Cty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại bị tố đã đưa ra những điều kiện không thể thực hiện nổi trong hồ sơ bán đấu giá một số chất thải của Cty và có dấu hiệu tiêu cực trong việc bán các chất thải này cho Cty của nước ngoài. Ngày 12.9, chúng tôi đã đến làm việc với ông Tổng Giám đốc Phạm Văn Thư để làm rõ vấn đề trên.
Lại tuyên án một đằng, ra án một nẻo
- Cập nhật : 17/09/2014
Người dân tố cáo bản án mà chủ tọa tuyên đọc tại phiên tòa không ghi nhận ý kiến luật sư, quan điểm của tòa… nhưng trong bản án phát hành lại có đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Hiền (mẹ của Đỗ Quang Thạch, người được đình chỉ điều tra trong vụ án Phạm Văn Tho mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh) vừa gửi đơn tố cáo thẩm phán TAND TP Tây Ninh có hành vi tuyên án một đằng, phát hành bản án một nẻo.
Thêm hai nội dung
Như chúng tôi từng thông tin, Thạch (nguyên trung úy Công an huyện Châu Thành, Tây Ninh) và Phạm Văn Tho bị truy tố về ba tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban đầu cáo trạng quy kết Thạch và Tho đã chiếm đoạt tổng cộng gần 500 triệu đồng của 11 người bị hại. Sau đó Thạch được đình chỉ điều tra vì kết luận giám định thể hiện về y học trước, trong và sau khi gây án Thạch bị tâm thần phân liệt, hiện bệnh đang trong giai đoạn tiến triển. Về pháp luật, tại thời điểm gây án và hiện nay, Thạch không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Trong vụ án này, ban đầu tòa xác định bà Hiền là người liên quan, sau đó tòa xác định lại là bị đơn dân sự và người giám hộ đương nhiên của Thạch. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 31-7 vừa qua, TAND TP Tây Ninh đã phạt Tho tổng cộng 17 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Tho phải liên đới cùng vợ chồng bà Hiền bồi thường cho các nạn nhân gần 300 triệu đồng.
Sau phiên xử này, vợ chồng bà Hiền đã kháng cáo. Ngày 20-8, nhận được bản án phát hành chính thức của tòa, bà Hiền phát hiện bản án này có hai nội dung khác so với bản án được chủ tọa tuyên đọc công khai tại phiên xử mà bà ghi âm được.
Cụ thể, bản án tuyên đọc tại phiên xử không ghi nhận một ý kiến nào của hai luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà. Trong khi đó, hai luật sư này đã trình bày tổng cộng bảy vấn đề lớn, “vạch ra hàng loạt vi phạm tố tụng, các sai sót về đánh giá chứng cứ, nhiều mâu thuẫn trong xác định giá trị thiệt hại và tư cách tham gia tố tụng” và đề nghị tòa hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, định giá lại tài sản. Bản án được tuyên đọc này cũng không có một dòng nhận định nào về việc HĐXX chấp nhận hay không chấp nhận các ý kiến của hai luật sư.
Ngoài ra, bản án được tuyên đọc không ghi nhận về việc tại phiên tòa, đại diện VKS có ý kiến đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp theo Điều 42 BLHS (buộc bị cáo Tho và vợ chồng bà Hiền phải liên đới bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân).
Tuy nhiên, trong bản án tòa phát hành, hai nội dung trên đều có đầy đủ (thậm chí HĐXX còn dành gần một trang để nhận định, đánh giá về bảy vấn đề luật sư nêu và kết luận các ý kiến của luật sư là “không có căn cứ chấp nhận”).
Cần phải làm rõ
Theo bà Hiền, bà đã gửi đơn tố cáo khiếu nại đến lãnh đạo TAND, VKSND TP Tây Ninh và tỉnh Tây Ninh yêu cầu làm rõ hành vi tuyên án một đằng, phát hành bản án một nẻo của thẩm phán. Bà cũng nộp kèm băng ghi âm phiên tòa để làm bằng.
Để làm rõ hơn vụ việc, ngày 10-9, chúng tôi đã liên hệ với TAND TP Tây Ninh. Ban đầu chánh án tòa này cho cán bộ văn phòng xuống trả lời “hồ sơ vụ án đã được chuyển lên tỉnh, cứ lên đó liên hệ” nhưng sau đó lại lấy lý do thẩm phán thụ lý vụ án bận nên không gặp. Chúng tôi đến TAND tỉnh thì nơi đây cho biết mới chỉ nhận được đơn tố cáo của bà Hiền chứ hồ sơ vụ án chưa chuyển lên nên lãnh đạo tòa cũng từ chối cho ý kiến.
Về nguyên tắc, sau khi tuyên án xong thì tòa không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Nghị quyết 02 ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong hai trường hợp: Thứ nhất là khi phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự… Thứ hai là có số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như cộng, trừ, nhân, chia sai… mà phải sửa lại cho đúng.
Trong thực tiễn xét xử, nhiều bản án đã bị hủy vì có thêm các nội dung khác với bản án được chủ tọa tuyên đọc công khai tại phiên xử.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này khi có diễn tiến mới.
THANH TÙNG - Theo PLO