Những năm 1990, bóng đá Việt Nam nổi tiếng với hàng loạt trận đấu móc ngoặc mà mùa nào cũng ồn ào, kiện cáo rồi lại hòa cả làng sau lễ tổng kết.
Phiên tòa bóng đá mùa 1997 chỉ có cầu thủ và trùm cá cược Sơn “cao” ra tòa trong khi lãnh đạo các đội bóng đều thoát
Cho đến năm 1998 thì xảy ra một vụ án bóng đá nổi đình nổi đám, được cả nước chú ý vì có liên can đến nhiều tuyển thủ quốc gia.
Vụ án xuất phát từ rất nhiều vụ móc ngoặc, bắt tay dàn xếp tỉ số của lãnh đạo các đội bóng nhưng lần này bị “bể” vì ăn sâu tới giới cá cược và cầu thủ bị xã hội đen đòi cắt gân nên mới đầu thú và thành án!
Sơn “cao” tung tiền làm độ
Năm 1997, đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự SEA Games 19 dưới thời Colin Murphy và vinh dự đoạt HCĐ trong nước mắt. Ai cũng nhớ bàn thắng tuyệt đẹp của Nguyễn Phúc Nguyên Chương quyết định đến chiếc HCĐ trong trận tranh hạng ba với Singapore. Đội tuyển Việt Nam khi ấy trở về trong biển người hâm mộ hạnh phúc nhưng có một vài cầu thủ lại được bí mật bảo vệ vì nguy cơ bị xã hội đen tiếp cận rất cao. Đặc biệt là những cầu thủ khoác áo Hải Quan lên đội tuyển quốc gia.
Nguyên nhân không phải họ làm “độ” ở đội tuyển mà liên quan đến vụ án ở giải vô địch quốc gia năm 1997. Giải đấu mà sau này cơ quan điều tra càng đụng vào thì càng “lở loét” bởi các cấp lãnh đạo dính vào nhiều quá.
Mùa bóng 1997 là một trong những mùa bóng khốc liệt khi mà đội nào tham dự cũng đặt chỉ tiêu trụ hạng. Trên thực tế, từ lâu việc trụ hạng đã là yêu cầu thiết yếu của nhiều đội bóng, nhiều địa phương. Trước mục tiêu cần kíp đấy, lãnh đạo của nhiều đội bóng đã lén liên lạc với nhau và lên kế hoạch bằng những “cú bắt tay” nhằm đổi lấy sự an toàn cho hai lượt đấu theo công thức “lượt đi tôi cho anh 3 điểm và lượt về anh trả tôi đủ điểm 3”.
Ông chủ tịch VFF thời bấy giờ là Mai Văn Muôn nhờ sự giúp sức của cơ quan điều tra đã triệu tập lãnh đạo bảy đội bóng lên và tất cả đều thừa nhận có bắt tay móc ngoặc.
Công thức đấy thực chất thì không mới nhưng mùa 1997 nó lại rầm rộ giữa lãnh đạo các đội bóng có nhiều “sạn” và nhiều mối quan hệ. Đó là các đội CA Hải Phòng, Hải Quan, Đồng Tháp, CA Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa… Mục đích của những cái bắt tay đấy là những trận gặp nhau theo công thức “3 đi, 3 về” là các đội không mất sức đá thật, lại tránh được tổn thất do thẻ phạt và có thể đưa cầu thủ trẻ ra thử lửa mà không lo mất điểm nhưng vẫn chắc chắn sau hai lượt sẽ có 3 điểm bỏ túi.
Thế nhưng chính lãnh đạo các đội bóng cũng không ngờ rằng thông tin bắt tay đấy lại bị các tay trùm xã hội đen và giới cá cược rất quan tâm. Họ lân la tìm đến các cầu thủ và kết bạn, ban đầu bằng những chầu nhậu, tiếp theo là cho tiền các em tiêu xài rồi đặt thẳng vấn đề trận này đá thế nào, tỉ số bao nhiêu, chấp mấy, nằm kèo nào…
Thường thì mỗi đội bóng khi lãnh đạo “đá trên bàn” xong xuôi thì ít nhất có bốn vị trí chủ lực của đội sẽ được thông báo riêng. Từ đó các vị trí chủ lực này sẽ thông báo cho những đàn em điều chỉnh kết quả theo kiểu “bật - nhả” để biết trận đấu đấy có “kèo” và đừng phá kèo bởi ở trên đã “book” rồi.
Hồi đấy đội Hải Quan được săn sóc bởi trùm cá cược Sơn “cao”, một tay buôn ô tô nhưng rất mê đỏ đen từ sân bóng. Sơn “cao” là mối của Hải Quan và một số đội bóng khác, thường lân la với các trụ cột để tính chuyện đá theo tỉ số.
Hầu hết những trận có Hải Quan đá Sơn “cao” đều làm độ và đánh rất lớn. Sơn thắng nhiều và chi cũng rất hào phóng cho các cầu thủ để giữ mối.
“Vỏ quýt dày, móng tay nhọn”
Hẳn nhiên, trong thương trường bao giờ cũng có những tay máu mặt tham gia. Các canh bạc của Sơn “cao” có nhiều lúc ăn độ của cả những tay cá cược đất Hà thành và Hải Phòng. Những tay này không chịu để yên, họ cũng có chân rết trong những đội bóng khác, nếu Sơn “cao” móc được thì những tay trùm đấy cũng có thể “móc” hơn thế!
Những canh bạc của Sơn “cao” bỗng nhiên “lún” dần, đặc biệt rơi vào những trận có Hải Quan đá. Điển hình như trận thắng CA Hải Phòng, theo kế hoạch của Sơn “cao” là 2-1 thế mà hai đội lại rời sân với kết quả 3-1. Rồi trận thắng Lâm Đồng lẽ ra chỉ hai bàn cách biệt thì Hải Quan lại ăn quá h?p?
Sơn “cao” cầm nhà, bán ô tô rồi thiếu nợ đủ thứ. Sơn “cao” xoay qua nghi ngờ các cầu thủ Hải Quan ăn “hai mang”, nhận tiền của những tay trùm Hà Nội, Hải Phòng nên bắt đầu thuê xã hội đen dằn mặt và dọa cắt gân một số cầu thủ vẫn “ăn chịu” để triệt đường đá bóng!
Sợ quá, các cầu thủ Hải Quan tự thú lên Phòng CSHS Công an TP.HCM mà đứng đầu hồi đó là ông Dương Minh Ngọc. Chuyên án liên quan đến đường dây cá cược bóng đá và xã hội đen cùng cầu thủ bắt đầu được tiến hành. Thời điểm đấy các cầu thủ Hải Quan, đặc biệt là những người đang tham gia đội tuyển, rất lo lắng bởi không biết khi nào thì công an phá án hoặc khi nào thì mình bị “cắt gân” như lời hăm dọa. Đó là lý do vì sao lễ trao giải Quả bóng vàng 1997 tổ chức vào đầu năm 1998 tại hồ bơi Phú Thọ, các cầu thủ như Đỗ Khải, Nguyên Chương (đều của Hải Quan) đã được bí mật bảo vệ rất cẩn thận, đề phòng việc bị xã hội đen thanh toán cắt gân.
Bắt một vụ cá cược bóng đá.
Cuối cùng thì vụ án trên cũng bị phanh phui. Sơn “cao” - kẻ chủ mưu bị bắt và các cầu thủ trụ cột của Hải Quan phải ra trước vành móng ngựa.
Đến lúc đấy mọi người mới biết các cầu thủ của ta thật ngu ngơ và ngờ nghệch trong nhận thức về luật pháp. Thậm chí còn có lời khai từ các cầu thủ trẻ làm theo lệnh của các anh lớn là: “Nếu không nghe các anh đấy mà đá theo tỉ số đã định thì làm sao được ra sân đá chính và làm sao có chỗ đứng trong một tập thể toàn những cầu thủ lớn?”.
Con đường phạm tội của các cầu thủ trẻ đơn giản như thế đấy. Chỉ vì muốn có chỗ đứng và họ đã phải theo mấy anh phạm pháp để rồi ra tòa đứng khóc ngon lành khi lặp đi lặp lại câu “Dạ, bị cáo không biết, các anh lớn nói sao bị cáo làm như vậy, bị cáo không thể làm khác…”.
Phiên tòa đấy khép lại, để lại nơi những người làm bóng đá và những người cho con theo nghiệp bóng đá một nỗi lo lớn, bởi thấy rất rõ môi trường bóng đá quá dễ phạm tội.