Một trong những quan chức bỏ ngang làm doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Sơn (nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), chia sẻ: “Muốn kiếm tiền hãy ra ngoài xã hội”. Dường như cựu quan chức này đã biết gạt đi cái sỹ của người từng ở vị trí cao để bươn bả với thương trường.
Ông Nguyễn Việt Sơn đang chia sẻ ý tưởng để cuộc sống có ý nghĩa.
Thấy không đủ năng lực, xin nghỉ
Dư luận vẫn băn khoăn, điều gì khiến ông bỏ áo quan chức nhà nước để ra làm ngoài?
Tôi luôn quan niệm, nếu muốn kiếm tiền hãy ra ngoài xã hội, không nên dựa vào bầu sữa của nhà nước. Sau khi bước chân ra khỏi Sở Giao thông Vận tải, tôi tự hào không có bất cứ khoản thu nhập nào ngoài lương.
Khi còn đương chức, dịp tết nhất, anh em có ghé cho hộp mứt, chai rượu chứ tuyệt nhiên không có gì khác. Tôi vẫn hay chia sẻ với anh Ba Đua lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách trực tiếp (ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM), anh em mình có cái để tự hào. Năm 2007, sau khi ký hoàn thành phương án khả thi dự án metro, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thực hiện, Thành ủy giao cho tôi quản lý. Tôi tự thấy mình không có nghiệp vụ quản lý tiền, nhất là số tiền lại quá lớn, dễ gây thất thoát tài sản công, nên xin nghỉ. Chứ tiếp tục làm, thấy tiền quá dễ, biết đâu mình lại đưa tay ra lấy (cười)…
Ở cương vị Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, nếu điểm lại những việc đã làm, ông tâm đắc nhất việc gì?
“Đừng sống theo kiểu ôm hết của cải về mình. Nếu chỉ vì vật chất thì cuộc sống sẽ rất vô vị. Nếu chỉ lấy đi, không để lại cái gì, sớm muộn cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi: Mình sinh ra để làm gì? Mình đã làm được gì?”.
Cựu quan chức Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Sơn
Tôi tham gia đàm phán nhiều dự án giao thông lớn của thành phố. Đối với dự án metro đang triển khai, tôi gần như là người đặt nền tảng đầu tiên cho việc kết nối, đàm phán, chuẩn bị hồ sơ, ký hợp đồng tài trợ với phía Nhật Bản. Đại lộ Đông Tây tôi cũng tham gia tới giai đoạn ký hợp đồng khả thi. Dự án đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất, nay là đường Phạm Văn Đồng cũng vậy.
Riêng dự án này, tôi đề xuất từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn chia hai đường nối vào Sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó có một đường băng qua công viên Gia Định. Anh em bàn bạc thấy làm một con đường 60m, 10 làn xe nối thẳng vào sân bay phải đền bù tới 3.000 tỷ đồng để giải tỏa nhà dân; trong khi nếu chia làm hai đường vào, ra sân bay, một đường qua công viên vẫn đảm bảo lưu thông mà bớt được 2.200 tỷ đồng chi phí đền bù, giải tỏa. Đề xuất được lãnh đạo UBND TPHCM đồng ý, chỉ đạo lấy ý kiến sâu rộng của chính quyền địa phương, các chuyên gia và đặc biệt người dân tại khu vực nơi con đường đi qua.
Sau khi từ nhiệm phó giám đốc sở, trở về làm dân, ông làm nghề gì?
Tôi mở doanh nghiệp sản xuất bê tông nhựa. Đến bây giờ, sau 7 năm, vẫn làm bê tông nhựa, dĩ nhiên có mở rộng thêm một số lĩnh vực kinh doanh khác, như vận tải chuyên dụng, sản xuất vật liệu. Cái đinh của công ty vẫn là sản xuất bê tông nhựa. Hiện, tôi là Tổng giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng BMT.
Hoàn dân có dễ?
Trước là quan chức, mọi quyết định đều dễ dàng, nay làm “dân thường”, ông có gặp nhiều khó khăn?
Tôi may mắn hiểu được nguyên tắc quản trị trước khi lập doanh nghiệp nên cũng không bị vấp ngã nhiều. Tình cờ vào năm 1985, tôi được một anh học Đại học Havard (Hoa Kỳ) về tặng cho bộ sách của trường viết về “nguyên tắc quản trị”… Ông anh bảo đi Cần Giờ có thời gian rảnh nên đưa sách cho đọc. Tôi đọc, rất thích. Từ cuốn sách đó, sau này đọc sách của Phillip Kostler và một số tác giả khác nên nắm được nguyên lý phát triển, nền tảng quản trị… Thị trường vận hành theo nguyên lý của nó, không nắm được thì không thể thành công.
Những người không thành công là do không nắm được nguyên lý cơ bản của thị trường. Làm quan cũng là làm việc, làm công ty cũng phải làm việc. Còn về công việc thì tôi vốn yêu lao động, không ngại gian khổ, khó khăn, đồng cam cộng khổ với anh em nên cũng được anh em đồng đội quý.
Quy mô thời kỳ đầu chỉ bằng khoảng 1/10 hiện nay. Hiện, BMT có 3 công ty, một về bê tông nhựa, một vận chuyển chuyên dụng, một sản xuất vật liệu. Sắp tới, chúng tôi thành lập một công ty sản xuất dầu và plastic. Doanh số toàn hệ thống một năm trên 1.000 tỷ đồng.
Ở tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa) chắc hẳn nhìn lại cuộc đời, ông hiểu rõ điều gì là quan trọng?
Đời người chỉ có 70 năm, trôi đi rất nhanh nên cần phải sống một cuộc sống có ý nghĩa. Sống cho mình, nhưng phải có đóng góp. Không ai bắt mình, nhưng mình phải tự ý thức. Đừng sống theo kiểu ôm hết của cải về mình. Nếu chỉ vì vật chất thì cuộc sống sẽ rất vô vị. Nếu chỉ lấy đi, không để lại cái gì, sớm muộn cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi: Mình sinh ra để làm gì? Mình đã làm được gì? Sống mà chỉ suốt ngày nghiền thực phẩm thì đó là cuộc sống vô nghĩa. Là doanh nhân thì còn phải quan tâm tới anh em, đồng đội; trước hết trong công ty của mình, sau đó với xã hội.
Cảm ơn ông!