nữ nào khác. Lâu nay gia đình bà chưa từng biết hoặc nghe nói về mẹ con bà Hương.
“Chúng tôi ở cùng căn nhà do cha mẹ để lại nên biết rõ vợ chồng P. rất hạnh phúc. Việc bà Hương nói từng sống chung ngay tại nhà chúng tôi là hoàn toàn bịa đặt” - hai người chị của ông P. phản bác.
Theo biên bản đối chất và nội dung bản án, hai nhân chứng phía nguyên đơn kể họ biết chuyện bà Hương quen biết với ông P., còn việc giữa hai người có con chung thì sau khi ông P. mất một thời gian mới nghe nói.
TAND TP Long Xuyên thụ lý vụ kiện ngày 9-3-2011, mãi đến ngày 15-8-2014 mới đưa ra xử sơ thẩm. Trong thời gian đó và tại phiên tòa, các đương sự không yêu cầu trưng cầu giám định gen.
Tòa căn cứ vào sổ hộ tịch được lưu giữ tại UBND phường, căn cứ văn bản Sở Tư pháp xác nhận “hai bản sao giấy khai sinh của Đặng Lưu Niệm và Đặng Thị Thái Thanh là một người” và dựa vào lời khai nhân chứng nên chấp nhận yêu cầu được chia di sản thừa kế của nguyên đơn. Tòa quyết định nguyên đơn được nhận phần thừa kế trị giá hơn 202 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định về hộ tịch thì ở trường hợp này công dân sử dụng khai sinh đăng ký trước là Đặng Lưu Niệm, còn khai sinh cấp lần hai tên Đặng Thị Thái Thanh không hợp pháp. Do đó hội đồng xét xử kiến nghị UBND P.Châu Phú B thu hồi giấy khai sinh cấp cho Đặng Thị Thái Thanh và hướng dẫn làm thủ tục cải chính theo pháp luật.
Bên bị đơn đã có đơn kháng cáo. Theo đó, bị đơn cho rằng nguyên đơn không có bản khai sinh gốc mà có tới bốn bản sao khai sinh mang sổ bộ và số thứ tự khác nhau, đồng thời người khởi kiện là Đặng Thị Thái Thanh nhưng Sở Tư pháp đã xác định giấy khai sinh mang tên này không hợp pháp.
Khi tòa chưa làm rõ tính hợp pháp của chủ thể khởi kiện mà chấp nhận yêu cầu khởi kiện là trái pháp luật. Mặt khác, trong bản sao giấy khai sinh dù ghi tên cha là Đặng L.P. nhưng không ghi rõ địa chỉ cụ thể, chỉ ghi vỏn vẹn “TP Long Xuyên, An Giang”, trong khi từ năm 1999 Long Xuyên mới lên thành phố.
“Với các bản sao khai sinh không rõ ràng này, chúng tôi thấy có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu nên đã yêu cầu phải làm rõ, nhưng tòa sơ thẩm không thực hiện” - ông Nguyễn Văn Hạnh, luật sư của phía bị đơn, nói.
ĐỨC VỊNH - Theo Tuổi Trẻ