Sáng nay, đại diện VKS Hà Nội chỉ ra một số lỗi của tòa án khi giải quyết vụ Công ty Mạnh Cầm kiện Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường thành phố. Sau hơn 2 tiếng tranh tụng, tòa thông báo dừng phiên xử, nghỉ nghị án đến 27/9.
Trong ngày thứ hai của phiên xử, sáng hôm nay đại diện VKS cho rằng trong vụ kiện này TAND Hà Nội không xác minh, thu thập chứng cứ cũng như yêu cầu các bên đương sự cung cấp bằng chứng làm rõ các tình tiết.
Với 190 phiếu xuất kho thu giữ của Công ty Mạnh Cầm rồi chuyển cơ quan thuế, đại diện Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho là đã giải quyết đúng quy định vì nghi có vi phạm pháp luật về thuế. Nhưng theo VKS, đến giờ Chi cục chưa cung cấp kết luận của cơ quan chức năng xác định Mạnh Cầm sai phạm như thế nào. Hơn nữa, tòa án cũng chưa thu thập chứng cứ trong việc này để làm căn cứ giải quyết.
Thứ hai, với 7.190 lon sữa được phía nguyên đơn cho là có giá trị 1,25 tỷ đồng và coi đây là số tiền thiệt hại để đòi bị đơn bồi thường, VKS cho rằng tòa chưa yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ hay tổ chức xác minh thẩm định.
VKS nhận thấy việc tống đạt các quyết định vụ án còn chậm. Quyết định hoãn phiên tòa lần 2 vào đầu tháng 9 vừa qua với lý do nguyên đơn dân sự vắng mặt là không hợp lý... Đánh giá đây là "những thiếu sót không nhỏ", VKS kiến nghị tòa khắc phục.
Cũng trong sáng nay, luật sư của bị đơn một lần nữa đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, những căn cứ Mạnh Cầm khởi kiện Chi cục phó Vương Chí Dũng không đủ cơ sở pháp luật để kiện về sai phạm hành vi hành chính.
Luật sư cho rằng Đội quản lý thị trường số 12 của Chi cục kiểm tra Công ty Mạnh Cầm theo công văn khẩn của Cục trưởng cục quản lý thị trường, Bộ Công thương. Việc làm của Đội là đúng vì đã phát hiện sai phạm của Mạnh Cầm. Do số tiền xử phạt hơn 10 triệu đồng, Đội trưởng 12 không đủ thẩm quyền phải đề xuất Chi cục ra quyết định. Chi cục trưởng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đã ủy quyền cho cấp phó là ông Dũng. Theo luật sư, điều đó đúng quy định của pháp luật.
Về 190 tờ phiếu xuất kho, Đội 12 nhận thấy dấu hiệu sai phạm về thuế vì giá trên phiếu là 410.000 đồng một lon song trên hóa đơn giá trị gia tăng chỉ 115.000 đồng. Vì vậy Chi cục chuyển số tang vật này cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo luật sư, Công ty Mạnh Cầm bất nhất trong việc nêu thiệt hại. Lúc nói bị hỏng 5.600 lon sữa, khi bảo 7.190 lon; ban đầu đòi bồi thường 1,25 tỷ, sau đòi đòi 24 tỷ.
Tranh luận lại, đại diện nguyên đơn một mực đòi Chi cục cung cấp kết luận của cơ quan thuế về 190 phiếu xuất kho bị thu giữ. Bên cạnh đó, quyết định ủy quyền số 09 của Chi cục trưởng với ông Dũng được cho là không có giá trị pháp lý.
Sau hơn 2 tiếng làm việc, cho rằng vụ kiện có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX thông báo nghỉ nghị án, chiều 27/9 sẽ ra phán quyết.
Ngày 21/2/2013, Đội quản lý thị trường số 12 kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty Mạnh Cầm, trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đội thu giữ hơn 6.000 lon sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Danlait vì cho rằng sản phẩm được đăng ký là thực phẩm bổ sung nhưng được bán ra thị trường với nhãn phụ là sữa. Giá nhập về Việt Nam khoảng 4 euro một hộp 400gram (tương đương 110.000 đồng) nhưng Mạnh Cầm phân phối với giá tới đại lý là 350.000 đồng. Hơn nữa, theo quy chuẩn Việt Nam, sữa phải có hàm lượng đạm đạt từ 34% trở lên, song các sản phẩm này chỉ có độ đạm 11%-20%.
Ông Vương Chí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau đó ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Mạnh Cầm 15 triệu đồng.
Sau kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cùng văn bản xác định chất lượng của phía Pháp, Công ty Mạnh Cầm khởi kiện ông Vương Chí Dũng ra TAND Hà Nội.
Nguyên đơn cho rằng thời điểm chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng sản phẩm, ông Dũng đã phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng sản phẩm sữa của công ty không đạt chất lượng... Điều này khiến việc làm ăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, suýt phá sản, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.