Sáng nay 28/11, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tiến hành xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) cùng đồng phạm về 4 tội danh khác nhau. Trong đó “bầu” Kiên bị cáo buộc là người chủ mưu bị xét xử với 4 tội danh.
10h35 phút HĐXX tuyên bố nghỉ giải lao và sẽ xem xét đề nghị của các luật sư và bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX cho triệu tập đại diện Bộ Tư pháp và Phòng ĐKKD nhiều địa phương
-----
10h15 phút, HĐXX kiểm tra căn cước xong của các bị cáo và những người có mặt tại phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
HĐXX gồm thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh, Nguyễn Thị Hoài Linh, ông Nguyễn Minh Quang, bà Nguyễn Thị Minh Thu. Đại diện VKSND Tối cao là các ông Lê Thư Vĩnh, Nguyễn Hoài Nam.
Luật sư Lưu Văn Tám, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho bị cáo Lý Xuân Hải đề nghị HĐXX, cho các luật sư bào chữa được ngồi gần nhau và giờ giải lao cho phép các luật sư được tiếp xúc với thân chủ của mình và cho người nhà gặp mặt các bị cáo. Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX cho phép luật sư được mang máy tính và điện thoại di động vào tòa.
10h25phút, bầu Kiên đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ tư pháp vì một số hồ sơ pháp lí có liên quan đến quy định của Bộ tư pháp. Đồng thời bị cáo Kiên đề nghị HĐXX mởi đến tòa đại diện Phòng đăng kí kinh doanh của các tỉnh thành Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai. Theo bị cáo Kiên, vì các công ty của bị cáo là được các phòng đăng kí kinh doanh này cấp phép.
Bầu Kiên tiếp tục đề nghị HĐXX hạn chế cách li bị cáo và cho rằng đây là phiên tòa xét xử công khai, luật sư có quyền được biết các cáo khác nói gì và luật sư nói gì.
HĐXX kiểm tra căn cước bị cáo Nguyễn Đức Kiên
Trước đó, ngày 9/6, HĐXX TANDTP Hà Nội đã tuyên án với các bị cáo theo các mức án khác nhau. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng mình bị oan. Theo đó, Nguyễn Đức Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Các bị cáo, Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB); Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB); Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB); Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB); Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị ACB), có đơn kháng cáo cho rằng mình không phạm tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nên đề HĐXX tòa phúc thẩm, TAND Tối cao xem xét.
Hai bị cáo đã bị xử tại cấp sơ thẩm là Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) không có kháng cáo.
----
9h10 phút, HĐXX công bố danh sách những đơn vị, cá nhân liên quan có mặt và vắng mặt tại tòa.
9h20, HĐXX kiểm tra căn cước bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm.
Bầu Kiên trông già và gầy hơn so với lần xuất hiện trước tòa ở phiên sơ thẩm
Lực lượng cảnh sát mở còng cho bầu Kiên trước giờ xét xử phúc thẩm
9h, bầu Kiên được dẫn giải vào tòa. Vẫn với chiếc sơ-mi trắng sạch sẽ, gọn gàng nhưng bị cáo nổi tiếng này có vẻ già đi nhiều. Bị cáo Kiên được các cảnh sát mở còng, chuẩn bị cho phiên xét xử.
----
Bà Đặng Ngọc Lan - vợ "bầu" Kiên có mặt tại phiên tòa phúc thẩm với chiếc sơ-mi trắng tươm tất
Phiên tòa Phúc thẩm cũng có mặt của Huỳnh Thị Huyền Như.
8h20 phút, Tòa đang tiến hành kiểm tra sự có mặt của một số cơ quan chức năng, các cá nhân có liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Theo quan sát của phóng viên tại phiên tòa, bị án Nguyễn Thị Hải Yến xuất hiện tại tòa trong trang phục màu đen, bị án Yến không có kháng cáo tại phiên phúc thẩm.
---
Khoảng 6h45 phút sáng nay, 28/11, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm được dẫn giải đến tòa.
7h30, công tác kiểm tra an ninh tại tòa được tiến hành đối với các phóng viên theo dõi tòa.
Huỳnh Thị Huyền Như, cũng có mặt tại phiên tòa sáng nay.
Trước đó, ngày 20/5, TANDTP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Liên quan đến vụ án này còn có cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá. Tuy nhiên do ông Giá bị bệnh nặng phải nằm viện không thể tham dự phiên tòa, sau khi có đơn cùng với hồ sơ bệnh án, HĐXX quyết định tạm đình chỉ riêng đối với phần vụ việc liên quan đến ông Trần Xuân Giá.
Sau hơn 10 ngày xét xử, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”, 6 năm tù về tội “Trốn thuế” ,20 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hình phạt chung dành cho bị cáo Kiên là 30 năm tù giam. Ngoài ra phạt bị cáo Kiên số tiền 75 tỉ có dư, phạt hành vi lừa đảo 100 triệu xung quỹ, cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong thời hạn 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Đối với các bị cáo khác, HĐXX tuyên phạt Trần Ngọc Thanh phạt 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hải Yến phạt 5 năm tù cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Lý Xuân Hải, 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”; Lê Vũ Kỳ, 5 năm tù; Trịnh Kim Quang, 5 năm tù; Phạm Trung Cang 3 năm tù; Huỳnh Quang Tuấn, 2 năm tù cùng tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong ngân hàng trong vòng 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Những chiếc xe thùng chở các bị cáo đến tòa sáng nay 28/11
Các phóng viên làm thủ tục tham dự đưa tin phiên tòa.
Theo: Tuấn Hợp-Dân trí