Nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng người được quyền mời luật sư, thống nhất một giấy chứng nhận bào chữa cho tất cả các khâu tố tụng...
Theo quy định hiện hành, luật sư (LS) tham gia tố tụng phải có chữ ký đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong khi đó, trên thực tế, người bị tạm giữ thường không biết LS nào để nhờ, cũng không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu LS. Thực tiễn hầu như chưa có trường hợp nào LS được tham gia ngay từ giai đoạn tạm giữ. Còn với bị can bị tạm giam, thông thường gia đình, thân nhân của họ sẽ thay mặt để nhờ LS. LS đem giấy giới thiệu tới trại tạm giam, nhà tạm giữ nhưng không thể gặp bị can để lấy ý kiến rằng có đồng ý cho mình bào chữa hay không mà phải đưa qua điều tra viên (ĐTV). Và nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” với LS đã xuất phát từ đây.
Mở rộng người được quyền mời LS bào chữa
Chuyện đầu tiên mà các LS phải đối mặt là ĐTV thường kéo rê thời gian cho LS vào với rất nhiều lý do khác nhau. Sau khi LS lui tới nhiều lần hoặc bức xúc quá khiếu nại thì ĐTV mới đưa ra câu trả lời rất oái oăm là “bị can không đồng ý LS”. Nhiều trường hợp ĐTV còn đưa ra bút tích của bị can ghi rõ việc này.
Ai cũng biết chuyện bị can từ chối LS như vậy là rất bất thường, bởi khi đang gặp bất lợi vì vướng vào vòng lao lý, người nào mà lại không muốn có LS bảo vệ mình. Tuy nhiên, gặp trường hợp tréo ngoe này, dù biết là bất thường, các LS cũng không biết làm sao.
Theo LS Trần Cảnh Nhứt (Chủ nhiệm Đoàn LS TP Đà Nẵng) và LS Lê Công Bàn, để tháo gỡ vướng mắc này, BLTTHS cần phải quy định rằng bất kỳ ai là người thân, người quen, bạn bè của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam cũng đều có quyền nhờ LS cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Về đề xuất này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận xét luật có thể quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa không bắt buộc phải có chữ ký đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam. Tuy nhiên, sau khi LS đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, sau khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam đã được gặp, làm việc trực tiếp với LS mà họ thấy không hài lòng thì họ vẫn có quyền từ chối LS để tự mình hoặc liên hệ với gia đình nhờ LS khác. Đây là quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam mà pháp luật phải tôn trọng.
Luật sư bào chữa trong một phiên tòa hình sự. Ảnh: D.HẰNG
“Đấu trí” chứ không nên “đấu lực”
Xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa từ giai đoạn điều tra đã khó khăn rồi, đến khi được tham gia vào vụ án, LS cũng chưa hết khổ. Nhiều LS của Đoàn LS TP Đà Nẵng cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn khi xin tiếp xúc với thân chủ trong quá trình điều tra. LS lệ thuộc hoàn toàn vào ĐTV và bị kiểm soát chặt chẽ khi gặp thân chủ.
LS Võ Văn Đáng (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Đà Nẵng) góp ý: “Luật nên có quy định khi LS tiếp xúc với thân chủ trong trại giam thì chỉ bị giám sát về tầm nhìn chứ không giám sát về tầm nghe”. Theo LS Đáng, có những vấn đề mà thân chủ muốn bày tỏ, trải lòng với LS nhưng vì có sự giám sát của ĐTV ở đó nên họ lại sợ.
LS Trần Thiên Thanh phản ánh một số trường hợp ĐTV nóng nảy. Có trường hợp khi LS tham gia chứng kiến việc lấy cung, ĐTV cau mày quát bị can: “Mày thấy có LS mày ngoan cố à?”. Chuyện này thể hiện ĐTV đó rất thiếu chuyên nghiệp. Bởi lẽ lấy cung là một hình thức “đấu trí” chứ không phải “đấu lực”. ĐTV không nên sử dụng sức mạnh quyền lực để thị uy với bị can.
Một giấy cho tất cả giai đoạn tố tụng
Bên cạnh đó, nhiều LS cũng bày tỏ quan điểm rằng nên có sự thông suốt trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho LS tham gia tố tụng qua các giai đoạn tố tụng khác nhau.
Theo LS Võ Văn Đáng, việc cứ ở mỗi giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), LS lại phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa như hiện nay đang gây mất thời gian, phiền hà cho các LS. “Luật nên quy định LS chỉ cần một giấy chứng nhận người bào chữa để tham gia xuyên suốt các giai đoạn tố tụng, cho đến khi nào thân chủ không có nhu cầu nhờ LS nữa thì thôi” - LS Đáng đề nghị.
DƯƠNG HẰNG
“Không ngang hàng, làm sao tranh tụng”!
Tại buổi làm việc, đại diện VKSND TP Đà Nẵng có ý kiến không đồng tình với việc TAND TP Đà Nẵng sắp xếp ghế ngồi của kiểm sát viên (KSV) và LS ngang hàng tại phòng xét xử. Theo đại diện VKS, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này và nếu tòa muốn thay đổi thì phải có hướng dẫn của liên ngành để có sự thống nhất chung trong cả nước.
Trả lời, Thẩm phán Trần Huy Đức (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng) khẳng định dù không có văn bản hướng dẫn nhưng luật không cấm việc sắp xếp ghế ngồi ngang hàng này. “Không ngang hàng thì làm sao tranh tụng. Vì thế chúng tôi quyết định đặt ghế ngồi của KSV ngang hàng với LS” - Thẩm phán Đức nói.
Nhiều LS không sống được bằng nghề
Nhiều LS của Đoàn LS TP Đà Nẵng cho biết thu nhập bằng nghề LS “không đủ sống nếu không có lương hưu”. Theo thống kê của Đoàn LS TP Đà Nẵng, trong chín tháng đầu năm 2014, các tổ chức hành nghề LS thuộc đoàn đã thực hiện giúp đỡ pháp lý 963 vụ, trong đó có 115 vụ án hình sự nhưng có tới 72 vụ là chỉ định, chỉ có 43 vụ do khách hàng mới. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tại TP Đà Nẵng chưa cao. Nguyên nhân một phần do kinh tế, một phần do người dân chưa có thói quen nhờ LS tư vấn, hỗ trợ pháp lý.