Tòa lý giải bắt tạm giam để đảm bảo xét xử và thi hành án trong khi theo quy định, trường hợp này không cần thiết phải tạm giam.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 20-9, hai bị cáo Trần Đình Lập và Nguyễn Quốc Hoàng (đồng phạm với bị cáo Trần Định Mỹ Lân, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) trong vụ “hắt ly bia bị truy tố” đã bị TAND huyện Định Quán ra lệnh bắt tạm giam.
Trước đó trong giai đoạn điều tra, hai bị cáo này được cho tại ngoại, đã khai báo đầy đủ và không hề có biểu hiện bất hợp tác hay bỏ trốn. Bị cáo Lập lại đang bị bệnh tim, từng ngất xỉu tại tòa và đang trong giai đoạn điều trị. Ấy thế nhưng tòa cho rằng ra lệnh bắt hai bị cáo để bảo đảm việc xét xử và thi hành án.
Theo hồ sơ, trưa 10-10-2013, bà Lân cùng ông Lập (em trai bà) và ông Hoàng (lái xe) vào quán ăn trưa thì gặp ông Phạm Văn Trọng (Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Định Quán) cùng các cán bộ thuế đang ăn tại đây. Do trước đó có mâu thuẫn trong việc cưỡng chế nợ thuế nên bà Lân đã chửi bới, đưa điện thoại cho Hoàng quay clip. Sau đó bà Lân cầm ly bia tạt ông Trọng. Ông Trọng cầm khăn tay lau mặt thì bà Lân cầm ly bia khác tạt tiếp. Ông Lập cầm chai bia hăm dọa không cho các cán bộ thuế vào can. Khi ông Trọng chạy ra ô tô thì bị Lập đạp ngã khiến ông Trọng bị thương tật 1% tạm thời.
Sau đó VKSND huyện truy tố ba bị cáo tội làm nhục người khác theo khoản 2 Điều 121 BLHS (mức án đến ba năm tù) với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội đối với người thi hành công vụ. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14-7, VKS chuyển khung hình phạt xuống khoản 1 (mức án cao nhất đến hai năm tù) với lý do đoàn cán bộ thuế đi ăn trưa, ngoài giờ hành chính thì không phải đang thi hành công vụ. Phiên xử này bị tòa hoãn, trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số tình tiết mới.
Bị cáo Lập (phải) cùng hai bị cáo Lân và Hoàng tại phiên tòa trước đây. Ảnh: VĂN NGỌC
Ngày 9-9, tòa mở lại phiên xử, sau hơn 20 phút thì bị cáo Lập bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Bệnh viện báo cho tòa là Lập không đủ sức khỏe để tiếp tục, vì vậy tòa phải tạm hoãn.
Sau đó bệnh viện huyện có giấy chuyển bị cáo Lập lên BV Đa khoa Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Thế nhưng khi Lập chưa kịp chuyển viện thì ngày 20-9 đã bị công an huyện mời lên rồi bắt tạm giam luôn.
Theo hồ sơ bệnh án gia đình cung cấp thì bị cáo Lập sức khỏe khá yếu vì bị hở van tim ba lá cơ năng, vẹo cột sống, đái tháo nhạt, viêm dạ dày. Bị cáo Hoàng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân bị cáo là lao động chính.
Hai bị cáo này phạm tội ít nghiêm trọng, quá trình tại ngoại họ không vi phạm gì, không cản trở quá trình tố tụng. Vậy có cần thiết phải tạm giam họ?
THANH TÙNG
“Thấy cần thiết thì chúng tôi làm”
Trao đổi với PV, Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy, Chánh án TAND huyện Định Quán, nói: Lý do tòa ra quyết định bắt tạm giam hai bị cáo là để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án. Vụ án này đã kéo dài, cần phải giải quyết dứt điểm, tòa đã hai lần hoãn xử. Cạnh đó, việc triệu tập bị cáo đến tòa có khó khăn vì mỗi lần mời lên tòa để tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo Lập thường có thái độ bức xúc. Phiên tòa ngày 9-9 vừa rồi tòa phải tống đạt giấy tờ đến tận nhà bị cáo.
. Thưa bà, sức khỏe của bị cáo Lập hiện không tốt, bị cáo cần phải điều trị, liệu có cần thiết phải tạm giam?
+ Về mặt tình cảm, chúng tôi rất thông cảm với những bức xúc của gia đình các bị cáo nên đã ghi nhận sự phản ánh và sẽ trả lời. Nhưng về công việc thì chúng tôi phải làm nhiệm vụ của mình được pháp luật giao.
. Bà nghĩ sao khi quyết định tạm giam không có một trong những lý do quy định tại Điều 88 BLTTHS như có dấu hiệu bỏ trốn, cố ý cản trở quá trình tố tụng…?
+ Như đã nói, thấy cần thiết để đảm bảo xét xử thì chúng tôi làm.
. Nhưng ngay từ đầu hai bị cáo đã được tại ngoại, họ có nhân thân tốt, phạm tội ít nghiêm trọng, bị cáo Lập lại còn bị nhiều bệnh nặng?
+ Có thể ban đầu cơ quan điều tra cảm thấy không cần thiết phải tạm giam nhưng nay vụ án đã kéo dài, để đảm bảo cho việc xét xử thì chúng tôi thay đổi cũng là bình thường.
. Nhiều người nói việc bắt tạm giam là không cần thiết, bà nghĩ sao?
+ Anh là nhà báo, đến trao đổi thông tin thì tôi nói vậy chứ giờ tôi không thể khẳng định việc ra quyết định này của thẩm phán chủ tọa là đúng hay sai, nên hay không. Hôm qua tôi đã trực tiếp nhận đơn khiếu nại của mẹ bị cáo Lập về việc này và sẽ trả lời, nếu không đồng ý bà ấy có thể khiếu nại đến chánh án TAND tỉnh. Đúng hay sai, cần thiết hay không chúng tôi sẽ giải quyết qua con đường khiếu nại.
. Cám ơn bà.
Căn cứ tạm giam chưa ổn
Tòa lý giải chung chung rằng tạm giam để đảm bảo việc xét xử và thi hành án thì không sai nhưng chưa thuyết phục. Thứ nhất, về căn cứ pháp luật, khoản 1 Điều 88 BLTTHS quy định rõ việc tạm giam có thể được áp dụng với các bị can, bị cáo thuộc các trường hợp trong đó có: Phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Ở đây các bị cáo chỉ bị truy tố khoản 1 Điều 121 BLHS, có mức án (chỉ) đến hai năm tù, do đó căn cứ để tạm giam là chưa ổn. Thứ hai, về điều kiện để được tại ngoại, hai bị cáo này có đủ và thực tế cũng đã được tại ngoại từ suốt quá trình điều tra mà không vi phạm gì. Nay tòa thay đổi bằng cách tạm giam là không cần thiết và có cảm giác như đang nghiêm trọng hóa mọi việc lên.
TS PHAN ANH TUẤN,
Trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM
Không gây cản trở thì giam làm gì?
Hai bị cáo này bị truy tố ở điều khoản thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên không cần thiết phải tạm giam (như đã làm ở giai đoạn điều tra, truy tố). Khoản 1 Điều 88 BLTTHS quy định đối với bị can, bị cáo là người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam. Chỉ khi bị can, bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn, được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử… thì mới bắt tạm giam. Như vậy, trường hợp này hai bị cáo không vi phạm một trong các hành vi trên thì nên để cho họ tiếp tục tại ngoại. Điều này không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án của tòa, khi nào có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên họ phạm tội thì bắt giam cũng chưa muộn.
Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận
Chưa xử đã biết có tội!
Quá trình tham gia vụ án này tôi thấy có nhiều điểm bất thường. Ban đầu các bị cáo bị điều tra về hành vi cố ý gây thương tích nhưng khi thấy thương tật của bị hại 1% thì lại chuyển sang tội làm nhục người khác. Lúc ẩu đả bị cáo Lân cũng bị đánh, phải vào bệnh viện và yêu cầu được đi giám định nhưng cơ quan điều tra không cho.
Tại phiên tòa ngày 14-7, đại diện VKS từng đề nghị tòa phạt nặng hơn mức đề nghị trước đó vì bị cáo “không biết ăn năn nhận tội”, trong khi việc chối tội không phải là tình tiết tăng nặng.
Khi tòa ra quyết định tạm giam bị cáo Lập và Hoàng thì nói để đảm bảo việc thi hành án, vậy chẳng hóa ra tòa đã tính trước là sẽ xử có tội và tù giam các bị cáo hay sao? Trong khi nguyên tắc là không được suy đoán theo hướng buộc tội.
Luật sư PHẠM MINH TÂM,
người bào chữa cho bị cáo Lân và Lập