Trong khi luật sư cho rằng quy định nghi can có quyền không khai báo để chờ luật sư bào chữa sẽ giảm bức cung, dùng nhục hình, có ý kiến quan ngại việc này bị lợi dụng gây cản trở quá trình phá án.
Đã nghe đã thấy: Nghe Bộ trưởng Luận nói, rầu càng rầu hơn
- Cập nhật : 30/09/2014
Tuần qua, kỳ thi quốc gia chung bỗng trở thành sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có phiên báo cáo giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Bởi vì sau khi nghe bộ trưởng giải trình, kỳ thi chung đã rối càng… thêm rối!
Lo lắng về tính không công bằng, không nghiêm túc của cụm thi do địa phương chủ trì, một đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Luận: Làm thế nào để kết quả hai cụm thi (cụm kia do trường đại học (ĐH) chủ trì - NV) đạt mặt bằng chất lượng như nhau? Thay vì trả lời thẳng câu hỏi, Bộ trưởng Luận lại cho rằng câu hỏi này đặt vấn đề “mặt bằng chất lượng giữa các cụm thi với giả thiết chỗ này nghiêm, chỗ kia chưa nghiêm là không công bằng” (!?) Sau đó vị bộ trưởng dẫn vụ tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang) trước đây để chứng minh Bộ đã xử lý nghiêm túc (ơ hay, người ta hỏi làm thế nào để đừng xảy ra tiêu cực chứ không phải chờ xảy ra rồi mới xử lý). Sau đó ông Luận đưa ra giải pháp mà ai cũng thấy là… rất chung chung: Hướng tổ chức kỳ thi tại các địa điểm thi phải công bằng; giao cho các trường ĐH tổ chức thi ở cụm đều phải kiểm tra đánh giá; yêu cầu các sở, UBND tỉnh làm tốt; kiểm tra giám sát Bộ phải làm. Cố gắng có kỳ thi tin cậy, công bằng với tinh thần phải đổi mới. Nghe bộ trưởng nói xong thì người dân lo vẫn hoàn lo!
Trước đó, đại diện Bộ GD&ĐT nói thí sinh nào không có nhu cầu thi vào ĐH thì chỉ cần đăng ký thi ở cụm thi địa phương. Nhưng cũng tại buổi giải trình trên, bộ trưởng lại khẳng định thí sinh thi cụm địa phương vẫn còn cơ hội vào ĐH. Nhiều nhà giáo nói chủ trương của Bộ như vậy là tiền hậu bất nhất. Nhiều trường ĐH cho rằng các thí sinh này đã không có ý định vào ĐH nên mới thi tốt nghiệp ở địa phương, nay lại mở cánh cửa cho vào ĐH là không công bằng với các thí sinh thi cụm tập trung. Với cách giải thích như Bộ trưởng Luận, các thí sinh chắc chắn sẽ dồn về cụm thi địa phương cho… “phẻ”. Tuy nhiên, giải thích này càng làm cho các trường ĐH lo vì chất lượng thí sinh sẽ không bảo đảm. Bởi vậy, tuần qua có trường ĐH đã thẳng thừng nói không nhận thí sinh thi cụm địa phương vì lo ngại chất lượng!
Bộ trưởng cho biết với các thí sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp THPT, để tạo điều kiện cho các cháu, Bộ tổ chức cụm thi ở tỉnh để các cháu đỡ đi lại, tốn kém, nhất là thí sinh miền núi nơi một huyện có thể rộng bằng cả tỉnh ở đồng bằng. Thoạt nghe bộ trưởng nói thì hợp lý nhưng ngẫm lại thì… vô lý! Vì với thí sinh không có nhu cầu vào ĐH nếu năm ngoái thi tốt nghiệp ở địa phương mình thì năm nay phải khăn gói đi thi theo cụm địa phương, có nghĩa thí sinh phải đi xa hơn, vậy “tạo điều kiện cho các cháu” chỗ nào!
Để kết thúc bài viết về cái sự rối rắm của cụm thi, xin mượn lời phát biểu của ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương: “Các trường ĐH tổ chức thi nhưng giám đốc sở GD&ĐT ký bằng tốt nghiệp THPT là điều trái khoáy!”. Phương án đã lên rồi, làm sao gỡ? Thiệt là nan giải!
QUANG ÂN - Theo: PLO