Cú rẽ cuộc đời mang đến cho “ông bầu tóc bạc” sự giàu có. Tự tin và xảo thuật trên con đường kiếm tiền cũng đã dẫn Nguyễn Đức Kiên đến ngày bĩ cực, đến bốn bức tường nhà lao.
Tranh luận VietinBank - ACB: Lộ khoảng tối của các ngân hàng
- Cập nhật : 30/05/2014
Nếu như luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của ACB tố VietinBank “sơ hở, chủ quan, dễ dãi, yếu kém và phá bỏ những nguyên tắc cơ bản” thì hôm nay, đại diện VietinBank cho rằng ACB đã “liều lĩnh, lách luật, vì siêu lợi nhuận, lừa dối, góp phần bóp méo quy luật thị trường…”.
Cuộc đối đáp giữa hai bên đã lộ ra những khoảng tối trong hoạt động ngân hàng.
Lách luật và lừa dối NHNN
“Liên quan đến khoản tiền 718 tỷ đồng, trước hết, nói về mặt hình thức thì giữa ACB và VietinBank không có một giao dịch gì cả, không có một thỏa thuận hay hợp đồng nào cả. Về nội dung, qua kết quả của quá trình điều tra thì khoản tiền 718 tỷ được kết luận là tiền của ACB gửi vào VietinBank. Câu chuyện ở đây là gì?”- vị đại diện VietinBank mở đầu.
Theo đại diện VietinBank, NHNN đã tạo ra một sân chơi riêng cho các ngân hàng với nhau là thị trường liên ngân hàng, vậy tại sao ACB không dùng thị trường liên ngân hàng này để gửi tiền vào VietinBank? ACB đang cố tình lách luật, vì lợi nhuận cao, siêu lợi nhuận, ở đây có sự lạm dụng, lách luật và lừa dối NHNN.
Trong góc độ hạch toán, chắc chắn rằng ACB không bao giờ dám báo cáo với NHNN về chuyện ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền ở VietinBank mà sẽ hạch toán bằng con đường liên ngân hàng. Do đó đứng về góc độ quản lý nhà nước, NHNN không thể biết và không thể quản lý được nếu như các ngân hàng đều làm như vậy. Đây là hành vi lách luật và trốn tránh sự quản lý của Nhà nước…
“Hành vi này đã góp phần làm bóp méo quy luật thị trường”- vị đại diện Vietinbank gay gắt.
Lỗi chết người của nhân viên ACB?
Đại diện VietinBank cũng cho rằng, có sự nhầm lẫn khi một số luật sư luôn nói rằng tiền của ACB đã vào tài khoản của VietinBank. Điều này không đúng vì tài khoản VietinBank cũng giống ACB, được mở tại trung tâm giao dịch số 1 Lý Thái Tổ chứ không phải tài khoản của VietinBank ở 79 Hàm Nghi. Do vậy, dùng từ “tiền đã vào tài khoản VietinBank” là sai, dùng như Nguyễn Đức Kiên là đúng: “tiền của các cá nhân ACB đã vào tài khoản của chính các cá nhân được mở tại một điểm giao dịch của VietinBank”.
Vị đại diện cũng cho rằng, việc các luật sư lập luận: “các nhân viên không ký lệnh nào sao tiền lại cứ đi” là nhận xét sai lầm. Trong hồ sơ thể hiện rất rõ, có trên 80 lệnh chi của chính các cá nhân nhân viên ACB ký khống khi chưa có tài khoản nơi thụ hưởng và giao các lệnh chi khống đó cho Huỳnh Thị Huyền Như. Đây là kẽ hở chết người để Như có đủ cơ hội thực hiện mà VietinBank không thể biết được. Tiền đi từ tài khoản thanh toán thông qua lệnh chi hoàn toàn không đi từ tài khoản tiết kiệm. Lỗi chết người này xuất phát từ các nhân viên của ACB.
Vốn ảo lãi thật
Đại diện VietinBank cũng cho rằng, việc ủy thác gửi tiền làm nổi lên vấn đề vốn ảo lãi thật.
“Trong việc ACB ủy thác cho cá nhân, không riêng gì VietinBank mà rất nhiều ngân hàng khác giật mình sửng sốt và cho rằng đây là việc quá liều lĩnh, không ai dám làm như vậy”- vị này nói.
Để dẫn chứng, vị này dẫn lại lời khai của bị cáo Trịnh Kim Quang tại tòa về việc ACB có cảm giác là bị rủi ro hay không? Bị cáo Quang khai: có sợ chứ, ngay bản thân các nhân viên của mình, người ta rút tiền của mình, ẵm tiền của mình trốn thì sao? Câu chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Kể cả trong trường hợp nhân viên có cầm hợp đồng về nộp cho ACB nhưng ngày mai cũng vẫn toàn quyền dùng lệnh chi rút ra bằng tiền mặt và trốn.
“Như vậy tức là bản thân ACB cũng nhìn trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn liều lĩnh vì lợi nhuận”- đại diện ACB quy kết.
“VietinBank không bao giờ dám giao tiền cho nhân viên đi gửi tiền ở NH khác, trong khi ACB sẵn sàng liều lĩnh để thực hiện việc này. VietinBank không bao giờ có những công ty sân sau để phát hành trái phiếu, rồi dùng tiền bán trái phiếu để mua cổ phiếu, dùng cổ phiếu để thế chấp…”- vị đại diện nói đến đây thì chủ tọa ngắt lời do phần trình bày đã vượt ra ngoài phạm vi vụ án.
ACB: “VietinBank sơ hở, chủ quan, dễ dãi…”
Trong khi đó, hôm qua, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB lại cho rằng VietinBank đã sơ hở, chủ quan, dễ dãi, yếu kém và phá bỏ những nguyên tắc cơ bản, nên đã chấp nhận thẻ tiết kiệm giả, chứng từ giả, hồ sơ giả, chữ ký giả để tội phạm rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đồng thời cũng là rút tiền thẳng từ trong kho két, “ruột gan” của mình.
Theo luật sư, là ngân hàng cung cấp dịch vụ và trực tiếp quản lý tài khoản, VietinBank không thể chối bỏ được trách nhiệm. Trong vụ án này, việc VietinBank cho tội phạm rút tiền, chuyển tiền, nhận cầm cố bằng các chứng từ, giấy tờ, hồ sơ giả chữ ký của khách hàng không phải chỉ xảy ra tại chính Phòng giao dịch do Huỳnh Thị Huyền Như làm trưởng phòng, mà cả ở nơi khác. Không phải chỉ một vài giao dịch mà hàng trăm giao dịch; không phải chỉ trong thời gian Như còn làm trưởng phòng, mà cả khi không còn chức vụ, quyền hạn gì nhưng vẫn dễ dàng dùng hồ sơ giả, chữ ký giả vay được hàng trăm tỷ đồng tại các Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Võ Văn Tần, tại 2 Chi nhánh Hồ Chí Minh và Nhà Bè.
“VietinBank đương nhiên phải trả lại tiền gửi, nếu mất thì phải bồi thường cho khách hàng, vì trách nhiệm cơ bản nhất, tối thiểu nhất của ngân hàng là phải quản lý an toàn, chính xác và bảo mật tiền gửi của khách hàng. Ngân hàng nào phủ nhận nguyên tắc này, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đóng cửa”- vị luật sư gay gắt.
Trong phần tự bào chữa của mình hôm qua, Nguyễn Đức Kiên cũng đã nói: “Tôi mong muốn VietinBank phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Vietinbank là ngân hàng lớn như thế mà không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, của nhân viên mình…”.
Tin Phap Luat
Theo THU NGUYỆT // PLO